Đó là buổi chiều hôm thứ Hai 27 tháng 6.
Chiếc tractor-trailer 18 bánh nằm trên con đường nhựa cũ nát Quintana Road, một vùng vắng vẻ nằm giữa đường ray xe lửa và bãi đồng nát bên lề thành phố.
Thoạt đầu, chẳng ai thèm chú ý đến chiếc xe. Ở San Antonio, người ta đã quá quen thuộc với những chiếc xe như thế. Nó chỉ là một điểm dừng của mạng lưới rộng lớn bao gồm những chiếc xe hơi, xe tải, các tay dẫn đường và những căn nhà trú ẩn được sử dụng để đưa hàng ngàn, hàng ngàn người vào Hoa Kỳ bất hợp pháp.
Nhưng rồi có người để ý thấy cửa sau của chiếc xe mở ra, lỏng lẻo. Ở xa đó một chút, trên mặt đường nóng bỏng rải rác một số thân người.
Khoảng 5:45 chiều, khi ông Quintero kết thúc một ngày làm việc tại một công ty vận tải đường bộ gần đó, ông nghe thấy một đồng nghiệp hét lên: làm ơn gọi 911 ngay!
Quintero bước ra cửa và thấy chiếc tractor-trailer đậu ngay gần bên ngoài cổng công ty.
Bước đến bên chiếc xe, ông trông thấy một bé gái trạc 10, 11 đang ngồi trên vỉa hè. Con bé giậm chân, la hét: “Nó bám lấy tay tôi, gào lên “Cứu tôi với, cứu tôi với” bằng tiếng Tây ban nha.”
Ông Quintero gọi 911 và những gì người ta thấy sau đó đã gây kinh hoàng nước Mỹ, hoặc ít ra cho những người quan tâm đến những di dân và người tỵ nạn. Trong số những người “quan tâm”, dĩ nhiên có cả các chính trị gia, một số quan tâm đến cái ghế – sinh mạng chính trị của họ, hơn.
Mùi hôi bốc ra từ cánh cửa mở của chiếc xe sặc sụa. Ông Quintero nhìn vào bên trong.
“Mọi người trong thùng xe đổ dồn lại một đống như thể họ đang cố gắng thoát ra,” Một người ở phía bên trong đống người ho nghẹn như thể anh ta không thở được. Anh ta cố đứng lên nhưng lại đổ xuống, quá yếu để bước qua các thân người.”
Quintero cũng trông thấy một người đàn ông mặc áo đen, ông nghĩ là tài xế của chiếc xe tải, bước ra từ bụi cỏ ven đường gần đó. Anh ta đang nói chuyện bằng điện thoại di động, khi thấy Quintero và các đồng nghiệp của ông, anh ta bỏ chạy biến vào trong cánh đồng.
Những thân thể – đa số là thi thể, được các nhân viên cấp cứu đưa ra khỏi thùng xe sau đó còn nóng hổi.
Có tin cho rằng có một số đã bò ra khỏi thùng xe, và nằm chết trên đường, từ gần đến cách chiếc xe vài chục thước
Các giới chức cho biết hôm thứ Tư 29/6 rằng ít nhất 53 trong số 64 người bên trong thùng xe, gồm đàn ông, đàn bà và một số trẻ em đến từ các quốc gia như Mexico, Honduras, Guatemala và El Salvador, đã chết vì nóng. Gần 20 người được đưa đi cấp cứu, và thêm 3 người đã chết tại bệnh viện sau đó.
Texas vào mùa hè rất nóng. Đó là điều không ai không biết. Ngày hôm đó, nhiệt độ là trên 100 độ F. Bộ phận làm lạnh thùng xe của chiếc trailer đó không hoạt động. Nhiệt độ ở San Antonio đã ở mức ba con số trong nhiều tuần và bên trong xe kéo lạnh không có thiết bị điều hòa không khí hoặc nước. Trong những trường hợp tử vong tương tự, nhiệt độ được ghi nhận bên trong một chiếc trailer ở trên 173 độ F.
