Cuối cùng thì Tổng thống Donald Trump cũng đã nhận được giải Nobel, một vinh dự mà ông phàn nàn là ông xứng đáng hơn cả chục người từng được giải, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama, người “chẳng làm gì mà cũng được giải.”
Có điều cái giải Nobel mà Ủy ban tuyển chọn vừa công bố hôm 15 tháng 9 vừa qua cho ông Trump lại không phải là giải Nobel Hòa bình cho thành tích dàn xếp hòa bình giữa Israel và Pelestine ở Trung đông.
Ông Trump được giải Nobel về Giáo dục Y tế. Ông cũng không được ẵm trọn giải mà phải chia sẻ với 8 đồng khôi nguyên nữa, tất cả đều là các nguyên thủ quốc gia, trong số đó có người hùng Vladimir Putin mà ông ngưỡng mộ. Các đồng khôi nguyên khác gồm Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, Thủ tướng Boris Johnson của Vương quốc Anh, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn độ, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador của Mexico, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan của Thổ nhĩ kỳ, và Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow của Turkmenistan. Rất tiếc, không có Chủ tịch Bắc Hàn Kim jong Un.
Mà rồi nó cũng không phải cái giải Nobel được trao ở Thụy điển mà là ở một sảnh đường tại Hoa kỳ, cũng là một nơi danh giá lắm: Sanders Theater của trường đại học hàng đầu nước Mỹ (và thế giới) Harvard University. Các vị trao giải thưởng cũng là những nhân vật xuất sắc, tiếng tăm trong giới khoa học, học thuật, nhiều người từng đoạt giải Nobel, có người còn đoạt cả Nobel lẫn Ig Nobel nữa.

té ngửa năm nay phải mang mặt nạ vì Covid-19
Họ đoạt giải Ig Nobel, giải thưởng quốc tế hàng năm được trao tặng cho mười thành tựu khác thường hoặc tầm thường trong nghiên cứu khoa học, mục đích để tôn vinh những thành tựu mà trước tiên làm cho người ta CƯỜI, nhưng rồi sau đó họ phải SUY NGHĨ.
Tên của giải thưởng là một cách chơi chữ, gồm hai chữ cái đầu của từ Ignoble (không đáng kể, tầm thường) và tên của ông Nobel.
Theo ban tuyển chọn, ông Trump và 8 vị đồng khôi nguyên giải Ig Nobel Giáo dục Y tế năm nay vì đã sử dụng trận đại dịch virus Covid-19 để dạy cho thế giới rằng các chánh trị gia có thể có một ảnh hưởng trực tiếp lên chuyện sống chết của con người mạnh hơn cả các khoa học gia và bác sĩ.
Trên đời này có không ít chuyện mới nghe thì tức cười, nhưng sau khi cơn cười lắng xuống, người ta thấy rõ ràng đó là một chuyện đáng ngẫm nghĩ, hay ít nhất, để băn khoăn.
Và Ig Nobel là giải thưởng dành cho những chuyện như thế.
Ông Marc Abrahams, M.C. của buổi lễ (người đồng sáng lập giải, cũng là chủ bút của tạp chí Annals of Improbable Research) nói về giải vừa được trao cho 9 vị nguyên thủ: «Một phần của những gì chúng tôi đang, và lúc nào cũng làm, là cố gắng giúp mọi người bắt đầu suy nghĩ và thực sự thảo luận về những điều có thật…
“Vậy điểm chung của tất cả các quốc gia nói trên là gì? Các nhà lãnh đạo quốc gia coi thường chuyên môn khoa học, đưa ra các chính sách tai hại để đối phó với một đại dịch toàn cầu. Kết quả: các quốc gia đó cộng lại có hơn 18 triệu trường hợp COVID-19 được xác nhận và hơn nửa triệu trường hợp tử vong cho đến nay – và đang tiếp tục tăng. (Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm gần 200.000 trường hợp tử vong đó.) «Đặc biệt trong trường hợp này, chúng tôi hy vọng mọi người sẽ thảo luận về sự khác biệt mà chỉ một quyết định đã gây ra và cũng có thể vẫn còn gây ra khi mọi thứ tiếp tục diễn ra.»
