HAPPY BIRTHDAY AMERICA

Nguyễn Thơ Sinh

 

 

July 4th lại về. Sinh nhật nước Mỹ. Pháo hoa và tiệc tùng. Không khí oi bức ngột ngạt của mùa hè (nhất là tại các tiểu bang miền nam: Alabama, Florida, Mississippi, Texas, Arizona…) được xoa dịu phần nào bởi không khí lễ hội tưng bừng ba ngày cuối tuần. Cũng là chuyện tâm lý cả thôi. Cái nóng nung người hình như bị người ta quên đi bởi không khí náo nhiệt của July 4th. Nào là mua sắm. Barbeque. Được nghỉ làm ăn lương. Đi du lịch thăm thú. Tiếp đón bạn xa… thật đúng với tinh thần ăn mừng lễ rất thực tế của người Mỹ nơi đây.

Happy Birthday America!

Đứng trước không khí háo hức mừng ngày sinh nhật Hoa Kỳ, dân nhập cư khắp năm châu đến Mỹ chắc có những tâm trạng khác nhau về Ngày Độc Lập của Mỹ. Khá dễ hiểu, những tâm trạng khác nhau này đến từ yếu tố lịch sử văn hóa: chẳng hạn họ đến từ nước nào? Khác nhau vì hoàn cảnh nhập cư: đi theo diện gì? Khác nhau vì điều kiện kinh tế trong quá khứ: trước khi đến Mỹ họ giàu hay nghèo? Khác về thời gian định cư tại đây: họ đã qua được nhiều năm hay chỉ một thời gian ngắn? Khác nhau về trình độ văn hóa: trước khi đến Mỹ họ đã có bằng cấp gì và sau này có đi học lại hay không?

Từ những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nêu trên, tâm trạng của người dân nhập cư đối với Sinh nhật của nước Mỹ có thể khác nhau. Nhưng tựu trung lại vẫn là cảm xúc lây lan bởi không khí tưng bừng nơi đây. Họ đã chứng kiến được những màn bắn pháo hoa đầy ấn tượng. Còn như đến các siêu thị họ sẽ nhận ra khâu trang trí khánh tiết luôn là một phần quan trọng mà các chợ này góp phần chào mừng Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ. Ngay cả những tiệm nails cũng rôm rả hơn. Còn các chương trình khuyến mãi đâu đâu cũng có. Thậm chí giá xăng cũng hạ xuống để chen lấn vào cuộc đua lấy tiền khách hàng. Đến nỗi có người nói, giá xăng lên xuống vì bị giật dây bởi đầu nậu, nên vào những ngày lễ, để ý kỹ một chút ta sẽ thấy giá xăng hạ xuống để câu khách.

Nói đến giá xăng, không cần nhiều đâu, chỉ cần rẻ chừng vài xu thôi. Thế là dân Mỹ sẽ tìm đến chỗ có giá xăng rẻ hơn. Điều thực tế này ai cũng biết rõ. Nhưng khi hỏi tại sao mới thấy câu trả lời không dễ. Dân Mỹ nổi tiếng xài sang. Làm bộ móng tay, típ cho thợ nail 5-10 đô. Cắt mái tóc, típ 5 đô. Ăn tô phở, típ 3-5 đô. Nếu giá xăng chênh lệch chỉ có 3 xu, đổ đầy bình xăng cũng chỉ bớt được 50 xu. Mười lần đổ xăng như thế mới mất có 5 đồng. Nhưng mỗi lần típ cho các dịch vụ làm đẹp, ăn uống… người Mỹ rất thoải mái, rất rộng. Còn lúc đổ xăng, chỉ cần chênh lệch nhau vài xu thôi mới thấy họ hẹp bụng hẳn đi.

Nói tới America’s Birthday, riêng bạn, bạn nghĩ gì? Mùa hè. Trời nóng bức. Lon bia lạnh. Thực đơn của những món ăn ngon được chuẩn bị kỹ càng. Nào là chả giò. Thịt nướng. Nấu nồi phở ăn cả nhà. Khay cơm chiên. Món rau xà-lách trộn. Thảm cỏ xanh mượt sau vườn hay ngoài công viên đông vui nhộn nhịp. Nhiều thứ để chọn lựa lắm. Nhưng có bao giờ bạn bỏ ra vài phút để suy nghĩ về mảnh đất đã cho mình cơ hội lập nghiệp, cho mình niềm tự hào mỗi khi đi ra thế giới bên ngoài với cuốn hộ chiếu Mỹ trên tay. Bài quốc ca hùng tráng. Màu sắc của lá cờ có 50 ngôi sao và 13 sọc rất đỗi thiêng liêng. Những điều tốt đẹp đó…

