Tối thứ Sáu, tôi có việc đi xa, hẹn với hai người bạn sẽ khởi hành lúc 12 giờ đêm tại điểm tập trung. Thế là tính chuyện lên giường sớm để ngủ vài tiếng rồi vọt. Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên – cũng cái tật ham vui nên la cà tới 10 giờ đêm mới về nhà, còn ngủ nghê gì nữa, ngồi trả lời email đến 11 giờ. -Tôi gọi hai ông bạn: Thôi chúng ta lên đường sớm!12 giờ khởi hành. Ba chàng ngự lâm và con voi khùng – là chiếc xe truck lớn; chả biết nó chạy bằng 6 bánh xe trên xa lộ hay bộ vó của một con voi già trên đường về mả tổ- theo như truyền thuyết!
Ra khỏi downtown Dallas, cứ hướng west của đường 20, anh bạn tôi cầm lái. Tôi thất vọng thêm một tham đồ là có thể ngồi làm việc với cái laptop. Bởi gió lớn qua đồng trống, cánh cửa xe lại không kín như Lexus; xe bự nên bàn đạp ga lại bị khoá ở tốc độ 70 dặm/ giờ… Chúng tôi đi xuyên qua màn đêm và gió lộng; gió ù rồi gió giật, gió lùa qua khe cửa không lạnh nhưng ồn đến nhức đầu; trong khi dàn vỏ xe không được bảo trì cho đúng; không đảo vỏ thường xuyên nên khi chạy trên 50 dặm/ giờ; cỗ xe như con voi vừa già vừa khùng, nó cứ khật khùng đi trong đêm vô biên… Dù sao chúng tôi cũng đến nơi như dự định, thành phố Odessa lộng gió, ánh dương quang đã tỏ mặt người; thật có thể tin là ở đâu có người ta sống thì ở đó có người Việt làm nail trên nước Mỹ.
Chúng tôi bắt tay vào việc sau khi ba anh em ghé McDonald làm bữa sáng. Công việc khá thuận lợi cả ngày; chỉ có vài trục trặc nhỏ khi kết thúc. Nhưng có lẽ đã trải qua một đêm thứ Sáu không ngủ; một ngày thứ Bảy làm việc cật lực suốt 12 tiếng đồng hồ – không ăn trưa; không nghỉ tay… nên ai cũng thấm mệt.
Sau khi cáo từ gia chủ ta thăng, chúng tôi cỡi con voi già rời thành phố Odessa khi chưa hết ấm ức trong lòng vì đến thành phố lạ mà không được thưởng thức chút gì đặc sản địa phương để nhớ để quên. Tôi cầm lái loanh quanh nội phố trước khi ra xa lộ 20 East để quay về Dallas. Lòng chợt nhớ là từ bữa sáng ở McDonald tới tối, tôi chưa ăn. Nghe bao tử biểu tình dữ dội, và cơn mệt cũng tràn về, kéo hai mí mắt díp xuống tay lái…
Nửa tiếng sau khi đổ dầu cho đầy bình để an tâm về tới nơi trong đêm. Ông bạn già tính nhẩm: Tụi mình về tới Dallas cũng phải 2 giờ sáng – là sớm. Trong khi tôi hy vọng chuyến về- xe không- sẽ nhanh hơn, quên phéng là nặng hay nhẹ thì con voi già này cũng đã bị khóa tốc độ 70 dặm/ giờ. Cũng may là trí nhớ tôi ưa bỏ đi chơi nên tôi vui bụng tàn tàn ra khỏi thành phố. Khi chỉ còn tôi với màn đêm và gió lộng; gió lớn đến khiếp luôn vì thùng xe quá lớn mà lại xe không; tay lái chao đi đảo lại đến khó tin là mình đã quá mệt và buồn ngủ hay chỉ là đã hai mươi năm không cầm lái xe vận tải? Dường như cả hai đều đúng; tôi cố gắng chống chọi với cơn buồn ngủ ập tới bằng miếng giấy ướt lấy trong cây xăng để lau mặt cho tỉnh ngủ; cố gắng làm quen lại với cái vô-lăng xe tải. Mới vừa tạm ổn đôi bề thì chiều thứ ba là cái bao tử lại biểu tình. Ðói tàn cơn gió lộng. Ðược một hồi thì trời lại nổi giông; thời tiết Texas được mệnh danh là “crazyweather” thật đúng.
Ðêm và gió. Hai gã song hành với thời lang bạt đã xa cùng tôi hội ngộ. Một ông bạn trẻ ngủ ngay nhưng ngủ không sâu và không yên vì tôi cán lane hoài – bởi gió bê xe; bởi lâu quá rồi tôi không lái xe lớn. Chỉ tội ông bạn già, cũng đêm thứ Sáu không ngủ và làm việc cật lực từ sáng tới tối thứ Bảy; cũng đói cơm… chứ ông này không biết ăn phở, ông hiền như ngụm nước mưa; chắc ông đang thèm cái gì nóng nóng, cay cay, chuyền chuyền… cho máu huyết ông già nam bộ hanh thông, lên gân một câu vọng cổ cho đã đời ông địa.
