Nguyên tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam bị khởi tố, tạm giam vì liên quan đến vụ khai thác tận thu quặng apatit khi làm dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng.
Lãnh đạo tỉnh nhận hối lộ
Lào Cai mới đây hoàn tất điều tra vụ án hình sự về nghiên cứu, thăm dò, khai thác lậu tài nguyên và rửa tiền xảy ra tại TP Lào Cai từ năm 2012-2015.
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty Lilama), Nguyễn Ngọc Bích (cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Apatit VN), Nguyễn Quang Huy (nguyên Tổng giám đốc Công ty Apatit VN), Phạm Cao Khiêm (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Apatit VN)…
Ngoài ra còn 13 đảng viên mắc vi phạm khi tham vấn cho phép Công ty Lilama xây dựng nhà hàng, khách sạn và tận thu, thu gom quặng apatit…
Apatit VN được chuyển đổi từ công ty Apatit Việt Nam, vốn 100% nhà nước hơn 1814 tỉ đồng do tập đoàn hóa chất Việt Nam sở hữu.
Công ty Lilama được thành lập năm 2004, 3 năm sau, vốn điều lệ đạt 50 tỉ đồng. Nguyễn Mạnh Thừa (12,5% vốn) là cổ đông, đồng thời là người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc công ty.
Công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 để xây dựng khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai trên khu đất rộng 3,77ha. Phần đất này thực ra nằm trong quy hoạch thăm dò khai thác quặng Apatit theo quyết định của Bộ Công thương.
Tháng 4/2012, tỉnh Lào Cai giao Công ty Apatit VN san tạo lại các điểm dễ sạt lở và tận thu số quặng nằm trên khu đất3,77ha. Tuy nhiên sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai lại giới thiệu Công ty Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn tại khu vực này mặc dù việc giới thiệu trên không đúng với quy hoạch sử dụng đất. Mảnh đất 3,77ha vẫn nằm trong vùng quy hoạch, thăm dò khai thác và tuyển quặng Apatit theo quyết định của Bộ Công thương.
Trong khi thực hiện dự án, công ty Lilama phát giác có quặng dưới nền đất nên đã báo cáo và tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nêu trên.
Nhưng sau đó, doanh nghiệp này lại dựa vào văn bản không đúng thẩm quyền của tỉnh Lào Cai để tận thu apatit một cách công khai và bán thu lời hàng trăm tỉ đồng.
Công ty LiLama hợp đồng để bán toàn bộ hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit các loại bị khai thác trái phép cho công tyApatit VN, giá trị tổng cộng hơn 610 tỷ đồng. Nguyễn Mạnh Thừa bỏ túi hơn 177 tỉ đồng, Công ty Apatit VN thu hơn 184 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có nhiều cán bộ thuộc UB tỉnh Lào Cai đã tiếp tay cho Công ty LiLama khai thác quặng chui. Để được hoạt động công khai, Thừa đã hối lộ cho một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo của UB tỉnh Lào Cai, Thanh tra Chính phủ và một số người liên quan khác.
Vào cuộc, cảnh sát đã khởi tố ông Nguyễn Thanh Dương và ông Lê Ngọc Hưng (hai cựu phó chủ tịch tỉnh Lào Cai), Mai Đình Định (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Phan Văn Cương (Phó giám đốc Sở Công Thương) cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, do hết thời hạn điều tra nên cảnh sát ra quyết định tách vụ án để tiếp tục làm rõ hành động phạm pháp của 4 bị can trên.
Chi tiền cho cán bộ Thanh tra Chính phủ
Nguyễn Mạnh Thừa nhận có đưa tiền cho một số lãnh đạo, cán bộ của UB tỉnh Lào Cai, các sở ban ngành của tỉnh, các cá nhân tại Thanh tra Chính phủ và những người liên quan.
Nguyễn Mạnh Thừa từng đưa 30 tỷ đồng cho ông Nguyễn Huy Quang (lái xe tại Xí nghiệp Phân bón và Hóa chất, thuộc Công ty Apatit VN) để người này đưa cho các xí nghiệp thuộc Công ty Apatit và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc lo lót khoản tiền này nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác quặng.
Tuy nhiên, ông Quang chết từ năm 2017 nên Thừa không biết tài xế này đã đưa tiền cho những ai!
Thảo nào người ta thấy ở Lào Cai có rất nhiều lâu đài, biệt phủ, biệt thự…
Nắn quy hoạch, thửa đất của vợ Bí thư thành uỷ TP Kon Tum có 4 mặt tiền
UB TP Kon Tum làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ Bí thư Thành ủy TP Kon Tum thời điểm năm 2011) có 4 mặt tiền.
Bà Nguyễn Thị Ánh có thửa đất rộng trên 3.739 m2. Năm 2010, TP Kon Tum đã quyết định làm đường số 3, đường số 2 và các đường giao thông nội bộ thuộc phường Ngô Mây.
