Hoa rơi nước mắt

Mãi suy tư, Hoan giật mình khi cô gái câu lạc bộ đặt ấm trà lên bàn:

“Trung úy nghĩ gì dữ vậy, em đem trà đến cũng không biết. Trung úy dùng trà đi, em pha trà sen đặc biệt cho Trung úy đó.”

Ngồi sau quầy, viên trung sĩ kín đáo nháy mắt Hoan. Giả vờ không nhận ra thâm ý của viên trung sĩ, Hoan nhìn cô gái nói:

“Cám ơn cô. Trà cô pha đặc biệt chắc phải ngon lắm.”

Cô gái mỉm cười, để lộ lúm đồng tiền trên đôi má hồng phơn phớt như dồi phấn. Ngước đôi mắt đen sáng ngời nhìn Hoan, cô gái với giọng nói vốn đã nhẹ nhàng còn cố làm cho dịu ngọt hơn:

“Lần nào em cũng pha trà đặc biệt như thế này cho Trung úy, Trung úy không nhận ra sao?”

Hoan nhìn cô gái:

“Có lẽ tại lần nào cô cũng cho uống như vậy nên tôi không nhận ra sự khác biệt. Con người vẫn vậy, phải không cô? Cái gì quá gần gũi thường không được chú ý đến, đến khi mất rồi mới tiếc nuối, cố tìm lại không được.”

Hoan nói với đầy ắp hình ảnh Hằng trong câu nói nhưng cô gái lại nghĩ Hoan đang nói đến cô. Chẳng phải cô quá gần gũi với Hoan, ngày nào cũng nhìn thấy Hoan nên Hoan không nhận ra điều gì khác biệt trong cô, không nhận ra tình cảm đặc biệt cô dành cho Hoan chăng? Là phận con gái, cô làm sao cho Hoan hiểu bây giờ, chẳng lẽ mở miệng ngõ tình trước. Hé đôi môi hồng với hai hàm răng trắng đều đặn, cô gái nói:

“Cái đó cũng như người ta nói bỏ mồi bắt bóng, phải không Trung úy?”

Hoan cười:

“Cũng không hẳn, vì đã có mồi đâu mà bỏ? Tôi thì cho đó là do cảm giác, ví như một người ngày nào cũng ăn cơm, đến khi ra nước ngoài mới nhận thấy cơm dính liền với cuộc sống như thế nào, mới hiểu được thế nào là thèm cơm.”

“Trung úy nói em nghe cứ như đang làm bài bình luận ấy.”

“À, nghe nói cô đã học hết đệ tam, sao không cố học hết đi?”

Cô gái lắc đầu:

“Em muốn lắm mà cách nào đi học được, ai lo cho mẹ bệnh và bốn đứa em còn nhỏ của em?”

Hoan nhìn cô gái ra chiều ái ngại. Đọc được con mắt Hoan, cô gái đổi đề tài:

“Trung úy cho em hỏi một chuyện, được không?”

Hoan ngạc nhiên nhìn cô gái:

“Cô gì cô cứ hỏi, trả lời được tôi đâu tiếc gì cô.”

Ngồi ghé xuống chiếc ghế, cô gái hỏi viên trung sĩ:

“Giờ vắng khách rồi, chú cho cháu ngồi hỏi chuyện Trung úy một chút nha.”

Viên trung sĩ gật đầu:

“Cô bé này, có khi nào chú không cho cháu ngồi đâu?”

“Chú không cấm nhưng có khách thì cháu cũng không dám ngồi.”

“Giờ không có khách nào ngoài Trung úy thì cháu ngồi đi. Mà chuyện gì đó, riêng hay tư?”

Cô gái cười:

“Cháu có chuyện gì riêng đâu.”

Viên trung sĩ nói vọng ra:

“Không phải chuyện riêng thì chú ngồi chung được không?”

Cô gái cười duyên dáng:

“Chú ra ngồi luôn đi nếu chú thích nghe chuyện cháu sắp hỏi.” 

Quay qua Hoan, cô gái hỏi:

“Mà Trung úy có bận việc không?”

Hoan nói liền:

“Bận gì đâu. Nghỉ vài ngày rồi chắc lại hành quân đâu đó.”

“Chuyện em hỏi Trung úy có liên quan đến hành quân đó.”

Hoan nhìn cô gái, lắc đầu:

“Hỏi tin tức hành quân? Không được đâu, bí mật quân sự.”

Cô gái bật cười:

“Trung úy làm như em là gián điệp Việt Minh không bằng. Ba em bị tụi nó giết chết mà, Trung úy.”

Hoan xua tay:

“Nguyên tắc với ai cũng phải thế, tôi đâu nghi ngờ cô. Vậy cô hỏi gì nào?’

