IS giãy chết trước ngày tận số

 Lý Anh

 

Bị không quân Hoa Kỳ ném bom và mất đi những nơi chiếm đoạt được ở Iraq và Sirya, quân khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) gần đây liều mạng đánh phá khu vực phía tây và nam Châu Á: Ngày 28/06, chúng liều mạng thực hiện vụ đánh bom tự sát đẫm máu ở sân bay Ataturk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 36 người tử vong, 150 người bị thương. Kế đó là 2 vụ tấn công bằng bom xe tại một khu chợ đông đúc ở thủ đô Baghdad ngày 03/07 làm hơn 130 người thiệt mạng. Cuối tháng 06 đầu tháng 07/2016, chúng lại khủng bố một số nơi ở Bangladesh, trong đó có một nhà thờ Hồi giáo, khiến nhiều người chết và bị thương. Điều đó chứng tỏ, trước ngày tận số, quân khủng bố IS đang giãy chết.

 

Mất đất & thiếu hụt tài chánh

Hãng thông tấn AFP trích dẫn thông tin từ bản phân tích của nhóm Tư vấn về an ninh và tình báo IHS (Advice on security and intelligence HIS), công bố ngày 10/07 cho hay, nửa đầu năm 2016, quân khủng bố IS để mất 12% lãnh thổ chúng chiếm đóng được ở Iraq và Syria. Trong bản phân tích của HIS ghi rõ: “Năm 2015, IS mất từ 12.800 đến 78.000 km2 lãnh thổ, chiếm khoảng 12%. Sáu tháng đầu năm 2016, diện tích đất mà nhóm chiếm đóng giảm tiếp 12%. Tính đến ngày 04/07/2016, IS chỉ còn kiểm soát khoảng 68.300 km2 lãnh thổ ở Iraq và Syria”.

Tại Syria, IS đang phải hứng chịu sức ép từ nhiều lực lượng khác nhau như liên minh Arab – Kurd do Mỹ hỗ trợ cùng các thế lực nổi dậy khác. Ở Iraq, IS cũng nhiều lần thất thủ trước các cuộc tấn công của quân đội phối hợp với các nhóm dân quân thân chính phủ. Hiện nay chúng còn bị vây hãm tại thị trấn Manbij, Syria.

Trong khi đó, lợi nhuận từ các hoạt động phi pháp của IS cũng đang suy giảm nhanh chóng. Giữa năm 2015, tài khoản của IS có khoảng 80 triệu Mỹ kim, tính đến tháng 03/2016 chỉ còn khoảng 56 triệu.

Columb Strack, nhà phân tích lâu năm về Trung Đông và Bắc Phi tại HIS ở London, Anh Quốc (Senior Analyst Middle East & North Africa at HIS, London, United Kingdom), nhận định: Ngày càng mất lãnh thổ sẽ khiến IS điên cuồng tiến hành các vụ tấn công đẫm máu.

Tờ tuần báo al-Naba do IS phát hành tháng trước đăng một bài bình luận cho thấy tương lai của IS vô cùng ảm đạm. Tổ chức khủng bố này thừa nhận, rất có thể tất cả những diện tích đất chúng đang chiếm đóng ở Iraq và Syria sẽ bị mất trong một ngày gần đây.

 

Khủng bố ở tây và nam Châu Á

Khoảng 10 giờ đêm ngày 28/06, tại sân bay Ataturk, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (Tây Á), đã xảy ra ba vụ đánh bom tự sát và xả súng liên tiếp khiến cho ít nhất 36 người chết. 150 người bị thương. Trong đó, đa số là người Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là du khách ngoại quốc.

Các nhân chứng mô tả khung cảnh hỗn loạn khi vụ nổ xảy ra. Các trang mạng xã hội chiếu lên hình ảnh hành khách nằm hỗn loạn trên sàn nhà, xe đẩy hành lý bị lật và nhiều cảnh đáng thương khác.

Cụ Paul Roos, 77 tuổi, du khách đến từ Nam Phi đang cùng cụ bà chuẩn bị quay về Cape Town, kể lại: “Một tay súng mặc đồ đen không che mặt. đi quanh phòng hành khách của sân bay, nã đạn bừa bãi. Hắn bắn bất cứ ai ở phía trước. Chúng tôi nấp sau một quầy thu ngân cách hắn khoảng 50 m theo dõi các hành động của hắn. Ngay sau đó bỗng vang lên hai tiếng nổ thì hắn ngừng xả súng. Cảnh sát vội vàng lập một hàng rào an ninh quanh nơi xảy ra vụ đánh bom tự sát. Hàng chục xe cứu thương nhanh chóng đến khu vực đánh bom cấp cứu nạn nhân”.

Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ và Pháp cùng một số nước khác cảnh báo người dân nước họ tránh xa sân bay Ataturk. Hệ thống phóng thanh vang lên thông cáo: Các chuyến bay sẽ bị hủy bỏ đến 8 giờ sáng 29/06. Sau khi Istanbul bị khủng bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi quốc tế chung tay trong cuộc chiến chống lại quân khủng bố IS.

Ngày 03/07 lại xảy ra hai vụ tấn công bằng xe chở bom đẫm máu ở một khu chợ đông đúc thuộc thủ đô Baghdad khiến hơn 130 người thiệt mạng. Đài Truyền hình CNN loan tin, quả bom xe thứ nhất phát nổ trên một khu phố sầm uất ở khu trung tâm Karrada làm ít nhất 125 người thiệt mạng và 133 người bị thương. Quả bom thứ hai nổ sau đó ở khu chợ Shaab làm chết 5 người và 16 người bị thương.

IS nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm và khẳng định chúng nhắm đến cộng đồng người Hồi giáo Shiite sống tại khu vực này. Các vụ đánh bom này xảy ra khi tháng lễ ăn chay Ramadan của người theo đạo Hồi sắp kết thúc, nhiều người trong các gia đình, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đổ ra các đường phố mua sắm sau khi mặt trời lặn.

Ngày 01/07, lại xảy ra một vụ đánh bom và bắt giữ con tin trong một tiệm ăn gần khu vực Tòa Đại sứ các nước ở thủ đô Dhaka, Bangladesh. Chính phủ nước này tuyên bố treo cờ rủ 2 ngày để tưởng niệm 20 nạn nhân, trong đó có 9 người Ý, 7 người Nhật và 1 người Mỹ.

Bà Marcia Bernicat, Đại sứ Hoa Kỳ, kêu gọi công dân Mỹ hiện đang ở Bangladesh cần thận trọng và tránh xa những chiếc xe khả nghi. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng ra tuyên bố “Lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ghê tởm và hèn hạ ở thành phố Dhaka”.

Sau vụ tấn công, IS nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm kèm với cảnh báo công dân những nước tham gia cuộc chiến chống khủng bố sẽ không an toàn. Chúng cũng tự nhận là thủ phạm của nhiều cuộc tấn công ở Bangladesh vài tháng trước đây.

Cuộc tấn công lần này tàn bạo nhất bởi bọn khủng bố đòi áp dụng luật Hồi giáo của chúng tại Bangladesh. Tuy nhiên, so với các cuộc tấn công gần đây chủ yếu nhắm vào các cá nhân, cuộc tấn công diễn ra hôm thứ sáu, một trong những ngày cuối cùng của Tháng Ramadan, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa các tay súng.

Một nguồn tin từ Bangladesh cho biết, trước khi nổ súng, chúng tách riêng con tin nước ngoài ra khỏi người bản xứ. Chúng bắt con tin người Bangladesh đọc kinh Koran để kiểm tra xem có phải người Hồi giáo hay không? Có hãng tin còn nói rằng, những người vượt qua bài kiểm tra được chúng tha, những ai không đọc được kinh Koran bị chúng tra tấn. Thậm chí, những kẻ tấn công còn sử dụng điện thoại của nạn nhân để đăng ảnh xác chết lên mạng xã hội.

Vụ tấn công mới nhất xảy ra khi 5 kẻ bị tình nghi là các phần tử Hồi giáo quá khích mang theo bom và mã tấu tấn công một trạm an ninh gần nhà thờ Hồi giáo đang diễn ra buổi lễ tụ tập đông người nhất tại Bangladesh vào ngày 07/07. Cuộc tấn công lần này còn khác thường là, mục tiêu nhắm tới là cuộc tụ tập trong những ngày cuối cùng của ngày lễ thiêng liêng nhất trong “Tháng Ramanda” của người Hồi giáo.

