Bài – ảnh Trần Công Nhung
Bắc Ninh là quê hương của Quan Họ, của làng nghề truyền thống: Tranh Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái… Đặc biệt nhiều di tích lịch sử, nhiều Đền Chùa, nên nhiều lễ hội, mỗi lễ hội thể hiện nét văn hóa riêng. Hội Lim là một hội lớn diễn ra hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng ta.
Nguồn gốc hội Lim:Vào thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Đình Diễn là quan trấn thủ xứ Thanh Hóa, người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc. Ông có công lao to với triều đình, được hưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến phần lớn ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ để trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt lăng ở chùa Hồng Vân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu Thần, hậu Phật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu Thần hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng Vân trên núi Lim. Song trải tháng năm lịch sử, người ta chỉ tổ chức tế lễ Hậu Thần vào ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Hội Lim có từ đó.
Hội Lim đi vào lịch sử và tồn tại và phát triển cho đến ngày nay được hàng tổng chuẩn bị tập dợt rất chu đáo từ ngày 9 và 10, rồi được diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng. Chính hội là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.
Năm trước, thời tiết không lạnh nhưng mưa nhiều. Đúng ngày Hội Lim, tôi và người bạn chạy xe máy ra đến ngoại thành Hà Nội là phải rút lui vì mưa tối trời, không còn nhìn thấy đường đi. Nước mưa đã thấm qua túi máy ảnh. Năm nay tôi theo một kế hoạch khác. Dự báo thời tiết cho biết không mưa nhưng “rét đậm”. “Rét đậm” là lạnh cắt da. Rét mà chạy xe máy thì không tài nào chịu nổi, nhất là chạy qua cánh đồng trống từ ngoại ô Hà Nội đến huyện Từ Sơn. Tốt nhất đi ô tô.
Năm giờ sáng, tôi đi xe ôm qua bến xe Gia Lâm (1). Từ đây lấy vé đi Bắc Ninh. Đường khuya vắng vẻ, anh xe ôm chạy như bay, vượt luôn đèn đỏ. Hai hàm răng đánh cầm cập, tôi năn nỉ:
– Anh chạy chậm một tí, lạnh quá.
– Bác lạnh à, em thấy thời tiết này chạy khỏe.
– Khỏe mà đi bệnh viện cũng quá tội. Anh chạy đến mấy giờ thì nghỉ?
– Chỉ mấy tiếng thôi, ban ngày em làm chuyện khác.
– Làm nhiều thế, tiền để đâu cho hết.
– Vậy mà không đủ ăn bác ơi. Con cái bệnh là chạy tiền không ra bác ạ.
Mười hai cây số tôi trả anh 15 nghìn. Bến xe chưa bao nhiêu người. Phải nói là một bến xe khá qui mô, phòng đợi, quầy bán vé, phòng điều hành…Nhân viên điều hành com-lê mũ két, cứ như phi công ở Nội Bài. Trông rất xôm, thực tế không sử dụng bao nhiêu, chỉ biểu dương hình thức. Nhiều quầy bán tạp phẩm, cà phê, bánh mì, bàn ghế bày biện nhếch nhác. Nhà xây, lát gạch men mà rác rến bẩn thỉu còn hơn bãi chợ. Sáu giờ rưỡi, các cô bán vé đến, tụm lại nói chuyện, trong khi “cò mồi” đón khách từ sân trước đưa thẳng ra xe sân sau. Chẳng thấy ai mua vé ở quầy. Tôi đến quầy vé Bắc Giang, chờ một lúc, cô bán vé mới quay về.
– Bán cho 1 vé đi Bắc Ninh.
– Bắc Ninh 10 nghìn, Bắc Giang 13 nghìn.
Trên bảng vé, Bắc Giang 11 nghìn, tôi không nêu thắc mắc. Hà Giang giá vé 46 nghìn nhưng hỏi lơ xe thì bảo 60, đây là một trong muôn ngàn chuyện lạ ở Việt Nam.
– Cô à, sao có nhiều người không mua vé mà vẫn lên xe?
– Không vé, trả giá cao hơn.
Lên xe, tôi ngồi ngay sau lưng tài xế để nhắc chừng cho tôi xuống lối vào chùa Lim. Đúng giờ, xe xuất bến. Ra khỏi cổng, xe dừng nổ máy tại chỗ. Một chị bán xôi nhảy tót lên xe, dõng dạc hỏi khách: “Bà con nào chưa ăn sáng, mua nắm xôi đi đường. Xôi lạc, xôi không, 1 đồng 2 đồng, 3 đồng cũng có. Ít nhiều nên ăn, đi đường, đói không ai chịu trách nhiệm”.
Chiếc xe gầm gừ một lúc, không bắt thêm được khách mới chịu chuyển bánh.