Cô gái nói ngay như đã suy nghĩ từ trước:

“Em nghe nói Tiểu đoàn mình hành quân đánh Bình Xuyên, rồi nghe nói nhiều lần đến tên ông Bảy Viễn ông Ba Cụt, nhưng chẳng hiểu là chuyện gì.”

Hoan mỉm cười:

“À, gì chứ chuyện thời sự như thế thì được, để tôi vắn tắt cho cô nghe. Nói chuyện Bình Xuyên trước vì Bình Xuyên và Ba Cụt khác nhau.”

Viên trung sĩ nói:

“Hay đó ông Thầy, em cũng muốn biết vì nói đến Bình Xuyên em chỉ nghĩ đến Kim Chung Đại Thế giới.”

“Chỉ việc gộp Kim Chung vào với Đại Thế giới đã chứng tỏ không biết gì về Bình Xuyên.”

Viên trung sĩ thực sự ngạc nhiên:

“Không phải nó chỉ là một sòng bài sao? Thế là thế nào, ông Thầy?”

Hoan mỉm cười:

“Thế là thế này. Lê Văn Viễn—Bảy Viễn—là nhân vật số ba trong lực lượng Bình Xuyên, sau Dương Văn Dương—Ba Dương, và Huỳnh Văn Tro—Mười Trí.”

Cô gái hỏi:

“Nhưng Bình Xuyên là cái gì?”

“Bình Xuyên nguyên thủy là một lực lượng chống Pháp, gần Việt Minh hơn Quốc gia, do Dương Văn Dương quen gọi là Ba Dương thành lập sau khi Nhật đầu hàng nhưng về sau biến thành một đảng cướp dưới quyền chỉ huy của Mười Trí và Bảy Viễn.”

Dương Văn Dương vốn là một người giàu có và giỏi võ, có mở lớp dạy võ tại làng Tân Qui, và có tinh thần nghĩa hiệp, thường đoạt tài sản bị bọn cướp chiếm đoạt trên sông giao lại cho thương lái. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và Pháp chiếm lại Việt Nam, Ba Dương liên kết với các lực lượng chống Pháp thuần túy thành lập Liên khu Bình Xuyên gồm cả chục ngàn binh sĩ. Lực lượng Bình Xuyên trở thành đối tượng phải tiêu diệt của Pháp nhưng đồng thời cũng là đối tượng phải loại bỏ của Việt Minh. Việt Minh muốn tiêu diệt Bình Xuyên vì ganh tị khi thấy lực lượng này lập được nhiều chiến công hơn và nhất là vì không chịu thuần phục Việt Minh. Vì thế, nhờ tay Nguyễn Bình tức Nguyễn Phương Thảo, một cấp chỉ huy của Việt Minh, Việt Minh gài người tìm cơ hội ám sát Ba Dương. Trong một lần Ba Dương bị quân Pháp bao vây tấn công, Nguyễn Bình đã lợi dụng thời cơ cho người mai phục bắn chết Ba Dương rồi đổ lỗi cho quân Pháp. Để khỏa lấp tội ác, Hồ Chí Minh truy phong Ba Dương lên thiếu tướng. Viên trung sĩ hỏi:

“Ba Dương chết, vậy là Bình Xuyên tiêu tán, phải không ông Thầy?” 

Hoan lắc đầu:

“Đâu dễ vậy. Nếu tiêu tán thì ông Diệm đã không phài tốn bao công sức mới dẹp được Bình Xuyên.”

Cô gái giục Hoan:

“Vậy thì sao, Trung úy nói tiếp đi.”

Huỳnh Văn Trí tức Mười Trí, nhân vật số hai và là tín đồ đạo Cao Đài, thay thế Ba Dương. Mười Trí nguyên là một tướng cướp, đã hai lần bị đày ra Côn Đảo và hai lần vượt ngục thành công, lần thứ hai cùng với Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn. Mười Trí và Bảy Viễn tụ tập nhiều đồng đảng hoạt động riêng lẻ nhưng trên danh nghĩa dưới quyền Ba Dương, người chỉ huy lực lượng gọi là Bình Xuyên. Cũng như đối với Ba Dương, vẫn nhờ tay Nguyễn Bình, Việt Minh loại bỏ Mười Trí bằng cách bắt con trai của Mười Trí, một đại đội trưởng của Bình Xuyên, làm con tin buộc Mười Trí phải thúc thủ.”

Viên trung sĩ hỏi:

“Đại đội trưởng có giống của mình không ông Thầy?”

Hoan lắc đầu:

“Không, lớn hơn nhiều, đại đội của Ba Dương quân số tương đương cấp trung đoàn của mình.”

Sợ câu chuyện đi xa điều muốn biết, cô gái chặn lại, hỏi Hoan:

“Bị như thế, Mười Trí giải quyết thế nào Trung úy?”