Trong số 9 tân khôi nguyên Ig Nobel 2020, có 8 người mới nhận giải lần đầu. Với Tổng thống Alexander Lukashenko, đây là lần đoạt giải thứ hai. Hồi năm 2013, ông được giải Ig Nobel Hòa bình. Lần đó ông cũng phải chia giải, không phải với một cá nhân mà là với một tổ chức khác. Giải được trao để vinh danh ông vì đã ban hành luật cấm vỗ tay hoan hô ở nơi công cộng. Nửa giải về tay tổ chức Công an Belarus vì thành tích bắt giữ một người cụt tay về tội…vỗ tay hoan nghênh!
Ig Nobel

Hàng năm, cứ vào tháng 9, trước khi Hàn lâm viện Thụy điển công bố những giải Nobel, tạp chí Annals of Improbable Research ((biên niên sử những nghiên cứu mà khó có thật / AIR) công bố, và trao những giải Ig Nobel tại thính đường Sanders Theater của trường Đại học Harvard. Sau đó, những người đoạt giải sẽ có những bài thuyết trình trước công chúng, ở Massachusetts Institute of Technology (Học viện Kỹ thuật Massachussets /MIT.)
Năm nay, bị con virus Covid-19 phá đám, lễ trao giải Ig Nobel lần thứ 30 đã phải tiến hành trên mạng hôm 17 tháng 9. Tuy là online, buổi lễ vẫn không kém phần long trọng và vui nhộn
(Bạn đọc có thể xem trên Youtube ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=Amkyp-dhYX0)
Giải Ig Nobel được thành lập và những giải thưởng đầu tiên được trao năm 1991. Người sáng lập món hàng nhái để ca ngợi những thành tựu kỳ cục của khoa học tuy không phải là một nhà sáng chế giàu có nhưng thực sự là một nhân vật có thẩm quyền, đủ trình độ.
Niềm đam mê những con số, khoa học, rồi những chuyện kỳ lạ của Marc Abrahams bắt đầu từ ngày ông còn rất nhỏ. “Một ông kéo nước xối cầu tiêu làm ngôi nhà nổ tung” là một trong những bài báo đầu tiên về những chuyện kỳ lạ mà cậu học sinh Marc đã thu thập vào năm lên 10 tuổi.
Marc Abrahams học Toán khi vào đại học, chuyện đương nhiên. Cuộc đời của ông có vài điểm giống với Bill Gates. Cả hai đều theo học khoa Toán Ứng dụng tại Đại học Harvard, và sau này đều thành lập một công ty nhu liệu điện toán. Nhưng khác với Bill Gates, ông không bỏ học dở chừng mà…tốt nghiệp, một điều mà ông thú nhận trong một bài báo sau này là “sai lầm”: “Bill Gates học trên tôi một năm, tôi nghĩ là cùng khoa với tôi…Tôi, khác với anh ấy, phạm một sai lầm là tốt nghiệp.”
Marc Abrahams viết trong một bài báo đăng trên tờ The Guardian như thế.
Trong nhiều năm, Marc Abrahams làm việc cho Kurzweil Computer Products một công ty phát triển hệ thống máy tính nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition / OCR). Các công trình của ông có “một chiếc máy có thể đọc to sách in cho người mù và một chiếc máy khác mà chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để đọc cho nhanh hàng đống tài liệu tiếng Nga đã xin được, mượn được và ăn cắp được.”
Sau đó, ông lập công ty điện toán riêng của mình.
Nhưng rồi chán, nghĩ rằng chẳng biết đến bao giờ những gì mình viết ra được người đời biết đến, Marc Abrahams chuyển sang…viết báo, thực sự là làm chủ biên cho tờ Journal of Irreproducible Results (tập san về những kết quả không thể lập lại được) một tạp chí khoa học chuyên về những chuyện buồn cười trong khoa học.
Năm 1991, ông lập giải IgNobel rồi bỏ tờ tạp chí cũ sau khi đã vực nó dậy khỏi đà khánh tận và chủ tịch tờ tạp chí đó đòi đến một triệu đô la khi ông ngỏ ý muốn mua lại.

