Mùa hè đã qua. Đêm xuống vội. Putin thông báo sẽ ứng cử thêm nhiệm kỳ tổng thống nữa.
Mùa hè huyền diệu 2011. Cuộc cách Mạng Tuyết. Người ta sẽ viết về nó như thế nào trong những cuốn sách sử? Người ta có nhắc đến nó không? Rồi nó sẽ đi về đâu – nó có sẽ là khởi đầu cho một cuộc cách mạng lớn hơn đang ẩn mình phía trước? Chúng tôi bị lôi kéo bởi niềm tin rằng sẽ có thay đổi – một niềm tin ngây thơ và ấu trĩ để sẽ bừng tỉnh dậy ở tuổi trưởng thành, để luôn kèm theo cảm giác hổ thẹn và nhu cầu phải điều chỉnh lại chính con người mình. Chúng tôi đi ra đường phố. Chúng tôi viết hết thư này đến thư khác, chúng tôi trở thành một thứ tuyên ngôn cách mạng. Chúng tôi đeo ruy-băng màu trắng.
Mùa đông ấy, tay điệp viên KGB nhỏ con, xám xịt tên là Putin và gã đàn ông trông như món đồ chơi thổi phồng Medevedev đổi chỗ cho nhau: tay này làm thủ tướng tay kia làm tổng thống. Hoặc cũng có thể một trong hai gã quyết định như thế – ai mà thèm bận tâm chứ? Bọn họ gọi đó là “đi nước đôi”, hai con cờ di chuyển trên bàn cờ cùng một lúc. Họ ngụy tạo kết quả bầu cử với quốc hội. Chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi đâm kim vào mông Putin, tay ấy sẽ nhảy bật ra khỏi cái ghế tổng thống. Gã sẽ chồm lên, và chạy thẳng xuống địa ngục. Hai má đầy thịt, ươm mùi Botox của gã sẽ nhắm hướng những ngọn đồi và lăn dài vào thùng rác lịch sử.
Tôi chỉ yêu thích những người hùng. Cuộc nổi loạn của sinh viên Pháp năm 1968, phong trào cách tân ở những thập niên đầu thế kỷ hai mươi. Cũng thời gian ấy chúng tôi đọc thơ Alexander Vvedensky, người đã bị ám sát bởi Stalin trong chuyến xe chuyển tù nhân ở chặng đường nào đó giữa Kharkow và Kazan trên đường đi tới quần đảo ngục tù. Một buổi cuối tuần kia, tôi giam mình trong phòng nơi tay đàn Bass đang sao chép đĩa nhạc. Tôi đang sắp làm khuôn in cho một chiếc áo thun. Tôi quyết định làm một cái áo thun cách mạng. Tôi quên bẵng là trời đã tối mù.
Đám tù nhân căng tấm biểu ngữ viết bằng bút lông. Trại tù cấm bút lông. Bọn họ dăng biểu ngữ bên ngoài những chấn song, tay thò ra ngoài song sắt để căng. Biểu ngữ ghi: “Thiêu sống Chánh Án Moskalenko trong HỎA NGỤC.”
Bà chánh án không cháy thiêu trong hỏa ngục. Bà ta sống trong đó. Bà ta vẫn làm việc trong tòa án Nga. Những bước khởi đầu của cuộc biểu tình với tầm vóc lớn của cách mạng đang tiến hành. Một cuộc biểu dương thực sự khổng lồ trên đường phố ngay bên bờ tường Điện Cẩm Linh.
Cảnh sát chống biểu tình đang dàn trận. Chúng tôi tiến vào Công Trường Cách Mạng ngày 10 tháng Mười Hai 2011.
Vào tháng Giêng, chúng tôi, Pussy Riot, bắt đầu diễn tập trong một công xưởng cũ. Sau một thời gian, đám nhân viên an ninh không còn ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. Ô, mấy con nhỏ ấy lại đến nữa rồi. Mặc quần bó lòe loẹt màu sắc, mũ trùm đầu quái dị. Nhưng mà nước Nga cũng là một nơi chốn kỳ quặc. Katya nói, “Sao bọn an ninh không hỏi tụi mình lấy một câu, thật kỳ lạ.” Nó nghĩ có điều gì đó mờ ám qua cái cách mà đám nhân viên an ninh để mặc chúng tôi đến rồi đi như thế. Tuy nhiên bọn nhân viên an ninh cũng làm bổn phận của họ một cách chu đáo, đó là uống bia và xem TV.