“Mười Trí đành bó tay thua cuộc, đem vợ con về sống ở miền Tây rồi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954, và cuối cùng chết ở chiến trường Campuchia.”

Cô gái ngậm ngùi:

“Lại thêm một người mất mạng, vậy mà Bình Xuyên vẫn chưa chấm dứt là tại sao Trung úy?”

Hoan nhìn cô gái mỉm cười, một nụ cười theo thói quen và cũng nhằm bảo cô gái đừng nóng vội. Hiểu lầm ý Hoan, cô gái ửng hồng đôi má, long lanh đôi mắt liếc nhìn Hoan thật nhanh rồi e thẹn nhìn đi nơi khác. Ánh mắt trao đổi giữa cô gái và Hoan không thoát khỏi quan sát của viên trung sĩ. Định nói một câu trêu ghẹo nhưng viên trung sĩ kịp dừng lại không muốn đào sâu thêm hiểu lầm để cô gái phải ân hận và đau khổ về sau. Cũng nhìn ra thực tế, Hoan vội vàng nghiêm trang nói tiếp:

“Chẳng những Bình Xuyên chưa chấm dứt mà còn gây thêm nhiều rối rắm về sau là tại nhân vật lãnh đạo Bình Xuyên kế tiếp.”

Viên trung sĩ nói ngay:

“Có phải Bảy Viễn không ông Thầy?”

Hoan gật đầu:

“Đúng vậy, Bảy Viễn.”

Cô gái không nén được tò mò:

“Trung úy làm em thêm thắc mắc. Em nghe nói đến tên người này nhiều lần mà chẳng biết ông ta là ai.”

Viên trung sĩ cười:

“Đâu riêng mình cháu. Ngay cả chú cũng chẳng biết gì hơn ngoài việc ông ta là thủ lãnh Bình Xuyên và khét tiếng với sòng bạc Kim Chung Đại Thế Giới.”

Hoan cười:

“Đứng nóng thế, từ từ rồi sẽ biết Bảy Viễn là ai.”

Cố gái phụng phịu:

“Trung úy thì thôi, chẳng chịu đi vào thân bài mà cứ lòng vòng ở nhập đề hoài.”

Hoan cười:

“Tôi nói về Mười Trí như vậy là chỉ để tóm lược câu chuyện về ông ta, nhưng lúc rơi vào bẫy của Việt Minh, ông ta chưa chết, chỉ bị Việt Minh truất hết quyền lực.”

Viên trung sĩ nói:

“Thế là thế nào?”

Hoan cười:

“Chuyện đảng phái và giáo phái lúc nào cũng rối rắm vì xen lẫn chuyện mắt thấy tai nghe với chuyện bí mật chẳng ai tiết lộ, xen lẫn sự thực với chuyện bí ẩn và huyền nhiệm phù hợp với tính thích thần bí của người miền Nam nên muốn biết sự thực phải thêm phần suy đoán và nhiều khi là suy đoán mò.”

Viên trung sĩ hỏi:

“Ý ông Thầy là gì?”

“Ví như chuyện Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vị sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo lấy ‘Học Phật, Tu Nhân’ làm căn bản lúc chỉ mới mười tám tuổi, được nhân gian cho là có phép bí nhiệm như trị cả làng bị bệnh nặng chỉ với những li nước lạnh đã được niệm phù ch, chuyện hai vùng núi Thất Sơn và Bà Đen trở thành hai vùng đất mà mọi tảng đá hốc đá hay hang động đều trở thành nơi thần thánh linh thiêng cư ngụ, mọi con hổ con rắn đều trở thành vật linh thiêng qui phục thờ tiên thờ mẫu.”

Viên trung sĩ gật đầu trong khi cô gái hết nhìn Hoan lại nhìn viên trung sĩ ra chừng chưa hiểu thấu. Viên trung sĩ bảo cô gái:

“Rồi, cô bé này lại đang muốn tìm hiểu chuyện ông Thầy nói về thần thánh.”

Cô gái gật đầu:

“Chú nói chẳng sai nhưng cháu không hỏi hôm nay đâu vì còn để Trung úy nói chuyện Bảy Viễn và Ba Cụt. Chuyện núi thần núi thánh cháu sẽ hỏi sau.”

Hoan mỉm cười độ lượng:

“Sao cô nghĩ tôi biết mà hỏi. Nhưng cũng được, để dịp thuận tiện khác, bắt qua chuyện đó bây giờ thì đúng là mấy chục cuốn phong thần kiểu Tàu cũng chưa đủ để ghi lại.”

Cô gái nhìn Hoan trìu mến:

“Đúng đó Trung úy, nói tiếp chuyện Bình Xuyên rồi qua chuyện Ba Cụt, để mấy chuyện kia em hỏi riêng Trung úy sau.”

