Đầu tháng này, tại Hoa Kỳ, có một quyển hồi ký được phát hành. Ngay hôm 8 tháng 9, ngày phát hành đầu tiên, nó nhanh chóng nhảy lên hàng đầu trong danh sách best-seller của Amazon. Quyển sách mang cái tựa dài dòng thòng: A Memoir: Disloyal: The True Story of the Former Personal Attorney to President Donald J. Trump (Hồi ký: Bất trung: Câu chuyện thật của người luật sư riêng của Tổng thống Donald J. Trump).
Thực ra thì quyển sách đã được mong đợi từ lâu, bởi tác giả và người mà tác giả nhắc tới nhiều nhất trong quyển hồi ký quá nổi tiếng. Đặc biệt là trong những tháng này, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới giai đoạn máu lửa nhất.
Đặc biệt hơn nữa là quyển sách chỉ chút xíu nữa đã không thể ra đời.
Tác giả, luật sư bị tước quyền hành nghề Michael Cohen là cựu luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump từ năm 2016. Thực ra, ông đã phục vụ ông Trump từ trước đó khá lâu, năm 2006. Cuộc điều tra của Mueller đặc biệt về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 đã dẫn đến việc Cohen phải nhận nhiều tội danh liên quan đến vi phạm tài chánh trong vận động tranh cử, trốn thuế và gian lận ngân hàng. Đến tháng 11 cùng năm đó, Cohen đã nhận tội lần thứ hai vì đã nói dối các ủy ban tình báo của Quốc hội về cuộc thương lượng xây dựng Trump Tower ở Mạc tư khoa.
Michaek Cohen bị kết án ba năm tù liên bang và phải nộp phạt 50.000 đô la sau khi nhận tội trốn thuế và vi phạm tài chính trong vận động tranh cử. Cuối tháng 2 năm 2019, ông chính thức bị Tòa án Tối cao New York, tước quyền hành nghề và rồi đến Tháng 5, ông trình diện ở nhà tù liên bang gần Otisville, New York để thụ án.
Gần một năm sau, nhờ có virus corona, Michael Cohen được thả ra khỏi nhà tù để thi hành nốt phần còn lại của bản án ở nhà riêng. Nhưng rồi chưa đầy hai tháng sau, ông bị bắt lại vì không tôn trọng điều kiện để được thụ án tại nhà là không được tiếp xúc với giới truyền thông – gồm cả việc phát hành quyển hồi ký “kể tuốt luốt” (tell-all). Trước đó, Cohen đã thông báo rằng đang mong đợi tác phẩm nói về trải nghiệm của mình trong thế giới của Donald Trump ra đời vào cuối tháng 9, 2020.
Hai mươi ngày sau, Cohen kiện Tổng Chưởng lý William Barr về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận – được quy định bởi Tu chính án thứ Nhất, của mình và việc bắt lại ông là để ngăn chặn sự ra đời của quyển sách mà ông ta đang viết, “bởi vì ông ta đang soạn thảo một bản thảo cuốn sách có nội dung chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ.”
Một Tòa án Liên bang đã ra lệnh thả ông ra khỏi tù, và tháo bỏ điều kiện liên quan đến truyền thông, và quyển sách ra đời hôm 8 tháng 9, 2020.

Ông Cohen viết cái gì?
Những thông tin quan trọng mà Michael Cohen kể ra, viết ra về Donald Trump đã được báo chí, đặc biệt là những tờ báo, hãng thông tấn được Trump gọi là “fake news”, “enemy of the people” bật mí tuốt luốt từ lâu lắm trước ngày quyển Memoir ra đời.
Chẳng có gì nhiều hơn những gì ông ta đã khai chứng trước House Oversight Committee ngày 27 tháng 2 năm 2019.
Hoặc những gì mà ông ta đã giới thiệu trong “Foreword” (lời nói đầu) dài lòng thòng mà ông ta đã công bố trên trang mạng cá nhân của mính đầu tháng 8 năm 2020.