Có lẽ khi nhìn kỹ lại bạn mới thấy một America còn đó những ngổn ngang thế sự. Những điều không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến lại thấy chúng khó hiểu. Thấy chúng lấn cấn. Thấy chúng (lẽ ra hoàn toàn) đừng nên có. Bởi lẽ một mảnh đất hiền hòa như thế, rộng mở vòng tay như thế, đầy dẫy những cơ hội tiến thân cho mọi người như thế (tại sao) vẫn tồn tại những gai nhọn, những ung nhọt nhức nhối. Trong đó điều ngổn ngang nhất với đất Mỹ hiện nay là cảnh người dân vô tội bị bắn chết hàng loạt, diễn ra mỗi ngày trên đất Mỹ.

Các vụ bắn người tập thể dạo dần đây liên miên xảy ra. Chưa bao giờ lời dặn dò “cẩn thận khủng bố” ngày July 4th lại trở nên nghiêm túc như lúc này. Dĩ nhiên thành phần được đào tạo bởi các tổ chức khủng bố (như ISIS) ta không nói đến. Ý thức của họ đã định hình. Họ đã bị tẩy não (tạm mượn khái niệm này mô tả hiện tượng suy nghĩ của họ đã thay đổi). Trước đây họ không nghĩ đến chuyện giết người vô tội là cao cả. Nhưng sau khi bị tuyên truyền và nhồi sọ, họ thấy giết người vô tội giờ trở thành chuyện chính nghĩa.

Bên cạnh đó nhiều vụ bắn người không do các cá nhân được huấn luyện bài bản (mà do) những cảm-tình-viên đối với các tổ chức khủng bố. Nhóm cảm-tình-viên này xem ra mới thật đáng ngại. Họ không cần được huấn luyện chuyên nghiệp. Tại Mỹ, họ được phép mua súng và có thể lên một kế hoạch hành động độc lập. Thế là San Bernardino đã xảy ra vào Noel năm 2015. Hộp đêm Pulse xảy ra đầu tháng 06 năm 2016. Những tay súng bộc phát tại Mỹ (homegrown terrorists) đang trở thành mối lo nhức đầu của giới hữu trách Mỹ.

Nhiều vụ bắn người không do khủng bố hay những cảm-tình-viên gây ra mà do những thành phần tâm lý bất bình thường. Nhà thờ đang yên ổn là vậy, người ta đang tổ chức học tập kinh thánh rất nghiêm trang. Vậy mà sát thủ đã bước vào, thản nhiên nã đạn, chín mạng người chết oan tại một ngôi thánh đường của người da đen tại Charleston, South Carolina… Rồi chuyện mẹ giết con, con giết cha mẹ, nổ súng và bắn nhau do gây gổ bất hòa, thanh toán bằng súng đạn chỉ vì những tư thù cá nhân rất cỏn con.

Nước Mỹ là thế. Tu chính án II từ thời lập quốc cho phép người dân mang súng đã bị các tay tài phiệt lũng đoạn. Con dao gọt xoài hay thái rau cũng có thể là con dao đâm người. Súng là một phương tiện. Nó có thể bảo vệ con người mà cũng có thể là vũ khí gây hại nguy hiểm cho xã hội.

Đấy là chuyện súng đạn ở Hoa Kỳ. Quá dễ mua. Quá sẵn. Súng có mặt khắp nơi. Ngay cả trẻ con cũng có thể bắn người vì súng không được người lớn kiểm soát kỹ. Chuyện một cậu bé 11 tuổi tại Jefferson County, Tennessee bắn chết một “cô bạn hàng xóm” 8 tuổi chỉ vì cô không cho cậu bé chơi với mấy con chó nhỏ của cô. Hay như chuyện trẻ em bốn năm tuổi chơi nghịch với súng của người lớn rồi lỡ tay tự bắn chết mình. Hay chuyện trẻ em bắn chết bố mẹ… vì súng để ở bàn ăn, súng cất ở gầm ghế xe hơi… Nhan nhản những câu chuyện như vậy? Lỗi do ai? Và tại sao ở Mỹ súng ống lại nhiều đến như thế.

Cách đây hơn một thập niên, chuyện bắn người tập thể không thấy xuất hiện nhiều ở Mỹ. Những ai đến Mỹ diện HO, diện Con Lai, hay diện đoàn tụ lúc đó không nghe nói đến các vụ bắn người nhiều như hiện nay. Có lẽ ngày đó phương tiện truyền thông không đa dạng và phong phú như hôm nay? Hoặc tình trạng tâm lý tinh thần của dân Mỹ đã thay đổi theo chiều hướng xấu?