Viên trung sĩ cười ghẹo cô gái:

“Cô này khôn, biết cách tìm dịp nói chuyện riêng với Trung úy.”

Cô gái e thẹn bào chữa:

“Chú này kỳ, cháu có nói gặp riêng Trung úy bao giờ đâu.”

Hoan nhấp một ngụm trà, xua tay nói:

“Hai người đừng trêu nhau nữa, để tôi nói cho xong rồi còn đi làm chuyện khác.”

Cô gái giục:

“Vậy tiếp chuyện Bảy Viễn đi Trung úy. Tại sao ông ta thành thủ lãnh Bình Xuyên.”

Hoan mỉm cười nhìn khuôn mặt dễ thương của cô gái ngồi đối diện, một thiếu nữ sắp qua đi thời trẻ dại nhưng chưa đủ chín muồi để trở thành đàn bà. Đột nhiên thấy Hoan chăm chú nhìn, cô gái e thẹn chớp mắt rồi quay đầu ra phía cửa, tránh ánh mắt nửa thân thiện nửa tò mò của Hoan, lòng thắc mắc không hiểu cái nhìn của Hoan có ý nghĩa gì và với mục đích gì. Cô nhen nhúm một tia hy vọng trong lòng nhưng vội vàng dập tắt vì sợ chỉ là thất vọng. Thoáng thấy cô gái bối rối, Hoan vội vàng nối tiếp câu chuyện để lãng tránh:

“Bảy Viễn tên thực là Lê Văn Viễn, không mấy rõ ràng về xuất thân vì chỗ này nói là con một người gốc Hoa trung lưu, chỗ khác là con một người giàu có. Một điều ai cũng nói đến là Bảy Viễn từ nhỏ bất mãn với gia đình nên đi bụi đời, học võ với nhiều thầy khác nhau.”

Viên trung sĩ nói:

“Vậy chắc Bảy Viễn giỏi võ lắm.”

“Đúng, Bảy Viễn giỏi võ. Ông ta to lớn vạm vỡ, toàn thân chỗ nào cũng xăm đủ thứ hình, trên lưng, trên cổ, thậm chí trên bộ phận kín. Nhờ bộ dạng bên ngoài và giỏi võ nên chẳng mấy chốc Bảy Viễn đã trở thành đàn anh trong làng dao búa, càng tăng uy tín sau nhiều lần vào tù và nhất là sau ba lần vượt ngục Côn Đảo.”

Viên trung sĩ nói với giọng thán phục:

“Thế thì giỏi thật, mấy ai có thể vượt ngục Côn Đảo, nói chi vượt ngục thành công.” 

Cô gái nói:

“Trung úy làm em liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết đời thực Papillon.”

Hoan gật đầu:

“Tiếc là đến nay không thấy một tài liệu nào ghi chép chi tiết các cuộc vượt ngục để có thể viết về thành sách.”

Cô gái cười:

“Cần gì có chi tiết, nhà văn có thể tưởng tượng ra mà.”

Hoan cười theo:

“Đúng là có thể tưởng tượng nhưng nếu hoàn toàn tưởng tượng thì ai mà tin, tưởng tượng phải dựa trên thực tế.”

Viên trung sĩ nói:

“Nếu thế thì tại sao Bảy Viễn thành thủ lãnh Bình Xuyên?”

“Đó là chuyện trời sắp đặt. Trước tôi đã nói đến Mười Trí, người thay thế Ba Dương. Mười Trí cũng là một tay cướp bóc giang hồ, gặp Bảy Viễn lúc ở tù Côn Đảo, cùng Bảy Viễn và hai người nữa vượt ngục Côn Đảo. Về đến Sài Gòn, bốn người kết nghĩa anh em, Mười Trí là anh Hai vì nhiều tuổi hơn cả, Bảy Viễn anh Ba, rồi hai người kia là Tư Nhị và Năm Bé. Cả bốn gia nhập lực lượng Bình Xuyên của Ba Dương và đều giữ chức đội trưởng.”