Mà những chuyện đó cũng chẳng có gì lạ, vì đó là những gì đã được Cohen khai trước tòa, và khai khi bị truy vấn tại Quốc hội Hoa kỳ. Đại khái là chuyện được Trump sai lập đường dây liên lạc với người Nga, được Trump sử dụng làm trung gian chi tiền cho những chị đang dọa sẽ khai tuốt luốt những màn ăn phở, như chị minh tinh phim con heo Stormy Daniel, chị Playmate Kate McDougal và nhiều chị nữa. Bên cạnh đó là những mẩu chuyện về cá tính, về cách cư xử với người khác của ông Trump, một người mà – theo lời kể của Cohen, ngay cả đến vợ cũng chỉ là một vụ làm ăn, “a deal, plain and simple”. Một lần, Trump đã nói với ông ta khi có tin bà hăm dọa sẽ đòi ly dị: “Tôi luôn luôn có thể kiếm được một người vợ khác. Không hề gì, nếu bà ấy muốn ra đi, thì cứ đi.”
Cũng là một side dish – món ăn kèm, là những chuyện thích hợp cho các tờ báo lá cải – tabloid, chuyên sưu tập chuyện giật gân, mà chỉ có những người có đặc quyền, thân cận nhất mới biết về gia đình và vương quốc của Trump, trong số đó có Cohen.
Vậy nên Chuyện Mỗi Tuần kỳ này sẽ né những chuyện chính trị chính em mà tập trung vào Michael Cohen và lý do tại sao ông ta lại bị thu hút vào quỹ đạo của Trump, lại tận tụy phục vụ cho con người mà nay theo ông ta chỉ “muốn tôi chết”, và tại sao ông ta đã phản bội. Cứ coi như lời trần tình của một phạm nhân muốn “trở về làm người lương thiện.”
Theo lời kể của chính Michael Cohen, không thêm không bớt, không bàn.
Cứ coi như đọc tiểu thuyết Bố Già, mặc dù người viết không tài hoa như Ngọc Thứ Lang.
Bước vào thế giới của lòng trung thành, tình bạn và luật im lặng
“Tổng thống Hoa Kỳ muốn tôi chết.”
Đó là câu mở đầu của quyển hồi ký.

Cohen viết rằng hôm 24 tháng 2 năm 2019, khi đang lái xe đến Washington DC để ra khai chứng trước lưỡng viện Quốc hội, ông ta biết rằng ông Trump rất muốn mình biến mất khỏi thế giới này để khỏi nói với cả nước những gì ông ta biết về tổng thống
“Không phải tỷ phú nổi tiếng cứu tinh của đất nước hay tên nói dối mất trí, không phải ông trùm báo lá cải hay Người được chọn tự tấn phong, không phải cái avatar @realdonaldtrump nổi tiếng trên Twitter, nhưng là Donald Trump thật thật sự – người đàn ông rất rất rất ít người biết.”
“Tôi đã chứng kiến con người thật, trong các câu lạc bộ thoát y, các cuộc họp kinh doanh mờ ám, và trong những khoảnh khắc không giữ gìn khi ông ta tiết lộ mình thực sự là ai: một kẻ lừa đảo, một kẻ dối trá, một kẻ gian lận, một kẻ ăn hiếp, một kẻ phân biệt chủng tộc, một kẻ săn mồi, một kẻ lường gạt.”
Không phải cho tới lần đầu tiên được gặp mặt ông Trump khi Michael Cohen được con trai của Trump mời đến, mà Cohen đã ước mơ, thèm muốn được sống và sinh hoạt trong thế giới của mafia từ thuở thiếu thời, ông luật sư này- mặc dầu là con cái của một gia đình danh giá: cha là y sĩ giải phẫu, mẹ là giáo sư- đã muốn trở thành một găng-tơ.
Cohen kể rằng ngay từ tuổi thiếu niên, ông ta đã học được về lòng trung thành, tình bạn và luật omerta – luật im lặng, của giới găng-tơ. Năm lên 14 tuổi, khi làm việc ở cái hội quán El Caribe của ông bác, nơi tụ tập của dân mafia Brooklyn, ông ta là nhân chứng của một vụ sát nhân.
