HẬU HALLOWEEN 2022

Halloween đã qua. Năm nay nó bàng bạc một gam màu cảm xúc bâng khuâng như tiên đoán. Kinh tế khó khăn. Lạm phát trở thành nỗi ám ảnh đối với mọi người. Những công dân tay làm hàm nhai nhanh chóng nhận ra đồng lương mình lãnh về mỗi tuần (hoặc mỗi hai tuần) bốc hơi nhanh hơn xăng. Rồi nói đến xăng lại nói đến những cắc cớ giá cả lên xuống bất định như tâm tính người đàn bà chửa ngược. Cứ thế, Halloween năm nay lại lù lù dẫn xác về. Nó cóc thèm coi ai ra cái gì cả. Mà như thế cũng phải, thiên hạ mượn sự có mặt của nó để mua vui, để làm bao điều theo ý họ muốn, trong đó tốt có, tai tiếng có, mờ ám có. Tóm lại một câu: Halloween, gẫm kỹ đâu có trách nhiệm gì với ai. Riêng chỉ có bọn trẻ nôn nao vì được mặc áo quần costume tung tăng đi xin kẹo.

Nhìn lại Halloween năm nay bạn thấy gì?

Như mùa hẹn mỗi năm lại về. Thu đến. Nhè nhẹ tấm khăn voan mỏng. Những món ăn dính líu đến nước lèo (nước dùng) như bún măng vịt, bún bò huế, bún riêu, phở, hủ tiếu… bắt đầu trở thành món khoái khẩu bởi thời tiết mát mẻ dễ chịu. Ôi. Hành ngò thái mỏng. Hạt tiêu xay rắc vào thơm phức. Những cọng bún trắng nõn, mềm mượt. Tiếng nói cười í ới. Thu về. Những bàn tay khéo léo của bếp Việt vang danh một thuở lại có dịp trổ tài, những món ăn… Mì quảng, bánh canh, bún mọc, miến gà, miến thập cẩm, lẩu Thái…
Tình hình sôi nổi của mùa phiếu Midterm cũng đã đến hồi hạ màn. Trước đó thiên hạ chẳng còn hào hứng tin tưởng vào một ứng cử viên đủ tài năng có thể thay đổi cán cân những bài toán hóc búa hiện tại. Họ cảm thấy mình đi bầu vì đó là một thói quen (nhiều hơn là một cái quyền)? Và rồi những câu chuyện trà trộn, trấu bổi lẫn lộn, vàng thau chồng chéo, giẫm đạp lên nhau. Hai bên đĩa cân biết quẳng cái gì lên bây giờ. Lạm phát. Lạm phát. Và lạm phát. Đi đâu cũng thấy người ta bảo thế. Vâng. Tình hình toàn cầu, nhưng xem ra dính vào bầu bán người ta sẽ nhanh chóng chỉ tay và kết luận chính phủ Biden đã thất bại trong việc điều hành kinh tế.
Trước khi đi sâu hơn vào vấn đề, chẳng lý sự cùn hay cãi chày cãi cối, bài toán kinh tế nhìn chung có điểm giống nhau là đi lên hoặc đi xuống, chậm lại hay tăng tốc, ổn định hay càng lúc càng diễn biến đi theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, bạn luôn thấy mỗi nền kinh tế có những điểm riêng, đặc trưng, một phần do ảnh hưởng văn hóa xã hội, do thói quen làm ăn đã định hình, nhận thức chính trị bị lèo lái, trình độ kiến thức xã hội học cơ bản của công dân (vốn mỗi nơi mỗi khác) nên ta có những biến thể kinh tế tương đối khác biệt xuất hiện tại mỗi quốc gia.

Vâng. Cùng là bài toán hóc búa đầy thách đố của kinh tế lạm phát. Khổ là khổ chung. Tuy nhiên khi so sánh đối chiếu giữa các nền kinh tế, người ta nhận ra kinh tế Nhật Bản khác với kinh tế Úc Châu, kinh tế Canada, kinh tế Anh, kinh tế Pháp, kinh tế Trung Quốc… Tóm lại, cũng là đồng tiền mất giá, cũng là giá cả tăng vọt phi mã, sức mua của đồng bạc bị sút kém nhưng thái độ của người dân tại các quốc gia thường có những biểu hiện phản ứng khác nhau. Họ bày tỏ thái độ bất mãn không giống nhau. Có nơi dân chúng cứ thế thẳng ruột ngựa tố cáo chính phủ tắc trách kém cỏi trong các chính sách điều hành. Có nơi dân chúng ý thức hơn, hiểu vấn đề một cách bao quát hơn, nên thay vì la ó giận dữ họ nghĩ đến chuyện thực hiện các kế hoạch điều chỉnh cá nhân, đợi chờ một chu kỳ kinh tế tốt đẹp hơn sớm xảy ra.