làm nổ tung một thùng đầy confetti (trái). Ảnh: Jon Chase/Harvard file photo
Marc Abrahams cùng một số thân hữu lập ra tờ Annals of Improbable Research. Tạp chí AIR có một ban biên tập đáng nể: hơn 50 nhà khoa học nổi tiếng, bao gồm nhiều người đoạt giải Nobel, một số người đoạt giải Ig Nobel, bà Marilyn Vos Savant – người giữ kỷ lục về thương số thông minh (IQ) cao của Guiness World Records, và một…phạm nhân từng có án.
Tờ báo Pháp Le Monde gọi Marc Abrahams là “vị giáo hoàng của khoa học khó thể tin được” (the pope of improbable science), trong khi tạp chí The Journal of the American Medical Association của hội Y khoa Hoa kỳ gọi ông là “cục puck của khoa học” (the Puck of Science, từ puck có hai nghĩa, cục puck trong môn thể thao hockey, nhưng trong tiếng lóng (slang) cũng có nghĩa là con quái.)
Lần trao giải đầu tiên, được tổ chức tại một lớp học của trường MIT, đã đông cứng với những nhà khoa học và các sinh viên. Ba năm sau, năm 1994, ban tổ chức phải chuyển lễ đến Sanders Theater, và mội năm một đông thêm khán giả (cho tới năm nay). Những buổi lễ vui như hội dưới tài tổ chức và sắp xếp của Abrahams, đầy những trò nghịch ngợm, gồm cả truyền thống khán giả ném máy bay giấy lên sân khấu và giải thưởng được chính những khôi nguyên Nobel thứ thật trao cho các khoa học gia được giải Ig Nobel.
Ban đầu, một số nhà khoa học chê Ig Nobel. Họ bảo đây là trò chế nhạo việc nghiên cứu khoa học.
Abrahams phản đối quan niệm này. Ông nói “Có một số người cho rằng chúng tôi đang tấn công khoa học và chế giễu các khoa học gia. Nhưng chúng tôi đang bảo vệ các nhà khoa học, những người đang cố gắng tìm ra đâu là thật, cái gì là thật và cái gì là hữu ích. Chúng tôi muốn mọi người tò mò về khoa học. Người ta có thể sợ hãi những điều họ không hiểu. Nhưng nếu họ tò mò trước khi họ sợ hãi, thì khoa học sẽ không còn đáng sợ nữa. “
Thêm nữa, Abrahams nói, “Chúng tôi đem sự chú ý đến cho những thứ có lẽ sẽ không được chú ý đến. Trong lúc những người đoạt giải Nobel được công nhận, lại có hàng triệu nhà khoa học đang giúp cho khoa học tiến bộ mà hầu hết trong số họ sẽ không nhận được sự chú ý nào cả”.
Rồi dần dà, với sự tham gia của những người đã đoạt giải Nobel, quan niệm “chọc quê khoa học” đã bị xóa tan. Hầu hết các nhà khoa học đã chấp nhận nỗ lực này bởi vì IgNobel cho thấy rằng họ có thể cười chính mình và nó có thể khuyến khích mọi người quan tâm đến khoa học.
Thí dụ như nhóm các bác sĩ đã nghiên cứu những lợi ích và hậu quả y sinh của những nụ hôn dữ dội, hoặc các nhà nghiên cứu chứng minh rằng gần như tất cả các loài động vật có vú đều xả hết bầu nước tiểu của chúng trong 21 giây, hoặc các nhà khoa học đã xem xét cách phản ứng của những con reindeer (tuần lộc) với các con gấu Bắc cực giả do người đóng.
Ig Nobel cũng vinh danh những người sáng tạo không nhận được sự công nhận xứng đáng cho những sáng tạo của họ. Trong số đã được trao Ig Nobel có nhà phát minh ra karaoke, ba người có thể là đã đặt tên cho cái luật Murphy’s Law, và người đã cùng với ông bố giành được bằng sáng chế cái lược chải đầu.