“Tôi đã từng là người chứng kiến tất cả sự việc. Tôi đã nhìn thấy người bắn và tất nhiên có thể xác định được ông ta.” Nhưng một tên găng tơ khác đã vỗ vai cậu, tặng cho cậu một cài nhìn sắc lạnh và nói: “Nghe đây nhóc. Mày là người trong bọn tao. Mày không thấy gì cả. Mày không biết gì cả.”
Khoảnh khắc đó hình thành ước mơ của Cohen, giúp giải thích niềm đam mê sùng bái sau này của ông ấy với Trump.
Từ cậu thiếu niên ở El Caribe, luật sư Cohen leo lên đến Trump Tower ở Manhattan năm 1996 để cúc cung phục vụ. “Ở gần Trump, tôi cảm thấy phấn khích, sống động, giống như ông ấy sở hữu cái sự thật khẩn cấp và duy nhất, cái cơ hội để tôi được cứu rỗi và thành công trong cuộc sống.”
Lúc được cảnh sát New York hỏi, Cohen quả quyết mình không thấy gì cả, và cậu được thưởng một phong bì có 500 đô la – vì sự trung thành, và một cái vỗ vai khác, “You are a good guy.”
Khi thấy ông con trai bắt đầu bắt chước những “tough guy” – tay sừng sỏ, mà ông đã thấy ở El Caribe, cha của Michael đã nổi nóng. Ông gọi Michael vào phòng: “Dẹp ngay tất cả chuyện mafia, găng-tơ. Con không phải là một trong số họ. Con sẽ là một bác sĩ giải phẫu như bố, hoặc một luật sư.”
Cohen đã trở thành một luật sư, tốt nghiệp trường luật Michigan, trường dễ nhất ông ta có thể vào được. Cậu không hứng thú gì cho lắm với nghề luật mà muốn trở thành Bugsy Siegel (tên găng-tơ gốc Do thái, nhân vật đã tác động để hình thành các sòng bạc ở Las Vegas), Meyer Lansky (biệt danh “Kế toán viên của Găng-tơ, đồng lõa của Lucky Luciano) hoặc Roy Cohn (luật sư của Nghị sĩ MacCarthy, một “Người Do Thái cứng rắn”, người hành nghề luật “như một găng-tơ”. Cohn là bạn thân của Trump).
Cohen giành được, và nhanh chóng giải quyết được, nhiều vụ kiện liên quan đến thương tích cá nhân, sau đó gom góp đủ tiền mặt để mua nhiều giấy phép taxi của Thành phố New York, được gọi là “medallions”, và nhanh chóng phất lên trước khi 40 tuổi. Anh dọn về Manhattan ngay khi đủ khả năng.
Nhưng “niềm đam mê và tài năng thực sự của tôi là trong lãnh vực dàn xếp các vụ làm ăn – dealmaking”
Rồi đến cái ngày định mệnh đó, một ngày mùa thu năm 2006.
Lúc đó, Cohen đã có một tài sản kha khá, cỡ nhiều triệu đô la, một người vợ xinh đẹp và hai đứa con khỏe mạnh, hạnh phúc, và vừa mua một apartment trong building Trump Park Avenue với giá 4,9 triệu đô la cùng một chiếc Bentley.
“Vào một ngày mùa thu năm 2006, lúc đang ngồi làm cái công việc hành nghề luật đáng nản chí, cô thư ký của tôi bấm máy liên lạc.
“Donald Trump, Jr. đường dây số 1” cô nói.
Cohen biết Trump con – Donald Jr. hoặc Trump Jr., từ khi mua ba căn apartment của tòa nhà Trump Park Avenue đang được xây dựng và Don Jr. đang phụ trách việc xây dựng cho Trump Organization cho nên nói chuyện nhiều với anh ta.
“Này, D, có chuyện gì vậy? Mọi việc ở Trump Park Avenue ra sao?”- Tôi nói.