Một trong các nhân chứng, ông Hass, một người nhập cư từ Lebanon, kể rằng lúc ông gọi điện cho vợ để kể về những gì ông nhìn thấy, người vợ đã ra lệnh cho ông đi khỏi nơi đó ngay.
“Tôi là người Trung Đông, vợ tôi là người gốc Tây Ban Nha, tất cả chúng tôi đều đến từ các quốc gia và những thứ khác nhau. Thế nên thật đau lòng khi thấy người đang cố gắng tìm một cuộc sống tốt hơn và đến đất nước này để rồi họ lại chết theo cách này. Thật điên rồ, và cũng thật buồn.”
Cảnh sát trưởng San Antonio William McManus, người đã làm việc trong lãnh vực thực thi pháp luật trong bốn thập niên, nói với CNN rằng đây “là một tội ác chống lại loài người.”
“Sàn của chiếc trailer ngập những thi thể. Nó hoàn toàn bị các thi thể phủ kín.”
“Có ít nhất hơn 10 thi thể bên ngoài chiếc trailer, bởi vì khi chúng tôi đến, khi xe cấp cứu EMS đến, chúng tôi cố gắng tìm những người còn sống. Vì vậy, chúng tôi phải chuyển các thi thể ra khỏi chiếc trailer đặt xuống đất.”
Cảnh sát cũng nói trong xe không có một chai nước, và không thấy dấu hiệu của máy lạnh.
Gustavo Garcia-Siller, Tổng giám mục Công giáo của thành phố San Antonio, viết trên trang tweet của ngài: “Xin Chúa thương xót họ. Họ hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Điều cay đắng hơn nữa là chẳng những họ đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ còn đi tìm một nơi an toàn hơn.
Trong những chiếc thùng của những xác người
Hơn 50 người bỏ mạng trong chiếc xe tải ở San Antonio hôm 27 tháng 6 là vụ mới nhất trong số những cái chết của những di dân được bọn đưa lậu người chở bằng xe tải hoặc thùng hàng trên khắp thế giới
Có thể kể vụ 39 người Việt Nam trong chiếc xe tải ở Essex, Anh ngày 23/10/2019. Ngược với những nạn nhân ở San Antonio, những người Việt này chết vì lạnh.
Một sự kiện tương tự, cũng diễn ra ở San Altonio cách đây 5 năm. Ngày 23 tháng 7 năm 2018, tám di dân được tìm thấy đã chết trong một chiếc trailer ngột ngạt tại một bãi đậu xe của Walmart ở San Antonio. Hai người khác chết sau đó tại bệnh viện.
– Ngày 20 tháng 2 năm 2017: 13 di dân châu Phi chết ngạt bên trong một container chở hàng khi được vận chuyển giữa hai thị trấn ở Libya. Theo chi nhánh Trăng lưỡi liềm đỏ ở địa phương, có tất cả 69 người di cư, hầu hết đến từ Mali, đã được “đóng gói” vào container.
– Ngày 27/8/2015: Cảnh sát Áo phát giác một chiếc xe tải bỏ hoang chứa thi thể của 71 di dân, trong đó có 8 trẻ em, đến từ Iraq, Syria và Afghanistan. Chiếc xe tải, được tìm thấy dọc theo đường xa lộ, đã từ Hungary đi qua Áo.
– Ngày 4 tháng 4 năm 2009: 35 người di cư Afghanistan chết ngạt bên trong một container vận chuyển ở Tây Nam Pakistan. Nhà chức trách cho biết chiếc container chèn chặt hơn 100 người bên trong.
– Ngày 9 tháng 4 năm 2008: 54 người di cư Miến Điện chết ngạt sau một chiếc xe tải đông lạnh bít bùng ở Ranong, Thái Lan.
– Ngày 14 tháng 5 năm 2003: 19 người di cư chết bên trong một chiếc tractor-trailer ngột ngạt khi họ đi từ Nam Texas đến Houston.
