Hàm Anh
Chị Thu là kế toán trưởng cho một công ty tư nhân, không có thời giờ ra chợ mỗi ngày, thậm chí ngay cả siêu thị đôi khi cũng không thể đi. Có lúc qua Net, chị nhờ tới một dịch vụ đi chợ mua hàng theo danh sách của khách hàng gửi tới gồm các thứ rau cỏ thịt cá. Nếu muốn, họ sơ chế sẵn, khi nhận được, chị bỏ vào tủ lạnh và chỉ cần bỏ vào nồi xào nấu ngay.
Các món hàng khác cũng tìm vào Net cả. Chị cho biết:
– Tôi mua sắm tất cả mọi thứ trên Net tiết kiệm thời giờ khỏi phải đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác. Chỉ cần ngồi trước màn hình có thể mua khắp cả thế gian.
Đúng là nhìn vào màn hình với vài cú bấm chuột, mọi sản phẩm quảng cáo đều hiện ra ngay trước mắt mà không cần phải đi lang thang mỏi chân trong các tiệm để nhìn ngắm, nhấc lên bỏ xuống, hỏi han nhiều lần, trả giá… lại có thể so sánh hàng các shop khác nhau một cách mau lẹ.
Điều hiển nhiên khiến hàng online thu hút nhiều khách chính là giá cả rẻ hẳn hơn rất nhiều. Một chiếc bếp ga mua ngoài cửa hàng giá năm trăm ngàn nhưng trên mạng chi còn hơn ba trăm. Một cây chụp hình bên ngoài ba trăm ngàn, trên mạng giá một trăm… Lý do vì hàng bán trên mạng không chịu chi phí phần thuê mướn cửa hàng, nhân viên, trang trí trưng bày hàng hóa, và nhất là cả thuế nữa. Vì thế mà Sở Thuế đang bắt đầu để mắt đến khu chợ online không lồ này. Chắc chắn số tiền thuế nếu thu được từ đây không phải là con số nhỏ.
Tuy nhiên không phải chỉ có những người bận rộn, nhân viên văn phòng ngồi một chỗ mới tìm đến mua hàng online mà khách hàng của lãnh vực này gồm rất nhiều người trẻ, sinh viên, các thanh niên thiếu nữ vốn thích công nghệ mới và những hoạt động liên quan đến công nghệ mới luôn hấp dẫn họ. Số lượng người Việt dùng internet ngày càng tăng. Tính đến tháng 1 năm 2017, Việt Nam có hơn 50 triệu người dùng internet, chiếm 53% dân số.
Nhất là đối với nam giới rất ngại việc phải vào nhiều cửa hàng nào đó để chọn lựa, mua sắm, họ thích tìm đến các cửa hàng online.
Anh Khang, nhân viên văn phòng cho biết:
– Tôi muốn mua một kệ để giày và một chân máy ảnh. Tôi tìm trên mạng, chọn lựa mẫu mã, giá cả rồi đặt hàng. Có người mang hàng đến tận nơi, tận sở làm hoặc tận nhà tùy ý mình mà không mất tiền ship.
Thật ra tiền ship đã tính vào giá hàng, hoặc tính riêng, hoặc đôi khi được rao là free để hấp dẫn khách chứ tiền xăng xe sao miễn phí được.
Nếu mua hàng ở cửa tiệm hay siêu thị, khách hàng tiếp xúc với nhân viên bán hàng. Khách có thể xem xét món hàng bị lỗi và đề nghị cô nhân viên coi trong kho còn món hàng y như vậy không để đổi.
Thế nhưng mua hàng trên mạng là một giao tiếp đa chiều. Bởi vì sau khi xem quảng cáo các chi tiết về mẫu hàng, khách còn có thể đánh giá sản phảm qua comment và sao đánh giá. Sao là công cụ đánh giá tân tiến. Tài xế taxi Grab, Uber cũng xin hành khách đánh giá sao. Sao thấp coi như không mua. Món hàng nào từ 3,75 sao trở lên là có thể mua được rồi. Sao từ 4 hay 5 trở lên mua luôn không cần suy nghĩ.
