Hoa Rơi Nước Mắt

Tiếng chiêng phèng phèng và tiếng trống ầm ầm làm Hoan giật bắn người. Đứng cạnh Hoan, ba Hoan dẫn giải:

“Ông mặc áo xanh vừa nói đó gọi là Đông Xướng vì ông ấy đứng ở vị trí hướng đông Điện Thờ. Nếu có một người nữa đứng hướng tây thì gọi là Tây Xướng.”

“Còn khai khởi gì gì nghĩa là răng Ba?”

“Khai sự là bắt đầu; khởi chinh cổ các tam nguyên là đánh ba hồi chiêng trống.”

Hoan lắc đầu:

“Y như Ngoại, nói thứ tiếng gì con nghe như tiếng Việt mà chẳng hiểu.”

Ba Hoan mỉm cười:

“Đó là chữ Nho, tức chữ Tàu đọc trại thành giọng Việt gọi là Hán Việt.”

Hoan càu nhàu:

“Lại tàu với ghe! Bắt đầu thì nói bắt đầu, đánh trống thì đánh trống, nói chi thứ tiếng Việt mà người Việt nghe xong phải được dịch lại mới hiểu.”

Ba Hoan hạ giọng:

“Nói nhỏ thôi con. Lễ nhạc do Khổng Tử đặt ra, mà Khổng Tử là người Tàu, mình học theo nên đọc toàn tiếng Tàu.”

“Bộ người mình không ai đặt ra lễ nhạc hoặc dịch ra cho mọi người hiểu sao Ba?”

“Cái đó thì cũng y như hiện giờ các cha làm Lễ bằng tiếng Latin. Các tôn giáo ở nước mình phần lớn đều do nước ngoài đưa vào nên vẫn giữ nghi lễ tiếng nước ngoài. Ngoài ra việc giữ tiếng nước ngoài còn cho thấy tính quốc tế của tôn giáo đó, ví như đạo Phật đọc kinh tiếng Phạn, đạo Khổng đạo Lão tiếng Trung Hoa, đạo Công giáo tiếng Latin, đạo Chính thống Nga tiếng Nga, v.v…”

Hoan suy nghĩ rồi nói:

“Ba nói thì con nghe, nhưng vẫn thấy ấm ức sao đó. Nhà thờ làm Lễ tiếng Latin nhưng khi cha đọc, ai cũng biết đó không phải là tiếng Việt. Đằng này, nghe rõ ràng là tiếng Việt mà chẳng hiểu chi cả.”

Ba Hoan cười:

“Con cho là tiếng Việt tại cái âm giống tiếng Việt thôi, phần khác nghe quen quen vì nhiều tiếng Việt mượn tiếng Tàu gọi là Hán Việt, trong khi thực chất là tiếng nước ngoài.”

Hoan định nói thêm gì đó nhưng chiêng trống đã dứt hồi, Đông Xướng đang hô lớn:

“Nhạc sinh tựu vị ư….”

Một đoàn người mặc áo dài đen khăn đóng bước vào, người đi đầu cầm kèn Lá, loại kèn ò e tí te mà Hoan thường nghe trong các đám tang người không phải Công giáo. Theo sau kèn Lá là đàn Kìm, đàn Nhị, trống, và sanh, tất cả đi hàng một vào chính điện phủ phục làm lễ rồi ra ngồi ở vị trí bên trái Điện Thờ từ ngoài nhìn vào. Đông Xướng lại ê a:

“Củ soát tế vật ư….”

Mấy người mặc áo dài đen khăn đóng chờ sẵn trong nội điện bước ra đưa tay làm bộ kiểm điểm trái cây và các thức cúng đặt trên bàn thờ chính và bốn bàn thờ phụ. Bàn thờ chính quay mặt ra ngoài, hai bên là hai bàn thờ phụ cách bàn thờ chính mỗi bên một lối đi bằng hai thân người; lối đi này băng qua hậu cung đi thẳng vào nhà ngang nơi đặt bàn ghế tiếp khách. Nhà ngang có vách lửng phân cách với hậu cung. Trong hậu cung, hai bàn thờ nội điện đối diện nhau, một đấu lưng bàn thờ chính điện quay mặt vào trong, một đấu lưng vách ngăn quay mặt ra ngoài, phân cách bằng một lối đi hẹp vừa thân người. Có tiếng Đông Xướng:

“Chấp sự giả các tư kỳ sự ư …. Tế chủ dữ ư… chấp sự giả ư… các nghệ quán tẩy sở ư….”