Hoặc Bác sĩ Elena Bodnar với giải Ig Nobel về Y tế Cộng đồng năm 2009 với thành tựu “sáng chế” một cái nịt vú có thể chuyển cải thành hai cái mặt nạ chống hơi độc. Sáng chế này hơn mười năm sau đã thể hiện sự hữu hiệu trong đại dịch Covid-19.
Mà cũng không dễ để giành được một giải Ig Nobel. Mỗi năm, Abrahams và một nhóm thiện nguyện viên phải xét hàng ngàn đề cử. Một số người được chọn từ chối giải thưởng vì sợ mắc cở, nhưng gần như hầu hết đều vui mừng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé máy bay đi nhận giải thưởng.
Việc đoạt giải Ig Nobel cũng không cản trở các nhà khoa học giành được Nobel thứ thiệt. Năm 2000, Sir Andre Geim, Giáo sư Hoàng gia và Giáo sư Nghiên cứu Hiệp hội Hoàng gia tại Đại học Manchester, đã được trao Ig Nobel nhờ nghiên cứu của ông về việc sử dụng nam châm để nâng một con ếch lên. Mười năm sau, năm 2010, ông đoạt giải Nobel vật lý nhờ những thí nghiệm đột phá với graphene, một vật liệu mỏng mạnh hơn thép.
Giáo sư Geim đã hãnh diện đưa giải Ig Nobel trong tiểu sử (CV) của mình: “Thành thật mà nói, tôi đánh giá cả giải Ig Nobel và giải Nobel của tôi ở cùng một mức độ. Đối với tôi, giải Ig Nobel thể hiện rằng tôi có thể chấp nhận bị giễu; tự hạ mình một chút cũng có ích ”.
Tiêu chuẩn giải Ig Nobel
Mỗi năm, Ig Nobel được trao cho những thành tựu trong 10 lãnh vực khoa học. Thoạt đầu, tiêu chuẩn lựa chọn chỉ giản dị là “những thành tựu không thể hoặc không nên được tái tạo.”
Ông Abrahams giải thích: “Thí dụ như sau khi một cái gì đó đã được khám phá hoặc tạo ra, không ai – bất cứ ai, ở bất cứ đâu – sau này có thể trở thành người đầu tiên thực hiện khám phá hoặc sáng tạo đó. “Tính đầu tiên” không thể lặp lại.
Abrahams nhấn mạnh rằng trong khi hầu hết các giải thưởng, ở hầu hết các nơi, cho hầu hết các mục đích đều được thiết kế rõ ràng để tôn vinh cái tốt hay xấu của người nhận, tôn vinh những thái cực của con người thì Ig Nobel không có nghĩa là để xác nhận một thành tựu là tốt hay xấu.
“Hầu hết mọi người đều sống hết đời mà không bao giờ có được một giải thưởng lớn, để thừa nhận rằng, vâng, họ đã làm được điều gì đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi trao giải Ig Nobel. Nếu bạn giành được một chiến thắng, nó biểu thị cho điều duy nhất là bạn đã làm được một cái gì đó…”
Hàng năm, trong số mười giải Ig Nobel mới, khoảng một nửa được trao cho những điều mà hầu hết mọi người cho là đáng khen ngợi – có lẽ là vì quái dị. Nửa còn lại dành cho những thứ mà trong mắt một số người, ít đáng khen ngợi hơn.”
Năm 2009, ông Abrahams mô tả rõ ràng hơn tiêu chuẩn chọn lựa: “Giải Ig Nobel được trao cho những thành tựu khiến mọi người phải CƯỜI, rồi SUY NGHĨ.”

Khi xét trao giải, Hội đồng quản trị giải Ig Nobel tuân theo cùng một châm ngôn với các bác sĩ: “Trước hết, đừng làm hại.” Việc nhận được giải Ig Nobel cũng có thể có hại cho các nhà khoa học. Trên đời này có những người nhanh chóng phán xét, lên án và trừng phạt người khác. Một số người trong số những người không có gì vui vẻ này đang nắm giữ các vị trí quyền lực và có thể trừng phạt và chế nhạo một người nào đó trong phòng thí nghiệm của họ giành được một giải thưởng ngốc nghếch, vô nghĩa. Ý thức được rằng có những người như vậy, Hội đồng quản trị Ig Nobel luôn hỏi ý kiến của các nhà khoa học đang được xem xét trao Ig Nobel, để hỏi xem việc đoạt giải có thể gây khó khăn nào đó về chuyên môn cho họ không. Trường hợp có vẻ có nguy hại, giải thưởng sẽ được trao cho một người xứng đáng khác. Đến nay, đã có khoảng sáu trường hợp như thế.
