Chuyện nghe như đùa lại vừa xảy ra tại Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM
Giám đốc Sở cũng được chia tiền hỗ trợ COVID-19?
Thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) TPHCM ngay lập tức vận động mọi người đóng góp vào quỹ chống dịch. Thật là việc làm nhanh chóng và kịp thời. Mọi người đều nghĩ ông giám đốc sở đang chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng.
Để giúp chống dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Sở đã vận động 30 nơi đóng góp được 461.207.600 đồng cho Cơ sở cai nghiện ma túy, Cơ sở Bảo trợ xã hội cũng như các nhân viên y tế Bệnh viện Nhân Ái, Bệnh viện 1A, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và thăm viếng các địa phương.
Quả là đáng hoan nghênh khi nhiều nơi đang cần được tiếp tay để đối phó với dịch bệnh và khi kiếm ăn của phần lớn các gia đình đều bế tắc. Việc chống dịch cũng gặp vô vàn khó khăn vì thiếu tiền thì hành động này thật là kịp thời.
Sở đã chuyển 262,1 triệu đồng đến các nơi như Bệnh viện Nhân Ái, Bệnh viện 1A, cán bộ Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố 2 đợt…
Chi 25,5 triệu đồng tiền công tác cho 51 nhân viên đi quận, huyện để kiểm tra việc phân phát các gói an sinh xã hội và mua một số thiết bị, khẩu trang cho các cơ sở khác.
Ngoài ra, giám đốc Lê Minh Tấn đã chi gần 100 triệu cho 21 thành viên Ban chỉ đạo chống dịch của Sở. Trong đó, có cả bản thân ông Tấn. Mỗi người lãnh 4,6 triệu đồng, nhiều lãnh đạo các phòng ban chuyên môn và một số chuyên viên được nhận từ 1,6-4,6 triệu đồng/người.
Có thể ông Tấn nghĩ trong nạn dịch này “không ai thiếu ăn thiếu mặc” như ông đã từng đăng đàn trả lời nên chưa cần ủng hộ mà phải ủng hộ ngay “bộ tổng tham mưu” là Ban chỉ đạo phòng dịch để họ có sức còn đi hô hào, đi vận động mới mong đẩy nhanh dịch bệnh.
Nhưng không may, “sáng kiến” mà ông “phát minh” đã bị bại lộ.
Sau khi việc này vỡ lở, nhiều cán bộ nhận 4,6 triệu đồng đã ‘tự nguyện’ trả lại. Số tiền này được gửi vào tài khoản cá nhân của họ nhiều lần. Khi nhận, họ cũng chỉ hiểu đơn giản đây là tiền phụ cấp, chứ không biết là tiền lấy từ quỹ ủng hộ chống dịch Covid-19 của sở.
Được biết vào giữa tháng 10 năm 2021, khi đại dịch Covid lên cao điểm đẩy dân thành phố đang vô cùng khốn đốn trong bệnh tật, chết chóc, thiếu đói…, thì ông Tấn chính là người phát ngôn câu: “«Đánh giá trong gần 5 tháng qua, dich ở TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng, nhưng đến giờ này chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ».
Không những thế, ông Tấn còn nhắc đi nhắc lại cụm từ “…bảo đảm bà con thành phố không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai khốn khổ”, “…không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”!
Sau đó, thành phố phát tiền gọi là gói “an sinh” dành cho những người khó khăn gồm: Gói 1 cho một số lao động tự do. Gói 2 dành cho một số thành phần khác. Gói 2 “cộng” mở rộng hơn vì giãn cách kéo dài khiến người dân quá khổ. Gói 3 trong bối cảnh giãn cách xã hội bị tăng lên.
Dù vậy, số người dân cần được giúp đỡ quá lớn nên vẫn còn sót nhiều người khó khăn. Dư luận xôn xao với phát ngôn “chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch” của giám đốc Lê Minh Tấn bởi nhiều người thấy bản thân họ thực sự rất khó khăn vẫn chưa nhận được đồng nào hỗ trợ.
Việc cứu trợ hay từ thiện thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai tiếng. Có người nhận được tiền ủng hộ thì “ngâm” hàng nửa năm, khi phát giác chẳng đặng đừng mới đành giải ngân. Nguyên tắc công khai minh bạch và phải đến tay đúng người không được đặt lên hàng đầu. Trong việc này, ông giám đốc và sở của ông đã sai khi chi sai người, không công khai minh bạch… chỉ đến khi bị phát hiện mới báo cáo.