Khi những quan sát viên Âu Châu có mặt để quan sát cuộc bỏ phiếu ở Nga năm 2008, Putin phát biểu:
“Đây là một trong những thứ bốc đồng của bọn họ. Họ gửi chín người đến chỗ này, hai mươi người đến chỗ kia; trong khi ở nhiều quốc gia khác họ chẳng bận tâm gửi quan sát viên nào hết. Nếu họ muốn dạy dỗ điều gì đó, họ nên dạy vợ họ cách nấu súp cải bắp.”
Bạn cần ít nhất , một tháng tập dợt để phối hợp hành động. Khi trình diễn trực tiếp, bạn chỉ diễn được một lần. Bạn băng qua một hành lang rộng trong khu xưởng máy cũ, bắc cái thang, leo lên bệ cửa sổ, từng người một. Hát thật to một bài hát. 30 đến 40 lần liên tục.
Điện Cẩm Linh báo động. Đài truyền hình phủ nhận là đang xảy ra chuyện khác thường. Bao cao su ngừa thai – là chữ Putin dùng để mô tả những ruy-băng màu trắng của những người phản kháng. Gã muốn ám chỉ người bất đồng chính kiến với gã là những kẻ lo bảo vệ những cái dương vật èo uột. Còn lâu!
Những ngọn tháp nhỏ của Điện Cẩm Linh thì tối mù; và tuyết thì trắng nõn. Họ vẫn thường hành quyết tội nhân ở Lobnoye Mesto.
Lobnoye Mesto có một cái bệ tròn trông giống như cái bệ cho đao phủ thủ. Chung quanh được bao phủ bởi những bức tường đá đâu cũng khoảng gần hai mét. Trông như một cái thùng to, tròn bị cắt làm đôi. Bên trong có thể chứa được ba chục người.
Ở Công Trường Đỏ, đối diện với Điện Cẩm Linh.
Đó là nơi Nga Hoàng đọc chiếu chỉ. Và tuyên chiến với kẻ thù.
Năm 1968, tám người bất đồng chính kiến leo vào Lobnoye Mesto để phản kháng việc Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc. Đó là một cuộc phản kháng vô tiền khoáng hậu ở nước Nga thời Xô Viết. Nhà cầm quyền đáp lại bằng những án tù trong trại giam và những nhà thương điên.
Năm 2000, Yeltsin từ chức và trao quyền cho Putin. Putin bảo, “Chúng ta cần sự ổn định.” Hắn ta gọi hắn ta là Sự Ổn Định.
Khi Pussy Riot trình diễn ở Lobnoye Mesto, chúng tôi treo một lá cờ màu tím: ở giữa là dấu hiệu ♀ với một bàn tay nắm chặt. Chúng tôi có tám đứa, như tám người bất đồng chính kiến năm 1968.
Trong buổi diễn tập, khói bốc ra từ cái máy khuyếch đại âm thanh của cây đàn guitar. Katya chạy ùa tới để dập. Nó là chuyên viên về tàu ngầm nguyên tử. Trong khi chỉ cài một ứng dụng trên máy điện toán nhiều đứa trong bọn tôi còn không làm được.
“Khói – Hay đó!”
“Mình cần khói!”
“Không có lửa làm sao có khói!”
“Lấy một cái bích chương để đốt đi!”
Thành ra trong khi hát bài “Putin Đái Ra Quần,” chúng tôi châm lửa đốt tấm bích chương hình Putin hôn Qaddafi. Chúng tôi tập dợt màn đốt lửa thật kỹ: trời lạnh nên phải tẩm dầu vào tấm bích chương. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi tụ tập trong cái xưởng thợ cũ vào buổi tối, tập dượt màn đốt tấm bích chương: mở ra, tẩm dầu, châm lửa, hầu như đồng loạt.
