Họp Mặt…

Năm ngoái, sau hai năm đại dịch bị nhốt ở nhà tới quẫn trí. Tôi với mấy người bạn câu đã cùng nhau đi câu cá một bữa sau hai năm thảm họa để biết ai mất ai còn trong bạn hữu ở địa phương. Tất cả được ghi lại trong bài viết “tháng ba khai cần…” vào trung tuần tháng ba năm ngoái. Nhưng thời gian ở Mỹ nhanh hơn bất cứ đâu trên hành tinh, mới tháng ba khai cần thì tháng tư đã tím cả đồi hoang màu hoa bluebonnet, dọc theo những xa lộ tiểu bang, liên bang ngang qua Texas đều tím loài hoa biểu tượng của tiểu bang Texas cũng đơn sơ, giản dị như người Texas. Hoa đẹp hoang dã, không cầu kỳ, xa hoa, đẹp thật thà như nguyên thủy, cội nguồn của sự đẹp. Có điều từ tháng tư đã nghe máy lạnh bên hiên nhà chạy suốt ngày suốt đêm. Trên đường tan hãng sẽ thấy xe sửa máy lạnh nhà chạy khắp lối như đàn bướm, những ngày cuối tuần yên vắng sau nhà đã nghe râm ran tiếng ve trong vạt rừng thưa… Tháng năm học trò nghỉ hè, không còn phải e dè chiều đi làm về ngang qua mấy cái trường học chớp nháy đèn vàng. Người lái xe tôn trọng tuyệt đối đèn học trò cũng vẫn có trường hợp đáng tiếc xảy ra với những chú nhóc rượt đuổi nhau rồi tông vô xe. Tháng sáu không hẹn mà đến với những cơn mưa trắng trời, mắt không thấy đường lái xe nhưng tâm lại thấy những chùm phượng vĩ còn mãi trong hoài niệm khi nhìn mưa tháng sáu, tuổi trời quên đi với nụ cười thầm, mong cho hết bạn học đều vui khoẻ, bạn lòng an yên… Tháng bảy về rợp trời cờ Mỹ tung bay mừng lễ Độc lập, chạnh lòng người bỏ nước ra đi vì không có lễ Độc lập trong lòng người quê hương đã mất. Tháng tám nóng đổ lửa, đồng khô cỏ cháy, cánh chim trời há hốc sinh nhai, lao đi những đường bay liều mạng. Tháng chín bạt ngàn những cánh đồng bắp với lúa mì bất tận như xa lộ xuyên bang ở Mỹ không có điềm dừng. Tháng mười dịu nóng, lá vàng và gió hanh chở mùa thu về, đẹp quyến rũ như người con gái mới qua tuổi xuân xanh. Những chậu bông cúc vàng rực, những vuông cỏ khô trước nhà người bản xứ đón chào ngày lễ Ma qủy cuối tháng mười. Và trời trở lạnh vào tháng mười một, cả nước Mỹ bước vào mùa lễ cuối năm. Tập thể dục chưa hết béo phì của thực phẩm lễ Tạ ơn thì Giáng sinh đã về, năm hết tết đến. Một năm nữa qua đi với thời gian ở Mỹ nhanh nhất địa cầu bởi cuộc sống quá nhanh nơi đây. Người ta hụt hơi với cơm áo gạo tiền, việc làm, con cái càng lớn, gia đình càng thêm nhu cầu phát sinh; vợ chồng càng già càng bất hoà vì thời gian đã làm thay đổi, tuổi tác hùa theo chứng nọ tật kia đến ngứa mắt nhau…
Năm nay mới đầu tháng ba, anh bạn trẻ nhắn tin cho hay cá đã bắt đầu ăn, nhưng phải câu đập vì cá còn lội ngược dòng tìm chỗ đẻ, em đã câu được gần chục con chép trắng lớn, gần chục con hơn gang tay ở suối trường bắn. Nên em định cuối tuần này đi câu đập, may ra có cá striper chứ câu suối chỉ có white bass thôi. Anh sẵn sàng chưa, em ghé rước anh đi chung?