Vâng. Kinh tế lạm phát dạo gần đây là hiện tượng toàn cầu nhưng với không ít dân Mỹ họ tin rằng chính phủ Biden bất lực, ăn hại đái nát. Không luận ai đã đứng ra giật dây (bởi chẳng cần bàn cãi lôi thôi bạn đã hiểu động cơ các bộ máy tuyên truyền). Mùa phiếu giữa kỳ midterm đã qua chứng minh rõ tại sao dân chúng Mỹ cảm thấy bất mãn. Quả nhiên thế. Tiền làm ra nhiều hơn nhưng hạch toán tiêu pha xong chỉ thấy những con số dư èo uột, khá đông cảm thấy tài khoản của mình âm trường kỳ, thành ra không mang nợ coi như đã là tốt đẹp. Tất nhiên thiên hạ luôn thấy khó chịu bởi nếu không có lạm phát, đồng lương tăng lên, nhất định cuộc sống của họ sẽ nhẹ thở hơn mới phải.

Vậy chính phủ đã làm gì sai?

Bạn nghe nói không ít rằng chính phủ Biden đã vụng về kém cỏi. Thế đấy. Bất luận đúng sai ra sao hiện nay đã phản ánh khá rõ qua kết quả mùa phiếu. Tất nhiên, không sai, chính phủ luôn có những can thiệp nhất định nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính phủ. Nếu bạn nhớ không lầm, vai trò của chính phủ gồm những việc phải làm như đưa ra các chính sách luật pháp mới, thực hiện các chính sách công trên diện rộng. Tuy nhiên thông thường người ta chỉ nghĩ đến vị trí của chính phủ trong các việc: (a) thâu thuế, (b) bán trái phiếu, (c) chi tiền cho các chương trình kế hoạch xã hội. Dạo gần đây mọi cái có vẻ khác đi. Không ít người tố cáo chính phủ đã thất bại trong việc chế ngự lạm phát vì họ tin rằng đó là trách nhiệm của chính phủ.
Không hẳn là họ sai. Cũng không thể bảo là họ hoàn toàn đúng. Chính phủ tất nhiên có trách nhiệm điều hành đất nước tuy nhiên tại Mỹ, một đất nước triệt để đi theo mô hình kinh tế thị trường trong đó hai đại lượng cung và cầu đã tham gia trực tiếp các quyết định cán cân kinh tế. Theo đó, nếu cán cân giữa cung và cầu không cân bằng, kinh tế sẽ gặp phải những sự cố, nếu lớn đủ lúc đó mới cần đến những can thiệp của nhà nước. Nhưng tại Mỹ người ta nghĩ rằng trách nhiệm của chính phủ là can thiệp vào mọi trường hợp.

Khi cung nhiều hơn cầu, hiện tượng giảm phát xuất hiện. Hàng hóa rẻ như bèo. Thậm chí các nhà sản xuất phải bán hàng giá rẻ, thậm chí nhiều mặt hàng bán trả góp không lấy lãi vì các công ty muốn duy trạng thái lượng hàng tồn càng thấp càng tốt. Còn những mặt hàng chóng hư như rau củ quả, nhằm mùa rộ, nhà vườn và hệ thống các chợ phải bán xả cảng bớt đi để sau đó họ có thể điều chỉnh nâng giá lên, thế mới có chuyện hiện tượng giảm phát xuất hiện.

Khi cầu nhiều hơn cung, hiện tượng lạm phát xuất hiện. Hàng hóa mắc mỏ. Thậm chí các nhà sản xuất vì thấy hàng hút nên nhanh chóng nghĩ đến chuyện nâng giá đón gió bởi danh sách người mua đông hơn lượng hàng đáp ứng. Từ đây tình trạng đẩy giá lên (một cách vô trách nhiệm, hoặc đơn giản do hám lợi) bất chấp sự phản ứng của người tiêu dùng. Kinh tế thị trường là nét đặc trưng của các hệ thống tư bản chủ nghĩa, điều này đồng nghĩa với chuyện hễ cờ đến tay là tha hồ phất, cơ hội vàng ròng ngàn năm một thuở không tranh thủ nâng giá sẽ khác nào kẻ điên!