Sau cùng chúng tôi bị cảnh sát bắt vì xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Chúng tôi bảo chúng tôi là sinh viên kịch nghệ. Chúng tôi khai chúng tôi soạn một vở kịch và sẽ diễn tập ở Lobnoye Mesto. Chúng tôi khai tên giả. Đúng ra toàn những tên thật, chỉ là không phải tên bọn tôi: chúng tôi moi ra từ danh sách những kẻ vi phạm luật giao thông, tìm người cùng lứa tuổi, và xài tên của họ. Tên giả. Xong. Mọi người qua trót lọt. Ngoại trừ tôi.
“Cô có biết cô còn đang bị truy tố không?”
“Hở?”
“Tên cô là gì?”
“Masha.” Tôi đành phải khai thật. Và cảnh sát có được bản sao sổ thông hành của tôi. Với địa chỉ thật.
Trước đây tôi chưa bao giờ bị rắc rối với cảnh sát. Chưa bao giờ. Tôi có phải dân phản động gì đâu.
Bọn cảnh sát chưa nghe bài hát “Putin Đái Trong Quần”. Tấm bích chương không bắt lửa trở thành tang chứng và theo chúng tôi về đồn cảnh sát.
Chúng tôi, Pussy Riot, ra khỏi công trường bởi vì chúng tôi mơ ước một lịch sử khác. Bởi vì thứ lịch sử mà trong đó tổng thống trở thành vị hoàng đế không phải là thứ chúng tôi khao khát. Chúng tôi chán ngán những lời gian dối. Với những câu lừa lọc bất biến và chán ngấy trên TV, những lời hứa hẹn không nền tảng về một cuộc sống hạnh phúc.
Bạn thân mến, trên đây là vài đoạn trong chương đầu cuốn sách The Riot Days của Maria Alyokhina, một thành viên của ban nhạc punk rock mang tên Pussy Riot ở thủ đô Mạc Tư Khoa, nước Nga. Ban nhạc thành lập năm 2011 gồm 11 thành viên tuổi từ 20 đến 33 (tính đến năm 2012). Đặc điểm của họ là trình diễn theo kiểu du kích chiến: xuất hiện bất ngờ không xin phép trước ở những nơi công cộng, thu hình và phổ biến trên internet. Những chủ đề chính của nhóm này xoay quanh vấn đề nữ quyền, quyền của những người đồng tính, và đặc biệt lập trường đối lập với Tổng Thống Nga Vladamir Putin, người mà nhóm Pussy Riot và đa số nhân loại cho là một kẻ độc tài.
Trong một cuộc trình diễn bất ngờ trong một nhà thờ Chính Thống Giáo ở Mạc Tư Khoa tháng Hai 2012 nhằm phản đối việc những tu sĩ của giáo hội này ủng hộ Putin trong cuộc vận động bầu cử của ông ta, nhiều thành viên của nhóm đã bị bắt và truy tố. Và ba thành viên bị kết tội “có hành vi du côn khích động bởi sự thù ghét tôn giáo.”
Một điểm đáng chú ý là năm 2016 nhóm Pussy Riot tiên đoán Donald Trump sẽ đắc cử tổng thống Mỹ và 2 tuần trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, họ tung ra video nhạc “Make America Great Again”, mô tả một thế giới u uất nơi Tổng Thống Trump áp đặt những giá trị của ông bằng cách sử dụng biện pháp đánh đập, hạ nhục, và ra lệnh cho lính xung kích khắc dấu lên người dân bằng sắt nung.
Một trong những bài hát của Pussy Riot mà nhóm này trình diễn ở Công Trường Đỏ Mạc Tư Khoa có tên dịch ra tiếng Anh bởi nhiều cơ quan truyền thông là “Putin Đái ra Quần”, “Putin Hoảng Sợ”, “Putin Sợ Điếng Hồn” mô tả tâm trạng Vladamir Putin ngày 24 tháng 12, 2011 khi khoảng một trăm ngàn người Nga biểu tình chống đối Putin tại trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa, lúc ấy Putin chưa có chút quyền lực nào trong tay. Diễn giải bài hát, thành viên Pussy Riot nói, “Chúng tôi thấy quân đội di chuyển quanh Mạc Tư Khoa, máy bay trực thăng quần trên trời, các đơn vị quân đội đặt trong tình trạng báo động. Hôm ấy chế độ đái ra quần. Và chủ chốt của chế độ là Putin.”