– Ngày 18 tháng 6 năm 2000: 60 người di cư Trung Quốc được tìm thấy bên trong một chiếc xe tải ở thị trấn cảng Dover của Anh. Chiếc xe tải, của Hòa Lan, đã chở những người di cư qua eo biển Anh từ Bỉ. Chỉ có hai người sống sót.
Hãy trở lại với Hoa Kỳ và Texas, vùng đất mơ ước của những con người khốn khổ từ các quốc gia nghèo đói và bất ổn.
Những vụ có số người thương vong nhiều như hôm 27 tháng 6 ở San Antonio rất hiếm, và khi xảy ra được đưa tin ồn ào, nhưng mỗi tháng có hàng chục người di cư chết trên suốt chiều dài biên giới và chẳng có bao nhiêu dòng trên báo chí về họ.
Thí dụ như ở khu vực El Paso: từ tháng 10 năm ngoái đến nay, các nhân viên Tuần biên đã tìm thấy ít nhất 37 thi thể trong các kênh đào và sa mạc xung quanh thành phố. Ở khu vực đó, chỉ trong ba tuần vừa qua đã có ít nhất mười người di cư chết đuối. Những người bênh vực cho di dân trong khu vực nói rằng họ chưa bao giờ thấy nhiều người chết như vậy trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Các vụ người chết đó xảy ra trong bối cảnh làn sóng di cư kỷ lục qua biên giới Mexico. Số liệu mới nhất của Thuế quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho thấy các vụ bắt giữ người di cư vào tháng 5 đã tăng đến mức cao nhất từng được ghi nhận. Giới hữu trách đang phải đối phó với sự gia tăng lớn của tất cả các loại buôn lậu người khi người dân các nước phía dưới biên giới Mỹ chạy trốn bạo lực, tham nhũng và nghèo đói. Các nhân viên Tuần biên Hoa Kỳ trên khắp vùng Tây Nam hiện đang mất nhiều thời gian hơn để trả lời 911 cuộc gọi từ những người di cư gặp nạn.
Những người di cư tìm cách tránh bị phát giác bằng cách thuê bọn đưa người lậu – smuggler, thường là những người trưởng thành từ Mexico và các nước Trung Mỹ. Họ là những người không thể đến trình diện ở biên giới để xin tỵ nạn vì sẽ bị trục xuất hoặc “tống xuất” ngay theo lệnh y tế công cộng “Title 42”. Theo Quy định này, được ban hành dưới thời Trump và vẫn chưa được Biden gỡ bỏ, quy định rằng những ngưởi gần đây đã có mặt ở các nước nơi có bệnh truyền nhiễm sẽ bị chính quyền Mỹ trục xuất. Kể từ ngày có “Title 42”, phần lớn người Mexico và Trung Mỹ đã bị trục xuất ngay lập tức trở lại Mexico khi họ bị Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bắt gặp. Điều đó đã khiến nhiều người trong số đó cố gắng nhiều lần để lẻn vào đất nước cho đến khi họ thành công. Trong tháng 5, cứ bốn di dân bị các nhân viên Tuần biên bắt thì có một người đã bị bắt ít nhất một lần trong 12 tháng trước đó.
Xa lộ liên tiểu bang Interstate 35 – một trong những huyết mạch vận tải đường bộ nhộn nhịp nhất của Hoa Kỳ, gần nơi chiếc tractor trailer được tìm thấy hôm 27 tháng 6, là tuyến đường thường được bọn buôn lậu sử dụng. Cơ quan Di trú và Thuế quan Hoa Kỳ đã công bố một số vụ bắt giữ liên quan đến các vụ chở di dân lậu bằng tractor trailer trong năm nay.
Craig Larrabee, quyền đặc vụ (acting special agent) phụ trách văn phòng Điều tra An ninh Nội địa San Antonio, chi nhánh điều tra của ICE, cho biết: “Xe tractor-trailer phổ biến vì các tổ chức tội phạm đang cố gắng tối đa hóa lợi nhuận.” Nói rõ ra chúng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi nhét được nhiều ngưởi hơn vào thùng xe.