Hằng năm đến tháng Chín (lịch của người Hồi giáo, dương lịch thay đổi tùy từng năm), những người theo đạo Hồi trên thế giới đều tổ chức Tháng Ramanda để đánh dấu sự khởi thành của Thiên kinh Koran. Trong suốt tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, không sinh hoạt tình dục… từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Chấm dứt Tháng Ramanda, người Hồi giáo tổ chức lễ Eid al-Fitr trong 3 ngày để mọi người cảm ơn lẫn nhau, bỏ qua những gì không phải của năm trước, sống gắn bó và thương yêu nhau hơn. Tính theo dương lịch, Tháng Ramanda năm 2016 diễn ra từ ngày 06/06 đến ngày 05/07.

Sau cuộc khủng bố ngày 01/07, cảnh sát Bangladesh bắt giữ giáo sư Gias Uddin Ahsan, giảng dạy tại Đại học Nourth Nam ở Dhaka, với lý do liên quan đến các thủ phạm cuộc tấn công vào tiệm ăn ở thủ đô khiến hơn 20 người chết. Ông bị cáo buộc đã cho các thủ phạm thuê một căn hộ, khi họ chuyển đến ở vào tháng 05/2016 đã không đăng ký rõ lai lịch người thuê nhà theo yêu cầu của pháp luật.

 

Giãy chết trước ngày tận số?

Trong những thông điệp đưa ra gần đây, những kẻ cầm đâu tổ chức khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận vận may trên chiến trường của họ đang suy giảm nhanh chóng, đồng thời cảnh báo về khả năng những nơi chúng nắm giữ có thể thất thủ trong một ngày gần đây. Cùng lúc, IS thề sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công bạo lực dù đang chịu nhiều từ nhiều mặt khác nhau. Chúng sẽ tăng thêm các cuộc khủng bố tàn bạo hơn, hoặc chuyển dần từ một nhà nước tự xưng nắm giữ nhiều phần đất đai thành một mạng lưới ẩn dật với nhiều tổ chức ngầm ở rải rác khắp các nước trên thế giới để tiến hành các hoạt động khủng bố.

Các nhà nghiên cứu về khủng bố của Hoa Kỳ nhận định: IS mất đi các vùng đất chiếm đóng là những đòn đánh mạnh vào tổ chức khủng bố này. Từ đó, khả năng kiếm tiền, huấn luyện chiến binh hay lên các kế hoạch tấn công phức tạp của chúng cũng bị hạn chế. Mặc dù vậy, IS vẫn còn là quân khủng bố gây ra nhiều nguy hiểm trong một thời gian dài.

William Faizi McCants, học giả chuyên nghiên cứu về chiến binh Hồi giáo tại Trung tâm Chính sách Trung Đông, đồng thời là Giám đốc Quan hệ với Thế giới Hồi giáo của Hoa Kỳ tại Viện Brookings (scholar of militant Islamism at the Center for Middle East Policy and director of the Project on U.S. Relations with the Islamic World at the Brookings Institution), nhận xét: Những cuộc tấn công đẫm máu ở sân bay Ataturk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hay ở quận mua sắm Karrada, thủ đô Baghdad, Iraq, trong thời gian qua dường như là một phần trong nỗ lực tương tự của IS nhằm trấn an những kẻ ủng hộ rằng: Nhà nước Hồi giáo vẫn tồn tại. Thành công của những cuộc tấn công ở nước ngoài là dấu hiệu cho thấy nỗi lo lắng bên trong của tổ chức khủng bố này.

Học giả McCants cho rằng, sau nhiều năm khoe khoang về thành tích bách chiến bách thắng, bọn cầm đầu IS đang bắt đầu thừa nhận những thất bại trên chiến trường.

Tiến sĩ Cole Bunzel, thuộc Khoa Nghiên cứu Cận Đông, Đại học Princeton, Hoa Kỳ, nhận định: Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo không muốn mất đất. Chúng đang cố gắng gợi nhớ lại rằng: IS có lịch sử lâu dài và sẽ sống sót, không khác gì những năm trước đây.

Dù IS đang tiến hành nhiều cuộc khủng bố trên thế giới, gần đây nhất là cuộc khủng bố ở thành phố du lịch Nice, trong ngày Lễ Quốc Khánh Pháp 14/07, giết chết 84 người, trên 200 người bị thương, tổ chức khủng bố này vẫn đang lặng lẽ chờ đón ngày tận số.

Lý Anh

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email