Bạn thân mến, bàn về chuyện ca sĩ và cái sự tiểu tiện, tôi chợt nhớ một cô ca sĩ nước Việt Cộng. Chắc bạn đã có dịp nghe đến tên ca sĩ Mai Khôi? Người được giới truyền thông nước ngoài cho là nhà tranh đấu đối lập, là Lady Gaga của nước Việt Nam (Cộng Sản).
Hai con người, hai đất nước, hẳn nhiên là khó so sánh với nhau. Có điều trong khi Pussy Riot trực diện đối đầu với Putin, kẻ đang hiện nguyên hình là một tên độc tài ngoại hạng, và phổ biến bài hát mô tả chuyện Putin sợ “đái ra quần” khi dân chúng Mạc Tư Khoa biểu tình phản đối, thì Lady Gaga của nước Việt Cộng – thay vì chống bọn độc tài đang ngồi trên đầu trên cổ người dân Việt – lại xoay qua, “đái lên Trump.” Chắc bạn còn nhớ cái lần Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Hà Nội, Lady Gaga của nước Việt Cộng đã “Piss on You, Trump” trên đường phố?
Tôi không nắm chắc được cái sự bất đồng chính kiến của Lady Gaga Việt Cộng nó sâu sắc đến mức nào nhưng nhìn cô ta (chỗm chệ) ngồi cùng bàn với Tổng Thống Obama khi ông ghé Hà Nội (trong khi bao nhiêu người bất đồng chính kiến khác đang ngồi ôm những song sắt trại tù, hoặc bị cầm chân trong nhà bởi bọn đầu trộm đuôi cướp chực chờ đầu ngõ), và có dịp xem các buổi trình diễn của cô ở nhiều nơi trên thế giới (nghĩa là cô muốn đi đâu thì đi, chẳng ai cấm cản hết), thì tôi không thể không nghĩ rằng cô là hình ảnh đám cầm quyền Hà Nội sử dụng để khoe với thế giới rằng bọn họ cũng rất tử tế với những người đối lập. Trong khi đó ở nước Nga, cái nôi của Xã Hội Chủ Nghĩa, nhóm Pussy Riot khi xuất hiện trong ngôi thánh đường lớn nhất ở Mạc Tư Khoa, chỉ vì đã hát một bài có những lời năn nỉ Đức Mẹ Đồng Trinh “đuổi cổ Putin đi”, đã lãnh hậu quả hai năm đày ải trong quần đảo ngục tù, nơi mà phương tây gọi là Penal Colonies, ở đó họ bị cưỡng bức lao động trong cái lạnh cắt da bất kể ngày đêm, và không được ngay cả quyền tắm rửa. Trong quần đảo ngục tù, họ bị đánh đập bởi bọn chó săn Cossacks, một lực lượng bán quân sự thường xuyên đe dọa giới nghệ sĩ và những người đồng tính ở Nga. Khi ra tù, họ tiếp tục bị tấn công, bị hành hung bởi bọn côn đồ tự nhận là những người Nga ái quốc.
Và cái chuyện Pussy Riot tưới nước tiểu lên Putin và Mai Khôi (đái) lên Trump làm tôi nhớ lại mẩu đối thoại ngày trước – thời còn chiến tranh – giữa một anh lính Cộng Hòa và một tay chính trị viên Việt Cộng.
Lính Cộng Hòa: Bên chúng tôi được tự do ngôn luận.
Chính trị viên Việt Cộng: Thì chúng tôi cũng được đủ thứ tự do vậy.
Lính Cộng Hòa: Tôi có thể chửi Tổng Thống Nixon thoải mái mà chẳng ai bắt bớ gì hết.
Chính trị viên Việt Cộng: Thì tôi cũng chửi Nixon thả cửa có ai thèm bắt bớ tôi đâu!
Bạn thân mến, tôi mến phục những người bất đồng chính kiến thứ thiệt trong nhóm Pussy Riot ở Nga, và tôi nghi ngờ rằng Lady Gaga của nước Việt Cộng chỉ là món hàng (giả) để Hà Nội khoe với thế giới rằng họ cư xử rất đẹp với những người bất đồng chính kiến.
Và tôi sẽ vẫn giữ ý nghĩ đó cho đến khi nào Mai Khôi thẳng thắn “piss on” gã nào đó (tốt nhất là cả bọn) trong tập đoàn cai trị của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Cộng!
Khúc An