Thế nhưng UB TP Kon Tum không thu hồi lô đất của bà Nguyễn Thị Ánh theo chủ trương đã được duyệt, mà thực tế bà Ánh vẫn được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc nắn đường (số 2 và số 3) khiến thửa đất có thêm 2 mặt tiền thành 4 mặt tiền với vị trí lợi thế đặc biệt, được bao quanh bởi các đường Nguyễn Lân, Lê Thị Riêng, Thoại Ngọc Hầu và Hồ Văn Huê.
Bà Ánh cũng được “ưu ái” khi chuyển mục đích sử dụng 500 m2 đất ở nhưng chỉ phải trả 34 triệu đồng thay vì 159 triệu đồng theo quy định.
Hiện lô đất của bà Ánh đã được trồng cây xung quanh nhà, ở giữa khu đất xây nhà kiên cố dạng biệt thự. Vị trí đất này trở thành rất “đặc biệt” trong số những lô đất tại đây.
Ngoài ra, còn phát hiện 85 trường hợp không thông qua đấu giá, song có nhiều cán bộ, công chức được giao đất với diện tích rộng. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Dương (nguyên trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, được giao lô đất 651 m2; ông Phan Văn Cường, nguyên phó ban Kinh tế HĐND huyện, nay là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện) được giao thửa đất 180 m2.
Nhiều trường hợp được giao đất để ở nhưng thực tế không ở mà để hoang hoặc bán lại kiếm lời. Trong đó, con của Phó trưởng phòng TN-MT huyện là Phan Đức Toàn được giao lô đất 480 m2 hiện đã bán 200 m2 cho người khác với giá 280 triệu đồng trong khi kê khai nộp thuế có 60 triệu đồng.
Trước đây, ông Lê Đình Quang là Chánh Văn phòng Công an tỉnh Kon Tum, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum, rồi giữ chức Bí thư Thành ủy Kon Tum giai đoạn năm 2011- 2018. Sau đó nghỉ hưu.
Cựu Bí thư Thành ủy Kon Tum nói: “Đây là đất nông thôn, đất ngoại ô. Tôi không chỉ đạo làm, chẳng có cái gì ở đây cả. Cái này (quy hoạch-pv) chung của đô thị phát triển, phường họ làm thôi, chẳng có gì đâu, tôi nghĩ thế”.
Trả lời câu hỏi về việc “tác động” để vợ hưởng lợi, ông Quang phân bua: “Tôi chẳng tác động gì. Cái này là cái chung của khu đô thị, đời bí thư, chủ tịch thành phố trước họ làm rồi, tôi về sau này. Tôi không chỉ đạo, không làm gì sai cả. Chuyện mở đường là của thành phố ngay bờ, thẳng góc để phát triển đô thị theo đề án cũ mà tôi ở đây chẳng có tác động gì”.
Ông Quang nói thêm, vị trí đất của vợ ông nằm ở khu ngoại ô, vùng ven, vùng nông thôn chứ không phải là khu trung tâm thành phố, khu lớn nên sự việc này “không có gì lớn cả và ông không làm gì sai”.
Đề cập về việc nếu Thanh tra phát hiện vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra giải quyết, ông Quang nói: “Chuyển điều tra thì chuyển, có vấn đề gì đâu. Chuyển điều tra thì cơ quan điều tra họ làm, ai sai thì người đó chịu, tôi có sai đâu, tôi có làm gì đâu mà sai? Tôi chẳng có văn bản nào chỉ đạo, chuyện này là chuyện của phường, của xã, của thành phố”.
Về phần bà Nguyễn Thị Ánh là vợ của ông Quang cho biết, thửa đất bà đứng ra mua là không sai.
“Tôi cũng là người dân. Đất này tôi bỏ tiền ra mua của người dân. Thời điểm đó tôi mua theo sào chứ không phải mua theo mét. Dân bán cho tôi 20 triệu đồng/sào. Tôi mua đất năm 2007 hay 2008 gì đấy. Tôi mua xong, mấy năm sau ông Quang mới về làm bí thư. Dân bán thì tôi mua thôi. Tôi cũng là dân thôi mà. Tôi không có sai gì cả!”, bà Nguyễn Thị Ánh, vợ cựu Bí thư Thành ủy TP Kon Tum trả lời
Đường thẳng hóa cong và dài hơn để qua đất nhà của 20 cán bộ
Con đường bị nắn cong đã khiến cho gần 41.000m2 đất của 12 cán bộ, công chức tỉnh Trà Vinh và 8 cán bộ, công chức Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án) được nằm trong diện được thu hồi, bồi thường.
Sở Giao thông vận tải đã nắn đường đi vào đất 20 cán bộ và kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhưng rồi bị ‘ngâm’ suốt 13 năm qua, trong khi các hộ bị giải tỏa không được tái định cư.
Đó là dự án đường số 1, dài 2,2km (được khởi công năm 2006). Giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 142 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Dự án này thu hồi 28,3ha đất của 253 gia đình và 3 tổ chức.
Sau đó, dự án được điều chỉnh, mở rộng và bổ sung thêm gần 14,8 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên gần 160 tỉ đồng.