“Tôi không gọi về chuyện TPA,” Trump, Jr. nói. “Bạn có thể gặp tôi và ba tôi tại văn phòng của ông ấy không? Đó là về một chuyện khác và rất quan trọng. Ba tôi nghĩ rằng bạn có thể giúp được nhiều.”
Cái gì thứ với Trump lúc nào cũng “rất”, sau này tôi sẽ biết như thế, nhưng tôi không chần chừ. Một cuộc gặp với Donald Trump? Trời đất, vậy chứ. Tôi đã gặp Trump một lần trước đó vài năm, tại một buổi gây quỹ chính trị cho một ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho chức Bộ trưởng Tư pháp New York, nhưng chỉ là thoáng qua.
Trong vòng vài phút, tôi đã hào hứng đi bộ lên Đại lộ số 5 về phía Trump Tower. Đối với tôi, ông Trump không chỉ là một nhà phát triển bất động sản nổi tiếng và tỷ phú. Hồi còn là sinh viên bậc cử nhân tại American University, ở Washington, DC, tôi đã đọc The Art of the Deal khi nó được xuất bản vào những năm 1980 không phải một lần mà là hai lần, và tôi coi cuốn sách là một kiệt tác. Tàn nhẫn, không ngừng, không chán, xuất sắc, sáng tạo, sắc sảo, mạnh mẽ, và trên tất cả luôn là người chiến thắng — bức chân dung tự họa của Trump trong những trang đó, dù hư cấu và khác xa sự thật, đã khiến tôi say mê. Trong thâm tâm, tôi thầm nghĩ nghĩ rằng mình có được một số phẩm chất tốt nhất của Trump. Tôi thấy mình là người thích dàn xếp, mạnh mẽ, một người lao động chăm chỉ, không bao giờ sợ hãi, sẵn sàng tàn bạo và nhẫn tâm để đạt cho bằng được cái mình muốn. Tôi đã có của cải nhưng tôi muốn có tất cả: quyền lực, cuộc sống tốt đẹp, sự hoan nghênh của công chúng, danh tiếng, những thỏa thuận lớn, xe hơi nhanh, máy bay riêng, sự dư thừa, hào nhoáng và đam mê cuộc sống mà Trump dường như đã nhân cách hóa một cách dễ dàng.
Trump đang gặp trục trặc với hội đồng quản trị của Trump World Tower, những người đang muốn loại cái chữ Trump khỏi tên của tòa cao ốc này. Họ bảo rằng như thế tòa cao ốc sẽ có giá trị hơn!
Chuyện này không thể nào được với Trump. Nó vừa có ý nghĩa xúc phạm nặng nề, đồng thời cũng thực sự và nặng nề đe dọa thương hiệu “Trump”. Vào năm đó, cái brand name này về cơ bản là tất cả những gì Trump Organization còn lại để bán. Nếu Trump World Tower loại được chữ Trump, những gì sẽ tiếp diễn sau đó? Sẽ có thêm ai nữa coi cái tên Trump làm thiệt hại cho họ? Cái tên Trump đã được gắn với một chuỗi dài các sân gôn và sản phẩm, và bất kỳ mối đe dọa nào đối với thương hiệu đều được coi là sống còn.
Sau khi bỏ ra 5 ngày để nghiên cứu, và nắm vững hồ sơ, Cohen đến gặp Trump, nổ lớn: “Cái trò bullshit này không thể chấp nhận được. Tôi sẽ cầm đầu một cuộc đảo chính để chiếm lấy ban giám đốc và loại bỏ cao ốc khỏi lũ thú vật này.”
Ông ta vận động các chủ nhân những apartment trong Trump World Tower và thắng.
Sau hai vụ “giúp” Trump không ăn công để dàn xếp hai vụ trục trặc trong làm ăn đầu tiên, M. Cohen đã tự nguyện đầu quân dưới trướng của Trump, được tin cẩn đến mức được Trump xếp cho một cái văn phòng ngay cạnh văn phòng của ông ta Trump Tower. Ông ta trở thành “fixer” – tay sai chuyên dàn xếp những trục trặc trong công việc làm ăn, và cả trong đời tư của Donald J. Trump, một fixer thuộc loại chó dữ pit bull, chuyên sử dụng những biện pháp hung hãn như đe dọa, và bất hợp pháp như mua chuộc, hối lộ.