 Sau khi Mười Trí rơi vào bẫy của Nguyễn Bình, lực lượng Bình Xuyên hoàn toàn đặt dưới quyền lãnh đạo của Việt Minh. Bất mãn với việc không được Nguyễn Bình cho thay thế Mười Trí giữ chức chỉ huy và việc Nguyễn Bình giết chết Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Bảy Viễn đem phần lực lượng Bình Xuyên dưới quyền về đầu hàng Pháp và Chính phủ Quốc gia. Được Pháp phong đại tá, Bảy Viễn xây Tổng Hành dinh tại Cầu Chữ Y thuộc Quận 8, Sài Gòn, dựng đồn trại, và cả một hồ cá sấu để giữ lại hương vị của Rừng Sác, nơi Bình Xuyên đã nhiều năm đồn trú. Để tuyển mộ lính, Bảy Viễn cho người đến các trại tạm cư tung tiền mua chuộc các thanh niên từ Bắc di cư vào chưa có lợi tức, dối gạt sẽ cho việc làm, rồi đưa họ vào doanh trại để huấn luyện. Một khi đã vào doanh trại, các thanh niên đó bị đưa vào kỹ luật sắt, đêm ngày bị canh chừng khó lòng trốn thoát. Viên trung sĩ ngắt lời:

“Chuyện này gia đình em cũng nói đến.”

Khi Bảo Đại về lại cai trị đất nước với danh hiệu quốc trưởng, Bảy Viễn được một cố vấn khuyên tìm cách kề cận Bảo Đại. Dùng tiền bạc mua chuộc, Bảy Viễn được Bảo Đại nhận làm em nuôi cho dẫu Bảo Đại ít tuổi hơn Bảy Viễn, gọi Bảy Viễn là bào đệ—anh em ruột thịt—trong khi đúng ra phải gọi là nghĩa đệ—anh em kết nghĩa. Bảo Đại dùng sai từ Hán Việt có lẽ vì không rành chữ Hán, và nhưng lạ một điều là không thấy cận thần nào sửa lại cho đúng. Bảo Đại phong Bảy Viễn lên cấp thiếu tướng giữ chức vụ Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định, giao cho Bảy Viễn nhiệm vụ làm kinh tài cung phụng tiền bạc cho Bảo Đại. Để có phương tiện kinh tài cung cấp tài chánh cho Bảo Đại ăn chơi, Bảo Đại cho Bảy Viễn trúng thầu trung tâm cờ bạc gọi là Đại Thế giới—Casino Grand Monde. Với đủ thế lực trong tay, Bảy Viễn còn cho mở khu gái điếm đại qui mô gọi là khu Bình Khang. Với ba cơ sở kiếm tiền tổ chức qui mô lớn, bên ngoài có cảnh sát canh gác, bên trong có đầu nậu vừa giữ trật tự vừa uy hiếp, Bảy Viễn thu tiền vào như nước. Bảy Viễn chấm dứt nhận tiền lương của Pháp vì đã đủ tiền cung cấp cho binh lính dưới quyền. Ngay cả Bảo Đại đang ăn lương của Pháp cho dẫu là vua nước Việt giờ đây cũng trở thành ông vua nhận thêm phần lương hàng tháng từ Bảy Viễn. Viên trung sĩ hỏi Hoan:

“Sao chỉ có sòng bạc Đại Thế giới và khu đĩ điếm Bình Khang mà ông Thầy nói có ba cơ sở?

“Vì trước đó Bảy Viễn đã có sòng bạc Kim Chung.”

“Ủa, chẳng phải Kim Chung và Đại Thế giới là một?”

“Không, là hai sòng bạc khác nhau, Kim Chung là một sòng bình dân, còn Đại Thế giới là một sòng qui mô kích cỡ thế giới.”

Kim Chung—Casino Cloche d’Or—là một sòng bạc bình dân do Bảy Viễn lập ra ở khu chợ Cầu Muối. Đại Thế giới—Casino Grand Monde—là một cơ sở qui mô nguyên do chính người Pháp lập ra trên đường Galliéni nay là đường Trần Hưng Đạo gần khu Nancy theo kiểu sòng bạc ở Macao. Đại Thế giới có người mặc đồng phục gác cổng nhưng khách chơi ra vào tự do. Để có được kích cỡ quốc tế, Pháp giao Đại Thế giới cho Lâm Giống từ Hồng Kông qua tổ chức và điều hành, vì Lâm Giống gốc Macao, sành sỏi việc tổ chức bài bạc. Sau khi Đại Thế giới đã hoạt động trơn tru, Bảy Viễn tranh thầu với Lâm Giống, Lâm Giống đành chịu thua vì Bảy Viễn đã được Bảo Đại và Pháp yểm trợ và nhất là vì quyền lực điều hành công an cảnh sát Sài Gòn đã được Bảo Đại và Pháp giao cho Bảy Viễn. Đại Thế giới một thời là địa ngục phá nát gia đình và tiếng tăm của không biết bao nhiêu người. Vì thua cờ bạc, không biết bao nhiêu người đã mất hết danh phận, nhà cửa, vợ con, không biết bao nhiêu người đàn bà đoan trang đã trở thành gái điếm thực thụ. Cô gái thở dài: 

“Các bà thua cờ bạc sao lại thành gái điếm?”