Một đoàn người từ hậu cung đi ra theo lối đi bên phải bàn thờ chính điện, đi đầu là hai người mặc áo thụng đỏ đội nón đỏ có chóp, sau lưng có tua nón cũng màu đỏ vắt lên vai, người bên phải là cậu Xạ, bên trái là Tiên chỉ. Theo sau cậu Xạ và Tiên chỉ là đoàn mười người mặc áo thụng xanh nón xanh chia thành hai toán, toán đầu gồm ba người, hai người sánh vai đi trước, một người đi một mình theo sau. Cách toán đầu chừng một bước chân là toán thứ hai gồm bảy người, một người dẫn đầu và sáu người đi thành hàng đôi. Người đi đầu toán này tay trái cầm cán một cái trống nhỏ chừng bàn tay, tay phải cầm dùi điểm lên mặt trống theo nhịp bước chân. Cái trống nhỏ không phát ra tiếng bum bum mà tiếng lạch cạch, chắc vì mặt trống không căng hết mức. Đoàn người bước từng bước hết sức chậm rãi theo nhịp trống. Nhịp một, chân trái đứng trụ, chân phải gập đầu gối vuông góc đưa cao dần cho đến khi bắp đùi nằm ngang thắt lưng rồi khoan thai đặt xuống phía trước. Nhịp hai, chân trái đến lượt nâng cao rồi bước lên ngang với chân phải. Cứ thế, theo nhịp trống lạch cạch, đoàn người đều bước mất dễ chừng mươi mười lăm phút mới hết đoạn đường từ trong phòng ra chính diện dài chừng năm mét. Ghé sát tai Hoan, ba Hoan dẫn giải:

“Hai người áo đỏ là chánh tếbồi tế, kế sau lưng là hai ông phụ tế làm lễ ở hai bàn thờ phụ. Sau hai ông phụ tế là ông độc chúc, đọc văn tế thay cho chánh tế. Trừ người cầm trống nhịp, sáu người trai trẻ còn lại là bảy lễ sinh gọi là chấp sự, phụ giúp chánh tế và phụ tế.”

“Kiểu như nhà thờ mình làm lễ Thầy Năm Thầy Sáu và các chú giúp lễ phải không Ba?”

“Cũng tương tự thế đó.”

Ba Hoan nhìn quanh rồi nói tiếp:

“Bàn thờ chính thờ các Tổ, hai bàn thờ phụ thờ các Tổ nhánh. Tộc ngoại của mạ con có tới ba nhánh, nhưng lập ba bàn thờ thì lẻ nên gom lại thành hai thôi.”

Hoan lắc đầu tỏ vẻ không hiểu:

“Do kiêng số lẻ, phải không Ba? Có chẳn có lẻ mới thành số, sao người ta lại kiêng số lẻ?”

Ba Hoan Lắc đầu:

“Đúng là phải có chẳn có lẽ mới thành số. Ba chẳng hiểu tại sao người ta kiêng số lẻ, có thể do không muốn vợ chồng thành lẻ bạn chăng.”

Trước Điện Thờ, Bồi tế đứng lùi lại gần mép sau của chiếu trước trong khi Chánh tế đứng chính giữa chiếu sau. Bốn Chấp sự đứng hai bên mép chiếu trước nơi bồi tế đang đứng, quay mặt nhìn nhau. Ở hai gian chái, hai Phụ tế đứng chính giữa chiếu, mỗi phụ tế có một chấp sự quay mặt nhìn vào bàn thờ. Đông xướng ngân nga:

“Quán tẩy ư….”

Người cầm trống điểm ba tiếng lạch cạch cạch. Hai người bưng hai thau nước ra, một cho chánh tế, một cho bồi tế, hai người khác nữa cho hai phụ tế ở hai bàn thờ phụ. Trong khi chánh tế, bồi tế, và hai phụ tế rửa tay, các chấp sự cũng lùi lại mấy bước rửa tay vào các chậu nước để sẵn dọc hành lang hai bên. Gọi là rửa tay nhưng mọi người thực sự chỉ rửa tượng trưng bằng cách nhúng mấy đầu ngón tay vào chậu nước. Đông xướng tiếp:

“Thuế cân ư….”