“Tôi đã cảnh báo cả năm nay rằng một thảm kịch sẽ xảy ra vì sự gia tăng đưa lậu người bằng xe tải,” Tom Homan, cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Thuế quan Hoa Kỳ trong chính quyền Trump, cho biết. Ông nói: “Ở California, Arizona, Texas, người ta đã thấy rất nhiều tractor-trailer. Chúng có thể đón 8 người trong một chiếc xe van, 12 người trong một chiếc pickup hoặc nhận ít nhất 80 người trong một chiếc tractor-trailer.”
Mặc dù số lượng người vượt biên giới thường giảm trong mùa hè, do trời quá nắng nóng ở một số khu vực của biên giới, trong hai năm qua, con số này vẫn ở mức cao đáng kể trong suốt những tháng nóng nhất. Hồi tháng 5 năm 2020, Tuần Biên đã bắt gặp 23.237 người di cư; tháng 5 năm nay, con số này là 239.146 — nhiều hơn tất cả mọi tháng trong ba năm qua. Lý do cho số lượng người vượt biên kỷ lục rất phức tạp: Mexico, nơi xuất phát của hầu hết những người di cư hiện đang đến, đang ở giữa làn sóng bạo lực lịch sử giữa các cartel, khi các băng đảng tranh giành địa bàn và khiến hàng chục ngàn người phải chạy loạn. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng ở Mỹ đồng nghĩa với việc ở phía Bắc biên giới miền Bắc có nhiều cơ hội cho họ.
Ký giả Jack Herrera của tờ báo địa phương Texas Monthly viết: “Nói cách khác, mọi dấu hiệu đều cho thấy chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lịch sử về cái chết của người di cư. Những người di cư đang chết trên sa mạc, họ rơi khỏi những bức tường biên giới, họ chết đuối ở Rio Grande, họ bị nghiền nát trong các vụ tai nạn xe hơi. Ngay cả trước khi họ đến biên giới, nhiều người đang chết ở Mexico trên đường đi lên phía bắc. Tháng 12 năm ngoái, 54 người Trung Mỹ trên đường tìm đến Hoa Kỳ đã chết trong một tai nạn xe tải ở miền nam Mexico.
Chân dung vài người
đi tìm giấc mơ Mỹ
Chỉ có có một nạn nhân tử vong chưa được xác nhận quốc tịch, 52 nạn nhân của thảm kịch tại San Antonio gồm có 27 người Mễ – hầu hết là cư dân Izucar de Matamoros, một thành phố thuộc Puebla, tiểu bang trung tâm của Mexico, 7 người Guatemala, 14 người Honduras và 2 người Salvador.
Các hãng thông tấn đã tìm hiểu và đưa ra được một vài trường hợp của những người xấu số ngay những giây phút đầu tiên họ bước vào giấc mơ Mỹ.
– Cô Margie Paz, 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ở Honduras và đã có việc làm. Cô là con gái độc nhất trong gia đình, nhưng bà mẹ, bà Gloria hiện đang mắc bệnh ung thư và cần đến một cuộc giải phẫu. Với số lương mà trung tâm điện thoại ở San Pedro Sula nơi Margie Paz đang làm việc không đủ để nuôi chính thân cô, Margie quyết định ra đi.
Thi thể của cô được tìm thấy bên cạnh Alejandro Andino, 23 tuổi người bạn trai của cô và Fernando Redondo, cậu em trai 18 tuổi của anh. Anh Andino cũng đã tốt nghiệp đại học.
Họ lên đường ngày 4 tháng 6, chi phí do người thân của hai anh em, sống ở Mỹ, đồng ý trang trải.
Bà Gloria Paz nói với đài truyền hình HCH của Honduras: “Sức khỏe của tôi rất tệ, đó là lý do tại sao nó thực hiện chuyến đi đó, mỗi khi đến thăm tôi, con bé đều hỏi tôi cảm thấy thế nào và nói với tôi rằng nó phải làm việc để có thể chi trả cho ca phẫu thuật. Con bé thực sự đã hy sinh mạng sống của nó cho tôi.”
