HAPPY THANKSGIVING

Nguyễn Thơ Sinh

 

Thứ năm cuối cùng của tháng 11 là ngày Lễ Tạ ơn của Mỹ. Năm nào cũng thế. Tuy ngày tháng có thể xê dịch, nhưng cứ đến thứ năm cuối cùng của tháng 11 Lễ Tạ Ơn lại quay về. Đây chính là lý do dân đi làm hãng hoặc làm cho chính phủ thường được nghỉ hai ngày lễ liền!

Lễ Tạ Ơn là lễ rất lớn ở Mỹ. Gần như nó lớn hơn tất cả những ngày lễ khác trong năm. Có người nói Noel mới là lễ to hơn, nhưng vì Noel mang sắc thái tôn giáo kỷ niệm ngày sinh Chúa Jesus nên Noel thường có ý nghĩa với những tín đồ Cơ Đốc. Còn Lễ Tạ Ơn thiên về lòng biết ơn và tình cảm gia đình nên nó gần gũi với mọi người. Nói thì nói vậy, một vài thập niên gần đây Noel bị thương mại hóa nhiều nên tự động biến thành thời điểm vui chơi trong năm, mua sắm, tiêu xài xả láng… đặc biệt nó sát liền với Tết Dương lịch.

Lễ Tạ Ơn không lạ gì với những ai sống ở Mỹ sau vài năm. Tiết trời se se lạnh nên ăn uống sẽ ngon miệng hơn. Vả lại diễn ra gần Noel và Tết Tây, không khí Lễ Tạ Ơn càng rạo rực tinh thần lễ hội hơn. Với những ai từng đi làm ăn xa, hoặc dọn nhà đi nơi khác, Lễ Tạ Ơn là dịp họ tìm về mái nhà xưa, đặc biệt khi cha mẹ còn sống, hoặc họ thèm được quây quần bên anh chị em bà con để hâm lại tình cảm ấm áp chan hòa, tìm lại hơi ấm ruột rà máu nồng hơn nước.

Việt kiều về thăm quê được hỏi bên Mỹ lễ nào lớn nhất, không ít đã trả lời không do dự: Đó là Lễ Tạ Ơn. Sau đó họ kể thêm một số ngày lễ lớn khác của Mỹ như Lễ Tưởng nhớ Chiến sĩ Trận vong, Lễ Độc lập, Lễ Lao Động, Noel, và Tết Tây… nhưng cảm xúc của họ về Lễ Tạ Ơn bao giờ cũng ấm áp chan hòa. Bởi với người Việt sống trên đất Mỹ đây cũng là ngày lễ đoàn tụ gia đình và là dịp để tri ân cuộc sống. Thành ra trong nhà có chừng chục người sẽ bàn nhau nướng một chú gà tây liền.

Ở Mỹ Lễ Tạ Ơn nổi tiếng lắm, ai cũng nghe và biết về nó. Nhưng nếu hỏi họ về lịch sử của Lễ Tạ Ơn đa số chỉ dừng lại ở chỗ: Đó là bữa ăn ngon những di dân đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ ăn mừng sau một mùa gặt bội thu. Họ chuẩn bị bữa ăn đó để thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ và ghi ơn Thượng Đế đã ban cho họ một đời sống ấm no, ổn định.

Ngày đó, những di dân đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ đối diện với biết bao những khó khăn trong cuộc sống. Sau một năm dài vật lộn, lo lắng, cần mẫn lam lũ, cuối cùng mùa gặt đến, những quả ngô vàng óng, những trái bí to đùng, những con vật nuôi được, mùa đông đầu tiên họ có thức ăn, sẽ không lo đói nữa, sẽ mặc áo ấm hơn, kiếp tha phương cầu thực đã có những dấu hiệu bén rễ sinh tồn lâu bền.

Ngày đó họ không nghĩ đến những điều xa xỉ, những thứ cao sang phú quý. Họ chỉ nghĩ đến cái ăn cho bao tử và cái mặc che thân. Họ rất khác những thế hệ di dân sau này đa số không phải đối diện với những thử thách xương máu vì đã được người đi trước trả giá cho rồi.

