HẠNH PHÚC BẤT NGỜ

Hai cô nữ điều dưỡng cho các bé mỗi lần 3 giọt sữa

Cặp song sinh 25 tuần tuổi, nặng 500 gram và 600 gram được nuôi dưỡng thành công

Chào đời ở tuần thai thứ 25 (tức 6 tháng và 6 ngày), một bé nặng 500 gram, một bé nặng 600 gram, bằng cỡ con chuột. Nhưng sau gần 5 tháng điều trị, nuôi dưỡng, cặp song sinh đã phát triển khoẻ mạnh với cân nặng 3,1 kg và 3,6 kg.

Sau gần 5 tháng, bé trai nặng 3,6 kg, bé gái nặng 3,1 kg và được xuất viện về nhà

Chiều 5/10, PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết cặp song sinh một trai một gái này đã được xuất viện, trở về cuộc sống bình thường sau 4,5 tháng chăm sóc, điều trị. Đây là cặp song sinh non tháng, nhẹ cân nhất được nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện.

PGS-TS Trần Danh Cường cho biết mẹ hai bé có tiền sử thai lưu, khi đang mang thai thì phải theo dõi COVID-19, bất ngờ vỡ ối, sinh hai em bé hôm 16-5-2022.

Theo bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), hai bé sinh đôi, chào đời trong tình trạng thở nấc, thở máy, thiếu ôxy. Tại Trung tâm sơ sinh, bệnh nhi được điều trị thuốc, thở máy trong vòng 50 ngày, thở ôxy 30 ngày. Cả hai trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch kết hợp tiêu hóa phòng viêm ruột hoại tử.

“Sinh con ở tuần thai quá sớm, gia đình không nghĩ hai bé có thể vượt qua. Vì thế, mới đặt tạm tên con là Nguyễn A., Nguyễn B.”

Bác sĩ Trác cho biết những em bé sinh trước tuần thai 28 được xếp vào nhóm đặc biệt nhẹ cân, sinh con, đối mặt với nhiều biến chứng gây nguy cơ tử vong. Do tất cả các cơ quan từ gan, não, hô hấp, tuần hoàn, miễn dịch của trẻ đều rất non yếu và dễ bị tổn thương.

Ngay khi sinh, hai bé đã thở nấc, phải đặt nội khí quản, thở máy. Quá trình chăm sóc bé phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối hơn cả trong phòng mổ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc dinh dưỡng tỉ mỉ từng chút một. Hơn nữa, với trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, việc nuôi dưỡng tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn khi toàn bộ tay, chân trẻ không bằng ngón tay út của người trưởng thành.

“Trong 6 ngày đầu 2 bé này chỉ ăn 1ml sữa/bữa; sau 2 tuần ăn 6 ml/bữa và 23 ngày sau 2 bé được ăn 10 ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt”- bác sĩ Trác thông tin.

Chăm sóc cho hai bé từ những ngày đầu sau sinh, điều dưỡng Phạm Thùy Linh, Trung tâm sơ sinh, cho biết: «Có thời điểm chúng tôi tưởng các cháu không qua nổi khi bụng bé chướng căng, thâm đen lại, ăn vào lại nôn trớ… Các bác sĩ, điều dưỡng kiên trì nhỏ từng giọt sữa cho các cháu, kết hợp massage thường xuyên để hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa và thần kinh…».

Cặp song sinh này nay tự thở khí trời. Hai bé đã ăn được 600-700 ml sữa/ngày. “Các bé đã có cảm xúc khi biết mỉm cười, khi được massage các bé đã thể hiện sự dễ chịu”- bác sĩ Trác chia sẻ.

Nuôi dưỡng thành công, PGS-TS Trần Danh Cường cho biết các kết qủa thăm khám cho thấy cả 2 bé đều không có các nguy cơ về sức khỏe trong tương lai. Về các biến chứng xa, đã loại trừ một số như xơ phổi, mắt, tim mạch…

Từ 2010, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã nuôi dưỡng thành công bé sơ sinh, sinh non nặng 500g, năm 2021 đã có một bé chỉ nặng 400g khi chào đời cũng được chăm sóc tốt và không gặp bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên có hai bé song sinh sinh non cùng được ra viện về nhà sau hơn bốn tháng điều trị tại bệnh viện.

Mối duyên kỳ lạ: tìm thấy hạnh phúc sau khi bán nhà

Ba tháng trước Hạnh rao bán nhà. Giờ chị vẫn ở trong ngôi nhà đó và chuẩn bị làm vợ người chủ mới.

“Những ngày qua, tôi còn nghĩ đó chỉ là mơ cho đến khi đặt bút viết thiệp cưới có tên hai đứa”, Nguyễn Thị Hạnh, 33 tuổi, nói.

