Cho dù trận đại dịch Covid-19 có để lại những hậu quả tàn phá thế nào sau khi nó đi qua, nhưng cho đến nay, theo một vài kết quả thăm dò cho biết, sinh hoạt trong các gia đình ở Mỹ dường như gắn bó nhiều hơn trước, là vì trong khoảng thời gian phải đóng cửa ở trong nhà, người ta có cơ hội sống gần gũi với nhau trong cái không gian nho nhỏ của căn nhà, cùng ăn chung với nhau những bữa cơm gia đình. Mặc dù hầu hết những công việc nấu nướng, giặt giũ và kèm học cho con đều do bàn tay đảm đang của các bà mẹ, tuy nhiên các ông chồng cũng đã phụ giúp công việc rửa chén bát và dọn dẹp sau mỗi bữa ăn. Vườn tược cũng được cắt tỉa gọn ghẽ hơn, những giàn bầu, giàn bí cũng xum xuê hoa trái và xanh tươi mơn mởn, và mùi bánh nướng thơm lừng trong căn bếp.
Đa số các cặp vợ chồng được biết là có nhiều khả năng vượt qua được cơn bão đại dịch ít bị trầy trụa hơn so với những nhóm người khác. Mà điều này không chỉ là nói khơi khơi cho vui, có nhiều bằng chứng hỗ trợ cho cái gọi là sự may mắn đó của họ: Các cặp vợ chồng khi bước vào trận đại dịch khoẻ mạnh và sung túc hơn so với những người bạn không hôn nhân của họ, và điều này có thể giải thích vì sao ở các quận hạt có nhiều gia đình với đầy đủ vợ chồng thì thường ít bị nhiễm bệnh hơn. Bạo hành trong gia đình cũng thường ít xảy ra giữa các cặp vợ chồng hơn là những cặp chỉ sống với nhau như bạn tình, và các cặp vợ chồng cho biết họ ít cảm thấy cô đơn hơn so với những người độc thân, ly dị, ly thân, hoặc sống chung không hôn phối. Các cặp vợ chồng cũng thường sống ở nhà riêng, và đo đó cuộc sống cách ly của họ trong thời gian đóng cửa cấm túc cũng được dễ thở hơn.
Trong khi trận đại dịch đã khiến cho cuộc sống của tất cả mọi người trở nên khó khăn hơn thì các cặp vợ chồngdường như dễ dàng thích nghi hơn với cuộc sống mới.Tuy nhiên, có điều trái khuấy là tỷ lệ người Mỹ muốn được hưởng những đặc quyền của hôn nhân như kể ở trên lại ngày càng giảm đi. Năm 2018, con số những người trưởng thành ở Mỹ tiến tới hôn nhân đạt mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, và con siêu vi khuẩn corona đe dọa là sẽ còn đẩy con số trên xuống thấp hơn nữa. Và vì lo sợ bị lây nhiễm khiến nhiều người độc thân rụt rè khi ra ngoài nên ít có cơ hội để tìm người bạn tình hơn, do đó số người kết hôn ở Mỹ trong thời giantới sẽ còn ít đi nhiều nữa.
Một số người ủng hộ chuyện hôn nhân hy vọng rằng đại dịch Covid-19, về lâu dài, sẽ là lý do khiến nhiều người quyết định lập gia đình hơn và coi đó như một thứ bảo hiểm để đề phòng bất trắc không dự đoán được trước. Người ta sẽ coi trọng mô hình hôn nhân nặng về gia đình hơn, nơi mà con cái và người thân yêu là ưu tiên hàng đầu.
Hầu hết người Mỹ thuộc mọi thành phần đều mong muốn một ngày nào đó họ sẽ lập gia đình, nhưng ngay cả trước đại dịch, đối với nhiều người,viễn ảnh đó dường như quá xa vời. Cho đến những năm 1970, cho dù giàu hay nghèo, cấu trúcvà đời sống gia đình Mỹ hầu như không mấy khác biệt. Nhưng với sự gia tăng của xu hướng toàn cầu hóa, sự suy giảm của các công đoàn và sự chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang kinh tế dựa trên dịch vụ, đã khiến cho nhiều người Mỹ không có bằng đại học mất đi nhiều công việc làm tốt. Công việc hiện có ngày càng bấp bênh hơn, lương ít hơn và nhận được ítphúc lợi hơn – như bảo hiểm sức khỏe và nghỉ phép có lương ngày càng bị cắt giảm. Những thay đổi này đã tạo ra sự phân chia giai cấp trong hôn nhân.
Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu đều đặn cho thấy người Mỹ thường cần có một công việc vững chắc trước khi họ có đủ tự tin để đi tới hôn nhân, và sự ổn định về tài chính giúp các cuộc hôn nhân bền chặt hơn. Trong khi những người có bằng cấp đại học hiện nay có xu hướng kết hôn và hôn nhân của họ kéo dài hơn so với những người có trình độ học vấn thấp hơn, tỷ lệ kết hôn ở tầng lớp trung lưu và người nghèo ở Mỹ đã ngày càng suy giảm, một phần do công việc bấp bênh khiến họ không thể có được những dự tính lâu dài cho tương lai. Nhiều cặp vợ chồng vẫn tiếp tục có con, nhưng với những người chỉ có trình độ trung học thì thường là có con trước khi kết hôn, và điều này cũng gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế gia đình. Hơn 40% trẻ em Mỹ hiện nay được sinh ra bởi các bà mẹ không kết hôn, tăng gấp đôi so với tỷ lệ của năm 1980.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết quả thật là có sự khác biệt giàu nghèo liên quan đến hôn nhân. Nhìn ở khía cạnh kinh tế, mục đích của hôn nhân chủ yếu là để bảo tồn sự thịnh vượng và những phúc lợi khác – bao gồm phúc lợi an sinh xã hội, luật tài sản và bảo hiểm y tế – giúp các cặp vợ chồng tạo ra và giữ của cải. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn chút nữa, nước Mỹ có cả ngàn thứ luật lệ khác nhau liên quan đến hôn nhân, và những phúc lợi kinh tế trong những luật trên chủ yếu chỉ có lợi cho những người đã khá giả sẵn rồi. Do đó, trong khi người giàu hưởng được nhiều quyền lợi tài chánh ngay sau đám cưới thì ngược lại người nghèo ở Mỹ lại phải chịu thiệt thòi là vì hôn nhân sẽ tạo thêm khó khăn cho gia đình của họ đạt đủ điều kiện để được nhận trợ cấp từ chính phủ liên bang.
Các nhà nghiên cứu xã hội có quan điểm bảo thủ thường lấy lý do sống chung ngoài hôn nhân để đổ lỗi cho người nghèo về cuộc sống khó khăn của họ, mặc dù trên thực tế, hơn một nửa số gia đình có lợi tức thấp ở Mỹ với chủ gia đình là hai vợ chồng có giá thú hẳn hoi. Vấn đề là ở chỗ nhiều tiểu bang sử dụng quỹ trợ cấp liên bang cho nhiều chương trình xã hội không thiết thực thay vì gửi trực tiếp tiền trợ cấp đó tới những gia đình nghèo này thì có lẽ cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn hơn và có thể khuyến khích người nghèo khác bớt ngần ngại trong chuyện hôn nhân hơn.
Trận đại dịch hiện đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong hôn nhân như nói ở trên, gây thiệt hại nhiều nhất cho các cặp vợ chồng và gia đình vốn đã sẵn gặp khó khăn kinh tếtừ trước đó. Các hộ gia đình với cha mẹ không có giá thú có nguy cơ gặp cảnh nghèo cao gấp đôi so với các gia đình có cha mẹ kết hôn hẳn hoi, và những gia đình chỉ có bà mẹ là chủ gia đình không thôithì thường là nhóm người nghèo nhất. Đây là những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Cho đến giữa Tháng 5 vừa qua, gần 40 phần trăm người đi làm trong các gia đình có lợi tức dưới $40,000 bị mất việc, so với 13 phần trăm những người trong các gia đình có lợi tức trên $100,000. Đối với những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo, cuộc sống của họ đã phải mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau thời kỳ kinh tế suy trầm năm 2008 so với các gia đình khá giả hơn, nay họ lại bị thêm một cú giáng khá nặng nữa bởi con siêu vi khuẩn corona.
Đây cũng lại là một phần của cái vòng luẩn quẩn: Chính những lý do kinh tế đã khiến cho những người Mỹ độc thân ngần ngại kết hôn trong thời đại dịch và có nhiều khả năng nó sẽ còn đẩy hôn nhân xa hơn nữa khỏi tầm tay với của nhiều người, đặc biệt là những người nghèo. Một số trở ngại đã và đang xảy ra trước mắt: Nhiều cặp vợ chồng sắp cưới buộc phải hủy bỏ đám cưới, và nhiều người độc thân thì hiện đang sống cách ly ở nhà; tại Las Vegas, nơi được gọi là thủ đô kết hôn của thế giới, thì số lượng giấy tờ hôn thú cấp phát đã giảm gần 90% trong Tháng 6 vừa qua. Nhưng trở ngại gây phiền hà cho hôn nhân nhiều nhất chính là tình trạng kinh tế hiện nay. Các ngành kỹ nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 là những ngành sử dụng lao động lương thấp, và một số phúc trình nghiên cứu ước tính sẽ phải mất hơn một thập niên để nền kinh tế phục hồi lại ở mức trước khi có đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt có thể thúc đẩy một số cặp uyên ương dọn vào sống chung với nhau để chia sớt gánh nặng, nhưng các cặp sống chung vì một lý do nào đó không phải tình yêu thì hiếm khi lâu bền.
Nếu hôn nhân thực sự là một giải pháp có thể giúp người ta thoát ra khỏi sự nghèo khó thì đó là điều hết sức tốt đẹp ai lại chẳng muốn. Giả như hôn nhân là một việc dễ làm như ăn bánh thì có lẽ ai cũng có vợ có chồng cả chứ đâu cần phải đắn đo, tính toán, suy nghĩ đến nhức óc làm gì. Do đó, người ta sẽ phạm sai lầm khi hy vọng rằng những câu chuyện về sự gắn bó của một gia đình hạt nhân trong thời kỳ đại dịch sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người để nhận thấy rõ hơn giá trị của hôn nhân. Điều này thì không cần phải thuyết phục vì hầu như ai cũng biết nhưng để lèo lái cho nó thuận buồm xuôi gió là một công việc khó khăn chứ không dễ. Thế nên người ta đã ví hôn nhân có thể là thiên đường mà cũng có thể là địa ngục là vậy.
Huy Lâm