Bà Karen Caballero, mẹ của Andino và Redondo nói: “Người ta nghĩ rằng khi có trình độ học vấn cao hơn, họ phải có nhiều cơ hội việc làm hơn. “Bởi vì đó là lý do tại sao họ làm việc, học tập.”
– Wilmer Tulul và Pascual Guachiac, hai cậu thiếu niên người Guatamala, cả hai đều 13 tuổi, có thể là những nạn nhân nhỏ tuổi nhất. Ngày 14 tháng 6, họ lên đường từ thị trấn Tzucubal, một cộng đồng người bản địa với dân số khoảng 1.500 trong vùng núi cách thủ đô gần 100 dặm về phía tây bắc, nơi hầu hết sống bằng nghề nông.
Tulul đã nhắn tin cho bà Magdalena Tepzas: “mẹ ơi, chúng con đang lên đường” hôm thứ Hai.
Manuel de Jesús Tulul, cha của Wlimer cho biết con trai ông và Pascula đang đi về hướng Houston, nhưng không biết hai đứa trẻ đã bị nhồi nhét trong một trailer.
Hai cậu bé phải trả cho nhóm đưa lậu người 6.000 đô la, tuy mới trả trước được một nửa.
Hôm thứ Hai, Guachiac đã gửi một lời nhắn cho mẹ, bà María Sipac Coj, báo rằng em sẽ đi trong một chiếc trailer. Bà María Sipac Coj, một bà mẹ đơn thân của hai đứa con, cho biết cậu con trai muốn đi Mỹ để học và sau đó “làm việc và xây cho tôi một ngôi nhà.”
– Khi bỏ lại gia đình ở khu Solalá, miền tây Guatemala, hai chị em Carla Carac-Tambriz và Griselda Carac-Tambriz, nói họ đi Mỹ để “đạt được ước mơ” và “để giúp gia đình”.
Giấc mơ của họ kết thúc bên lề đường Quintana Road hôm 27 tháng 6.
– Có lẽ Javier Flores López và Jose Luis Vásquez là hai người “may mắn”. Họ rời cộng đồng nhỏ bé Cerro Verde ở bang Oaxaca, miền nam Mexico cũng với hy vọng giúp đỡ gia đình họ. Họ hướng đến Ohio, nơi các công việc xây dựng và các công việc khác đang chờ đợi.
Nơi họ ra đi, Cerro Verde, là một cộng đồng có khoảng 60 người đa số là người lớn tuổi. Những người trẻ đã lần lượt bỏ ra đi trong khi những người còn lại làm việc kiếm sống bằng nghề dệt nón che nắng, chiếu, chổi và các vật dụng khác từ lá cọ. Thu nhập của nhiều người chỉ cỡ 30 peso (ít hơn 2 đô la) một ngày.
Đây không phải là chuyến vượt biên đầu tiên của Flores López, hiện đã ngoài 30 tuổi. Anh đã đến Ohio, nơi có cha và một người anh trai sinh sống từ cách đây nhiều năm, nhưng đã trở về nhà để thăm vợ và ba con nhỏ.
Khi trở lại Ohio, Flores López dẫn theo người em họ Vásquez Guzmán, 32 tuổi. Guman quyết định ra đi với hy vọng có thể gặp được người anh cả của mình cũng đang ở Ohio.
López Hernández, một người anh em họ khác của López cho biết hầu hết mọi người ở dựa vào những người đã đến Hoa Kỳ để gửi tiền cho họ cho cuộc hành trình, thường có giá khoảng 9.000 đô la.
Ông nói: “Rủi ro có nhiều nhưng với những người may mắn thì có lộc, họ có thể làm việc, kiếm sống”.
Có không ít tranh cãi về thảm kịch ở San Antonio, và về những cái chết của các di dân bất hợp pháp vào nước Mỹ.