Có dịp tìm hiểu sẽ thấy Lễ Tạ Ơn là một pho sử khá thú vị. Bữa ăn Lễ Tạ Ơn đầu tiên ngày xưa không hề có ngỗng tây, không có cả khoai tây nghiền, cũng không có bánh bí ngô nướng (rất đơn giản, những món hiện đại này chưa có mặt trên đất Mỹ). Thay vào đó liên tục trong nhiều chục năm liền, Lễ Tạ Ơn chỉ có thịt hải cẩu, thịt nai rừng, cá câu từ hồ, sông, tôm hùm, thiên nga, hến, sò, ngô, đậu, trái cranberries… Đa số là thực phẩm có sẵn từ thiên nhiên, người ta chỉ cần đi săn hoặc thả lưới đánh bắt là có thể làm được một bữa ăn ngon.

Sử chép kể lại năm 1621 một nhóm di dân khai khoang (colonist) rời cảng Plymouth của Anh vượt đại dương trên con tàu có tên Mayflower tìm đến Mỹ. Sau đó họ và người da đỏ bộ lạc Wampanoag đã góp thức ăn cho bữa cơm cảm tạ đầo tiên. Đây là phiên bản ngắn về bữa tiệc Lễ Tạ Ơn nguyên thủy trên đất Mỹ.

Hơn hai trăm năm sau đó Lễ Tạ Ơn được tổ chức lẻ tẻ riêng rẽ tại các tiểu bang hoặc tại những khu dân cư khai hoang định cư (colonies); lúc đó Mỹ vẫn còn là thuộc địa của Anh. Mãi đến năm 1863 (thời Nội chiến) Tổng thống Abraham Lincoln ban hành sắc lệnh đặc biệt nâng Lễ Tạ Ơn lên hàng Lễ quốc gia, chính thức tổ chức vào tháng 11 mỗi năm.

Với di dân sau này đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn đã thành nếp chủ yếu mang tính văn hóa truyền thống. Họ thấy dân Mỹ vui vẻ mừng lễ, thức ăn ê hề, rồi nghe kể thêm về Lễ Tạ Ơn, họ thấy lạ, thấy hay hay. Sau đó sống lâu hơn, chừng vài năm thôi, đi làm được nghỉ lễ ăn lương, tha hồ mua sắm vì hàng hóa vào dịp này bán rẻ hơn, thức ăn ngon, phong cảnh cũng khác vì nhà cửa được trang hoàng; nào là bí đỏ, ngô vàng, những con gà tây… thế là hình ảnh của ngày Lễ Tạ Ơn bỗng nhiên đi vào tâm trí họ một cách thân thương gần gũi.

Sống trong hoàn cảnh những kẻ bỏ xứ đến Mỹ lập nghiệp thời đó bạn mới thực sự thấm thía ý nghĩa Lễ Tạ Ơn. Một trăm hai mươi người trên con tàu nhỏ bé quyết chí vượt đại dương. Sáu mươi sáu ngày lênh đên trên biển. Con tàu Mayflower cập bến tại Cape Cod, gần cửa sông Hudson rồi xuyên qua vịnh Massachusetts, mùa đông đầu tiên đa số họ sống trên tàu, hơn một nửa đã mất mạng vì đói khát và bệnh tật.

Tháng ba năm sau, mùa xuân đến, họ lên bờ và gặp một người thuộc bộ lạc Abenaki biết nói tiếng Anh. Vài hôm sau anh ta quay lại với một người da đỏ khác tên Squanto của bộ lạc Pawtuxet. Anh này bị một thuyền trưởng người Anh bắt cóc đem bán tại chợ nô lệ tại Anh. Sau đó anh ta trốn thoát trở về (nước Mỹ). Gặp được những di dân Anh quốc, anh ta rất vui và hăng hái hướng dẫn họ trồng ngô và nạo vỏ cây phong (maple) lấy mật (nay ta thường ăn mật cây phong với bánh pancake hay bánh nướng waffle). Squanto còn hướng dẫn di dân đầu tiên cách bắt cá, cách phân biệt những loại cây độc trong rừng. Squanto đã giúp họ xây dựng quan hệ tốt đẹp với bộ tộc Abenaki trong một thời gian dài.

