Tôi ngồi bàn bên đây với người bạn, sau lưng bàn chúng tôi, chỉ cao hơn đầu người ngồi và bên trên có trang trí vài dây trầu bà tươi bị thiếu nắng, lá úa… Bên kia vách lửng thơm lừng mùi lẩu mắm, mấy ông thợ sơn người Nam bộ đang “dzô-chăm phần chăm” rất rôm rả, nghĩa là sắp nghiêng ngả; là lý do tôi không đồng ý với anh bạn muốn dời bàn. Vừa lúc người nào đó bên bàn lẩu mắm nói với bạn bè: “Mèng ơi! Cái lẩu mắm này mà có kèo nèo thì bá cháy, luôn..”.
Hình như bàn bên cạnh chúng tôi là hai cô gái đang ăn gì đó, một cô hỏi chị bưng thức uống ra cho hai cô, “Kèo nèo là gì hả chị?” Chị ấy ra chiều tư lự vì nhìn chị mới ngoài ba mươi, vừa lúc anh bạn trẻ bưng lẩu mắm ra bàn ngoài, trở vô. Anh bạn trả lời khá thú vị! “Thì coi như xin má cho đi chơi, má hổng cho rồi cho. Nhưng cho có hai chục… thì kèo nèo thêm hai chục nữa mới đủ đổ xăng”. Bốn người họ cười với nhau, chúng tôi cười ké. Nhưng tính ra chỉ có một phần ba người Việt ở hải ngoại biết kèo nèo, và số người biết sẽ mai một đi. Quê hương vĩ đại trong lòng người vĩ đại; nhưng một loại rau đồng dân dã trong lòng người biệt xứ cũng là quê hương. Quê hương rồi phai nhạt như lớp phèn trên móng chân người vượt biển một hôm nhớ đồng, ngồi nhìn móng chân trắng ngần ngỡ tưởng chân ai…
Không khí quán nhậu bao giờ cũng làm cho người ta phấn khởi nên mau quên những thoáng nghĩ; nhường chỗ cho những chuyện thăm hỏi, rồi kể lể với người bạn lâu không gặp chuyện tháng ngày… đan xen những gương mặt bạn bè biệt tích; những vui buồn ngày qua chỉ còn hai người gặp lại nhau hôm nay… chuyện quán nhậu thường bắt đầu từ một cuộc gặp tình cờ, bất chợt… nhưng kết thúc thì hầu như rất giống nhau khi cơm nhà kêu inh ỏi cái điện thoại, hay quán đã tới giờ đóng cửa; người ta chia tay nhau sau khi đã gieo xuống cái ghế ngồi, cái bàn nhậu hạt giống tình cờ, bất chợt một hôm hạt nảy mầm – người ta lại tình cờ gặp nhau để bất chợt chia tay khi cái điện thoại reo liên tục…
Nhưng ông thợ sơn nào đó bên kia vách lửng đã nói một câu xanh rờn… “Kèo nèo mà lại ngâm chua/ ăn với cá chiên chẳng thua thằng tây nào!” Người vừa nói ‘Mèng ơi…” thì nhất định là kèo nèo ăn với lẩu mắm mới đúng điệu! Họ cãi nhau, hỏi ý kiến những người ngồi chung bàn để kéo về phe mình; phe nào chiếm đa số sẽ thắng chung cuộc, theo mô hình lưỡng viện Hoa Kỳ! Chỉ khác là mấy ông nhậu nhậu xong, hùn tiền để trả cho quán; còn mấy ông nghị họp xong thì đi lãnh lương. Ðã là rau thì đói ăn rau đau uống thuốc… Những thoáng nghĩ bị anh bạn cắt đứt vì anh cũng người Nam bộ nên nghe tới kèo nèo, cũng bắt thèm. Anh kể: Một hôm, gia đình anh ngồi vào bàn ăn tối. Vợ anh chợt nhớ, đứng dậy, mở tủ lạnh, lấy ra một hũ thức ăn ngâm chua. Chị gắp ra dĩa rồi mời chồng ăn thử, coi biết món gì không? Anh ăn thử, ngon quá! Anh nói với vợ: không biết rau gì nhưng ăn vô miệng làm anh nhớ tới kèo nèo ngâm chua ở quê mình.