Những vụ bắn người lẻ tẻ (chủ yếu do thanh toán băng đảng hoặc những xung đột cá nhân) tại các khu phức tạp của những thành phố lớn như New York, Baltimore, Miami, Detroit, Chicago, New Orleans, Houston… một dạo là cảm hứng cho các tờ báo. Giờ thì những chuyện như thế đã thực sự trở thành chuyện nhỏ vì chỉ có những vụ thật lớn mới đủ sức hấp dẫn loan trên mặt báo. Chuyện bắn người càng lúc càng nhiều và qui mô hơn. Đến nỗi bây giờ người ta chỉ biết thở dài dặn nhau: Hồn ai nấy giữ.

Tại sao chuyện bắn người ở Mỹ lại nguy hiểm và xảy ra nhiều đến thế? Tại sao khi Việt kiều Mỹ về thăm quê hương hay nghe bà con và bạn bè hỏi: Bộ bên Mỹ người ta bắn nhau nhiều lắm hả. Thế thì mạng người ở Mỹ đâu có an toàn nữa. Họ đọc báo. Thấy đăng tin như vậy thì biết vậy. Cuối cùng là nhập tâm. Họ nghĩ: Ở Mỹ sớm muộn gì cũng sẽ bị bắn chết! Những câu hỏi này bạn có bao giờ nghĩ qua. Nhân dịp sinh nhật America, có khi nào bạn dành lấy một phút để ngẫm nghĩ về nan đề xã hội này hay không.

Mỹ cấm lái xe và uống rượu vì hai thứ này không thể đi chung với nhau. Tương tự, súng và rối loạn tâm lý không thể đi chung với nhau được. Nhưng tại Mỹ, súng quá nhiều, và tình trạng ổn định tâm lý của người Mỹ hiện nay đang ở mức báo động.

Thống kê cho thấy những số liệu rất đáng ngại. Cứ 5 người Mỹ trưởng thành có 1 người từng trải nghiệm một căn bệnh tâm thần (chính xác là 18.5% người lớn). Cứ 25 người Mỹ thì có 1 người được chẩn đoán có bệnh tâm thần nặng (đủ để đảo lộn các sinh hoạt bình thường). Ở độ tuổi 13-18, 21% trẻ em từng có những triệu chứng tâm thần ở một thời điểm nào đó. Cứ 100 người Mỹ có 1 người mắc chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia). Khoảng 2.6% dân Mỹ sống với chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Hằng năm, thống kê cho biết khoảng 7% dân Mỹ từng trải qua bệnh trầm cảm nặng (Major depressive). Ngoài ra có đến 18% dân Mỹ sống với rối loạn căng thẳng (anxiety disorder), khủng hoảng hậu sang chấn PTSD (posttraumatic stress disorder), rối loạn ám ảnh (obsessive-compulsive disorder), hoặc những căn bệnh ám ảnh sợ hãi hay thù ghét (specific phobias). Cộng thêm khoảng hơn 20 triệu dân Mỹ hiện đang là các con nghiện.

Với những con số thống kê ở trên, bạn thực sự cảm nhận được điều gì về đất Mỹ. Quanh ta, nhiều chuyện động trời chỉ được biết sau khi chúng đã xảy ra. (Trong khi đó) mỗi chúng ta là một hòn đảo. Phần nổi trên mặt nước chỉ là một phần rất nhỏ. Phần ở dưới lớn hơn nhiều nhưng hình thù ra sao không ai biết được. Vì thế những vụ nổ súng, những biến cố thảm sát, những tai nạn… chẳng ai tiên đoán được. Các vụ bắn người sẽ xảy ra một khi tâm lý của sát thủ rơi vào tình trạng giọt-nước-cuối-cùng-sẽ-tràn-ly.

Happy Birthday America – Mừng sinh nhật Mỹ – bên cạnh những niềm vui hào hứng. Thịt nướng và bia lạnh. Tiếng cười và những câu chuyện thân tình. Đủ mọi đề tài cả. Từ chuyện giá dầu thô có thể hồi phục, Biển Đông căng thẳng sẽ về đâu, chuyện bầu cử tổng thống sắp tới, chuyện cá sấu lôi đứa trẻ 2 tuổi đi nghỉ mát cùng gia đình tại khu nghỉ mát sang trọng Walt Disney World…

Rất có thể đề tài bắn người hàng loạt (mass shooting) được nói đến nhiều nhất. Nhưng mấy ai nghĩ đến những bất ổn tâm lý mới là những nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau những động cơ bắn người. Để rồi mừng sinh nhật Uncle Sam, bạn có thấy mình may mắn, có thấy mình giống (hay khác) người Mỹ? Và suy nghĩ của bạn như thế nào về tình trạng sức khỏe tâm lý (mental health) của nước Mỹ hôm nay.

 

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email