Hậu Bầu Cử Huê Kỳ 2020

Kamala Harris cảm ơn người ủng hộ. Ảnh chụp đêm 6 tháng 11. Toni L. Sandys/The Washington Post

Chính trường Hoa kỳ vừa trải qua một cơn sóng gió. Thực sự thì trong cả tháng, không, hai tháng nữa, vẫn còn sóng gió, nhưng cơn sóng dữ nhất đã qua. Cuộc tuyển cử khốc liệt nhất thế kỷ ở nước Mỹ, nơi khối xanh và khối đỏ đông ngang ngửa, nhưng võ trang không đồng đều như mọi người đã thấy qua các cuộc xuống đường của cả hai phe, đã có kết quả. Các hãng thông tấn đã tuyên bố ông cựu Phó Tổng thống Joe Biden thắng và kêu ổng bằng Tổng thống đắc cử (President elect) của Hợp chúng quốc Hoa kỳ.

Kamala Harris và em gái Maya cùng bà mẹ. Ảnh của Kamala Harris

Con đường đi đến vị trí cao nhất nước của ông chính trị gia chuyên nghiệp này quá dài, và quá lòng vòng. Ông là một trong những thượng nghị sĩ trẻ nhất nước Mỹ khi đắc cử năm 30 tuổi, tuổi thấp nhất để đủ điều kiện trở thành thượng nghị sĩ. Nhưng ông là vị tổng thống già nhất khi đắc cử – 77 tuổi. Đó là chưa kể đến những phút gian nan khi bị tố cáo là dùng vị trí chức quyền để đỡ đầu cho con làm ăn bất chánh (?)

Vậy là cuộc bầu cử đã qua, nhưng như mọi người biết, chuyện bầu cử vẫn chưa hết. Ông tổng thống bị tuyên bố là đã thua nhất định không chịu nhận thua. Ổng đã tuyên bố từ lâu trước ngày bỏ phiếu rằng làm gì mà thua được, chuyện ông thua chỉ có thể có nghĩa là cuộc bầu cử có gian lận. Ngay sau ngày 3 tháng 11, ông đã đòi hỏi không được đếm phiếu ở một số nơi, và …phải tiếp tục đếm phiếu ở một số nơi khác.  Và ông ấy đang đi thưa kiện, cam kết sẽ kiện lên tới cái tòa cao nhất nước – The Supreme Court.

Từ nay tới ngày tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, phần chắc sẽ là Joe Biden, vẫn còn có chuyện hậu bầu cử để bàn. Chuyện Mỗi Tuần (CMT) kỳ này làm đúng như vậy. Nhưng về ông Biden người ta, cả CMT, đã tốn khá giấy mực rồi, vậy nên xin dành phần đầu cho Kamala Harris, bà phó tổng thống đắc cử.

Chưa hết Barack đã tới Kamala

Trong nhiều phim Mỹ, kể cả phim truyện và phim truyền hình, người xem thấy thỉnh thoảng có nhân vật Bà Tổng thống hay Bà Phó Tổng thống. Nhưng cho đến cuộc bầu cử này, chuyện đó chỉ là trên màn ảnh.

Hôm 7 tháng 11, một trong những tweet được Vogue, tờ tạp chí của phụ nữ, chọn đưa vào bài “The Best Twitter Reactions to Joe Biden’s Historic Win” viết “Madam Vice President” không còn là một nhân vật tưởng tượng nữa.@KamalaHarris. (Tweet này dùng từ fictional, KG dịch theo tiếng Việt trước 75, nay trong nước khoái dùng từ “hư cấu” hơn, nghe kêu hơn nhưng mà hơi đau, cấu chắc chắn đau hơn véo)

Với những người Mỹ (cả người Việt nữa) không ưa người da màu (đậm hơn mình), việc bà Kamala Harris trở thành nhân vật quyền lực số 2 của Hoa kỳ, thật khó nuốt. Không phải ở chỗ đây là một phụ nữ, mà ở màu da. Mới bốn năm trước, họ thoát được anh chàng da đen thui (nhờ ảnh hết quyền tái ứng cử) Barack, người chẳng những có tổ tiên gốc “shit hole” = Phi châu, mà thời còn con nít cũng được nhào nặn ở shit hole –Nam Dương. Để rồi năm nay, họ lại gặp cái bà tạp chủng Kamala, màu da tuy sáng hơn chút nhưng nguồn gốc thì đen + đen, và cũng lớn lên ở nước ngoài –  tỉnh bang nói tiếng Tây của xứ Cờ Lá Phong.