Ông tự thú trong quyển hổi ký: “Tôi thay mặt ông ta giết các nhà thầu, trấn lột các đối tác kinh doanh của ông ta, nói dối bà vợ Melania để che giấu sự ngoại tình của ông ta, và bắt nạt và la hét với bất cứ ai đe dọa con đường đến quyền lực của Trump… Ông ta nghiền nát hoặc lừa dối tất cả những ai cản đường ông ta, nhưng tôi biết nơi chôn cất những bộ xương (những bí mật) vì chính tôi là người đã chôn cất chúng…”
Thời gian Cohen phục vụ cho người chủ mà ông ta vừa phản bội cũng không dài, chỉ mới từ năm 2006. Trong hơn 10 năm, nhà luật sư vừa bị đuổi ra khỏi luật sư đoàn, mất quyền hành nghề đã cúc cung tận tụy, tàn nhẫn và trơ tráo phục vụ cho người chủ của ông ta.
Theo chính những dòng chữ trong quyển Hồi ký, ông ta tự thú nhận đã say sưa và tận tụy phục vụ Boss. Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News năm 2011, Cohen đã phát biểu: “Nếu có người làm điều gì đó mà ông Trump không thích, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giải quyết nó theo hướng lợi ích của ông Trump. Nếu anh làm điều gì sai, tôi sẽ đến tìm anh, nắm cổ anh và sẽ không buông ra cho tới khi tôi xong việc.”
Lòng trung thành của Cohen nặng tới mức ông bỏ qua lời can gián của vợ, và nhịn nhục cả khi Boss buông lời nhảm nhí về đứa con gái mới 15 tuổi của mình.

Chuyện được chính Cohen kể lại trong sách (và được cô con gái Samantha Cohen xác nhận) xảy ra vào một ngày mùa hè nóng nực, khi Cohen đứng cùng Trump bên ngoài khu vực hồ bơi tại golf club của Trump ở Wedminster, New Jersey. Khi hai người đang thảo luận về “một số vấn đề làm ăn cấp bách, thí dụ như kích cỡ bộ ngực của một phụ nữ đang tắm nắng trên ghế dài”, Trump đã huýt sáo và nhìn qua phía sân quần vợt: “Hãy nhìn vào cái đ** đó. Tôi thích một tí quá.” Nhà luật sư trung thành chỉ dám nhắc “Nó là con gái tôi.”
Đến khi đó, Trump vẫn tỉnh bơ: “Đó là con gái của anh hả? Nó đã hot như vậy từ khi hồi vậy?”. Rồi khi cô Samantha, tên cô bé, đến gần cha để hôn lên má ông, Trump cũng chìa má ra – con bé đành miễn cưỡng “vâng lời để đặt phớt môi lên đó.” Cohen viết rằng Trump sau đó đã chìa nắm tay ra chạm vào nắm tay của Cohen, như kiểu «chạm nắm tay của hai người bạn» sau khi hỏi Samantha về dáng vẻ của con bé. “Cháu có được một thân hình đẹp như thế từ hồi nào vậy? Cẩn thận nhé, chỉ vài năm nữa, tôi sẽ hẹn hò với một trong những người bạn của cháu”.
Trang Wikipedia về Michael Cohen dài lòng thòng, đầy đủ chi tiết về công tác của ông ta trong Trump Organization và cho cá nhân ông Donald Trump từ năm 2006 đến tháng 8 năm 2018, khi ông ta nộp mình cho FBI và rồi bị truy tố.
Nhưng những việc đó, bạn đọc biết hết rồi, biết từ lâu.
Sáng con mắt
Lòng trung thành, tình bạn và luật omerta mà Cohen dành cho Donald Trump và tuân giữ đã vỡ nát hôm 9 tháng 4 năm 2018.