Hoặc qua các comment rất thực tế đủ các khen chê từ chất lượng, bảo hành… Việc mua bán vì thế không lạc lõng vì có năm trăm anh em góp ý. Đại khái hệ thống quán gà nướng chi nhánh ở quận 3 có nhân viên gương mặt lạnh lùng nhưng quận 1 có một anh sáu múi vui vẻ… sản phẩm khăn quàng nọ chất lượng tốt, màu sắc giống y quảng cáo, giao hàng đúng giờ…Hàng đẹp, rẻ, hiện đại, được cập nhật mau chóng là ưu điểm của hàng online. Việc liên lạc càng thuận tiện vì chủ shop gửi ngay tức thì đường link cho biết màu sắc, mẫu mã… để khách hàng dễ dàng chọn lựa.
Thật ra hàng online cũng nhiều tai tiếng, nhất là mặt hàng thời trang. Khá nhiều tấm ảnh hài hước phổ biến trên mạng cho thấy quảng cáo một đàng, hàng thật một nẻo. Chiếc đầm trên cô người mẫu thật nuột nà nhưng món hàng nhận được nhàu nhĩ, màu sắc, kiểu dáng và chất lượng một trời một vực. Muốn đổi hàng, muốn hoàn tiền kiện cáo thật hết hơi khi chủ shop lánh mặt không thèm bắt máy, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chỉ còn cách phóng hình lên mạng than thở, vạch mặt chủ shop cho đỡ tức,
Dù sao tình trạng đó không nhiều và không ngăn nổi sự phát triển của hàng online vì các shop vẫn muốn bán hàng lâu dài hơn lừa gạt một lần mất khách.
Anh Khang cho biết:
– Những sản phẩm không cần nhiều thời gian chọn lựa và giá khoảng vài trăm ngàn trở xuống, tôi chọn mua online. Mỗi lần ra ngoài mua sắm phải thay quần áo, hít khói bụi ngoài đường, gửi xe, xếp hàng… Cho nên với cây chổi lau nhà hay chiếc ống nhòm giá rẻ dùng thời gian ngắn bỏ đi vẫn thấy tiện lợi.
Thật ra việc bán hàng online ngày càng phổ biến và chuyên nghiệp. Nếu kiểm tra món hàng bị lỗi, mất ốc vít… không phải do khách, chủ shop vẫn cho nhân viên trả hàng, đổi hàng tại nhà mà không gây khó dễ hay mất phí. Ngay cả các cửa hàng hay siêu thị, đổi hàng cũng lắm lúc khó khăn khi phải đến tận nơi, qua mấy đợt nhân viên từ thấp đến cao khó khăn kiểm tra, đôi co rồi lại hẹn vài ba ngày sau quay lại…
Hàng hóa cũng ngày càng rõ ràng minh bạch nguồn gốc hơn, vô cùng phong phú thượng vàng hạ cám: Đồ gia dụng: quạt máy, chén đĩa… đồ điện tử: bàn phím, bộ sạc…mỹ phẩm, quần áo… không thiếu thứ gì. Hàng Nhật, Hàn hay TQ…, hàng container hay xách tay…
Việc bán hàng online phổ biến từ khi facebook tràn lan.
Ban đầu là vài nghệ sĩ người mẫu tự quảng cáo shop quần áo, quán ăn, thẩm mỹ viện… Các tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch… trên đường bay ngoại quốc đã mang hàng về tạo nên các cửa hàng xách tay online. Thiên hạ chán hàng nội, chuộng hàng ngoại nên các bà các cô đi sang Hongkong, Thái Lan… đánh hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dầu gió…về bán lại bảo đảm hàng ngoại quốc chính gốc.
Nguồn lợi thấy rõ từ bán hàng online thu hút nhiều người nhảy vào. Nhiều nhất lả dân văn phòng muốn kiếm thêm hoặc phụ nữ muốn tận dụng thời gian vừa ở nhà trông con, làm việc nội trợ vừa kiếm thêm. Công việc này mang lại lợi tức đáng kể đến nỗi nhiêu người bỏ công việc chính để chuyên tâm vào bán hàng trực tuyến.
Thực chất không phải ai cũng có sẵn nguồn hàng xách tay nên mặc quảng cáo trên trời, đa số lấy hàng công ty hoặc chỗ bán sỉ. Quả cherry TQ được quảng cáo là hàng Hàn xách tay với giá rẻ không tưởng, Đồng hồ, ví tay… lấy từ công ty. Còn không thì cứ đến các chợ đầu mối trong thành phố mà phần lớn toàn hàng TQ.
Buôn bán hàng lặt vặt không lời bao nhiêu. Một ký khô gà lá chanh lời năm chục ngàn đồng nhưng đâu có ai mua vài ký một lúc. Dù một trăm, hai trăm gram vẫn phải bán để giữ chân khách. Vì thế cần phải mở rộng mặt hàng để lấy số lượng bù vào. Nào lạp xưởng bò, khô nhái, tôm khô… như một cửa hàng thực phẩm nhỏ hay tiệm tạp hóa.