Móc ngoặc
Sau khi tổ chức đấu thầu, Công ty Hồng Lực và Công ty Vạn Thành là 2 đơn vị liên danh trúng thầu thi công. Tuy nhiên, đến năm 2009, khi dự án chưa làm xong nền đường thì có ý kiến phản ảnh, nên thanh tra vào cuộc.
Nhiều sai phạm tại dự án nói trên đã đươc chỉ ra, điển hình như chiều dài dự án tăng so với quyết định phê duyệt của tỉnh. Con đường cũng bị nắn cong để đi vào đất của một số người không nằm trong diện bị thu hồi làm dự án.
Đáng chú ý, con đường bị nắn cong đã tạo điều kiện cho 12 cán bộ, công chức tỉnh Trà Vinh và 8 cán bộ, công chức Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án) có đất được thu hồi, bồi thường với tổng diện tích gần 41.000m2. Ngoài ra, giám đốc 2 công ty liên danh thi công dự án cũng sở hữu, «đón lõng» hơn 40.000m2 đất nằm trong dự án.
Dự án có sự thông đồng, dàn xếp giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân; cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng.
Những cán bộ kể trên đã tư lợi khi cố tình cho thực hiện dự án với vị trí, quy mô sai chủ trương và quy hoạch, cố tình làm thay đổi vị trí, quy mô dự án với mục đích nắn con đường vào khu đất của mình để được hưởng bồi thường.
Sở Giao thông vận tải Trà Vinh đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực và tư cách được trúng thầu…
13 năm dự án bế tắc
Sau kết luận thanh tra, dự án bị đình trệ nhiều năm liền. Đến năm 2015 dự án mới được tái khởi động giai đoạn 2. Lúc này, tỉnh Trà Vinh gặp khó khăn quỹ nhà nước nên chuyển hình thức đầu tư sang BT (Hợp đồng xây dựng chuyển giao: Tư nhân xây dựng công trình, sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao ngay cho Nhà nước. Sau đó Nhà nước sẽ cho tư nhân thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và lời hoặc trả tiền cho tư nhân theo thỏa thuận trong hợp đồng).
Tỉnh giao doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bình An bỏ vốn thực hiện dự án giai đoạn 2, đổi lại doanh nghiệp này được giao 34.420m2 đất hai bên đường số 1 để thu hồi vốn. Cuối năm 2018, con đường hoàn thành nhưng do hợp đồng không đúng quy định nên Sở Giao thông vận tải Trà Vinh không giao được đất như hợp đồng đã ký cho DNTN Bình An.
Từ đó cho đến nay, dự án này vẫn chưa được nghiệm thu, rơi vào bế tắc, doanh nghiệp khiếu kiện khắp nơi. Tất cả các hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa được phân tái định cư theo quy định, đa số bây giờ đã ly tán khắp nơi.
Bà Sơn Thị A – một gia đình tại phường 9, TP Trà Vinh – bức xúc cho biết bà có gần 1.400m2 đất bị thu hồi, chỉ còn lại 100m2 xây nhà ở tạm. “Đã hơn 13 năm nhưng chính quyền vẫn không bố trí tái định cư cho tôi. Tôi đã rất nhiều lần đi hỏi, nhưng họ chỉ qua chỉ lại đổ trách nhiệm cho nhau. Giờ tôi quá chán nản rồi” – bà A cho hay.
Ông Trần Văn Ba – chánh Thanh tra tỉnh Trà Vinh – cho biết Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã có yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án tuyến đường số 1. Thanh tra tỉnh đã cung cấp được hơn 1 tháng nay.
“Lúc đó, thanh tra có đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng chưa được chuyển. Riêng xử lý cán bộ, do kết luận đã rất lâu và lúc đó tôi chưa về thanh tra nên không rõ lắm. Nhưng theo tôi biết đã có hình thức xử lý rồi. Về thông tin xử lý cán bộ phải xin ý kiến chủ tịch tỉnh mới được” – ông Ba nói khi được đặt câu hỏi.
Ông Lê Văn Hẳn – chủ tịch tỉnh Trà Vinh – cho rằng dự án đường số 1 đã rất lâu, Trà Vinh cũng, muốn giải quyết dứt điểm cho xong chuyện và không muốn kéo dài thêm nữa.
“Sau khi có kết luận thanh tra, tỉnh đã điều chỉnh quy mô dự án lại nhỏ hơn. Nhưng do vướng nghị định nên hiện giờ vẫn chưa thanh toán hợp đồng BT cho doanh nghiệp được. Người dân cũng chưa được bố trí tái định cư.
Tỉnh cũng chỉ mới tạm ứng một phần tiền cho doanh nghiệp.
Tôi cũng đã giao một phó chủ tịch làm tổ trưởng, vừa có báo cáo trung ương phương án giải quyết mấy ngày nay rồi, và chưa có kết quả. Còn yêu cầu của Cục Phòng chống tham nhũng, tôi cũng đã giao thanh tra cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án, hiện vẫn chưa có phản hồi từ Thanh tra Chính phủ” – ông Hẳn khẳng định.
San Hà (tổng hợp)