Đó là kinh tế trên mô hình vi mô, tức cán cân giữa nhu cầu của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng của nhà sản xuất vận hành theo chu kỳ lên xuống (dẫn đến các hiện tượng hàng ứ hay hàng hút). Còn dựa trên mô hình kinh tế vĩ mô (ở đây sẽ có sự can thiệp của chính phủ) trong việc đưa ra những chính sách duy trì trạng thái cân bằng với mục tiêu chế ngự đà tiến ‘như vũ bão’ của lạm phát, giúp ổn định giá cả trên thị trường.

Vâng. Trên lý thuyết mọi cái có vẻ thế. Tuy nhiên trên thực tế vị trí của chính phủ trong việc đưa ra những chính sách can thiệp thường phức tạp hơn. Nếu quan sát kỹ, các chương trình kế hoạch do chính phủ đưa ra thường tập trung vào một mục tiêu chính: Ổn định xã hội. Bởi nếu xã hội không ổn định, đặc biệt khi nền kinh tế vấp phải dao động mạnh, cộng thêm khả năng chính phủ quá yếu kém, thiếu ngân sách cũng như chuyên môn can thiệp, lúc đó dân chúng sẽ hoang mang, các thành phần đối nghịch thừa cơ tung tin thất thiệt, thổi phồng tố cáo chính phủ hiện hành đã đi sai, vô tình đem lại những tai họa nguy hiểm cho đất nước.

Không sai, chính phủ (trong bối cảnh phát triển ổn định kinh tế vĩ mô) cần đưa ra các biện pháp điều chỉnh nhằm làm chậm (nếu không nói là chặn đứng) đà tiến phi mã của lạm phát. Còn lạm phát ở mức chấp nhận và kiểm soát được là lý tưởng nhất. Nhiều chính phủ đưa ra các biện pháp đối phó khác nhau. Các chính phủ đi theo xu hướng xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản chủ nghĩa thường áp dụng các chính sách bao cấp với suy nghĩ chính phủ thừa sức bảo bọc hỗ trợ cho người dân. Còn các chính phủ đi theo tư bản chủ nghĩa thường để cho kinh tế thị trường tự thân điều chỉnh. Theo đó nhiệm vụ của chính phủ là thu thuế, sau đó sử dụng nguồn thuế này chi trả cho các chính sách hoạt động hỗ trợ.

Từ hai hướng tiếp cận vừa thảo luận, bạn đọc dễ dàng nhận ra các chính phủ đã áp dụng các công cụ điều chỉnh kinh tế xã hội tùy theo mô hình tư tưởng chính trị xã hội. Một bên là bao cấp, trợ giá, dân chúng “không phải no, cứ để nhà nước no cho” chẳng hạn như Bắc Hàn, Venezuela, Cuba, Mexico… Một bên là cứ để cho các tập đoàn điều chỉnh giá cả và người tiêu dùng cứ thế mà quyết định, thuận mua vừa bán, không ai ép ai mua, hoàn toàn sòng phẳng; có nhu cầu thì sử dụng, nhu cầu càng lớn, càng gấp thì ráng chịu khó mà bỏ tiền túi ra.

Cứ thế, chẳng cần bàn cãi nhiều bạn đọc có thể hiểu rõ hơn vị trí của chính phủ Biden trong việc điều chỉnh giá cả cũng như khả năng của chính phủ. Tất nhiên, trên lý thuyết, vài thiện chí chính phủ Biden có thể kể đến: (a) Ban hành một vài lệnh đặc biệt tháo khoán kho dự trữ quốc gia, (b) trợ giúp bằng cách gởi đến dân chúng những chi phiếu (voucher) nhằm phần nào giảm nhẹ những khó khăn, (c) khẩn cấp kêu gọi các công ty lớn có khả năng xử lý những đơn đặt hàng lớn thông qua các hợp đồng kếch sù, (d) xóa nợ xấu như nợ sinh viên đại học, (e) tăng mức lãi xuất… Tất nhiên các biện pháp này nếu được áp dụng vẫn chỉ là nỗ lực mang tính “muối bỏ bể”. Bởi cái gốc của căn bệnh lạm phát vẫn là (a) hút hàng và (b) thiên hạ có tiền.