Hai anh em nhắn tin qua lại vì ai cũng đang phải làm việc trong hãng, tan hãng thì lu bu chiều thứ sáu lo đi chợ, về lo việc nhà. Tới nửa đêm thứ sáu thức giấc vì lạnh, tôi mới xem tới thời tiết trên cái điện thoại. Đã hai giờ sáng thứ bảy, nhiệt độ ngoài trời đang là 40 độ F, nghĩa là ngoài đập sẽ thấp hơn chừng 10 độ. Với thời tiết 30 độ F ngoài đập thủy điện, không hề lý tưởng để câu cá. Nhưng đã lỡ hẹn với người bạn trẻ, hơn nữa là cuộc hẹn đầu tiên của mùa câu mới nên không nên thay đổi, sẽ xui hết mùa. Hết cách nên tôi mặc hai lớp áo lạnh để phòng thân, rồi kéo cao cổ áo lên đường ham vui. Không ngờ hai bàn tay buốt giá đến khó điều khiển cây cần câu, dù đã câu ở bờ kè chứ lên đập còn lạnh hơn nữa với gió hú, hay lội nước để câu xa bờ dưới hạ lưu con đập mới có cá lớn thì lạnh tới mất cảm giác đôi chân. Nhiều người đã lớn tuổi nhưng không chịu câu cho vui thôi mà ham cá lớn nên chết đuối ngoài hồ là vậy.
Anh bạn trẻ mới bốn mươi nên mặc đồ câu chống nước, anh ta lội bươn bươn xuống nước tới thắt lưng, và câu mê mệt. Tôi trên bờ kè lạnh thấu xương, nước mắt, nước mũi tha hồ chảy. Nhớ khi mình ba mươi, mới đến Mỹ nên đi câu đập để được những con cá dài cả mét, nặng bảy, tám ký tới chục ký cũng có. Câu mê tới nước hồ tháng chạp, nước theo dây câu đông đá ở đầu cần cũng vẫn câu, đâu biết sợ lạnh, đâu ngán tuyết đá trắng con đập đã bị đóng cửa không cho câu, nhưng dân ghiền thì chui bờ rào vô câu vì nhân viên bảo vệ đập không trực đập đã đóng cửa. Họ về nhà chứ ai chịu nổi lạnh mùa đông ở nơi nước ầm ầm chảy, bụi nước mờ như sương tới không thấy bờ bên kia và lạnh thì khỏi nói.
Sáng nay đứng câu cá ở bờ kè con đập đã có từ xa xưa, người thanh niên mới đến Mỹ với tuổi ba mươi ngày nào đã thành một ông già run bần bật, tay chân lóng cóng hết trơn. Chỉ cái tật lì là chưa thay đổi nên mấy lần định trở lên xe ngồi cho ấm tới mặt trời mọc hãy câu, nhưng cứ lì lợm đứng câu xem sức chịu đựng của mình còn được bao nhiêu? -Quả là không nhiều khi có cảm giác lạnh buốt tới óc, làm nhức đầu và hoa mắt, nhưng vẫn chịu đựng nổi tới bình minh ló dạng ở chân trời. Hơn hết là trời bớt gió, mấy đầu ngón tay có cảm giác lại để có thể móc mồi câu.
Tôi tự đặt câu hỏi như một thói quen khó bỏ, “Giả sử, nếu mình phải sống bằng nghề câu cá bán thì mình có sống nổi không?” Tôi tin rằng được thôi vì hoàn cảnh thì người ta có thể làm được hết để sinh tồn. Nên tôi rất cảm ơn những người Mễ lậu đã cho tôi niềm tin, động lực khi họ trầm mình dưới nước hồ lạnh như ly trà đá uống trong nhà hàng từ hai, ba giờ sáng để câu cá bán. Cuộc mưu sinh nào cũng gai góc cả, nhưng người đi câu cá vì ham mê không khổ như người đi câu cá vì mưu sinh theo từng cái ngáp dài bởi buồn ngủ. Họ không có giấy tờ hợp lệ để đi làm nên mới phải sống bằng nghề câu cá bán. Tôi nghĩ đến mảnh đất này xa xưa thuộc nước Mễ Tây Cơ, những người Mễ lậu này là hậu duệ. Thật đau xót cho những người Mễ đời sau không được công nhận là người bản xứ ngay trên quê hương của họ. Họ sống không giấy tờ nên mới phải mưu sinh bằng cái nghề nửa đêm lạnh lẽo nơi sông nước, sóng gió. Câu được mấy con cá to, cá ngon đều phải bán đi chứ không được ăn vì sau lưng họ còn vợ con, gia đình, người thân còn bên Mễ đều cần giúp đỡ. Nghĩ cho cùng, người Việt cũng buồn vong quốc nhưng chỉ hoài quốc chứ không khổ như người Mễ vong quốc ngay trên quê hương của họ. Âu đó cũng là một an bài của Ơn trên mà người thường chỉ có thể cảm nhận, không lý giải được.