Ngược lại, các trường hợp một cá nhân hoặc một nhóm người lớn tiếng đòi cho được giải lại nhiều hơn. Nhưng cho đến nay, chỉ có một giải được trao cho những người muốn được như vậy. Đó là trường hợp của hai nhà khoa học Anders Barheim và Hogne Sandvik (Ig Nobel Sinh học, 1996), họ đã nhận thấy rằng sour cream kích thích sự thèm ăn của loài đỉa, nhưng bia làm chúng bị say và tỏi sẽ giết chết chúng.
Giải Ig Nobel gồm những gì?
Giống như những người được giải Nobel, người đoạt Ig Nobel cũng có những phần thưởng tương tự. Mỗi khôi nguyên Ig Nobel sẽ nhận được một cái cúp (trophy) bằng giấy mà họ tự in ra rồi sau đó gấp lại. Bản vẽ của cúp này được ban tổ chức gởi cho họ qua email dưới dạng PDF. Dĩ nhiên còn phải kể đến tiền thưởng nữa. Khoản tiền này nhiều hơn khoản tiền thưởng cho giải Nobel chỉ có từ vài trăm đến một triệu đô la Mỹ. Mỗi người đoạt Ig Nobel sẽ được một mười ngàn tỷ (ten trillion) đô la… Zimbabwe, theo hối suất hiện nay tương đương với vài xu Mỹ.
Vài giải Ig Nobel đáng chú ý năm nay
Hôm 17 tháng 9, các khôi nguyên Ig Nobel 2020 đã được những khôi nguyên Nobel thứ thiệt trao giải: Eric Maskin (Nobel Kinh tế, 2007), Frances Arnold (Nobel Hóa học, 2018), Richard Roberts (Nobel Sinh lý học hoặc Y học, 1993), Martin Chalfie (Nobel Hóa học, 2008), Jerome Friedman (Nobel Hóa học, 1990), và Andre Geim (Nobel Vật lý, 2010).

cho nghiên cứu về Âm học và phần thưởng 10 ngàn tỷ đô la Zimbabwe
Ngoài giải về Giáo dục Y khoa được trao cho 9 nguyên thủ quốc gia đã nói ở phần đầu, những giải Ig Nobel đáng kể khác của năm 2020 có:
Ig Nobel về Âm học (Acoustic): Stephan Reber (Áo), Takeshi Nishimura (Nhật), Judith Janisch (Thụy điển), Mark Robertson (Mỹ), và Tecumseh Fitch (Thụy sĩ). Công trình: đã mồi được cho một con cá sấu cái Trung Quốc rống lên trong một buồng kín chứa đầy không khí được bơm trộn khí helium.
Các loài cá sấu và các loài bò sát không có cánh tương tự đều kêu rất nhiều và to, đặc biệt là trong mùa giao phối. Năm nhà khoa học trên tò mò muốn biết xem những tiếng kêu này có thể là một phương tiện quảng cáo kích thước cơ thể của chúng hay không (đã có bằng chứng cá sấu cái thích giao phối với con đực lớn hơn chúng).
Ig Nobel về Tâm lý học: Miranda Giacomin (Canada) và Nicholas Rule (Mỹ). Công trình: tìm được một phương pháp để xác định những người ái kỷ (narcisstist) bằng cách nhìn vào cặp lông mày của họ.
Theo các nhà tâm lý học, tự yêu mình quá mức thường là những người ích kỷ, tự tôn, chỉ muốn ăn người, và phù phiếm. Hai nhà khoa học Giacomin và Rule muốn tìm ra cách nhận ngay ra những người này để giúp người ta khó bị vướng vào những kẻ ái kỷ. Họ tìm thấy rằng dựa vào lông mày, người ta có thể chọn ra chính xác những người có tính ái kỷ nặng.