Mà bạn biết, tại Mỹ, tinh thần vượt khó cũng như ý thức tự giác tiêu pha chừng mực rất kém. Người Mỹ thường thích xài. Xài trước cái đã. Thậm chí là xài sang. Họ bóc ngắn, cắn dài. Họ lạc quan? Hoặc đơn giản người Mỹ thích tự do. Xăng đắt nhưng bảo đi quá giang, đi xe chung (carpool) họ sẽ giãy nảy ngay lên. Rồi ăn uống cũng thế, chẳng phải lười biếng nhưng lâu ngày không (biết) nấu nướng, chỉ biết ăn fast food mãi nên giờ mở tủ lạnh ra có đồ ăn họ cũng chẳng biết làm thế nào nấu được một bữa cho đàng hoàng tử tế.

Giữa lúc đó, Halloween và mùa phiếu midterm lại đến, chúng lù lù dẫn xác về và dửng dưng với mọi chuyện như thể trái đất này chẳng có gì đáng để bận tâm. Chẳng phải do huênh hoang hợm hĩnh, song tại sao nó phải bận tâm đến lạm phát khi ý thức tự giác của con người và khả năng thích nghi của họ hoàn toàn chẳng ăn nhập gì đến chúng. Ừ. Các vị cứ tha hồ ăn fast food. Cứ tha hồ đổ xăng rồi lái xe riêng. Xe buýt nhiều nơi chỉ có tài xế và vài người khách lưa thưa, vậy mà lịch hoạt động vẫn phải tiến hành, duy trì. Đấy. Cứ quan sát kỹ sẽ biết ngay trách nhiệm do ai?

Mà thôi. Chuyện dài nhiều tập. Mùa phiếu midterm 2022 năm nay có gì thú vị? Chắc chắn là không nhiều, bổn cũ soạn lại, gần như tâm trạng cử tri Mỹ đã tê liệt. Roe v. Wade sôi động được vài hôm song ‘quyền điều hòa kinh nguyệt’ của chị em hóa ra chẳng liên quan gì đến bao tử, đến cái ví. Súng đạn ư, nạn bắn người tập thể ư, gẫm lại, nó chẳng tốt lành gì nhưng sẽ biến mất khi người ta ghé trạm đổ xăng. Quyền của giới GLBTQ nữa, ôi, thiên hạ có quá lắm thứ phải lo đến, những khoản chi phải thực hiện, đâu còn thời gian để bận tâm đến chuyện ai ngủ với ai. Chính sách di dân nữa, mệt mỏi quá rồi, lạm phát phi mã mới đang là mối ưu tư quan trọng nhất…

Lá thư hậu Halloween năm nay là thế. (Hình như mọi cái cứ nửa thực, nửa hư) nên người ta chỉ mong sao mọi chuyện sớm đi vào ổn định. Một cây đũa thần nào đó sẽ được vung lên. Nga tự nhiên có lãnh tụ mới, Mr. Putin tự giác thoái lui sau khi nhận ra sân chơi chính trị đã không còn đất đứng cho ông ta nữa. Xăng dầu giảm hẳn giá. Trung Quốc bắt tay với Mỹ. Hồ sơ Đài Loan bỗng trở nên tươi tỉnh, đôi bên xởi lởi như bát nước đầy.

Vâng. Mai kia Noel lại về. Nó sẽ vô tư. Sẽ hềnh hệch như Thị Nở năm nào, đi đâu cũng nhoẻn miệng khoe hàm răng cáu vôi cười tủm tỉm, nhất là khi thị gặp bọn giai làng liền cong môi lên như muốn bảo: Đến Chí Phèo chị mày còn chả ngán, ngán gì ngữ nhãi tép bọn chúng mày!

Thế là…, cứ như thế có khi lại hay. Lạm phát cũng thế, nó chẳng đem lại bất cứ hứng thú tử tế đứng đắn nào cho người tiêu dùng, nhưng nếu người ta kiên nhẫn, biết liệu cơm gắp mắm, nhất là khi họ hiểu ra sẽ có lúc cán cân cung cầu được duy trì; họ sẽ thấy lạm phát thực ra chỉ là một trò đùa quá tay xảy ra trong lúc này, kiểu Thị Nở tin rằng nếu Chí Phèo lấy dao đâm vào bụng tự sát (thị ngộ nhỡ lại mang trong bụng giọt máu của hắn) sẽ vẫn còn cái lò gạch bỏ hoang để thị một mình vượt cạn…

 

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email