Hạnh gặp chồng sắp cưới, anh Phạm Hồng Thuật, 32 tuổi, hồi tháng 7, khi đang rao bán căn nhà ở thị xã Buôn Hồ. Hôm anh đến xem nhà, chị ra tiếp vì tưởng đó là người môi giới. Trước đó chị đã tuyên bố không làm việc trực tiếp với khách mua, tránh những phiền hà không đáng có.

Chú rể Phạm Hồng Thuật và cô dâu Nguyễn Thị Hạnh

Sau một hồi nói chuyện, Hạnh mới biết đây là khách. Lúc đó chị mới ra viện, người vẫn còn đau nên đành bấm bụng dắt anh Thuật đi xem nhà “nhanh cho xong”. “Nói chuyện một hồi tôi biết thêm ảnh đi cùng với ba mẹ và chị gái. Lúc đó, mẹ còn khoe ảnh mua nhà để cưới vợ”, Hạnh kể.

Hôm đưa anh khách đi làm giấy tờ đặt cọc, chị bất ngờ biết anh vẫn độc thân và cũng chưa có mối nào để chuẩn bị cưới. Vui chuyện, chị chia sẻ hoàn cảnh làm mẹ đơn thân, đang nuôi hai con trai. Đồng cảm với những nỗi vất vả của của cô chủ nhà, anh Thuật chủ động nhắn tin xin được làm bạn.

Quen nhau vài hôm, Hạnh định một mình lái xe hơi xuống Sài Gòn đón con. Anh Thuật ngỏ ý làm tài xế. “Anh sợ phụ nữ đi một mình từ Đăk Lăk xuống Sài Gòn dễ gặp nguy hiểm nên cứ nhắn tin năn nỉ đi cùng cho bằng được”, chị kể.

Suốt quãng đường hơn 300 km, cả hai nói chuyện, chia sẻ cho nhau nghe nhiều điều về cuộc sống. Hạnh kể, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị nghĩ bản thân phải mạnh mẽ để làm điểm tựa cho các con dù nhiều lúc yếu lòng, một mình chở hai con nhỏ đi học dưới mưa, không kìm được nước mắt. Lúc sinh đứa thứ hai, chị từng phải làm đủ nghề để có thu nhập. “Bao nhiêu tâm sự, tôi giấu trong lòng cho đến ngày gặp anh, tôi như được trút hết”, chị nói.

Tình cảm sớm nảy nở trong lòng cả hai. Chỉ sau 10 ngày, họ thành một cặp, bất chấp khác biệt tưởng như không thể dung hòa về hoàn cảnh. Những ngày đầu, vì kém Hạnh một tuổi nên anh Thuật xưng em – chị, sau này có tình cảm, dần đổi qua xưng anh.

“Mình thấy thương người phụ nữ này, chỉ muốn được bảo bọc che chở và mang đến hạnh phúc cho cô ấy. Khi một người đã   từng một lần đổ vỡ hôn nhân như Hạnh thì   thường không còn tin tưởng vào đàn ông. Mình muốn chứng tỏ cuộc đời này còn nhiều người tốt” – Thuật chia sẻ.

Hay tin hai người đến với nhau, nhiều người xung quanh bàn tán và chê anh “bị bỏ bùa hay sao mà trai tân đi quen gái một đời chồng, có hai con”. Thuật mặc kệ người đời dè bỉu. Anh bảo, chỉ mong gia đình ủng hộ là được. “Mình sống cho mình, đâu sống cho người ta đâu. Bây giờ mình lời được ngôi nhà, cô vợ và cả hai đứa con”, anh cười, kể.

Anh Thuật chia sẻ, hai người đến với nhau như một cái duyên kỳ ngộ. Trước khi đến căn nhà mà Hạnh rao bán, anh đi xem rất nhiều căn khác nhưng không ưng. “Nhà của Hạnh ở xa hơn nhưng không hiểu vì sao vào xem xong, mình chốt luôn”, anh kể. Ngày Hạnh được người yêu dẫn về ra mắt gia đình, cả nhà anh ai cũng ngỡ ngàng vì “con mình mua được nhà, hốt luôn được cả chủ nhà”.

Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó. Khi ba anh Thuật hỏi Hạnh về gia đình, ông bất ngờ nhận ra ông sui tương lai là đồng nghiệp 40 năm trước tại Hạt kiểm lâm huyện Krông Buk.

Theo lời ông Phạm Văn Dân (ba anh Thuật) khoảng năm 1982, ông nghỉ làm ở Hạt kiểm lâm, ba của Hạnh mới vào đơn vị. Năm 2006, ban liên lạc được thành lập, hai người có dịp hội ngộ nhưng rồi lại mất liên lạc cho đến ngày sắp thành sui gia. “Đến giờ trong nhà tôi vẫn còn lưu giữ cả trăm tấm hình khi xưa ngồi họp mặt cùng nhau”, ông bố chồng 64 tuổi kể.