Ban hành lễ lau mấy đầu ngón tay với khăn được đưa tới rồi chậm rãi quay về vị trí hành lễ. Nhìn thấy mọi người đã yên vị, Đông xướng ngân nga:

“Thượng hương ư….”

Trống nhỏ lạch cạch cạch, chiêng ngân beng beng beng, trống lớn tùng tùng tùng…. Theo lệnh xướng, Chánh tế xoay người qua phải nâng cao chân như khi từ trong đi ra bước từng bước một tới mép chiếu, xoay người sang trái tiến theo mép lên đến nửa chiếu trước, xoay qua trái lần nữa đi vào chính giữa chiếu trước. Cùng lúc đó, Bồi tế tiến lên mấy bước đứng vào giữa chiếu sau nơi Chánh tế vừa rời đi. Hai chấp sự đi vào bên trong theo hai lối hai bên Điện Thờ. Khi đi ra lại, một người nâng cao lư hương ngang mày đưa cho chánh tế, người kia bưng hộp trầm đưa cho bồi tế. Chánh và bồi tế nhận lư hương và trầm, đưa cao ngang mày, nhấc chân bước từng bước tới bàn thờ. Chánh tế đặt lư hương lên chính giữa bàn thờ. Bồi tế mở hộp trầm. Chánh tế bỏ nhiều miếng trầm vào lư hương đã chứa sẵn than hồng. Khói trầm bốc lên nghi ngút, hương thơm ngào ngạt tỏa khắp phòng làm tăng vẻ huyền bí linh thiêng. Chánh và bồi tế lại từng bước từng bước nhấc chân lên hạ chân xuống về lại vị trí ban đầu. Đông xướng ê a:

Nghinh thần cúc cung bái ư…. Bái ư…. Hưng ư….”

Nghe bái, chánh bồi phụ tế chấp sự tất bật phủ phục tại chỗ lạy bàn thờ rồi nghe hưng lại lọng cọng đứng lên. Trống cơm lạch cạch lạch cạch, đờn tính tưng tính tưng, kèn í a í o, trống chiêng vang rền. Chung quanh và bên ngoài Điện thờ, tiếng dức lác vẫn oang oang, người qua kẻ lại vẫn không chậm bước, không một ai tỏ lòng tôn trọng cuộc lễ đang tiến hành. Sau ba lần bái hưng, Đông xướng hô lớn:

Bình thân ư …. Hành sơ tiến lễ ư …. Nghệ tửu tôn sở ư …. tư tôn giá cử mịch ư ….”

Nghi thức dâng rượu. Chấp sự khuỳnh khuỳnh đi ra án bên cạnh nơi đặt sẵn mấy bình rượu rồi khuỳnh khuỳnh bước lại vào chiếu trước. Đông xướng hô:

Quỵ ư….”

Chánh tế và bồi tế quỳ xuống.

Tiến tửu ư….”

Chấp sự trao bình rượu cho Chánh tế. Chánh tế đưa ngang mày vái một vái rồi đưa lại cho chấp sự.

Hiến tửu ư ….”

Một chấp sự nâng cao bình rượu, một chấp sự nâng cao chén rượu, hai người nâng lên ngang mày khuỳnh khuỳnh đi vào bên trong, đặt bình đặt rượu và chén rượu lên bàn thờ bên trong rồi quay ra lại vị thế ban đầu. Khi các chấp sự vào vị trí, Đông xướng hô:

Hưng ư… Bình… thân ư…. Phục vị ư …. Độc chúc ư….”

Đứng mãi một chỗ, đến lúc này Độc chúc mới có việc làm. Ông khuỳnh khuỳnh đi vào sau bàn thờ bê ra một vật trông giống một khung hình lớn có chân, mặt trước phủ một tấm vải đỏ. Đến vị trí, ông nâng khung hình ngang mày trao cho Chánh tế. Đông xướng ngân nga:

Giai quị ư….”