Cái tên đầy đủ của bà nói lên mức độ tạp chủng đó: Kamala Devi Harris. Kamala phát âm: /ˈkɑːmələ/ KAH-mə-lə. Mặc dầu cái ho, Harris, họ của cha, Mỹ rặt, nhưng ông bố của bà là người Mỹ gốc Jamaica, đen thui. Người mẹ, bà Shyamala Gopalan, cũng đen luôn, đen “chà và” Ấn độ.

(May mắn, hai ông bà đều là những người có học thức. Cả hai đều là tiến sĩ, tốt nghiệp từ Đại học UC Berkeley.)

(Nhưng cái màu da chỉ là một trở ngại, nỗ lực của con người mới là quan trọng. Cái nầy thì người Việt mình ở nước ngoài rành hơn ai hết. Để cho bằng, hay nếu được, qua mặt, người có màu da sáng tại các xứ này, mình không những phải giỏi mà còn phải làm việc gấp hai, gấp ba họ.)

Kamala Harris ra đời năm 1964 tại Oakland, California (Mỹ có khai sanh đàng hoàng, không ai có thể phủ nhận được). Sau khi cha mẹ ly dị, năm đó, Kamala mới lên 12 tuổi, bà Shyamala ôm hai đứa con gái – Kamala và Maya, sang Montreal – Canada, nơi bả được nhận vào dạy ở Đại học MacGill. Kamala học ở đó cho đến khi tốt nghiệp trung học- đầu tiên ở trường tiểu học Công giáo tiếng Pháp, Notre-Dame-des-Neiges, và sau đó là Trường Trung học Westmount ở Westmount, Quebec, tốt nghiệp năm 1981.

Nói vậy chớ trình độ và sự nghiệp của cái bà da đen này đáng nể lắm. Bả tốt nghiệp ngành chánh trị học và kinh tế học, rồi về trường Luật Hastings của UC, trở thành Tiến sĩ Luật, và vào Luật sư đoàn.

Sau khi tốt nghiệp, job đầu tiên của bả là phó biện lý (deputy attorney, nay người ta khoái dùng từ công tố hơn). Năm 2003, bả người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu làm Biện lý của Quận San Francisco (2004-2011). Cái nhứt đầu tiên. Bước kế tiếp của bả là trở thành Chánh Biện lý của tiểu bang California, ngồi suốt hai nhiệm kỳ liền (2011-2017). Cái nhứt thứ hai. Năm 2017, bả ra ứng cử Thượng viện, trở thành senator phụ nữ da màu đầu tiên của Thượng viện Hoa kỳ. Cái nhứt thứ ba.

Để có được những cái nhứt đó không dễ. Bảo đảm (không phải đảm bảo) người phụ nữ da đen này phải có tài, có chiến thuật và có nỗ lực, quyết tâm. Dân Cali không phải là những người không có mắt, tai và miệng.

Để rồi tháng 11 năm nay, Kamala có được cái nhứt thứ tư: đắc cử Phó Tổng thống Huê kỳ.

Thiệt ra thì bả mém chọn ông Biden thay vì để cho ông Biden chọn bả. Kamala ra tranh vị trí ứng cử viên tổng thống , đương đầu với …Joe Biden. Bả bỏ cuộc hồi tháng 3, nại lý do không đủ tiền, và ủng hộ Biden làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ.

Ông Joe Biden cũng khôn. Quyết định chọn bả trong số nhiều ứng viên sáng giá làm bạn tranh cử vừa an toàn, vừa thực tế. Ổng vừa giành được phiếu của phụ nữ, vừa dành được phiếu của người da màu (cả nam lẫn nữ), lại vừa có được một chiến sĩ hăng hái (chứng minh gần đây nhứt là đợt bả tấn công Tổng Chưởng lý Bill Barr ở Quốc hội trong vụ đàn hặc Donald Trump), vững vàng, và khôn ngoan.

Bả vừa chứng tỏ rằng bả khôn thấy tổ. Trong lời nói chuyện đêm 7 tháng 11 ở Delaware, bả ca ngợi ông chánh của mình rằng khi chọn bả, ông Biden đã thể hiện tánh cách của ổng bằng việc “táo bạo phá bỏ một trong những rào cản quan trọng nhất tồn tại ở đất nước chúng ta, và chọn một phụ nữ làm phó tổng thống của mình.”

Nhiều người tin rằng trong nhiệm kỳ của họ, Kamala sẽ là người có nhiều hoạt động tích cực trong việc trị quốc chớ không phải chỉ là diễn viên phụ, được chỉ đâu đánh đó như hầu hết các phó tổng thống hổi nảo giờ. Đặc biệt là những người lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông tổng thống vừa đắc cử.

