Khi nào hết dịch

Trận đại dịch đã khiến cho nhiều sinh hoạt trước đây rất đỗi bình thường thì nay không còn an toàn nữa. Nhưng không vì vậy mà người ta không dám mơ ước và tưởng tượng ra những chuyến đi nghỉ mát, tham dự những buổi hoà nhạc, và bày tỏ sự thân thiện bằng những cái bắt tay với người thân, bạn bè một khi hoàn cảnh cho phép.

Tuy nhiên, có điều không may là thời kỳ hậu đại dịch tuyệt diệu đó mà rất nhiều người đang khao khát có thể sẽ không đến cùng một lúc như hằng mong đợi. Nếu như một ngày nào đó trận đại dịch chấm dứt – nghĩa là người ta cảm thấy đủ an toàn để tiếp tục cuộc sống bình thường, hoặc gần như vậy – thì đó là điều quá sức lý tưởng, nhưng chắc gì người ta có thể xác định một cách chính xác cái kết thúc của nó, vì còn tuỳ thuộc vào tâm lý và quan điểm của từng mỗi cá nhân, mà những thứ này thì rất trừu tượng, mỗi người mỗi ý, làm sao tìm được một mẫu số chung. Thế nên, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng ta nên chuẩn bị tinh thần để từ từ bước vào một cuộc sống bình thường mới, và mốc khởi điểm là do mỗi người tự lựa chọn cho mình. Có như vậy người ta mới sẽ bớt thất vọng hơn nếu như cuộc sống bình thường mới không diễn ra đúng như người ta dự đoán.

Dù kết thúc của trận đại dịch có thể như thế nào, ngay vào lúc này người ta vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm: mỗi ngày thế giới vẫn còn hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh và hàng ngàn người qua đời vì Covid-19. Tuy nhiên, khi sự đe doạ của trận đại dịch cuối cùng giảm bớt đi, thì đây là một tiến trình có thể sẽ diễn ra một cách từ từ, nỗi lo sợ của người dân mỗi ngày mỗi giảm đi một chút, và cùng lúc thi sự tin tưởng đối với cuộc sống mới cũng tăng lên một chút theo chiều tỷ lệ nghịch. Không thể có chuyện bỗng dưng một buổi sáng thức dậy, mở mắt ra và thấy trước mắt người ta đổ xô ra đường mừng vui như trong một ngày trẩy hội.

Về phương diện dịch tễ học, hiện nay vẫn chưa có một mô hình rõ rệt nào để xác định rằng trận đại dịch đã kết thúc. Nói kết thúc có nghĩa rằng khi con vi khuẩn corona hoàn toàn bị tiêu diệt, và điều này thì không thể có, hay ít ra chưa thể có trong thời gian ngắn sắp tới. Có người đã dí dỏm đưa ra ý kiến rằng nếu như chưa thể ký hoà ước với con vi khuẩn thì vẫn còn một lựa chọn khác là chấp nhận một giải pháp tạm thời ngừng bắn. Để tiêu diệt hoàn toàn con vi khuẩn – nghĩa là vi khuẩn corona không còn lưu hành ở người hoặc động vật nữa – là một kết quả mong ước nhưng khó có thể xảy ra, một phần là vì con vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục xâm nhập vào những nhóm người dễ bị lây nhiễm ở bất kỳ đâu trên trái đất một cách dễ dàng, thậm chí trong một thời gian dài nữa.

Nếu ta lấy đó làm thước đo xác định về một thời điểm an toàn để mọi người có thể sinh hoạt bình thường trở lại quả thật là một công việc không hề đơn giản, thậm chí điều đó có thể đưa tới những hiểu lầm tai hại. Sau nhiều tháng trời sinh hoạt ở một mức độ giới hạn, có thể nói hầu như mọi người đang mong mỏi chờ đợi cho đại dịch chấm dứt càng sớm càng tốt để họ có thể trở lại sống một cuộc sống bình thường, được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn, đặc biệt là những dự tính trước khi đại dịch xảy ra, mà không phải lo sợ con vi khuẩn.