Mọi người quỳ xuống. Chánh tế nâng khung hình ngang mày vái điện thờ rồi trao lại cho Độc chúc. Đông xướng hô:

Độc chúc ư….”

Độc chúc ê a đọc bài văn tế. Bài văn viết bằng chữ Hán phiên âm thành tiếng Việt. Dẫu đã phiên âm, chẳng mấy ai hiểu nội dung bài văn là gì ngoại trừ những người có Hán học như Ngoại:

“Duy Việt Nam a… Giáp Thân niên a… sơ tam nguyệt ư… thập ngũ nhật ư….”

Giọng đọc ê a như tiếng mẹ ru con làm đôi mắt Hoan ríu lại. Để chống lại cơn buồn ngủ, Hoan nhướng mắt nhìn quanh rồi nhìn ra sân. Trên hai hành lang dọc hai bên chánh điện, nhiều người tụm ba tụm bảy trò chuyện ồn ào. Trên sân, kẻ qua người lại nhộn nhịp, trẻ con reo hò đuổi nhau. Xa hơn, dưới bếp, tiếng dao thớt lộp cộp, tiếng soong nồi loảng xoảng, tiếng pha trò náo nhiệt, thỉnh thoảng vang lên tiếng cười vì một chuyện tiếu lâm hoặc lời trêu ghẹo một đôi trai gái nào đó đang phải lòng nhau. Người dự lễ giỗ, nếu không phải vì nhiệm vụ tế tự, chẳng ai quan tâm gì đến những gì đang xẩy ra, hoàn toàn xa lạ và lạc lỏng với các nghi lễ hiến tế và lời cầu xin tổ tiên đang thành kính bên trong. Sau văn tế, buổi lễ tiếp diễn với ba lần dâng rượu. Sau tuần rượu thứ ba, chánh tế quay về lại chiếu sau. Đông xướng hô:

Phủ phục ư …. Bái ư …. Hưng ư….”

Mọi người lạy hai lạy theo lệnh hưng bái. Chánh tế, bồi tế và các chấp sự lui ra hai bên cạnh, nhường chiếu cho chú bác nội ngoại trong tộc và quan viên làng lần lượt vào vái lạy tổ tiên, mỗi người vái bốn vái, lạy bốn lạy, rồi vái bốn vái. Không phải mọi người trong gia tộc vái lạy tổ tiên mà chỉ các vị vai vế trong tộc và vài người đại diện các nhánh. Sau khi quan viên và thân tộc hành lễ xong, mọi người dự tế quay lại vị trí hành lễ trừ chánh tế. Đông xướng hô lớn:

Ẩm phúc ư….”

Hai chấp sự đi vào Nội điện bưng ra khay rượu và khay trầu cau.

Nghệ ẩm phúc vị ư….”

Chánh tế đi vào chính giữa chiếu sau.

Quỵ ư….”

Chánh tế quỳ xuống, hai chấp sự đưa chung rượu và khay trầu đến.

Ẩm phúc ư….”

Chánh tế nâng chung rượu lên ngang mày, vái một vái rồi đưa tay áo thụng che chung che miệng uống một hơi hết chung rượu.

Thụ tộ ư….”

Chánh tế lấy một miếng cau trầu têm sẵn trong khay, che miệng cho miếng trầu cau vào miệng, nhai một chút rồi che tay áo nhả vào một tấm khăn đã đem theo sẵn trong người.

Tạ lễ cung cúc bái ư….”

Chánh, bồi, phụ tế và các chấp sự quỳ lạy bốn lạy theo nhịp hưng bái.

Phần chúc ư….”

Độc chúc đem văn tế đốt trong một lư hương đã đặt sẵn. Chánh tế, người dự tế và mọi người có mặt trong điện, kể cả Ngoại và ba Hoan, đứng lên quay mặt hướng về chỗ đang đốt văn tế để tỏ lòng cung kính. Lời ca tụng và cầu xin con cháu viết ra trong văn tế nương theo làn khói bay lên đến tổ tiên ông bà. Đông xướng ngân nga chậm rãi hơn, cao giọng hơn, và kéo dài hơn các câu xướng trước:

Lễ a… tất ư… ừ….”