Ông Donald Trump có dễ dàng ra đi không?

Dễ gì có!

Tweet của TT Trump hôm 7 tháng 11 bị Tweeter dán nhãn đỏ
Der Hausbesetzer trên bìa báo Der Spiegel hôm 6 tháng 11

Cái hình trên trang nhất tờ tạp chí chính trị của Đức Der Spiegel bữa 6 tháng 11 thật xuất sắc. Nó lột tả tình hình và quyết định của ông tổng thống sắp sửa trở về làm phó thường dân nếu công cuộc kiện tụng của ông ấy không có kết quả (mà có vẻ sẽ không).

Der Hausbesetzer, tựa của cái hình trong tiếng Đức, dịch qua tiếng Anh là The Squatter – người vô chiếm nhà/đất không phải của mình và nhất định không đi. Tiếng Việt hơi khó lột tả hết ý nghĩa đặc biệt của từ đó trong dịp này, có thể tạm dùng chữ “kẻ cắm dùi”. Dài dòng hơn, có thể dùng khẩu hiệu cũ của VC, “một tấc không đi, một ly không dời”. Giản dị hơn, thành ngữ giang hồ: “Ngon nhào vô coi!”

Trong hình, ông Trump mặc đồ bông ngụy trang đứng sau những bao cát. Với mặt thiệt ngầu, ông cầm lăm lăm một cây shotgun đang bẻ nòng để nạp đạn. Sau lưng ổng là tòa nhà trắng với những tấm ván đóng ngang dọc và hai cây cờ. Một cờ Mỹ, một cờ tổng thống. Ngay trước lá cờ tổng thống có bức hình Joe Biden được dùng làm bia, với một lỗ đạn cảnh cáo bên phía trái.

Ông tin tưởng rằng việc kiện tụng của ông ít nhiều sẽ mang lại cho ông nếu không là chiến thắng (khỏi phải dọn nhà) hoặc ít nhứt cũng được một cái not bad deal. Biện pháp kiện tụng, ngón nghề mà ông dùng như một bí quyết làm ăn từ hồi nào tới giờ đã chứng minh như vậy.

(Wikipedia cho hay báo USA Today có bài phân tích nói cho thấy trong 30 năm, Trump và các doanh nghiệp của ông ta đã liên can tới 3.500 vụ litigations tại các tòa án liên bang và tòa án tiểu bang của Hoa Kỳ, một con số chưa từng có đối với một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Trong số đó, có 1.900 vụ Trump hoặc một trong những công ty của ông là nguyên đơn, 1.450 là bị đơn; và 150 vụ là phá sản, bên thứ ba, hoặc bên khác. Bài báo này phát hành tháng 6, 2016, tức là chưa kể tới các vụ trong 4 năm vừa qua). Vậy nhưng dường như những cái cớ mà ổng dùng để kiện lại là …vô cớ.

Tỷ như cúa tweet lúc 5:30 chiều ngày 7 tháng 11. Được viết hoàn toàn bằng chữ hoa – có nghĩa là la lớn trong các thông điệp điện tử như email, tweet…, Ổng “cờ-lêm” như vầy: “CÁC QUAN SÁT VIÊN ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC CHO VÀO CÁC PHÒNG ĐẾM PHIẾU. TUI THẮNG CUỘC BẦU CỬ, KIẾM ĐƯỢC 71.000.000 PHIẾU HỢP PHÁP. NHỮNG CHUYỆN XẤU XẢY RA LÀ NHỮNG THỨ MÀ CÁC QUAN SÁT VIÊN CỦA TỤI TUI KHÔNG ĐƯỢC CHO PHÉP NGÓ THẤY. HỒI NÀO GIỜ CHƯA TỪNG XẢY RA. HÀNG TRIỆU LÁ PHIẾU GỞI QUA BƯU ĐIỆN ĐÃ ĐƯỢC GỞI TỚI CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG HỀ ĐÒI LẤY PHIẾU!”

Đoạn tweet này đã được chính tweeter dán nhãn đỏ, cảnh báo cho người đọc một cách lịch sự rằng: This claim about election fraud is disputed (Cái “cờ-lêm” nầy về gian lận bầu cử đang bị phản đối. Claim có nghĩa là tuyên bố một cái gì chưa có bằng chứng.)

Cho tới nay, mọi ngưởi đều biết rằng Tweeter dành cho ông Trump nhiều ưu ái và là vũ khí chánh của ông trong mọi chuyện, kể cả dùng để ra lịnh cho các cấp chánh quyền.

Một vài “cờ-lêm” khác của đội ngũ luật sư của Trump đã bị các tòa án bác bỏ.