Nếu tình trạng này không chấn chỉnh sẽ thành tiền lệ, hễ cứ ai đi kêu gọi cứu trợ cũng lại giành 1 phần “cứu trợ” chính mình thì những người nghèo, những người bị thiên tai dịch bệnh lại chỉ là cái cớ cho họ kiếm tiền mà thôi.
Cán bộ “xẻ thịt” đất công
Chính quyền huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã mắc nhiều sai phạm trong việc “xẻ thịt” các khu đất công viên và giao đất cho hàng loạt cán bộ.
Nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã trúng đấu giá trọn gói 67 lô đất với diện tích 17.630m2 trái luật rồi bán lại cho nhiều người khác.
Trong năm 2017, 2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà đã tham vấn cho huyện giao thẳng 81 lô đất rộng 24.961,5m2 giá trị trên 5,8 tỉ đồng cho 54 người không đúng tiêu chuẩn, và cũng không qua đấu giá.
Đồng thời, trong giai đoạn trên, huyện Đắk Hà cũng cho đấu giá nhiều khu đất sai pháp luật.
Đơn cử tại khu vực tổ dân phố 9, thị trấn Đăk Hà, huyện đã vi phạm Luật Đất đai khi cho thực hiện 1 dự án rộng 24,7ha không nằm trong kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài khu đất trên, 2 khu đất tại tổ dân phố 7, thị trấn Đắk Hà gồm 19 thửa đất, rộng 4.733,9m2 cũng được đấu giá trọn gói.
Cũng trong giai đoạn này, huyện Đắk Hà đã phạm pháp rất nhiều khi cho chuyển nhiều đất nông nghiệp sang đất ở sai quy hoạch.
Huyện Đắk Hà cũng lấy giá đất cũ đã hết hiệu lực (năm 2016, 2017, có thời hạn hiệu lực là 6 tháng) để định giá đất năm 2018 là sai hoàn toàn.
Đáng lẽ không được phép nhưng Hội đồng đấu giá đã tự ý cho đấu giá trọn khu đất. Việc này khiến cho nhiều gia đình cần đất ở nhưng không đủ tiền tham dự đấu giá, trong khi đó lại tạo điều kiện dễ dàng cho một số người lợi dụng thâu tóm đất đai đầu cơ trục lợi.
Ngoài ra còn việc “xẻ thịt” các khu đất công viên và giao đất không qua đấu giá tại huyện Đắk Hà.
Các sai phạm về sử dụng đất, vi phạm xây dựng tại Công viên Tượng đài (thường gọi là Công viên Đắk Hà) và Vườn hoa trung tâm hành chính huyện Đắk Hà (thường gọi là Công viên 24-3).
Cụ thể, các công viên này đã bị chính quyền huyện Đắk Hà cho các thuê đất dài hạn, chuyển đất công viên sang đất thương mại dịch vụ.
Những sự việc trên trong giai đoạn 2017-2019, dưới thời các ông Nguyễn Cao Yến, là Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó chủ tịch huyện, phụ trách mảng kinh tế (đã nghỉ hưu) và ông Đoàn Ngọc Thắng, Chủ tịch huyện Đắk Hà (đã nghỉ hưu).
Mặc dù các vi phạm trên đã được phát hiện, kết luận nhưng việc kiểm điểm chưa tương xứng. Trong đó, người chịu trách nhiệm chính là ông Hoàng Nghĩa Trí, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch huyện Đắk Hà (hiện đã nghỉ hưu) chỉ bị khiển trách về mặt Đảng, cảnh cáo về mặt chính quyền!
Một số vi phạm chưa được khắc phục như: Tại 2 công viện, cửa hàng Viettel xây kiên cố 2 tầng, các công trình phụ trợ, quán cà phê vẫn chưa được dỡ bỏ… để trả lại nguyên trạng, nhất là việc kỷ luật công chức chưa nghiêm túc.
Tại huyện Đắk Hà, có 85 trường hợp vi phạm vì giao đất mà không qua đấu giá. Trong đó, có một số công chức huyện được giao nhiều đất như ông Nguyễn Thanh Dương, nguyên Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Hà được giao thửa đất rộng 651 m2; ông Phan Văn Cường, nguyên Phó Ban kinh tế HĐND huyện Đắk Hà (hiện là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch) được giao thửa rộng 180 m2. Nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Hà Phan Đức Thuyên cũng trúng đấu giá 67 lô đất rộng 17.630m2 nhờ đấu giá trái luật
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu ở nên để đất hoang hoặc bán đất kiếm lời. Trong số này có ông Phan Đức Toàn (con của ông Phan Đức Thuyên) được giao 480 m2 đất, hiện đã bán 200 m2 cho người khác.