Ba hồi chiêng trống nổi lên. Ban hành lễ xá điện thờ rồi xột xoạt đi vào bên trong thay áo. Nếu ban tế lễ mất nhiều thời gian để đi từ trong ra thì giờ đây vèo một cái họ đã biến mất vào phòng trong. Lát sau, cậu Xạ và Tiên chỉ mặc áo dài khăn đóng bình thường đi đến bàn Ngoại. Cậu Xạ đon đả:

“Làm Quan Lớn phải ngồi chờ lâu, con ái ngại quá chừng.”

Ngoại xua tay:

“Cậu Xạ nói chi rứa nà. Quan là quan chỗ mô chơ về đây thì tui là hàng con hàng cháu của tổ tiên ông bà. Chỉ tiếc là tui có đạo nên không được phép vào vái lạy các cụ cho đúng lễ. Tui mới là người phải ái ngại.”

Cậu Xạ chắp tay:

“Quan Lớn ái ngại mần chi, các cụ Tổ thì cũng có cả cụ nội Bà Lớn trên đó, theo đạo hay không theo đạo bây chừ các cụ chắc cũng đang sum vầy một chỗ.”

Ngoại cười:

“Các cụ ở chỗ mô thì tui chẳng biết răng mà nói. Có điều, tui ao ước bên đạo nới ra cho người có đạo vái lạy ông bà để tỏ lòng tôn kính.”

Một quan viên hỏi:

“Chẳng dám hỏi Quan Lớn, chẳng hay tại răng mà bên đạo không cho lạy?”

Ngoại trầm ngâm:

“Cái ni thì khó giải thích. Đơn giản thì như ri, đạo cấm thờ phượng bụt thần, chỉ được thờ Đức Chúa Trời mà thôi. Đạo không cho vái lạy ông bà tổ tiên vì sợ hiểu lầm với thờ cúng bụt thần nhưng không có nghĩa Đạo bỏ ông bỏ bà. Đạo vẫn có điều răn thứ tư dạy phải hiếu thảo với cha mẹ và vẫn xin Lễ cho linh hồn ông bà cha mẹ.”

Một người khác hỏi:

“Xin Lễ là răng thưa Quan Lớn?”

“Là mình xin Cha làm Lễ cầu nguyện cho linh hồn mau về với Chúa, cũng na ná như mời thầy mời sư tới cầu siêu.”

“Ra rứa. Nhưng tổ tiên ông bà không có Đạo thì cầu mần răng được?”

Ngoại cười:

“Ôi, nói rứa nghĩa là ông cho Đức Chúa Trời chỉ là Chúa của người có đạo thôi răng?”

“Không rứa thì răng thưa Quan?”

Ngoại lắc đầu:

“Không phải mô, Chúa Trời là Chúa của mọi người, tin Chúa hay không tin cũng vẫn là con của Chúa.”

Nghe nói, người ngồi quanh Ngoại nhìn nhau dáng chừng chưa hiểu thấu. Một người nói:

“Nhưng thưa Quan Lớn, lạy là để tỏ lòng kính trọng tổ tiên ông bà, mô phải thờ, phải không thưa Quan?”

“Đúng như rứa, nhưng khổ nỗi người mình nói thờ cha kính mẹ nên các cha ngoại quốc nghĩ là người mình thờ tổ tiên như thờ Phật thờ Thần thờ Mẫu thờ Ông Địa. Các cha không phải người mình nên khó có thể hiểu được đạo lý của người mình. Tui nghĩ mai kia khi các cha người Việt mình cầm đầu, người có đạo sẽ không còn bị cấm lạy ông bà tổ tiên nữa.”

Từ ngoài, cậu Xạ quày quả đi vào, xoay vòng tay thưa lớn:

“Cỗ dọn xong rồi, kính mời Quan Lớn, Tiên chỉ, và quý ông quý chú quý bác ra dùng.”

Quay qua Ngoại, cậu Xạ nói:

“Con đã cho dọn mâm với thức ăn riêng cho Quan Lớn, Thầy Thông và cậu Hoan.”

Hoan cười thầm tự nhủ:

“A ha! Mình lên chức cậu rồi, không còn là thằng nữa.”