Ig Nobel Hòa bình: “Chính phủ Pakistan và chính phủ Ấn độ. Thành tựu: “đã để cho các nhà ngoại giao của họ rón rén bấm chuông cửa của nhau vào nửa đêm rồi bỏ chạy trước khi người trong nhà ra mở cửa.”
Quan hệ Ấn Độ – Pakistan đã căng thẳng từ lâu, nhưng trở nên đặc biệt tồi tệ vào năm 2018, với hơn 434 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại biên giới ở Kashmir chỉ trong hai tháng đầu năm. Quan hệ này ngày càng xấu đi, có vẻ như các bộ ngoại giao ở cả hai nước cũng tham gia vào các vụ quấy rối có chủ đích đối với các nhà ngoại giao cấp cao của đối phương, bao gồm cắt nguồn điện và nước, bám đuôi xe các nhà ngoại giao, các cuộc điện thoại tục tĩu, các cuộc chạm trán gây hấn, và chuyện có thật, là bấm chuông cửa các nhà ngoại giao vào nửa giờ sáng rồi bỏ chạy.
Ig Nobel Kinh tế: Christopher Watkins (Anh), Juan David Leongómez (Colombia), Jeanne Bovet (Pháp), Agnieszka Żelaźniewicz (Balan), Max Korbmacher (Tô cách lan), Marco Antônio Corrêa Varella (Brazil), Ana Maria Fernandez (Chile), Danielle Wagstaff (Úc), và Samuela Bolgan (Tô cách lan). Công trình: lượng hóa (quantify) quan hệ giữa bất bình đẳng thu nhập quốc dân của các quốc gia và lượng trung bình của các nụ hôn “mouth –to mouth kissing.”
Họ đã tuyển 3.109 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới (trải qua 13 quốc gia và sáu lục địa) cho một nghiên cứu qua mạng. Và đúng như giả thuyết của họ, bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia có liên quan tích cực đến tần suất hôn. Các tác giả kết luận: “ở những quốc gia mà sự cạnh tranh tài nguyên gay gắt hơn người ta hôn bạn tình nhiều hơn.”

Ig Nobel về Quản trị: Xi Guang-An, Mo Tian-Xiang, Yang Kang-Sheng, Yang Guang-Sheng, và Ling Xian Si, năm tay sát thủ chuyên nghiệp ở Quảng Tây, Trung Quốc. Công trình “quản trị” một hợp đồng sát nhân theo cách sau: sau khi nhận tiền công để thực hiện vụ giết người, Xi Guang-An cho Mo Tian-Xiang thầu lại, tên này sau đó cho Yang Kang-Sheng thầu lại, tên này sau đó cho Yang Guang-Sheng thầu lại, tên này sau đó cho Ling Xian-Si thầu lại. Tên sát nhân lãnh thầu về sau nhận được khoản tiền công ít hơn tên trước và chẳng có tên nào thực sự ra tay thực hiện vụ sát nhân đó cả.
Ig Nobel về Côn trùng học: Richard Vetter (Mỹ). Công trình: thu thập bằng chứng rằng nhiều nhà côn trùng học sợ nhện, thứ sinh vật không phải là côn trùng.
Ig Nobel về Y học: Nienke Vulink (Hà Lan), Damiaan Denys, và Arnoud van Loon (Bỉ), cho công trình tiêu chuẩn chẩn đoán một tình trạng y tế lâu nay chưa được công nhận: Chứng misophonia, cảm giác lo lắng khi nghe người khác phát ra tiếng nhai.
Ig Nobel về Khoa học Vật liệu: Bảy nhà khoa học Anh và Hoa Kỳ: Metin Eren, Michelle Bebber, James Norris, Alyssa Perrone, Ashley Rutkoski, Michael Wilson, và Mary Ann Raghanti. Công trình: xác định được rằng dao làm từ phân người đông lạnh xài không tốt.

Đỗ Quân
(tài liệu của Improbable Research, The Harvard Gazette, The Guardian)