Còn rất nhiều trường hợp là lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo các cơ quan thuộc Huyện ủy, UB huyện… được giao đất nhưng để trống không sử dụng hoặc bán lại lấy chênh lệch.
Đối với những trường hợp đó, chỉ tạm tính tiền sử dụng đất của 13 trường hợp thì thấy ngay giá đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu trên 885 triệu đồng!
Bí thư, Chủ tịch xã liên quan vụ cơ sở tái chế dầu nhớt
Bí thư, Chủ tịch xã Bình Trung, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bị tạm ngưng chức vì liên quan đến vụ để cơ sở tái chế lậu nhớt thải thành dầu FO hoạt động lâu dài ở địa phương.
Đầu tháng 3, cơ sở nấu dầu FO bị kiểm tra nằm giữa cánh đồng tổ 8, thôn 5, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phát hiện nơi này có hàng nghìn lít dầu giả.
Trên khu đất của bà Cao Thị Thanh Hoa, cơ sở nấu dầu của ông Trần Thiện Minh (39 tuổi, trú tại phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa) có nhiều dụng cụ: lò nấu, máy bơm, bồn chứa, đường ống, hóa chất, axít… để chưng cất, pha chế dầu nhớt thải ra thành phẩm. Sau đó được đưa đi tiêu thụ ở nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.
Cơ sở sản xuất lậu này rộng khoảng 4.000m2, bên ngoài quây rào tôn cao từ 2-3m kín mít, bên trong có 9 bồn chứa dầu thành phẩm màu vàng nhạt với dung tích khoảng 1.000 lít/bồn. Hàng trăm thùng phuy rỗng và các can nhựa hóa chất màu xanh để ngổn ngang, hệ thống máy bơm, ống dẫn nhiên liệu, dầu… được lắp đặt chi chít.
Khu chế biến lắp đặt 2 lò nấu dung tích lớn. Lúc đoàn kiểm tra ập vào, hai lò nấu còn đang đỏ lửa, ống khói vẫn ùn ùn nhả khói đen và bốc mùi hôi nồng nặc. Phía sau cơ sở còn đào một con mương lớn rộng 3m, dài hàng chục mét được lót bạt chứa nước dành cho việc nấu dầu.
Đây là một cơ sở sản xuất dầu lậu công suất lớn, trung bình khoảng 200.000 lít/tháng, chuyên thu mua, tái chế dầu nhớt đã qua sử dụng (thuộc chất thải nằm trong danh mục nguy hại). và không có các loại giấy phép theo quy định (giấy phép kinh doanh, hành nghề, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, hóa đơn chứng từ), thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Lúc kiểm tra có 9 người đang chưng cất (đốt lò nấu) dầu nhớt thải, bơm hút dầu nhớt thành phẩm lên xe bồn có dung tích 16.000 lít, cùng 1 xe tải có cẩu chở các bao hóa chất trên bao bì ghi “SILICA GEL” (xuất xứ Trung Quốc) và 1 xe tải chở 30 thùng phuy loại 200 lít dầu nhớt thải đến cơ sở để bán.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ nhiều vật dụng: 9.000 lít dầu nhớt đã sử dụng, 10.000 lít dầu tái chế, nhiều can nhựa màu xanh, nắp đỏ, cao 40cm dùng để lọc trắng, tạo màu cho dầu nhớt thành phẩm, nhiều bao tải hóa chất dùng để để thử nghiệm lọc dầu… và mời 9 người (trong đó có chủ cơ sở) về làm việc.
Nhân công làm ở đây cho biết dầu thải mua về sẽ được pha trộn với hóa chất, nấu thành dầu FO giả rồi bơm ra các bồn chứa và chờ xe bồn đến bơm hút đi tiêu thụ.
Chủ cơ sở là Trần Thiện Minh thừa nhận trực tiếp mua dầu nhớt thải về, hướng dẫn công nhân đổ vào các rãnh để lọc các tạp chất và rác thải, rồi bơm lên buồng đốt để cho nước bay hơi.
Sau đó Minh trực tiếp pha chế với các phụ gia ở công đoạn cuối để ra thành phẩm là loại dầu FO, trực tiếp liên hệ và mua bán dầu nhớt đó với những người cần nhiên liệu đốt lên làm nóng trong sản xuất nông sản.
Dầu nhớt thải được mua với giá dao động từ 600.000 đến 1 triệu đồng/1 thùng 200 lít và dầu tái chế rồi được bán ra từ 10.000 đến 16.000 đồng/lít.
Như vậy, chủ cơ sở đã vi phạm pháp luật về sản xuất, mua bán hàng hóa giả; Vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng.
San Hà (tổng hợp)