Ngồi cạnh ba bên bàn cơm, Hoan khều ba:

“Ba còn nợ chưa giải thích cho con tại sao có năm màu trên các lá cờ.”

Ba Hoan cúi xuống nói nhỏ:

“Để Ba trò chuyện với người lớn đã rồi giải thích sau.”

Hoan im lặng gắp một gắp xôi, chấm mấy lát thịt heo luộc vào chén nước mắm, cho tất cả vào chén riêng rồi chậm rãi ăn dần. Vừa ăn, Hoan vừa nhớ lại lời mẹ dặn dò:

“Tới đó con phải nói năng ăn uống chững chạc, đừng ăn vội ăn vàng như ở nhàngười ta cười cho .”

Hoan thầm nghĩ:

“Phải chi có Hằng cùng ngồi ăn thì vui biết mấy.”

Cảm giác và hương vị của nụ hôn Hoan đặt lên má Hằng còn sống động trong tim Hoan. Bóng tối và lùm cây đã đồng lõa giúp Hoan bạo dạn. Hoan thầm tự hỏi:

“Hằng có chịu cho mình hôn lần nữa không?”

Hoan mỉm cười, nghĩ bụng:

“Không chịu cũng hôn, mình nhất định hôn.”

Đột nhiên thấy con mỉm cười một mình, ba Hoan hỏi:

“Con cười gì vậy?”

Hoan im lặng, giả vờ đang bận nhai thức ăn, không trả lời.

* * *

Loay hoay mãi trên giường, Hằng vẫn không sao ngủ được. Cho mãi đến tận hôm nay Hằng vẫn thoang thoảng vương vấn nụ hôn của Hoan, vẫn cảm thấy cái mũi ươn ướt và hơi thở nóng hổi của Hoan dính chặt trên má, vẫn ngửi thấy mùi mồ hôi và mùi nắng cháy toát ra từ thân thể Hoan. Ngạc nhiên, Hằng tự hỏi tại sao hai đứa chơi với nhau từ lúc còn ở truồng mà giờ đây Hằng lại có cảm giác kỳ lạ như vậy. Khó hiểu hơn nữa là sau nụ hôn đó, Hằng cảm thấy quyến luyến Hoan nhiều hơn, vắng Hoan một lát Hằng thấy nhớ, thấy như thiếu một thứ gì. Hôm nay Hoan vắng nhà, cảm giác nhớ nhung đó trổi lên mạnh hơn làm Hằng trằn trọc suốt đêm. Trời sáng, mệt mỏi, Hằng thức giấc ra nhà ngoài lẩn quẩn bên mẹ. Mẹ Hằng ngạc nhiên hỏi:

“Mi thiệt, răng bữa ni không sang bên nớ?”

Sang bên nớ là đi qua nhà Hoan. Không nghe Hằng trả lời, mẹ Hằng hỏi tiếp:

“Mọi bữa thức giấc mi chạy qua liền, răng bữa ni không?”

Hằng thưa mẹ:

“Dạ, Hoan theo Ngoại và Ba qua làng Nam giỗ Tổ rồi.”

Mẹ Hằng trêu:

“À, ra rứa, thằng Hoan không ở nhà. Giỏi dữ, kêu Ngoại kêu Ba ngọt xớt.”

Hằng xấu hổ:

“Mạ ni, Hoan qua đây cũng kêu Mạ, kêu Ba, răng Mạ không nói chi?”

Hoan và Hằng thân nhau đến độ hai gia đình chẳng ai thắc mắc tại sao Hằng gọi ông bà của Hoan bằng Ngoại bằng Mệ, gọi cha mẹ Hoan bằng Ba bằng Mạ. Ngược lại, Hoan cũng gọi ba mẹ Hằng bằng Ba bằng Mạ như vậy. Mẹ Hằng nhìn con gái, mỉm cười hỏi:

“Bên nớ có chi vui mà mi ở riết rứa?”

Hằng cười bẻn lẽn:

“Có chi mô Mạ. Con qua đó chơi với Hoan, rồi được bác cho học thêm tiếng Tây với Hoan.”

“Bác dạy tụi bay?”

“Dạ không, một cô giáo tới dạy. Cô nớ học với bác rồi dạy tụi con.”

“À, ra cô giáo là học trò của bác Hoan.”