Chị nhà vui vẻ lắm, không giấu giếm chút bùi ngùi thương chồng không được ăn những món quê hương, nhưng biết làm sao được bây giờ! Chị nói tiếp, “của dì Hai dạy nấu ăn trên đài. Dì muối chua cây này là bạc hà Mễ, dì mua ở chợ Mễ, thấy nó giống kèo nèo quá, dì Hai hỏi phải bạc hà Mễ không? Mấy ông Mễ gật đầu… vì đâu biết tiếng Việt! Dì Hai mừng quá chừng. Dì ngắt lá ngửi thử, thấy giống kèo nèo, rồi ráng tìm cái bông để coi phải không đây, mà tìm hổng được! Nhưng, không mắc lắm, nên dì mua thử về muối chua, ăn thử thấy ngon và giống lắm! Rồi dì sớt cho em một hũ ăn thử, vì dì Hai thương em lắm, thương nhứt trong chỗ làm. Nếu anh thích thì để em nhờ dì Hai mua giùm, làm giùm…” Vợ anh nói ngắn gọn thì sợ anh hiểu lầm là đang ăn cơm bên nhà bà hàng xóm. (Ngày xưa chị ấy học làm bà mụ đỡ em bé, nhưng bỏ nghề vì lần đầu đi đỡ sanh, chị tới nơi vừa kịp thôi nôi con người ta. Chị tự ái bỏ về chứ không ăn đám; nhưng giang phải xuồng vượt biên nên qua đây hổng biết làm gì ráo, không ngờ được phát giác tài năng từ hôm thành Ðà (Dallas) có đài “Thưa Quý Vị”. Thưa đã rồi cà lăm, cà lăm xong cà khịa! Bản tin xe cán chó thì giải thích một hồi thành chó cán xe, rồi xin lỗi là hết giờ phát thanh. Chị cứ tiếp tục nói và anh gắp tới món khoái khẩu. Nhìn sang thằng con đang chèo hai dầm thì đúng hơn là muỗng nĩa; chèo tới cơm trắng với sườn ram mặn, anh nói con ăn thử Vietnamese pickle, thằng nhỏ thử xong rồi làm tới, khoái quá nên hỏi ba: Cái này là cỏ gì vậy ba? Anh nghĩ ngợi… cái này là deal vegetable – rau kèo nèo. Chị nhà cũng vừa hết giờ Nữ công gia chánh; chuyển sang chương trình ESL (English-second-language): dịch cái gì mà kỳ cục!
Hôm nay anh vui với người bạn trẻ bưng lẩu mắm, kèo nèo là… kèo nèo thêm chút nữa! Biết đâu hồi xưa có hai người hẹn nhau ở cụm hoa vàng – không gặp không tan. Nhưng cô gái tới phải “dzìa” thì đàng trai ngắt cụm hoa vàng… tặng người yêu dấu – không gặp không tan để câu giờ! Nên cô ấy đặt tên cho cụm hoa vàng chưa có tên đó là kèo nèo để nhớ mối tình thơ mộng thì sao! Nhưng cái ông bên kia nói, “Kèo nèo mà lại ngâm chua…” thì đúng rồi, nhưng “ăn với cá rán chẳng thua thằng tây nào!” thì nghe hơi ngộ. Hình như, “ăn với cá rán chẳng thua món nào” mới đúng. Anh bạn tôi đưa ra giả thuyết thứ hai, nhưng tôi thì cho là không ổn vì từ Nam bộ thường nói là chiên, ra vỉa hè mà nghe “chiên không cần mỡ” thì vọt cho mau để thôi bị luộc! Từ “rán” là từ ngoài Bắc, sao lại nằm trong câu ca dao Nam bộ? Chúng tôi họp lưỡng trự và đi đến thỏa hiệp là một ông Bắc, ông Trung đi khai phá phương Nam; một hôm vớ bở được mớ kèo nèo nhiều quá, ăn không hết thì muối chua để dành; người miệt ngoài thích để dành. Ai dè lần đó ông ta đúng, gặp hôm mưa ngập đồng trắng bờ… bắt được con cá lẩy thì chiên; nhưng con cá chưa dứt sữa nên ông ăn kèm với kèo nèo muối chua cho đủ bữa. Ai dè ngon quá trời, mà người miệt ngoài thì sính thơ văn nên ông cà khịa ra câu dao đồng ca ngợi phong thổ phương Nam, nhưng có từ “rán” trong đó để thương về miền Trung, đất Bắc… Chúng tôi phục sát đất sự uyên bác của bia Hieneken.