Hạnh kết nối cho hai ông nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nhận ra nhau và nghe chuyện tình yêu của các con, hai người đàn ông cười lớn. Họ ôn kỷ niệm hơn một tiếng rồi hẹn gặp nhau bàn chuyện cưới xin “cho hai đứa nhỏ”.

Nhắc về chuyện con dâu đã lỡ một lần đò, ông Dân cười nói: “Thời hiện đại rồi, miễn con mình hạnh phúc là được. Gia đình tôi không để ý chuyện đó. Giờ tôi thấy vui vì có thêm dâu, thêm hai đứa cháu”.

Ngày đi chọn váy cưới, Hạnh vẫn còn chưa tin đây là sự thật. Cô kể, lần thứ hai mặc áo cưới không còn thấy hồi hộp mà thấy lo lắng đan xen hạnh phúc. “Mọi thứ đến với tôi quá nhanh, tôi không dám mơ đến tương lai xa, chỉ nghĩ sống vui với hiện tại”, cô nói.

Ngày 22/10, cả hai sẽ tổ chức lễ cưới. “Ông trời đã sắp đặt hai đứa mình làm vợ chồng, tôi chỉ mong mình cùng anh đi đến suốt đời”, người mẹ hai con bộc bạch.

Chàng trai Sài Gòn cưới vợ người H’Mông nhờ bị mắc kẹt

Lên thăm bạn gái H’Mông trong dịp lễ Lao động 1/5, chàng trai Nguyễn Thanh Ngọc không về được vì dịch Covid-19 bùng phát nên quyết định ở lại bản Sin Suối Hồ kết hôn và  lập nghiệp ở đấy.

Chàng trai Sài Gòn Thanh Ngọc và cô gái H’Mông Hảng Thị Sú
Đám cưới của Thanh Ngọc và Hảng Thị Sú trong mùa hoa nở

Bản Sin Suối Hồ nổi tiếng với cây địa lan (còn gọi là lan đất, khác với phong lan, ra hoa màu vàng, rất đẹp)  và mô hình du lịch cộng đồng của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, gần đây còn được biết đến với câu chuyện tình yêu của chàng trai người Kinh tên là Nguyễn Thanh Ngọc với bông hoa của núi rừng Tây Bắc Hảng Thị Sú.

Theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, Sú là thanh niên tiêu biểu trong bản thông thạo tiếng Kinh, tiếng Anh và đang đóng góp cho sự phát triển du lịch địa phương. Cô gái cũng điều hành  homestay gia đình và một quán cà phê của riêng mình.

Hình ảnh cô gái H’ Mông năng nổ để lại ấn tượng trong những đoàn khách du lịch, trong đó có chị gái của Nguyễn Thanh Ngọc khi đến đây tặng quà cho trẻ em, cuối năm 2019.

“Thấy em Sú dễ thương, tôi mong có thể kết được duyên cho em trai mình. Nếu như sau này hai đứa thành đôi sẽ cùng góp sức cho nơi này càng trở nên giàu đẹp”, chị Nguyễn Thị Như, sống tại TP Saigon chia sẻ.

Nhận số điện thoại từ chị gái, Thanh Ngọc, 28 tuổi, một nhiếp ảnh gia và đầu bếp trong khách sạn 5 sao ở Phú Quốc nhắn tin làm quen với Sú. Đều là những người trẻ thích du lịch, chụp hình, lại độc thân, họ nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. “Mình rất ấn tượng với khả năng tiếng Anh của Sú và những việc cô ấy làm để quảng bá du lịch trong bản”, Ngọc cho hay.

Chàng trai hay gửi cho cô gái hình ảnh món ăn mình làm và cảnh đẹp ở Phú Quốc. Đổi lại, Sú gửi ảnh những chiếc cổng to đẹp, treo nông cụ sinh hoạt hàng ngày của người Mông; chiếc nhà tổ chim trên đường đến thác Trái tim; hình ảnh cây cầu dẫn đến quán cà phê của mình… Thời gian qua đi, đôi trẻ càng mong ngóng tin nhắn của nhau. Họ mời người kia đến chỗ mình chơi nhưng công việc cuốn đi nên mãi không có dịp.

Cuối năm 2020, Ngọc đi công tác Hà Giang, tranh thủ ghé qua thăm Sú. Lần đầu đi vùng cao Tây Bắc chưa quen đường sá, chàng trai đón ba lần xe, chạy lòng vòng từ 8h sáng đến 9h tối mới tới được thành phố Lai Châu. Sú từ nhà xuống phố từ sớm, chờ bạn trai nguyên một ngày. Đêm cuối năm lạnh giá, họ mới được gặp nhau lần đầu tiên sau gần một năm trò chuyện. Thanh Ngọc thấy Sú đẹp và duyên hơn ảnh. Cô gái cũng “đổ” trước vẻ thư sinh ở chàng trai.