Tôi nói về tới lần thứ ba, anh bạn trẻ mới chịu thu cần vì anh câu chưa đã, nhưng anh cũng chịu về vì thấy tôi oải rồi. Thế là về đến nhà, tôi chỉ bắt một con cá đủ ăn, bảo anh ta đem về nhà làm cá chiên bột cho con anh ta ăn hết đi. Con nít bên đây chỉ biết ăn cá không xương chiên bột chấm sốt cà chua như ngoài nhà hàng Mỹ, ăn kèm khoai tây chiên mới lãng phí cá tươi, cá ngon. Nhưng biết đâu ăn đơn giản vậy lại đỡ khổ hơn ăn mấy món cá cầu kỳ như cha chú, ông bà của chúng.
Sẵn quần áo đi câu còn trên người nên tôi làm con cá luôn cho tiện bề tắm giặt. Ướp chút muối cho thịt cá săn lại, dai hơn sẽ ngon hơn. Để trong tủ lạnh cho cá không bị ươn, và đi xem tivi, xem câu cá bên Việt nam, không tiện nghi bằng đi câu bên Mỹ nhưng nhiều kỷ niệm tưởng rằng đã quên bỗng gặp lại trên màn hình cũng vui như ngày còn nhỏ ở quê nhà, câu được mấy con cá rô, cá sặc ở ruộng lúa mà vui hết biết. Vui hết tuổi thơ khi có được cây cần câu trúc thẳng một chút là cả một gia tài, cưng qúy như bảo vật…
Hai tiếng sau khi xem tivi, tôi đi làm bếp. Lấy củ gừng hơi to với bó hành lá trong tủ lạnh ra. Gọt gừng không tiếc gọt dày dao vì gừng và hành lá rẻ bèo ($1/ba bó), dồn hết vỏ gừng, nửa bó hành vô bụng cá là hấp cá được rồi.
Khi hấp cá thì đi làm nước sốt cá hấp hành gừng. Rất đơn giản mà ngon với nửa chén nước lèo heo hay gà càng ngon vì nước lèo gà thơm hơn heo. Nêm nếm muối, đường, chút tiêu trắng là được. Quậy chừng muỗng canh bột bắp, khuấy vào cho có độ sệt, nhểu hai ba giọt dầu mè là thơm lừng. Hàng lá chẻ nhỏ cọng, dài chừng ngón tay, gừng xắt cọng nhuyễn để đó.
Khi cá hấp chín tới thì không nên tiếc rẻ gì hết, chắt hết nước cá hấp bỏ đi vì hấp nước đầu, nước cá rất tanh. Lấy hết hành gừng trong bụng cá ra, bỏ luôn. Sau đó cho hành gừng xắt sợi mới vào trong ngoài con cá còn đang bốc khói. Rưới nước sốt đã làm lên con cá và hấp lần hai, hấp chừng hai ba phút, thấy sợi gừng mềm ra là được, không để lâu hành gừng sẽ hết giòn, không ngon.
Dọn bàn. Khui chai rượu mới… tiễn ngày đi. Một ngày cuối tuần giàu cảm xúc từ thời tiết tới tình người vong quốc như nhau mà khác nhau vì người bên kia bán cầu đến đây lại đỡ khổ hơn người bản xứ vong quốc ngay trên quê hương mình. Tình tự từ những đêm khó ngủ nằm thèm con cá đầu mùa, cá lội ngược dòng bao giờ thịt cũng săn chắc hơn, giai ngọt hơn cá cuối mùa như cá lóc mùa nắng ở quê nhà, chỉ có da bọc xương. Cá hồi về đến nơi chôn nhau cắt rốn, đẻ xong là nó chết luôn vì kiệt sức…
Chưa ăn con cá đầu mùa năm nay đã thấy thèm con cá đầu mùa năm tới, nên gắp đũa đầu tiên là đã gắp hết mùa cá năm nay cho vào miệng. Nhớ ông nhạc sĩ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…” trong “đời là bể khổ” nên ông đi sớm vì niềm vui đâu đủ cho luật cung cầu trong đời là bể khổ nên mỗi năm vui một lần thôi. Từ nay đến cuối mùa cá chỉ đi câu cho vui, đi câu như đi tập thể dục, hít thở không khí trong lành ngoài hồ để giữ giá trị cho món cá hấp hành gừng, phải biết thèm những đêm đông mùi cá hấp, và mỗi năm ăn một lần mới ngon chứ mỗi ngày tôi chọn một con cá đem về hấp hành gừng thì hồ lớn bao nhiêu cũng sẽ hết cá, ăn thì mất ngon và béo phì…
Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email