Cũng chẳng có bao nhiêu hy vọng là phe Trump sẽ thắng nếu tòa chấp nhận xét xử một hai đơn kiện về gian lận bầu cử, bởi không dễ gì gian lận ở xứ này, đặc biệt là gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống. Mà trên lá phiếu không chỉ có bầu tổng thống. Còn có thượng nghị sĩ, dân biểu và nhiều chức vụ khác. Nếu gian lận để ủng hộ ông Biden, tại sao các nghị sĩ của Cộng hòa vẫn tiếp tục được bầu và thượng nghị viện vẫn có đa số là Cộng hòa? Lạ lùng hơn nữa, phe Dân chủ lại mất nhiều ghế trong Hạ viện. Sao mà gian lận …ngu vậy? Sao không tiện tay bầu cho các ứng cử viên nghị sĩ, dân biểu thuộc đảng Dân chủ cho một công đôi ba chuyện?

Cứ cho là Joe Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ, rồi sao?

Dĩ nhiên là ông Biden và bà Harris mới chỉ là các ứng cử viên được các cơ quan thông tấn tuyên bố là đã thắng, nhưng các cơ quan thông tấn (mà đa phần bị phe phò Trump kêu là “thổ tả”, nay đã gồm luôn hãng bồ nhà Fox News) thường không dám tuyên bố…láo.

Ngày 14 tháng 12 tới, các elector (đại cử tri) ở các tiểu bang sẽ bỏ phiếu. Thường thì tất cả số phiếu của các đại cử tri sẽ phải dồn cho ứng cử viên thắng phiếu phổ thông. Ngày 6 tháng 1 năm 2021, Quốc hội sẽ đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri. Ngày đó, nếu không có các đại cử tri phản phé – phải là rất đông, vì hiện nay chưa kể 2 tiểu bang, Biden-Harris đã được 290 phiếu đại cử tri và Trump-Pence 214.  Chênh nhau tới 76 phiếu!

Khi đã có sự công nhận của Quốc hội, tân tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Và nếu vị tổng thống thất cử không chịu trả nhà, chính những nhân viên Sở Mật vụ (Secret Service), những người đã sẵn sàng đưa thân hình ra chắn đạn cho ổng sẽ xách cổ ổng thảy ra. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ vị tổng thống đương nhiệm.

Nhưng có một điều chắc chắn: dù cho Trump có ra đi, Trumpism (chủ thuyết, chủ nghĩa, trường phái, đạo Trump) sẽ không ra đi.

Trong số những lá phiếu bầu, hơn 70 triệu lá phiếu đã được dành cho ông Trump. Các cuộc xuống đường ủng hộ ông Trump (và những tin đồn về gian lận bầu cử) vẫn còn tiếp tục.

Đó chỉ là chuyện nhứt thời, niềm tin “chỉ có Trump mới cứu được nước Mỹ, mới làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại, mới chống được Tàu, mới giữ được cho Huê kỳ không trở trở thành một nước cộng sản và, thậm chí, mới …đi nhà thờ và cầu nguyện” sẽ không chết.

Bốn năm sắp tới, bảo đảm ông Biden sẽ vất vả hơn cả ông Trump trong 4 năm qua. Mặc dầu không có chánh trị gia nào là không có lúc nói láo, ông Biden không đủ gian để nói láo như ông Trump, và cũng không đủ tàn nhẫn, nên ổng sẽ chới với khi nhứt cử nhứt động đều bị săm soi, phê phán. Bên cạnh đó, Thượng viện vẫn bị phe Cộng hòa kiểm soát, với ông hung thần Mitch McConnell làm thủ lãnh khối đa số. Trong lúc đó, tỷ lệ đa số của đảng Dân chủ ở Hạ viện lại bị giảm xuống. Biden cũng không trông nhờ gì được vào giới thông tấn, để khỏi mang tiếng là “fake news”, đưa tin vịt, thiếu công bằng, họ cũng sẽ săm soi ông,  bắt lỗi ổng từng chút.

Cái test đầu tiên của ông tân tổng thống sẽ là trận đại dịch.

Bầu cử xong rồi mà con siêu vi cồ rô na SARSCoV-2 không chịu ra đi, như ông Tổng thống đã phán biểu nó rằng tới ngày 4 tháng 11 thì “Biến!”

Ngược lại, nó ngang ngược hoành hành. Mấy ngày cuối tuần trước, số ca bịnh ở Huê kỳ tăng hết biết. Ngày nào cũng trên 100 ngàn ca. Bữa Chúa nhựt, mạng của Johns Hopkins University & Medicine cho hay cả nước Mỹ chỉ còn thiếu 30 ngàn ca nữa là chẵn 10 triệu người được chẩn đoán là mắc bịnh và thiếu chưa đầy 2500 nữa là chẵn 240 ngàn trường hợp tử vong.