Trước đó, khi các nhân viên FBI ập vào căn phòng ở khách sại tại Manhattan, nơi Michael Cohen và gia đình tạm trú trong khi chờ sửa đường ống nước ở một căn apartment của hàng xóm tại Trump Park Avenue bị vỡ, Michael vẫn còn tin tưởng rằng mình có áo giáp bao che, vì “…tôi vừa mới ăn tối tại Mar-a-Lago với Tổng thống và một trong những người giàu nhất thế giới, tôi nghĩ rằng mình là người đạn bắn không thủng (bullet proof)”
Sau hơn 5 giờ đồng hồ lục soát, các nhân viên FBI ra đi với những thùng đầy các thứ thuộc sở hữu của tôi. Tôi đi thẳng đến cửa hàng AT&T trên Đại lộ Lexington và mua một chiếc điện thoại mới, sử dụng số cũ và tôi đã gọi Madeline Westerhout tại Bạch ốc.
“Hãy nói với Tổng thống rằng khách sạn và apartment và văn phòng luật và két an toàn của tôi đã bị FBI đột kích,”tôi nói.
“Tổng thống sẽ được thông báo ngay lập tức,” cô ta nói.
Vài phút sau, điện thoại của tôi đổ chuông. Đó là Tổng thống.
“Michael, anh và gia đình ổn chứ?” ông ấy hỏi.
“Vâng, thưa Tổng thống,” tôi trả lời. “Tôi không biết chuyện này từ đâu đến. Tôi không biết tại sao chuyện này lại xảy ra”.
“Họ đang nhắm vào tất cả chúng ta,” Trump nói. “Đây là một phần của vụ săn phù thủy. Mạnh mẽ lên. Tôi sẽ chống lưng cho anh (I have your back). Anh sẽ ổn thôi.”
“Cảm ơn về việc đã gọi lại và sự quan tâm của ông,” tôi nói.
Tổng thống Hoa Kỳ cúp máy, những tiếng “I have your back” vang lên bên tai tôi. Đó là câu thần chú và lời khuyên của Trump: Tổng thống đã chống lưng cho tôi. Nếu tôi trung thành với Trump, ông ấy sẽ giữ trung thành với tôi. Tôi đã phải giữ vững. Luôn giữ vững. Trung thành, tôi sẽ yên thân.
Nhưng trong thâm tâm, tôi biết rắc rối đang đến.

Chiều hôm đó, tôi đã nhìn thấy Tổng thống đang ngồi trên một chiếc bàn dài trong Bạch ốc nói chuyện với báo chí. Trump nói về cuộc đột kích của FBI vào văn phòng và căn apartment của tôi. Điều làm tôi lo lắng, biết cách ông nói và hành động và suy nghĩ, có phải Trump đã mô tả tôi là “một trong những luật sư riêng của tôi.” Đột nhiên tôi không có tên? Đột nhiên tôi chỉ là một trong những luật sư của ông ấy? Đây là cách Trump tách mình ra khỏi người khác. Tôi vẫn còn mù với những ẩn ý, không thể thực sự thừa nhận và đối diện với những gì tôi biết trong lòng, nhưng một cảm giác sợ hãi bắt đầu bao trùm suy nghĩ của tôi. Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với Donald Trump…”

Hồi ký của một tên phản bội
Trong khi các độc giả Mỹ so sánh quyển sách với những quyển sách khác cùng viết về ông bởi những người từng phục vụ cho ông, đặc biệt của những người bị thất sủng như John Comey, độc giả người Việt lại thấy nó phảng phất giống quyển hồi ký của một người Việt được xuất bản ở Mỹ.
Quyển hồi ký đó được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương trình làng ở Mỹ năm 2009. Tác giả là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng lúc đó đang sống trong nước, cụ Tô Hải. Quyển sách mang một cái tựa rất đang kinh ngạc nếu người ta không biết biết về quá khứ của tác giả: “Hồi ký của một thằng hèn”.
Nhưng đến khi biết những gì tác giả đã làm, và những gì tác giả đang làm, đang viết ngày đó, cho đến lúc hồi ký được xuất bản và mãi cho đến lúc ông qua đời, cái “thằng hèn” đó đã được ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ tới mức khi ông mất, người ta đã viết về ông, gọi ông là “thằng hèn vĩ đại.”