Rồi kèo nèo hay cù nèo là đúng tên họ của loại rau đồng này? Ðơn giản là tùy theo người ngọng người không, có vậy mà bàn ngoài cãi om. Kèo nèo vì thấy nó yếu ớt như nửa ở nửa đi… theo ông bà; cù nèo vì thấy nó cong cong như cù móc… nếu nó nhìn khờ khờ như Việt kiều thì sẽ có người gọi là… cù lần! Ðơn giản là một loại rau cọng xốp xộp có rất nhiều ở đồng bằng Nam bộ. Trong vô số loài rau đồng ở vùng sông nước thì kèo nèo nghe oải mà sung, mùa nước lên, lũ tràn về, bèo dạt mây trôi chớ kèo nèo bám trụ, rễ bám sình đáy sông bờ rạch, từ đó vươn lên theo nước để thở chớ không trôi đi. Người dân miệt vườn hái thứ cây này về ăn qua bữa. Theo thời gian, kèo nèo đã trở thành thân quen trong bữa ăn dân dã ở Nam bộ. Người miền Tây dễ dãi nên rửa sạch kèo nèo, cắt khúc, luộc sơ… ra chấm với kho quẹt hay nước cá kho đều ngon. Kèo nèo giòn rụm như bạc hà chín tới, giòn hơn bạc hà mới đúng. Nhúng vô kho quẹt hay nước cá kho đậm đà, sền sệt… ăn hết bữa cơm ngoài đồng, chiều mưa trong mái lá liu xiu… đơn giản mà ngon.
Khi rỗi đồng, người ta mới có thời giờ làm món kèo nèo muối chua. Kèo nèo muối chua cũng chỉ như giá muối xổi; ăn vài ngày chứ không để lây như dưa muối, củ hành muối; ăn với thịt kho, cá chiên… cho đỡ ngấy mỡ là chánh. Nhưng kèo nèo mà nằm trên dĩa (rổ) rau sống để ăn lẩu mắm thì “cực kỳ khêu gợi” trong mớ cà tím, hoa súng, rau đắng, rau muống… kèo nèo xanh mơn mởn, hoa vàng chảnh… vì không phải vàng chanh, vàng nghệ; không dễ thương như màu vàng của hoa đậu bắp. Hoa kèo nèo vàng kiêu sa một cách dân dã… nên hai người uống bia kia gọi là vàng chảnh. Nhúng vô cái lẩu mắm vừa sôi, kèo nèo tái là ngon hơn chín, gắp kèm con tôm, miếng ba chỉ… đưa vào nơi không trời không đất nhưng vị mắm nồng nàn, con tôm ngọt lừ, miếng thịt béo ngậy… vị đăng đắng giòn giòn của kèo nèo bắt ngậy… ngậm mà nghe.