Dù có Thánh cũng chẳng cản được nó, nhứt là trong lúc mọi người đã mỏi mệt, chán ngán với những cấm đoán của lịnh lockdown, đã sắp sập tiệm hay cạn túi vì không còn làm ăn được, lại vừa đi xuống đường chen vai sát cánh để ủng hộ, chống đối, ăn mừng mà không mang mask!

Bổ sung

Tweet của Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Đáng ra thì CMT tới đây là hết, KG chỉ cần thú nhận thêm mình là một trong những người vui nếu ông Trump thất cử.

(Lý do để vui là như vầy: Ký tui mệt mỏi với chuyện đọc báo, coi TV Tây, bởi vất vả để  hiểu, để nghe nên rất khoái coi tin tức trên các đài nói tiếng Việt, nhứt là các bản tin Youtube. Mấy người đọc tin, bình luận vừa đẹp, vừa dễ thương, vừa dễ hiểu. Vậy nhưng khoảng hai, ba năm nay, niềm vui này đã mất. Hầu như không có tuần nào không có những bài kiểu “Ba người vợ tài sắc của Ngài Tổng thống”, “Nàng công chúa xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn của Ngài Tổng thống”, “Cậu Hoàng tử mới 13 tuổi cao trên mét chín, đẹp trai, học giỏi”, “Hiền tế đầy tài năng của Ngài Tổng thống sẽ ứng cử Tổng thống năm 2024?”; “Người Được Chọn”; “Donald Trump ra đòn, phe Dân chủ rụng rời…” Ký tui không vơ đũa cả nắm, có ngưởi nói các đài này là của nhà nước VC, nhưng hỏng hiểu sao, không ít người Việt ngoài nước lại “chia sẻ” lại các “đài”, “video” tin tức đó trên Facebook và Youtube.

Sắp tới, nếu ông Biden thắng, vẫn sẽ có chuyện về gia đình con cái của ổng, nhưng chắc đề tựa sẽ là “Thằng con nghiện ngập…”, “Bà vợ thiếu trung trinh…”)

Nhưng vừa thấy một bản tin mới của ABC News. Không “bổ sung” vô đây uổng quá.

Dưới đầu đề “Silence speaks volume…” (Sự im lặng nói lên nhiều thứ), bài báo của ký giả Yuliya Talmazan và hãng tin Reuteurs nói rằng trong khi các thông điệp chúc mừng được các lãnh đạo trên thế giới gởi tới ông Biden, đáng chú ý là có nhiều nhà lãnh đạo im lặng.

Trong số các lãnh đạo lớn trên thế giới chưa lên tiếng, có Nga hoàng Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Cậu Ủn Kim jong-un.

Cũng phải nói thêm một chút nữa: Nếu ông Trump lật ngược thế cờ (chuyện không dễ, trừ phi ổng là “The Chosen” – người được chọn thứ thiệt) thì ông Trudeau và Canada sẽ mệt lắm.

Thủ tướng Justin Trudeau là một trong các nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới lên tiếng chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris. Tweet của ổng được đăng sáng thứ Bảy 7/11, 45 phút sau khi Pennsylvania công bố ông Biden chiến thắng ở tiểu bang này. Ngay sau đó, văn bản chánh thức được đưa lên trang mạng chánh thức của Thủ tướng Canada:

“Thay mặt Chính phủ Canada, tôi chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris về việc họ được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống kế tiếp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

“Canada và Hoa Kỳ hưởng một mối quan hệ phi thường – một mối quan hệ có một không hai trên trường thế giới. Địa lý chung, sở thích chung, các mối quan hệ cá nhân sâu đậm và các mối quan hệ kinh tế bền chặt khiến chúng ta trở thành những người bạn, người hợp tác và đồng minh thân thiết. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng này khi chúng ta tiếp tục giữ cho người dân của chúng ta an toàn và khỏe mạnh khỏi các tác động của đại dịch COVID-19 toàn cầu, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hòa bình và hòa nhập, thịnh vượng kinh tế và hành động vì khí hậu trên toàn thế giới.

“Tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống đắc cử Biden, Phó Tổng thống đắc cử Harris, chính quyền của họ và Quốc hội Hoa Kỳ khi chúng ta cùng nhau giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới”.

Chạy không thoát đâu!

Một bà cụ Mỹ bỏ phiếu. Photo: Rick Bowmer/AP

Ký Gà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email