Cụ Tô Hải lên đường đi kháng chiến năm 1945, trở thành đảng viên đảng CS năm 1949 (?) và bỏ đảng năm 1960, ra khỏi quân đội. Sau năm 1975, cụ vào Sài gòn, sau đó về hưu non để tránh “phải nhận chỉ thị buộc viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai.” Ông bắt đầu viết blog từ năm 2007, ký tên “Nhát sĩ” Tô Hải.
Trong “Hồi ký của một thằng hèn”, tác giả mệnh danh mình là “một trong những tên bồi bút bất đắc dĩ đắc lực nhất” và giải thích lý do ông tự xưng mình là một thằng hèn: “tôi là kẻ “đóng kịch” và nói dối khá giỏi. Nói cách khác, tôi đã hèn hơn mọi kẻ hèn để tồn tại.”
Nhưng quyển sách của ông có những chương được đặt tên “Tôi đã hết hèn”, “Không thể chết trong im lặng,” “Cuộc đời tủi nhục của tên bồi bút”, “Năm năm đóng kịch và dối trá.”…
Sự tương đồng giữa hai quyển sách chỉ ở cái tựa, và kết thúc ở đó, mặc dầu cả hai đều viết để nói lên lý do, một người tại sao mình phải hèn, người kia tại sao mình phải phản bội.
Cố Nhạc sĩ Tô Hải là một “thằng hèn” vì phải nói dối để được yên thân, để sống còn trong một chế độ phi nhân gian dối. Trong lúc đó Michael Cohen là một kẻ tự nguyện phục vụ cho một người mà chính ông ta biết là “một kẻ lừa đảo, một kẻ dối trá, một kẻ gian lận, một kẻ ăn hiếp, một kẻ phân biệt chủng tộc, một kẻ săn mồi, một kẻ lường gạt” vì tham vọng, và chỉ trở thành “tên phản bội, bất trung” khi bị phản bội. Ông ta không thể trở thành một tên phản bội …vĩ đại.

Lời cuối
Quyển sách được sắp xếp để phát hành vào lúc cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa kỳ đang bước vào giai đoạn chót.
Chắc chắn là Cohen tin rằng nó sẽ có tác dụng gây thiệt hại cho ông Trump.
Cohen viết ở phần kết của quyển sách của mình:
“Xin hãy nhớ những gì tôi đã làm chứng trước Quốc hội, lần thứ hai: Có một sự nguy hiểm nghiêm trọng rằng Donald Trump sẽ không dễ dàng rời Văn phòng, và có một điều nguy hiểm thực sự là không có một tiến trình chuyển giao nhiệm vụ êm ái.
Khi ông ta nói giỡn về việc lại ra ứng cử vào năm 2024 và được một đám đông hàng ngàn người hô vang lên “Trump 2024”, ông ta không nói đùa. Trump không bao giờ nói giỡn cả.
Bây giờ bạn đã có tất cả thông tin cần thiết để tự quyết định vào tháng 11”.
Nhưng có lẽ đó chỉ là hy vọng, mơ ước của Michael Cohen.
Người ta chỉ tìm nghe, và tin những gì người ta muốn nghe và tin.
Ngay cả những người, và giới thông tấn, có thiện cảm với Cohen, cũng xác nhận rằng ông ta chẳng lương thiện gì, và chưa tin tưởng lắm về con đường ông ta sẽ đi sau này vì “It take a crook to catch a crook” – phải cùng một giuộc mới biết tỏng nhau.
Và những gì Cohen kể lể, giãi bày về chuyện mình bị phản bội và phải phản bội, sẽ chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến lá phiếu của người Mỹ.
Một thăm dò của giới thông tấn Mỹ khẳng định rằng số cử tri “lưỡng lự” hiện nay chỉ là 3 phần trăm.
Số còn lại đều đã chắc chắn mình sẽ dùng lá phiếu của mình như thế nào.