Riêng tôi bị gió ù tai vì cửa xe không kín đã quen, cái ù ù của máy bay cất cánh có xá gì.
Nhưng nhớ nhiều về những quán ăn dọc đường xa lộ Bắc-Nam. Quê mình lại dài như con rắn nên qua mỗi miền mỗi phong thổ; con người; và đặc biệt là thực phẩm khác nhau khá xa… như người Huế làm sao tin được trên đời có tô cháo lòng ngon như ở chợ Rạch giá; làm sao tin nổi…
Tôi hình dung ra một gia đình người Huế đi mua bánh bao ở chợ Rạch giá thì họ mua mấy cái? Chắc bốn người một cái thôi, về nhà cắt làm tư vì cái bánh bao lớn đến không ngờ – và ngon đến mức nếu phải đổi ngang lăng tẩm dọc sông Hương thì họ cũng đổi. Trong khi một người Rạch giá có dịp đi qua Huế, ăn cơm muối với chừng ba chục món muối … để từ đó mỗi lần có chuyện cần ra Bắc anh chàng miền Nam này sẽ đi máy bay chứ gan đâu mà dám đi qua Huế lần nữa… Tôi nghĩ trong đêm gió, trong cơn đói thế thôi!
Và mỗi lần như thế, tôi đều nhớ đến nhà văn quân đội Lâm Chương, ông viết văn chứ không kể chuyện lôi thôi, lẩm cẩm trong tù để tự sướng. Ông Lâm Chương viết, “Khi đói, bộ óc chạy xuống cái bao tử. Làm người ta chỉ nghĩ đến cái ăn…” Sao mà đúng với tôi quá!
Tôi nghĩ đến quán vỉa hè, bên hông chùa gì không nhớ, chỉ nhớ ở đường Phan Ðình Phùng-Ðà lạt. Người ta gọi là Bún Bò Huế bà Chùa thì phải! Tôi chỉ biết bà chạy giặc từ Trung vào Ðà lạt và kiếm sống qua ngày bằng gánh bún bò huế thế thôi. Nhưng bà nấu ngon đến quán hông chùa mà xe hơi Sài gòn lên đậu dài cả đoạn đường Phan Ðình Phùng – Ðà lạt.
Chẳng biết vì sao gọi là bún bò Huế khi bộ óc đã tuột xuống tới bao tử. Tên phàm tử chỉ biết lái xe và nuốn nước bọt khi nhớ tới các o các mệ bán bún bò huế trên ba miền đất nước dằng dặc những cơn mưa phùn, gió lộng, hay đêm khuya – thèm món súp nóng nóng. Ôi! Tô bún bò nóng hổi, chỉ cần húp một muỗng nước lèo là tỉnh hồn thương đau. Chẳng kể thịt bò, thịt heo giò lợn, chả tôm, miếng huyết…. chỉ cái vị của nước dùng đã tê lưỡi; nhìn dĩa rau đã no mắt… Tôi gọi thầm trong đêm, Mệ ơi! Cho con muỗng nước lèo bún bò huế để qua cơn ham vui trên đường lưu lạc… tôi húp muỗng gió luồn qua khe cửa xe mà nghe mùi hương không thể nào quên được củabún bò huế, sự ngọt ngào của xương, thoáng hương ngây ngất mùi mắm, có cả mùi sả, ớt cay, và khung trời kỷ niệm ở xứ Mệ lanh chanh sóng vỗ, ăn tô bún bò huế bên bờ sông Hương mới biết đã…
Rồi tôi nhớ miền tây hơn vì xứ Mệ không tiền thì chả ai cho tô bún bò huế đâu mà mừng.
