Với hàng triệu người nay đã được tiêm chủng và đang bắt đầu tổ chức lại cuộc sống cũng như dự tính tham dự một vài sinh hoạt mà bấy lâu nay vì đại dịch đã không thể làm được như: họp mặt gia đình, dự đám cưới của đứa cháu, tiệc tùng với bạn bè, v.v… Tuy nhiên có điều là nay nhiều người cũng đã nhận ra rằng giai đoạn chuyển đổi từ đại dịch sang hậu đại dịch để trở lại cuộc sống bình thường dường như khó khăn hơn người ta tưởng, và đòi hỏi tất cả mọi người phải tỏ ra thật tế nhị đối với bạn bè hoặc người thân khi ngỏ ý về những chuyện như tụ họp, ăn uống, vui chơi đông người, lý do là vì rất có thể những người thân này có quan điểm khác với mình về những cách thức sinh hoạt mới trong một thế giới hoàn toàn mới lạ thời hậu đại dịch. Những chủ đề nhạy cảm xoay quanh những vấn đề liên quan tới cuộc sống mới, từ địa điểm họp mặt cho tới quyết định có nên cho phép trẻ em hoặc những người chưa được chích ngừa tham dự những cuộc họp mặt đó hay không, đều cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật (CDC), chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Hoa Kỳ tiếp tục tiến triển đều đặn với hơn 50% số người trưởng thành tại Mỹ nay đã nhận được ít nhất một liều thuốc. Mặc dù vậy, cho đến nay các giới chức y tế vẫn tỏ ra lo ngại về mức độ lây nhiễm Covid tại Hoa Kỳ và về các loại vi khuẩn corona biến thể hiện đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, trung tâm CDC đã bật đèn xanh cho phép những cuộc tụ tập nhỏ với những người đã được chủng ngừa nhưng nói rằng ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn nên tiếp tục đeo mặt nạ trong nhiều trường hợp và tuân thủ các hướng dẫn về rửa tay và giữ khoảng cách xã hội để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc lây lan.
Mặc dù đã được chích ngừa đầy đủ, hiện có nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại khi xuất hiện ở chỗ đông người cũng là điều dễ hiểu. Khi mà có một số người không còn thực hành những biện pháp căn bản về an toàn sức khoẻ thì điều này đương nhiên sẽ khiến cho những người có tính cẩn thận phải lo lắng về mức độ an toàn cho chính bản thân họ. Đồng thời những hướng dẫn an toàn từ những cơ quan lo về sức khoẻ công cộng cũng thường xuyên thay đổi và người dân tiếp tục phải điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới xung quanh.
Có giả thuyết cho rằng bước vào thời hậu đại dịch, nhiều người có thể sẽ bị phân vân giữa hai sự lựa chọn cho cuộc sống của họ: Một mặt, người ta cảm thấy rằng đôi khi cũng nên hưởng một chút không khí tụ họp để gặp mặt người này người kia và để thấy rằng mình vẫn còn là một phần tử trong xã hội. Mặt khác, người ta có nhận thức rõ ràng là không nên coi việc có thể tham dự các cuộc tụ họp đông người là điều hiển nhiên. Cho dù là người hướng nội hay hướng ngoại thì cũng sẽ có cảm giác bị giằng co giữa quyết định tận dụng sự tự do mà họ có lại được hay tiếp tục duy trì một vài biện pháp an toàn và giữ lại chút yên tĩnh của cuộc sống thời đại dịch. Nhưng dù là quyết định thế nào thì nhiều người cũng sẽ rơi vào một trong hai nhóm nói trên.
Người thuộc nhóm thứ nhất sẽ chấp nhận mọi lời đề nghị hay mời mọc: đi tiệc tùng, đi nghe trình diễn âm nhạc, đi chơi biển với bạn bè.
Sau một năm cấm cung không được hưởng những sinh hoạt trên, thật sự rất khó để người ta không có cái cảm giác về sự thúc bách đó. Tuy nhiên, theo quan điểm chung trên toàn quốc, đa số người dân cho biết họ đã quen và ưa với cuộc sống mới – chậm và chừng mực hơn. Theo kết quả khảo sát của Harris Poll vào tháng Ba vừa qua, ba phần tư người được hỏi nói rằng điều họ học được trong thời gian xảy ra đại dịch là họ “thích tụ họp một nhóm nhỏ ở nhà hoặc ở nhà một người bạn hơn thay vì đi ra nhà hàng hay một quán nước.” Một tỷ lệ tương tự dự đoán rằng trong thế giới hậu đại dịch, họ sẽ bỏ mất cơ hội để thụ hưởng “sự nghỉ ngơi thoải mái trong ngôi nhà của họ trong khi giao tiếp với bên ngoài.”
Nhóm thứ hai có khuynh hướng sau thời đại dịch họ sẽ ít ra ngoài hơn so với lúc trước. Họ thích sự yên tĩnh, nghỉ ngơi nhiều hơn để giữ gìn sức khoẻ.