Cô Quyên đang làm cho một ngân hàng. Từ một chuyến du lịch Nhật Bản, thấy quà lưu niệm đẹp, cô mua ít đồ lặt vặt như dù, đũa, album, búp bê bằng gỗ… về tặng người thân còn dư bày bán trên mạng. Bán hết trong vài ngày cô say máu tìm đến bán hàng xách tay như đồng hồ, nước hoa, trang sức, rồi đến trái cây như nho, lê, kiwi … như một cửa tiệm bách hóa. Thế là có người hỏi “Có bán thuốc nhuộm tóc Ấn Độ không?’, “Có bán hạt hướng dương không?”… Khách hàng cần thứ gì, vào chợ Tân Bình, chợ Bình Tây bổ sung thứ đó. Nguyên căn phòng của cô trong gia đình thành kho hàng hóa… quốc tế. Khách hàng ngày càng đông, không thể vừa ban ngày là nhân viên ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay tiền mua xe xe hơi, sửa nhà… vừa tối về nhà kiêm chủ shop kiểm đơn đặt hàng, cô đành thuê chị dâu cùng nhà làm thư ký trả lời điện thoại khách hàng và em trai đang thất nghiệp giao hàng..
Cô Ánh trong chuyến đi du lịch Nha Trang đã kịp trao cho năm mươi người khách đồng hành trên xe năm mươi tấm business card có ghi địa chỉ online bán bánh bông lan trứng muối rắc thịt chà bông. Để câu khách, trên trang bán hàng cứ vài ngay cô lại viết kèm một câu chuyện tiếu lâm dẫn đến hàng bánh của cô. Chỉ cần vài người trong số năm mười người khách đó mua bông lan là lượng hàng tiêu thụ của cô gia tăng.
Việc bán hàng online dần dần trở nên quy củ, lớp lang. Chủ shop cần mẫn quảng cáo bằng nhiều cách. Một ngày mấy lần đưa hình lên facebook tạo sự mới mẻ cho khách đỡ chán mắt và cạnh tranh với các shop khác, sản phẩm chụp gần, chụp xa, chụp cùng người mẫu đủ kiểu như một cách quảng cáo gây bắt mắt, tới mức quảng cáo trở nên lung linh quá xa so với thực tế, tấm hình cũ để hoài khó cạnh tranh được với các trang web khác. Ngoài chụp hình, chủ shop còn chăm chút cho cửa hàng online bằng bình luận, quay phim, giật tít, livestream… đưa vào âm nhạc, lắc lư để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trực tiếp; nếu xinh đẹp thì tự mặc quần áo của shop mình chụp hình làm mẫu… Vì thế thương hiệu lan truyền rất nhanh và món hàng có thể bán khắp trong nước từ Bắc chí Nam chứ không giới hạn trong một giới hạn địa phương gần.
Từ đây xuất hiện nhan nhản, không phải chủ shop nữa, mà là đội ngũ bán hàng online hay còn gọi là cộng tác viên online gồm các bà nội trợ, học sinh, sinh viên, công tư chức… Những người này không cần vốn và hàng hóa tồn kho, cũng không bị áp lực chỉ tiêu bán hàng, thời gian làm việc linh hoạt, càng không cần tuổi tác, đằng cấp mà chỉ đăng bài quảng cáo kiếm khách để ăn hoa hồng của chủ shop và tiền chênh lệch, hoặc đơn giản là người mua hàng lấy công chuyên chở như một hình thức đi chợ dùm.
Vì thế hoặc khách đi tới một chúng cư nào đó, bấm điện thoại, sẽ có người đi xuống giao hàng là mấy ký cơm cháy, vài hộp tiêu ngào đường… hoặc shipper giao hàng đến tận nhà. Tùy theo giá trị món hàng, thông thường giá chuyên chở sẽ tính khoảng hai chục ngàn cho một đơn đặt hàng trong nội thành, ba chục ngàn cho ngoại thành, tính theo km và kg cho đơn đi tỉnh, rẻ hơn qua đường bưu điện nhiều.
Nhiều lớp bán hàng trực tuyến đã mở ra cho thấy sự bành trướng của thị trường nhiều tiềm năng này. Và trong tương lai sẽ còn mở rộng nhiều hơn nữa.
Hàm Anh