Viên trung sĩ giải thích:

“Chuyễn dễ hiểu. Các bà thua tiền vạn tiền triệu, thua toàn bộ gia tài sự sản. Hi vọng gỡ lại tiền đã mất trước khi vỡ lỡ đến tai chồng con, các bà vay tiền của những tên cò mồi lúc nào cũng chờ sẵn. Vay nhiều lần, vốn chồng lời mà không trả được, các bà phải nghe theo lời dụ dỗ tiếp khách một lần hai lần để được vay thêm. Một lần lỡ hai lần lầm, cuối cùng các người đàn bà khốn khổ đó chẳng còn đường nào để quay về.”

Hoan nói:

Cờ bạc là bác thằng bần, xưa nay có ai làm giàu được bằng nghề cờ bạc đâu. Người ta thường nói, tiền thắng cờ bạc ngoại trừ đem xây mồ mả còn cất nhà sắm ruộng sớm muộn đều phải nhã ra trả chủ sòng. Sác xuất thua cờ bạc nhất là casino đã quá rõ.”

Cô gái hỏi:

“Trung úy nói sác xuất là cái gì, em không biết.”

Hoan giải thích:

“Cô chưa học tới sác xuất, tiếng Pháp là probabilité sao? Đó là một cách tính khả năng nhiều hay ít một điều gì có thể xẩy ra.”

“Trung úy giải thích cho em đi.”

Hoan nhìn cô gái mỉm cười:

“Để lúc khác, giờ mà giải thích thì biết bao giờ câu chuyện mới xong, chỉ cần hiểu là khả năng thắng cờ bạc không lúc nào là nhiều cả vì nếu người chơi mà thắng thì chủ sòng đã không bày sòng, nhất là sòng cờ bạc lớn casino.”

Cầm ra hai chai bia 33 và một chai nước ngọt, viên trung sĩ bảo cô gái:

“Cháu vào lấy ba lý đá, bữa nay chú đãi Trung úy lai rai rồi mời Trung úy dùng cơm trưa luôn. Được không ông Thầy, hôm nay vui mà?”

Hoan cười:

“Uống chai bia được rồi, cơm nước gì thêm phiền ra.”

Viên trung sĩ cười:

“Phiền gì đâu, đàng nào ông Thầy cũng phải đi dùng cơm trưa.”

Cô gái nhìn Hoan trìu mến:

“Phải đó Trung úy, em còn muốn nghe chuyện Ba Cụt nữa.”

Viên trung sĩ gạt đi:

“Chuyện đó để lúc khác. Giờ cháu vào làm ít thức ăn mời cơm Trung úy.”

Đặt ba ly đá lên bàn, cô gái vừa mở bia vừa hỏi Hoan:

“Trung úy muốn ăn gì nào?”

Hoan đùa:

“Râu rồng xào thịt tê giác, chân gấu hầm bát bửu, vòi voi chưng cách thủy.”

Cô gái mở lớn mắt nhìn Hoan:

“Trung úy nói thiệt? Bán em cũng không lấy đâu ra mấy thứ đó.”

Viên trung sĩ cười:

“Trung úy đùa đó, đùa mà thiệt.”

“Nghĩa là sao?”

“Là rau lang xào thịt bò, giò heo nấu với bảy tám thứ nhưng hiện giờ chỉ có củ cải thôi, và măng luộc.”

Cô gái nguýt Hoan một cái thật dài:

“Vậy mà Trung úy làm em cuống lên, sợ chiều lòng Trung úy không được.”

Cô nói câu cuối cùng với một hàm ý rõ rệt rồi nhìn Hoan xem Hoan có hiểu và tỏ phản ứng gì không. Hoan nhìn cô gái mỉm cười nhưng không nói gì vì sợ gây thêm hiểu lầm. Khi cô gái vào trong, viên trung sĩ bảo nhỏ Hoan:

“Ông Thầy tin tôi chưa, con bé không giấu được lòng quyến luyến ông Thầy.”

Hoan nhìn vào đáy li bia như đang cố tìm một cái gì trong đó rồi ngẩng đầu lên nói:

“Cô này ngoan, hiền, chỉ mong đừng vì tôi mà thất vọng.”

Viên trung sĩ thở dài:

“Em ước gì có cách giúp cho cháu đi học lại. Khốn nỗi, mẹ cháu bị bệnh gần như lãng trí và bốn đứa em còn đi học. Tiền tử tuất hàng tháng của ba cháu không thể đủ chi tiêu cho gia đình nếu cháu không đi làm thêm. Làm cho em dẫu lương không bằng làm ngoài nhưng tiện là khi cần cháu có thể về ngay giúp mẹ.”

Hoan buồn ra mặt:

“Thật tội nghiệp. Tôi có thể nhận cô ta làm em nuôi để ba mẹ tôi giúp cho ăn học, nhưng như vậy chỉ giúp được một mình cô ta thôi, không thể lo cho mẹ và em cô ta được.”