Cái sự thúc bách để được đi ra ngoài nhiều hơn hay ở nhà nhiều hơn mới nhìn qua rõ ràng là hai sự lựa chọn xung khắc nhau, nhưng nếu nhìn kỹ lại thì nhóm thứ nhất và thứ hai dường như lại rất giống nhau về căn bản: Cả hai ý tưởng (hay sự lựa chọn) đều xuất phát từ sự mong muốn rằng họ muốn dành thời gian cho những việc làm hay hoạt động mà họ cho là quan trọng nhất đối với họ.
Đây là một phản ứng hết sức tự nhiên để có thể tồn tại qua một thời kỳ khủng hoảng và là điều thường xuyên nhắc nhở mọi người rằng một ngày nào đó cuộc đời sẽ kết thúc. Đôi khi sự bất định trong cuộc sống lại là cơ hội mang đến cho người ta thời gian để bình tâm suy nghĩ, nhìn lại mình và xem xét lại các ưu tiên trong cuộc sống. Điều này có thể có nghĩa là quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho chính mình hoặc cũng có thể có nghĩa là quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.
Cho dù cách tiếp cận là thế nào đi nữa thì giai đoạn chuyển đổi để trở lại cuộc sống bình thường cũng giống như lật qua một chương mới trong đời, và tất cả được bắt đầu lại.
Khi người ta nghĩ trước tới chương tiếp theo trong cuộc đời của họ, sự tĩnh lặng tương đối mà họ trải qua trong năm vừa qua đã cho thấy nhịp độ cuộc sống của họ trước năm 2020 nhanh như thế nào. Trận đại dịch mang lại cơ hội để họ điều chỉnh lại cuộc sống cho chậm lại và điều độ hơn – ăn uống đúng giờ giấc, ngủ nghỉ đầy đủ hơn – mà trước đây họ không để ý tới. Trong tương lai, nếu như có lần nào người ta không thể đến dự được một buổi họp mặt hoặc bị lỡ mất một bữa tiệc thật vui thì chắc cũng không vì thế khiến họ phải buồn lòng như trước kia.
Lịch sinh hoạt do đại dịch đã phải giảm bớt xuống gần như con số không cũng có thể coi đó như một bài học quý giá cho mọi người. Khi người ta nghĩ tới điều gì đó có thể khiến bản thân được hạnh phúc hơn, người ta thường nghĩ về những gì họ có thể đưa thêm vào trong cuộc sống – quen một người bạn mới, học nấu một món ăn mới, chơi một môn thể thao mới – thay vì là những gì họ có thể bỏ bớt đi. Trận đại dịch đã dạy cho chúng ta bài học là có nhiều thứ sinh hoạt trong cuộc đời có thể bỏ bớt đi mà vẫn thấy cuộc sống đáng yêu, đáng sống.
Tuy nhiên, khi nhiều người đã được chích ngừa, điều kế tiếp mà họ nghĩ tới là sẽ làm những gì trong những ngày sắp tới để bù lại cho khoảng thời gian bị cấm cung ở nhà. Trước hết, những cuộc họp mặt, tiệc tùng liên tục có thể tạo ra chút căng thẳng giữa hai nhóm có khuynh hướng trái ngược nhau như nói ở trên, do có quan điểm khác nhau khi nói về cách dành thời gian của họ để làm gì trong tương lai. Có người đã bắt đầu tỏ ra hơi khó chịu khi thấy người khác đăng trên mạng xã hội những điều trái với ý họ: người thích tự do thì khó chịu khi thấy người khác bày tỏ lo ngại khi phải giao tiếp ngoài xã hội, người thích tiếp tục cuộc sống khép kín thì bực mình khi thấy người khác khoe dự tính đi du lịch đó đây hay rong chơi cùng bạn bè.
Cho dù cuộc đời dẫn dắt chúng ta về đâu, điều quan trọng mà mọi người nên nhớ rằng tất cả chúng ta vừa mới trải qua một giai đoạn khó khăn và đang ở ngưỡng cửa chuẩn bị vượt ra khỏi nỗi khó khăn đó. Hãy mở rộng vòng tay mình và tỏ ra thông cảm với người khác cho dù quan điểm có khác nhau thế nào về cách sống của từng mỗi cá nhân sau đại dịch. Một số người hiện đang rất nóng lòng để được quay trở lại với những sinh hoạt bình thường như trước thời đại dịch với những tối đi xem phim, dự những lớp tập thể dục tập thể, và đương nhiên là không thể thiếu những buổi tiệc tùng vui nhộn. Tuy nhiên, những người này cũng cần phải hiểu và thông cảm cho những người bạn còn đang do dự và ngần ngại tham gia vào những cuộc vui chơi của họ.
Lòng tử tế là điều cần thiết trong giai đoạn đầu của quá trình tái hoà nhập vào sinh hoạt xã hội hậu đại dịch. Những lấn cấn và bất đồng chỉ là tạm thời, và khi mọi chuyện lắng dịu lại, điều mọi người cần ghi nhớ rằng không phải kinh nghiệm về đại dịch của ai cũng giống nhau, do đó cách phản ứng của mỗi người sau đại dịch cũng có chút khác nhau và cần phải được chấp nhận. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua được trận đại dịch khủng khiếp thì tại sao không thể cùng chung sống với nhau sau đại dịch.
Huy Lâm