Ăn tối xong, cả hai vượt qua quãng đường chừng 30 cây số về bản của Sú. Lần đầu chạy xe máy đường rừng băng qua nhiều ổ gà và khúc cua trong đêm tối mịt, Ngọc đi khá chậm, mãi 23h mới tới.

Sớm hôm sau, đánh thức anh là bầu không khí mát lành ùa vào mũi. Bên cửa sổ, sương dần tan, già trẻ trong trang phục dân tộc đi lại trên những con đường bê tông. Ngọc theo chân Sú tìm quán ăn sáng và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Những con đường trong bản sạch đẹp, cứ cách một đoạn lại có những thùng rác đan từ tre nứa với dòng chữ “Tôi xin rác”. Bà con cười nói với anh bằng tiếng Mông, đôi khi nói gì đó khiến Sú ngượng ngùng không dịch lại. “Tôi ngạc nhiên khi Sú nói mới 10 năm trước dân bản bị nghiện 95%, nhưng hiện tại trở thành bản 5 không: không hút thuốc phiện, không thuốc lào hay thuốc lá, không rượu, không cờ bạc, không xả rác”, chàng trai chia sẻ.

Định ở lại ba ngày nhưng tình cảm với cô gái Mông và cảnh vật nơi đây níu chân Ngọc thêm hai ngày nữa. Đêm trước ngày về, đôi trẻ ngồi bên nhau trước hiên quán cà phê của Sú. Lần này Thanh Ngọc lấy can đảm tỏ tình.

Tuy mỗi người mỗi ngả, họ lên kế hoạch phấn đấu cho sự nghiệp và kiếm tiền để tổ chức đám cưới trong hai năm tới. Ngọc tạm dừng việc ở Phú Quốc trở lại Sài Gòn học tiếng Anh để phát triển sự nghiệp sau này. Dịp 1 tháng 5, anh lên thăm bạn gái lần thứ hai.

Vốn chỉ định ở lại vài ngày, nhưng Covid-19 bùng phát khiến Ngọc không thể về nhà được. Anh nhanh chóng thích nghi bằng việc tham gia lao động với gia đình Sú và bà con trong bản. Chưa từng cầm đến cái cày, cái cuốc, nay anh xuống ruộng làm đất, cấy lúa; lên rừng lấy củi, hái thảo quả hay dựng nhà với trai tráng trong bản. Trưa hè, chàng trai người Kinh quây quần với người Mông ăn xôi đồ, cơm nắm.

Với sở trường nấu nướng, Thanh Ngọc đảm nhận đầu bếp cho homestay của gia đình Sú mỗi khi có khách. Anh chọn lọc những quả táo mèo, mận và đào để làm siro, ô mai để quảng bá cho đặc sản của địa phương; đôi khi còn làm bánh ngọt mang ra chợ phiên bán cho bà con. Nhìn thấy chàng rể tương lai tháo vát, không ít lần ông Hảng A Xà, bố của Sú khen: “Thằng bé hiền lành, thích nghi tốt, cái gì cũng biết làm”.

Chàng trai cũng dạy kỹ năng chụp hình, quay phim cho Sú và một số người dân trong bản để làm du lịch tốt hơn. Hồi tháng 8, đôi uyên ương kết hợp với một số người dân làm phim “Nói không với ma túy”, tái hiện một thời đói khổ vì khói thuốc ở Sin Suối Hồ và đã giành giải nhì cuộc thi Thanh niên với các vấn đề văn hóa xã hội của tỉnh Lai Châu.

“Sau bộ phim, tôi càng thêm gắn bó với mảnh đất này và Sú. Chúng tôi quyết định xin phép cha mẹ làm lễ cưới”, Thanh Ngọc chia sẻ.

Được hai bên gia đình ủng hộ, đôi trẻ bắt tay chuẩn bị đám cưới trong mơ, diễn ra ngày 25/9. Thay vì làm lễ trong nhà thờ như tất cả các đôi ở đây, họ kết cổng hoa, rải thảm hoa hồng và làm lễ ngoài trời. Bạn bè hỗ trợ chụp hình, mổ lợn, mổ gà, làm tiệc. Người dân trong bản lần đầu tiên chứng kiến một đám cưới lạ đến vậy.

Hình ảnh hôn lễ của đôi trẻ lan truyền trên các diễn đàn du lịch và được nhiều người gọi là “đám cưới vùng cao đẹp nhất năm”.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email