Vì vậy kèo nèo có mặt trong nhiều món Nam bộ đều được cả, tùy hôm gió bão, mưa sa ngập đồng… kèo nèo nhảy vô tô canh chua cá gì cũng được, canh chua tôm, tép cũng ngon như nhau… nhưng phải nói là kèo nèo trong tô canh chua cá bông lau chung với lá giang là “số dzách”. Dễ ụi hà, bắc nồi nước, nước sôi thì cho cá bông lau vô, với bọt nhanh tay là hết tanh vì nhớt cá theo bọt nổi lên mà không vớt kịp thì lại tan ra nước – làm tanh. Vớt bọt xong thì cho lá giang vào để chua nước, nêm nếm muối đường cho vừa miệng. Canh sôi, cho cà chua (nếu có và muốn ăn) vào, mấy lát thơm (dứa) nếu thích. Nhưng tới thả kèo nèo vào là tắt bếp. Bắc cái soong nhỏ lên phi tỏi bằm cho vàng, cho hết qua nồi canh. Rau om, ngò gai, hành lá, ớt xắt lát… cho vô cho có chị có em thì nồi canh mới sắc màu hương vị…
Cái khó ở miền Tây là đi kiếm người thưởng thức vì tôm cá đầy đồng, rau ăn được mọc như cỏ hoang… nhà ai cũng nấu thì mời ai bây giờ? Ngồi xuống mâm cơm cũng chỉ có hai người quen mặt, từng hẹn hò nhau ngoài cụm hoa vàng năm trước, hai người nhấm nháp vị chua chua ngọt ngọt của nước canh có hương thơm kèo nèo; cắn cọng kèo nèo thấm đẫm nước canh chua… chồng chan vợ húp thằng Cu khóc nhè! Má nó đi dỗ con mà tiếc hùi hụi. Nồi canh chua kèo nèo này dễ dãi tới độ nấu với thịt gà cũng ngon đặc biệt, thêm vài cái lá chanh cho nó “hòa hợp hòa giải” với thịt gà thị tuyệt cú mèo; mà trên hết là nấu canh chua kèo nèo với ếch. Con ếch thì ngon rồi, không ngon sao có câu “gà đồng xào với mướp hương” là một trong những món ngon nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Con ếch (gà đồng) thịt trắng, dai, ngọt, không tanh… gặp xương ếch nước ngọt lại không cứng. Nhai luôn trong hương vị canh chua kèo nèo thì… chết liền!
Kèo nèo về thành phố còn được người ta trụng tái bóp gỏi với tôm, mực tươi trụng tái… kèo nèo làm kim chi – đỏ ớt để phục vụ cho các ngài lưu linh nơi quán nhậu… vì mùa mưa kèo nèo rụi đám; chừng tháng 8 mới lai rai tới cuối năm thì bông vàng đồng. Bây giờ người ta gọi chung là kèo nèo: Có hình dáng bụi bạc hà nhưng nhỏ hơn mà lại lớn hơn bụi rau chóc. Loại rau ra ruộng nhổ về rồi xắt trộn cám cho vịt cộng hòa ăn; vì qua thời xhcn thì người ta ăn… rau chóc, còn đâu tới vịt. Nghe nói, người xưa có gọi kèo nèo là cây giá thau hoặc rau tịnh. Thiệt là khó tìm tiểu sử cây rau này: Tên khoa học thì có; nhưng tên tự theo dân gian Viện Nam thì khó! Rau tịnh có thể lý giải vì những loại rau đồng ở Nam bộ thường trôi theo mùa lũ; riêng kèo nèo bám rễ tới cùng thì người bình dân Nam bộ gọi là rau tịnh. Nhưng giá thau thì khó hiểu vì có người mô tả giá thau ngắn cọng hơn kèo nèo, lá tròn hơn, nhỏ hơn kèo nèo… đặc biệt là bông màu tím. Dùng ăn sống với mắm rất ngon vì có vị đăng đắng. Tới đây quán nửa đêm đuổi khách ra về nên hết biết ra sao! Chắc hẹn lại lần sau tính sổ.
Phan