Bác Hoan tức ba của Hoan. Quê Hằng, con gái lấy chồng sẽ được mọi người kể cả gia đình dòng tộc chính mình gọi bằng tên chồng, chẳng ai gọi bằng tên tục tức tên thật cha mẹ đặt cho nữa. Rồi ngay khi có con, đôi vợ chồng sẽ được gọi bằng tên con đầu lòng bất kể là trai hay gái. Do tục kỵ gọi tên như vậy, trong vùng không mấy ai biết tên thật của người khác, thậm chí con cái nhiều khi không biết tên thật của cha mẹ mình. Gọi một người lớn tuổi hoặc vai vế cao hơn bằng tên tục là thiếu lòng tôn trọng, nếu không nói là một tội bất kính nhất là khi nêu tên để chửi bới nhau. Vợ chồng mới cưới vì thế đều mong có con để không còn bị người khác gọi bằng tên thật nữa. Và cũng vì thế sau năm 1954 nhiều gia đình cha con vợ chồng đều mang chung một tên trong giấy tờ hành chánh, cha Trần Văn Tư, mẹ Nguyễn Thị Tư, con cũng Trần Văn Tư.

Hằng và Hoan chơi thân với nhau từ thuở hai đứa mới biết lật biết bò. Lớn lên, hai đứa suốt ngày bên nhau, ăn cơm với nhau, học hành với nhau, chơi đùa với nhau, thậm chí ngủ lại nhà nhau, khi nhà Hoan khi nhà Hằng. Nhiều lần ba Hằng bảo mẹ Hằng:

“Mình nè, hai đứa nó coi bộ quấn quýt nhau lắm.”

Mẹ Hằng cười:

“Cũng tốt thôi, lớn lên ba mạ thằng Hoan mà hỏi con Hằng cho nó, em liền?”

Ba Hằng đùa:

“Thế Mình không cần ý kiến anh sao?”

Mẹ Hằng cười:

“Em mô nói rứa. Em biết bụng Mình rồi, chưa chừng còn trước em nữa đó.”

Ba Hằng cười lớn:

“Ừa, Mình hỉ, nếu sau này lớn lên hai đứa lấy nhau, tốt phải không Mình?”

Vắng Hoan, Hằng cảm thấy thiếu một thứ gì rất thân thiết mà Hằng chưa hiểu được là thứ gì. Còn quá ít tuổi để biết thế nào là yêu, Hằng không thể hiểu được ý nghĩa của cảm giác vui khi gần và buồn khi xa Hoan. Hằng tự nhủ:

“Mình buồn chắc tại không có ai cùng chơi.”

Đột nhiên, Hằng định không qua nhà Hoan cho bỏ ghét, để phạt cái tội Hoan bỏ Hằng ở nhà một mình nhưng rồi lại nghĩ bụng:

“Mình làm bộ giận nhưng nếu Hoan tưởng mình giận thật thì răng?”

Thấy con buồn, mẹ Hằng bảo Hằng:

“Hay con chạy qua coi thử, biết đâu Hoan về tối qua rồi.”

Không đợi mẹ giục, Hằng vụt chạy băng vườn đi qua nhà Hoan. Chỉ mẹ và bà ngoại Hoan ở nhà. Hằng đon đã chào:

“Con chào Mệ, con chào Mạ. Con tưởng Mạ cũng đi ăn giỗ rồi.”

Mẹ Hoan đặt tấm thêu xuống, trêu Hằng:

“Tưởng đi rồi răng mi còn qua?”

Bẽn lẽn, Hằng đi vào ngồi sà xuống cạnh mẹ Hoan:

“Răng Mệ và Mạ không đi?”

“Mạ không đi, để Ngoại với hai cha con Hoan đi được rồi. Xuống đó ồn ào, rồi còn ở lại đêm, Mạ không thích. Với lại Mạ còn phải chăm sóc Mệ.”

Mệ ngước nhìn lên, miệng nhai trầu nhóp nhép đỏ quệch:

“Giỗ tổ tiên phía ngoại Mệ mà Mệ không đi được đúng ra cũng không phải phép. Ngại cái là Mệ đi xuống đó, người ta phải lo cho Ngoại rồi lo thêm cho Mệ, phiền người ta quá. Mệ tra rồi.”