Dĩ nhiên họ cũng tranh cãi nhiều – nhiều hơn về chính sách đối với di dân bất hợp pháp của Hoa Kỳ.
Phe chống đối di dân (bất hợp pháp, và đôi khi gồm luôn cả hợp pháp vào) cho rằng có những con đường chính thức, hợp pháp, tại sao họ không sử dụng. Nếu họ không dùng được những con đường đó chỉ là vì họ không đủ điều kiện, và Hoa Kỳ không cần những người như vậy, họ chỉ đến để giành mất công ăn việc làm của người Mỹ, để ăn bám, và để gieo rắc tội ác. Cái kết thúc bị thảm của những người đó không phải do lỗi của người Mỹ.
Nhưng họ không nghĩ rằng đa số những người ăn bám, “ăn” welfare là những công dân Hoa Kỳ. Và nước Mỹ đang thiếu trầm trọng những người lao động tay chân, chấp nhận một cách vui vẻ và thỏa mãn, ít ra là trong lúc này, với các công việc mà người Mỹ, kể cả những người ít học nhất, không thèm làm.
Theo số liệu của Urban Institute, một tổ chức nghiên cứu có uy tín, hiện có 59 triệu người Mỹ đang hưởng một dạng trợ cấp nào đó của chính phủ.
Số liệu của ghi nhận trong thành phần dân số đang nhận welfare có 43% là người da trắng.
Phần lớn những người nhận phúc lợi xã hội là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha (non-Hispanic). Người gốc Tây Ban Nha (Hispanic) chiếm 28% tổng số, tiếp theo là người da đen không phải gốc Tây Ban Nha với tỷ lệ 23%. Trong khi đó, các sắc tộc khác như người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa chiếm 8% tổng số người nhận.
Trẻ em chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người được hưởng phúc lợi xã hội. Một cuộc kiểm tra nhân khẩu học của những người nhận phúc lợi xã hội cho thấy rằng những người dưới 18 tuổi chiếm 41% tổng số người dùng phúc lợi. Trong khi đó, những người từ 18 đến 64 tuổi chiếm 50% (tức là tuổi lao động?) số người nhận. Người cao niên (65 tuổi trở lên) chỉ chiếm 12% số người nhận phúc lợi xã hội.
Truyện dài không hồi kết
Với tình hình an ninh và kinh tế, xã hội hiện nay ở Mexico và các nước Trung Mỹ, thậm chí cả Nam Mỹ, giấc mơ Mỹ – mặc dù bị cả những người Mỹ quả quyết là không đầy hương hoa và nhung lụa, vẫn còn hấp dẫn.
Cho dù có xây tường (như đã xây), đã có luật (như đã có), có tăng cường ngân sách và nhân sự cho tuần tra biên giới (như Thống đốc Greg Abott đã, đang và sẽ làm) những con đường di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ vẫn sẽ không bao giờ hết người sử dụng.
Bọn đưa người nhập lậu vẫn tiếp tục hoạt động. Một kỹ nghệ béo bở không bao giờ thiếu khách hàng.
Những cái chết cũng lại sẽ xảy ra.
Những người làm việc dọc theo Quintana Rd. cho biết khu vực hẻo lánh này đã từng là nơi đổ về của người di cư ít nhất là từ thập niên cuối cùng của thế kỷ trước.
Bà Rose Ann Iniguez, 53 tuổi, quản lý của công ty bãi phế thải xe hơi Junk Yard Dogs nói bà rất xúc động khi biết những nạn nhân bỏ mạng chỉ cách nơi làm việc của bà vài trăm mét.
Nhưng bà Iniguez nói thêm: “Ngay từ khi mới bắt đầu vào làm ở đây, tôi đã thấy có rất nhiều người đến từ Mexico. Họ đói và khát. Họ là con người. Tôi biết tại sao họ đến. Họ cũng phải sống còn.”
Đỗ Quân
(tổng hợp từ NYT, WP, Texas Monthly, Daily Mail, NBCNews…)