Hy Lạp thoát khỏi vòng giám sát tài chánh của Ủy Ban Châu Âu

Vào hôm 20/08/2022, chế độ “giám sát tăng cường” mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt trên Hy Lạp chính thức kết thúc. 12 năm trước, Hy Lạp đã phải chấp nhận quyền giám sát tài chánh của Liên Hiệp Châu Âu để có được tài trợ quốc tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ từng khiến nước này điêu đứng.

Vào năm 2010, do chính sách tài chánh lỏng lẻo, chi tiêu quá trớn từ trước, Hy Lạp đã lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng. Để được Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giúp đỡ – với các gói cứu trợ tài chánh lên đến hơn 260 tỷ euro – Hy Lạp đã phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng, cải tổ nghiêm khắc và nhất là đặt mình dưới quyền kiểm soát của Ủy Ban Châu Âu.

Các biện pháp triệt để này đã dần dần có hiệu quả, và đến tháng 08/2018, Liên Âu xác nhận Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các gói cứu trợ, nhưng vẫn chịu sự giám sát tăng cường của châu Âu thêm một thời gian. Chế độ này chính thức được bãi bỏ kể từ ngày 20/08/2022, đồng nghĩa với việc Hy Lạp lấy lại được quyền tự do trong việc thực hiện chính sách kinh tế, như bất kỳ một nước nào khác trong khu vực đồng Euro.

Tuy nhiên, theo RFI, dù đã hồi phục, kinh tế Hy Lạp vẫn còn mong manh và chưa thể bỏ được các chính sách khắc khổ.

Trong thời gian dài sắp tới có lẽ người Hy Lạp vẫn còn phải chịu gánh nặng của một khoản nợ vốn vẫn chiếm 180% GDP và đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế của Hy Lạp.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email