Nhưng tô bún mắm ở miền tây thì dễ có ăn hơn. Một nhà kho mắm cả xóm nghe mùi, cứ giả bộ vô tình làm rớt trứng hột vịt ngoài ngõ, vô nhà đang ăn bún mắm mượn cái chén ra hốt trứng bể, thể nào người miền Nam không cho một tô búm mắm vì tấm lòng cửa biển của người miền Tây rất dễ thương tình thằng bể trứng còn mong hốt lại…
Tôi nghĩ đến bún mắm. Nghe cái tên đơn giản như cô Hường chứ không phải Hồng; cô Lựu mà không đạn… đơn giản như phong thồ, con người miền Tây – tô búm mắm mà không thấy con mắm – nhưng đậm đà mùi mắm mới thấm thía ân tình; mới lắc lư vô-lăng. Bún mắm là đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam phần. Hương vị hơi nồng nhưng thật khó phai trong ký ức với nhiều trường phái danh bất hư truyền: bún mắm Sóc Trăng , Bún mắm Kiên Giang, Bún mắm Châu Ðốc… độc chiêu là Bún Nước lèo Sóc trăng, có mùi ngải bún thơm thoảng, vị nhẹ nhàng hơn bún mắm Châu Ðốc. Vào những chiều mưa dầm rả rích, đêm gió chướng như đêm nay, ghé vào một quán bún mắm ven đường. Mùi mắm ngọt ngào pha lẫn mùi sả nồng ấm luôn làm cho cánh lái xe quên đi cảm giác cô đơn trên đường thiên lý. Và tô bún quả thật là một kiệt tác nghệ thuật với những miếng mực trắng nõn, miếng thịt cá mềm mại, màu hồng đỏ của những con tôm đất, điểm xuyến những miếng thịt heo quay giòn rụm. Còn dĩa rau kèm theo là cả một vùng đất nam bộ linh thiêng với giá sống, hẹ xanh, rau đắng nhỏ cọng, kèo nèo mới trứ tuyệt, và cọng bông súng nằm tỉnh bơ trên dĩa rau như chờ đợi sự thưởng thức của người thưởng ngoạn…
Tôi húp muỗng gió đỡ thèm thì mùi bún riêu chợt thức. Cái món dân ca ba miền vì có giá sống mà lại có rau muống bào – và hàng bún riêu nào cũng nhiều con gái Trung thưởng thức, nghe con gái miền Trung thưởng thức bún riêu và trò chuyện tiếng Trung với nhau thì cứ rối lên như nùi rau muống bào điểm xuyến giá sống lại chen lá kinh giới xanh xanh… rối bời lòng gã Nam kỳ này vì em nào cũng đẹp. Kỳ thực món ăn dân dã này có gốc miền Bắc, nấu bằng cua đồng xay nhuyễn thành món riêu cua. Ngon đáo để. Người Bắc di cư đã đem món này vào Nam, và được sự ưu đãi của phong thổ Nam kỳ nên càng xanh um rau sống. Những ngày trốn học phủ phê cơn đói ở Sài gòn, lột đôi sandal nhựa bán cho bà ve chai là có ngay một tô bún riêu bá cháy. Chuyện về nhà với hai tội (trốn học và mất dép) thì cũng chung một trận đòn, sao không hưởng một tô bún riêu ở chợ Vườn chuối cho nỗi nhớ mênh mang mãi về sau. Miếng gạch cua đồng, cà chua đỏ tươi, còn nấu với tôm khô, mấy miếng huyết luộc, đậu hũ chiên vàng… hôm may, được bà bán múc trúng miếng da heo thì thôi béo ngậy. Lại có lát chả lụa làm cho tô bún thêm phong phú, hấp dẫn nhất trên đời.
Tôi cho chút nước me để làm dịu đi cái gắt của mắm tôm. Bỏ tí ớt để hít hà sau đó vì một tô đâu có đã nhưng hai tô thì đâu đủ tiền. Rồi húp muỗng gió vì đang lái xe đêm trên nước Mỹ. Món bún riêu bình dân, có ở khắp hang cùng ngỏ hẻm, kẽo kẹt trên cây đòn gánh của người phụ nữ nghèo quê tôi. Bún riêu gần gũi tuổi học trò đến thương hoài ngàn năm.
Bún là sáng tạo đáng nể của nhân loại Việt Nam. Khi mệt, đói, đêm khuya… ăn tô bún ngon gấp mười lần cao lương mỹ vị. Giờ này có tô canh bún cũng ấm lòng lưu linh dữ lắm. Cái món bún nấu đơn sơ với cua đồng, cà chua… cũng mắm tôm. Chỉ khác rau ăn kèm là rau muống luộc.
Trong Nam giàu có nên ăn với rau nhút hay cần nước thì quên cả lối về…
Rồi còn bún mọc Bà Huyện Thanh Quan, bún nước lèo Cao Lãnh, bánh canh Trảng Bàng…trên từng cây số quê tôi đều có bún ăn đêm, không như xứ quỷ này chỉ có đêm đen, gió thốc, và việc làm tối mặt. Có chăng trên xa lộ về đêm là… cảnh sát. Y như rằng, xe cảnh sát đã quay đèn sau lưng. May là ông Hamburger tha mạng, chỉ cảnh cáo sơ sơ, không được lái hoài lane trái vì đó là lane vượt (pass lane). Xe vận tải phải chạy lane bên phải…
Yes sir!
Hú vía làm tỉnh cơn say bún thật uổng. Tôi húp gió suốt canh thâu cho tới về tận nhà đã 3 giờ sáng.
Phan