Thoáng một cái, cô gái đã nấu xong thức ăn, bưng mâm ra đặt từng thứ lên bàn. Mùi xào nấu thơm ngào ngạt. Hoan nói:

“Lâu lâu mới được ăn cơm nhà nấu, mùi vị có khác. Ăn cơm tháng lúc nào cũng như lúc nào, ăn cho qua bữa mà thôi.”

Cô gái xới hai chén cơm mời Hoan và mời viên trung sĩ:

“Mời Trung úy và chú. Trung úy thích ăn cơm nhà thì lo kiếm người nấu cơm cho ăn đi.” 

Hoan định trả lời theo thói quen, kiếm mà chưa ra, nhưng kịp ngưng lại sợ bị hiểu lầm. Viên trung sĩ cầm đũa nói:

“Mời ông Thầy.”

Hoan cầm đũa gắp rau lang vào chén:

“Mời anh, mời cô.”

Viên trung sĩ nhấp một ngụm bia rồi hỏi Hoan:

“Không biết tại sao mình phải đánh Bình Xuyên vậy ông Thầy?”

Hoan nhấp ngụm bia:

“Vì Thủ tướng Ngô Đình Diệm lấy lại hết các ưu đãi Pháp và Bảo Đại ban cho Bảy Viễn.”

Ngày Hiệp định Genève chính thức được ký kết năm 1954, Bảy Viễn đã cho mời gánh hát bội Thành Tôn vào hát suốt ba đêm để ăn mừng hòa bình, tưởng từ nay sẽ là chủ soái hùng cứ một phương trời, trong tay có binh quyền, có chức phận, có tiền bạc, và có thế lực với cả Pháp cả Bảo Đại. Ngược lại, ngay lúc vừa nhận chức, Thủ tướng Ngô Đình Diệm quyết loại bỏ thế lực sứ quân của Bảy Viễn cũng như các lực lượng vũ trang khác để có thể kết hợp thành một quân đội khả dĩ đủ sức mạnh chống lại với Cộng sản Bắc Việt. Đồng thời, để tạo một xã hội lành mạnh, ông ra lệnh dẹp bỏ tất cả các sòng bài ổ điếm kể cả các cơ sở tội ác của Bảy Viễn. Trong khi đó, Pháp muốn loại bỏ Ngô Đình Diệm vì họ Ngô nhất quyết đòi độc lập hoàn toàn không còn chút dính dáng đến Pháp. Về phần Bảo Đại, ân hận vì đã đưa Ngô Đình Diệm về nước, Bảo Đại cũng muốn loại bỏ Diệm vì nếu không sẽ không còn nhận được bỗng lộc từ các cơ sở kinh tài của Bảy Viễn. Cùng chung lợi ích, Pháp và Bảo Đại họp nhau nâng đỡ Bảy Viễn chống đối phá phách không cho Thủ tướng Diệm thành công trong việc làm nước mạnh dân giàu. Hơn thế nữa, Bảo Đại thậm chí còn muốn đưa Bảy Viễn lên giữ chức vụ Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Quốc gia nếu không có sự phản kháng mạnh mẽ của Thủ hiến Phan Văn Giáo. Ngày 21 tháng 9, 1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc hành quân tên gọi là Chiến dịch Hoàng Diệu còn gọi là Chiến dịch Rừng Sác dưới quyền chỉ huy của Đại tá Dương Văn Minh để tiêu diệt lực lượng Bảy Viễn. Bảy Viễn được Pháp cứu sống và đưa về Pháp. Cô gái hỏi:

“Chẳng hiểu tại sao Thủ tướng Diệm không dụ Bảy Viễn về cộng tác?”

Hoan trả lời:

“Có, một thời gian ngắn sau khi về nước, Thủ tướng đã yêu cầu Bảy Viễn quay về nhưng Bảy Viễn từ chối.”

“Sao từ chối?”

“Vì biết về với Thủ tướng, Bảy Viễn sẽ phải từ bỏ nếp sống giang hồ đảng cướp.”

Ngưng một chút, Hoan nói tiếp:

“Một người đạo đức như Thủ tướng không cách nào chấp nhận được tội ác của Bảy Viễn.”

“Nhưng biết đâu nếu quay về, Bảy Viễn có thể trở thành người tốt.”

Hoan lắc đầu:

“Cũng có thể, nhưng tiếc là Bảy Viễn đã không quay về. Thêm nữa, tôi nghĩ nếu Bảy Viễn muốn cũng không quay về được”

Viên trung sĩ chen vào:

“Tại sao vậy?”

“Tại Pháp và Bảo Đại không buông tha, muốn dùng Bảy Viễn để chế ngự Thủ tướng Diệm.”