Trải qua nỗi ám ảnh kinh hoàng với cái chết mùa đông đầu tiên đói khổ, nay được an toàn từ những thành quả lao động cần cù, cuộc sống bắt đầu bén rễ, ý nghĩa của Lễ Tạ Ơn buổi đầu thật thấm thía biết bao. Thẳm sâu trong lòng những di dân đầu tiên thức ăn chính là bảo đảm cho sự sống tương lai lâu dài, suy nghĩ của những kẻ rời bỏ quê nhà đến Mỹ lập nghiệp ngày ấy mới đơn giản làm sao.

Tương tự Lễ Noel, Lễ Tạ Ơn ban đầu mang đậm dấu ấn tôn giáo. Tên gọi “Lễ Tạ Ơn” là để cảm ơn Thượng Đế vì Ngài đã bảo vệ họ bằng cách gởi đến những người bạn da đỏ bản xứ tốt bụng. Nhiều năm trôi qua, ý nghĩa Lễ Tạ Ơn vẫn xoay quanh sự biết ơn Thượng Đế này. Tuy nhiên càng về sau, Lễ Tạ Ơn mang sắc thái xã hội thực tế hơn, lòng biết ơn không chỉ với Thượng Đế mà còn là biết ơn cuộc sống, biết ơn những điều may mắn tốt đẹp, biết ơn về tình cảm giữa người với người.

Ngày nay cách người ta mừng Lễ Tạ Ơn vẫn trung thành với phiên bản Lễ Tạ Ơn mấy trăm năm về trước, đó là thức ăn. Tuy nhiên thực đơn hôm nay văn minh hơn, ngon hơn, tiện lợi và nhanh chóng hơn, song ý nghĩa cốt lõi của ngày lễ vẫn nhắm đến sự gắn bó đoàn tụ. Mà nói đến đoàn tụ, người ta không thể quên được những món ăn khoái khẩu nấu lên cho cả nhà vào dịp này.

Vâng. Vẫn là thịt ngỗng nướng, nhưng chỉ có ngỗng nướng Lễ Tạ Ơn mới thực sự ngon. Món thịt heo xông khói (ham) cũng thế, ăn vào ngày thường sẽ không đậm đà như ăn vào dịp Lễ Tạ Ơn. Món khoai lang nướng bơ, có trộn thêm quế và mật ong, món khoai tây nghiền, món đậu đũa nướng casserole thơm lựng mùi tỏi phi vàng, bánh bột ngô nướng, bánh hạt dẻ pecan hay bánh bí ngô nướng… khiến cho bàn tiệc Lễ Tạ Ơn trở nên hấp dẫn hơn, ấm áp hơn, gần gũi hơn.

Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, di dân gốc Việt hội nhập và làm quen với văn hóa Mỹ khá nhanh. Để rồi tự lúc nào không rõ nữa, Lễ Tạ Ơn cuối cùng trở thành một phần của sinh hoạt lễ hội khá sầm uất mỗi cuối năm dương lịch với người Việt.

Bàn tiệc Lễ Tạ Ơn của người Việt mình có gì? Có thể là một nồi phở. Một khay cơm chiên. Một khay gỏi. Một chảo mì xào giòn. Có thể là thịt heo quay. Một khay đầy ụ những cuộn chả giò chiên giòn rụm. Một ổ bánh bò nướng hay một nồi chè Thái với nhiều loại trái cây rất dễ ăn. Một số người Việt ăn Lễ Tạ Ơn kiểu Mỹ, họ cũng đút lò một con turkey chừng 10 pounds. Hoặc họ sẽ nướng một tảng ham bắt mắt. Nhiều món ăn Mỹ được thực hiện khá công phu, ngay cả món tráng miệng cũng của Mỹ nữa, đi chung cho có bộ, ấn tượng và sang trọng…

Song, có lẽ lắng sâu hơn cả, nếu giành lấy một phút để suy gẫm, đa số chúng ta được may mắn sống trên mảnh đất tự do dân chủ này, có một cuộc đời mới với bao trải nghiệm đáng quý, nhất là được trải nghiệm Lễ Tạ Ơn… Phải chăng những điều đó tự thân chúng đã là những món quà đầy ý nghĩa để cảm ơn.

Và với bạn, đâu là điều bạn cảm thấy mình biết ơn nhiều nhất trong Lễ Tạ Ơn năm nay?

 

Nguyễn Thơ Sinh

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email