Tra nghĩa là già. Liến thoắng xích lại gần chỗ Mệ đang ngồi, Hằng nói nịnh:

“Mệ mà tra chi mô.”

Mệ cười, vuốt tóc Hằng:

“Con qua không có thằng Hoan, rồi chơi với ai?”

“Con có qua chơi mô, con biết Hoan đi vắng mà. Tưởng Mạ cũng đi, con qua coi Mệ ở nhà một mình có cần chi không.”

“Con giỏi dữ. Rứa ba mạ con nói răng?”

Hằng nhoẽn miệng cười:

“Ngày nào mà con không qua đây, ba mạ con có nói chi mô.”

Mệ cười hiền lành:

“Ừa he. Rứa thì ở đây rồi chút nữa ăn cơm.”

Mặt trời đứng bóng. Từ bên phía nhà Hằng có tiếng gọi vọng sang:

“Hằng ơi, về ăn cơm.”

Hằng bước ra vườn, bắc hai tay làm loa, la lớn:

“Con ăn cơm bên ni với Mệ.”

Mệ xới cơm ra chén cho Hằng:

“Không có thằng Hoan ở nhà, mi buồn hí?”

Hằng bẽn lẽn:

“Con buồn chi mô Mệ. Con ghét Hoan, ở nhà cứ chọc con hoài.”

Mệ cười:

“Ghét thiệt không đó? Hay mi ưng hắn chọc mi?”

Ưng là muốn, là thích. Hằng trả lời:

“Mệ ni, răng con ưng rứa được?”

Gắp thức ăn vào chén Hằng, Mệ nhìn mẹ Hoan, cười kín đáo:

“Ai biết mô đó? Rứa mà có người ưng mới lạ. Thôi, ăn cơm đi.”

Hằng bưng chén làm bộ ăn nhưng thực sự để che bớt mặt đang đỏ hồng vì thẹn. Mệ đã đọc thấu tâm can Hằng.

* * *

Hai rạp dài che tạm dọc hai bên sân nhà thờ họ đã đông kín người. Từng nhóm mười người tự động góp lại tìm chỗ ngồi hai bên dãy bàn, mỗi bên năm người. Trên bàn, người ta đã đặt cho mỗi nhóm mười cái tô, mười đôi đũa, và một mẹt lớn lót lá chuối tươi đựng thịt heo, thịt bò cắt lát dày, xôi, rau thơm, chuối chát, khế, thứ nào thứ nấy chất cao có ngọn. Bên cạnh mỗi mẹt là một tô lớn đựng nước mắm tỏi ớt. Ở thôn quê, thịt phải cắt lát dày, dày ăn mới đã miệng, thịt cắt mỏng sẽ bị chê là hà tiện. Mấy chai rượu trắng, vô tửu bất thành lễ, nằm khiêu khích cạnh chồng mười cái chén ăn cơm để uống rượu. Trai gái già trẻ không phải chỉ trong tộc mà trong toàn làng bắt đầu ăn uống, người lớn vừa ăn vừa khề khà uống rượu, trẻ con ăn vừa bụng rồi ra ngoài nô giỡn, đói lại quay vào đòi ăn. Ban đầu người nào cũng giữ gìn ăn khẽ nói khàng, người này mời người kia. Khi chai rượu đầu tiên vơi, khi mặt người nào người nấy bừng đỏ, người ta bắt đầu khích bác nhau, người ta lôi chuyện người này bàn tán với người khác, người ta hạch sách nhau những chuyện đã năm mười thậm chí hàng chục năm hoặc năm bảy đời về trước, ai nấy tranh nhau nói chẳng cần biết ai nói ai nghe.Vơi thêm một vài chai rượu nữa, tất cả mọi người cùng nói không còn ai nghe ai cho đến lúc bắt đầu lớn tiếng cãi vã nhau lắm khi thành ẩu đả. Một ai đó sẽ thành người can gián nhưng thực sự rồi sẽ khó biết ai là người ẩu đả ai là người can gián vì vai trò có thể đảo ngược bất cứ lúc nào.

 

Trần Hữu Thuần

Xem thêm

Nhận báo giá qua email