Việt Nam bây giờ xe cộ lưu thông ẩu tả có tiếng, ngồi trên xe ca nhìn xuống mới thấy sợ. Xe đạp, xe máy, chạy sát hông xe buýt, hoặc chặt ngay đầu vượt qua, còi nhận inh tai điếc óc, chẳng ích gì. Có lúc tôi cứ tưởng tai nạn đã xẩy ra. Ông khách ngồi cạnh, trấn an: “Không sao đâu bác, chạy xe như vậy là thường.” Tôi tự nhủ: “Phải tập nhìn mọi sự bình thường”. Nếu cứ đòi nghĩa lý thì chuyện phi lý nhiều vô kể.
Xe theo con đường QL 1 cũ, băng qua cánh đồng trơ gốc bắp, chạy về hướng huyện Từ Sơn. Trời lạnh đường vắng, không hiểu bán kính đeo mắt cho ai mà rất nhiều người bày bán dọc đường. Qua thị trấn Từ Sơn được một lúc, anh phụ xe la to: “Ai đi hội Lim chuẩn bị ra cửa nha”. Từ đường cái vào chùa Lim rẽ theo hai khu phố, chỉ vài trăm mét. Trời không tí nắng và khá lạnh, tôi nhập bọn với đám trẻ đang cười đùa rộn rã bên đường.
– Các cháu đi hội Lim?
– Dạ.
– Sao ít người đi các cháu nhỉ.
– Dạ, người ta đi từ sáng sớm cơ.
Đúng thế, chỉ một lát sau đã thấy người là người dọc theo con đường lên đồi. Hàng quà, đồ chơi trẻ em, bầy la liệt trên mặt đất. Màu sắc thật tươi vui, tôi nhập vào rừng người và không còn thấy lạnh nữa.
Tiếng loa rao hàng, tiếng hát Quan Họ, tiếng ngâm thơ, tiếng kháo chuyện, mỗi món hàng có một lối rao mời riêng, cả một vùng rộn rã tưng bừng. Từ lưng chừng đồi nhìn xuống, bên dưới là một cánh đồng màu sắc lố nhố người đi, thật linh động. Chùa Lim nằm trên đỉnh đồi. Ngôi chánh điện không lớn, tường xây, mái ngói đơn giản, cửa gỗ bàn khoa, không tô điểm Long Lân Qui Phụng như những chùa khác. Trước sân chùa có 2 tháp trụ vuông, khói nhang nghi ngút. Khách vào chùa tự động thắp hương lễ bái, cúng dường vào hòm công đức rồi quay ra nhập vào các trò chơi giải trí đang diễn khắp ngọn đồi.
Hai lều Quan Họ, các “liền anh liền chị” đang trổ tài, giọng ca vọng ra từ các thùng loa bự sư, tuy không hài hòa với cảnh trí nhưng nghe cũng rất hay. Nhất là diễn viên trong y phục truyền thống: Ao tứ thân, khăn vành mỏ quạ, hai nam hai nữ đang hát đối trước một đám khán giả đứng ngồi chăm chú thưởng thức. Trong lều có mấy người ngồi têm trầu cánh phượng. Lều Quan Họ thể hiện nhiều màu sắc dân tộc và rõ nét văn hóa địa phương. Cách đó không xa, lều Thơ cũng đông khách, các nhà thơ râu tóc đã bạc, đang hí hoáy viết những dòng thơ đắc ý để treo lên cho quần chúng thưởng thức. Tuy đã tiêu muối hai màu nhưng lời thơ các Cụ còn ướt đẫm sương tình và chữ nghĩa bén như dao. Thử đọc đôi bài:
Làng Quan Họ
Làng Quan Họ đẹp như mơ
Người xinh xinh đến sững sờ nhân gian
……………………………
Chiều Hội Lim
Men nồng trút vợi đắng cay,
Nắng nghiêng xuống ngực mà say yếm điều.
Sông Cầu con sóng phiêu diêu,
Để ai ngơ ngẩn giữa chiều hội Lim.
Trần Công Nhung
___________________________
(1) Nếu biết , đi xe Bus Ga Hà Nội-Gia Lâm, tiện lợi an toàn.
Caption: hl 1: Chùa Lim, hl 2: Đến lễ hội, hl 3: Dân chúng dự hội, hl 4: Đoàn rước lễ (1), hl 5: Đoàn rước (2), hl 6: Mâm trầu cánh phượng.
Tin sách: Sách QHQOK bộ 16 tập (discount 50% 10 tập đầu). Xin liên lạc tác giả: email:trannhungcong46@gmail.com,
(816)988-5040 hoặc add:
1209 SW. Hopi St.
Blue Springs, MO. 64015 (USA)