“Tại sao Bảo Đại đưa Thủ tướng về rồi giờ lại chống?”

“Bảo Đại buộc lòng phải đưa Ngô Đình Diệm về nước vì chẳng còn ai lúc đó có thể làm đối trọng đủ nặng để đối phó với Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bảo Đại nghĩ rằng ông Diệm sẽ ngoan ngoãn vâng lời như đã từng như thế lúc còn là thượng thư theo châm ngôn quân sử thần tử, thần bất tử bất trung.”

Cô gái hỏi:

“Bộ Bảo Đại không chọn được ai khác sao?”

“Có, trước Ngô Đình Diệm, Bảo Đại đã thử con cờ Bửu Hội nhưng không thành công. Biết lòng người trong nước nhất là kẻ thức giả mang nặng tinh thần Nho học luôn chuộng những người có đạo đức quân tử nên Bảo Đại chọn họ Ngô.”

“Là sao Trung úy?”

“Một bên, Việt Minh cộng sản tìm mọi phương cách tô son vẽ phấn tung hê Hồ Chí Minh.”

Cộng sản đề cao Hồ Chí Minh như một người hi sinh cho đất nước, lúc còn trẻ đã bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước chẳng màng chuyện vợ con trong khi thực sự họ Hồ sang Pháp vì mong sẽ được cho vào học Trường Thuộc địa, một trường tại Pháp chuyên đào tạo người phục vụ mưu đồ xâm lăng của Pháp, nhằm tìm đường tiến thân. Không được Pháp chấp thuận, họ Hồ bắt đầu cộng tác với các chí sĩ yêu nước đang hoạt động tại Pháp cho đến khi ăn phải bùa mê của chủ thuyết Mác Lê, trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản Quốc tế. Trong thời gian hoạt động, họ Hồ còn tệ hơn người có vợ vì không phải chỉ có một vợ mà quá nhiều vợ hoặc chính thức hoặc không chính thức. Họ Hồ có hoặc vợ có hôn thú hoặc chỉ cùng chung sống là người Nga, người Trung Hoa, người Việt hoặc dân tộc Kinh hoặc các dân tộc ít người, thậm chí còn chiếm đoạt luôn vợ hoặc người yêu của các đồng chí của ông ta. Để có được một đối trọng nặng cân hơn mà không cần phải tô son vẽ phấn, Bảo Đại chẳng còn ai khác ngoại trừ Ngô Đình Diệm, một người chẳng những thực sự không vợ không con mà còn có ý định vào dòng tu, một người đã tỏ khí phách không màng danh lợi bỏ ấn từ quan vì không chấp nhận việc đất nước rơi vào tay thực dân Pháp.

“Thế ông Diệm có loại bỏ Bảo Đại không?”

“Ông Diệm thực sự không hề có ý định loại bỏ Bảo Đại, chỉ muốn làm tròn trách nhiệm thủ tướng do Bảo Đại giao phó. Ông buộc lòng phải làm mất lòng Bảo Đại trong việc đóng cửa các cơ sở kinh tài của Bảy Viễn, và phải triệt hạ Bình Xuyên để thống nhất quyền lực và nhất là lấy lại quyền lực của ngành công an cảnh sát đang nằm trong tay Bảy Viễn.”

“Còn Pháp, tại sao chống ông Diệm?”

“Pháp không muốn ông Diệm thành công vì biết ông Diệm muốn một nước Việt Nam độc lập hoàn toàn, không chấp nhận việc Việt Nam nằm dưới quyền chi phối của Pháp.”

Cô gái nói:

“Giờ em mới hiểu thêm đôi chút.”

Hoan nói tiếp:

“Ông Diệm không thể như Hồ Chí Minh chấp nhận một nước Việt Nam dưới chi phối không chỉ của Liên Xô và Trung Quốc mà còn của Pháp của Nhật, miễn sao nắm được quyền cai trị.”

Cô gái hỏi:

“Như thế Pháp thẳng tay chống lại ông Diệm?”

Hoan lắc đầu:

“Pháp không dám thẳng tay vì sợ mất lòng Mỹ vì Pháp đang nhờ Mỹ viện trợ.”

“Vậy là Mỹ muốn ông Diệm thành công trong việc thu hồi tự do độc lập cho đất nước?”

“Cũng không hẳn vậy.”

Viên trung sĩ nóng lòng:

“Thế là làm sao?”

“Lúc ban đầu, Mỹ muốn ông Diệm hất cẳng Pháp để Mỹ thay chân vào, và cũng mong có được ông Diệm ngoan ngoãn theo ý Mỹ muốn.”

Cô gái nói ngay:

“Nghĩa là làm bù nhìn?”

Xem thêm

Nhận báo giá qua email