Nhưng người ta sẽ không cảm thấy thoải mái để thực hiện dự tính hay làm bất cứ việc gì nếu như chưa có bằng chứng nào chứng tỏ cho thấy sự an toàn, chẳng hạn một loại thuốc chủng ngừa hiệu quả được bào chế và phân phối tới cho mọi người. Quả thật chỉ khi nào các nhà khoa học thành công tìm ra loại thuốc chủng ngừa có hiệu quả thì tới lúc đó người ta mới thực sự nắm trong tay chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai thời hậu đại dịch. Thuốc chủng sẽ mang đến cho người ta cảm giác an toàn, nhẹ nhõm hơn, bớt đi chút lo lắng, nhưng có lẽ nó sẽ không ngay lập tức đưa cuộc sống trở lại bình thường, mà chỉ mới là sự khởi đầu của một chặng đường dài và chậm để tiến tới tình trạng bình thường.

Do đó, mặc dù nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ ràng trận đại dịch bắt đầu ra sao, nhưng rất có thể mọi người sẽ không cùng nhau trải qua cái khoảnh khắc đánh dấu sự kết thúc của nó. Sự khác biệt đứt đoạn giữa tiền đại dịch và hiện tại là điều dễ nhận thấy, nhưng cái quá trình chuyển đổi từ hiện tại sang hậu đại dịch có thể sẽ rời rạc hơn, lộn xộn hơn và có lẽ không đi theo một trật tự nhất định nào.

Rồi ra khi đại dịch chấm dứt, người ta sẽ xử sự ra sao với cuộc sống mới đây? Điều này có thể có liên quan đến mức độ thay đổi đột ngột trong cuộc sống của họ sau thời đại dịch. Nếu là một người bình tĩnh, có bản năng, thì sau một thời gian ngắn bị chưng hửng, hụt hẫng khi nhận thấy những kỳ vọng của họ về những gì sắp xảy ra bắt đầu bị đảo lộn, thì người đó vẫn có thể định hướng lại, tự mình tìm được lối ra để trở lại đúng con đường đưa về lại căn nhàbình an.

Ngay cả khi những người muốn nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống bình thường thì họcũng sẽ phải chấp nhận một điều thực tế rằng họ sẽ không thểđạt được điều họ muốn. Nhiều người nay coi việc đeo mặt nạ khi ở nơi công cộng cũng giống như bao nhiêu thói quen bình thường khác. Mà quả thật, đại dịch kéo dài đã quá lâu nên nhiều người cũng không còn chờ đợi, mong ngóng cái ngày đại dịch chấm dứt như trong thời gian đầu nữa. Mong thì có mong đấy, nhưng chờ đợi, dự đoán nó như một điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần thì không hẳn thế. Xem nó như một phần của đời sống, tạm thời chấp nhận sống chung với nó vào lúc này có lẽ là thái độ thích hợp nhất để tồn tại, vượt qua.

Nhưng trong trường hợp trận đại dịch chỉ biến mất một cách từ từ – mà lại không có một dấu hiệu rõ ràng nào chỉ cho thấy về sự an toàn để trở lại sinh hoạt bình thường – thì đối với một số người, rất có thể nó còn gây thêm lo lắng. Đặc biệt là những ai đã sẵn bị chứng rối loạn lo âu thì cách chấm dứt như nói ở trên có thể là một cực hình đối với họ: căng thẳng tinh thần, u sầu, ủ rũ – trong khi những người khác thì đang bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc sống bình thường và an toàn trở lại.

Và khi trận đại dịch thực sự chấm dứt, các chuyên gia y tế công cộng có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc truyền đạt những biện pháp phòng ngừa để khuyên mọi người nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ của chính họ. Trận đại dịch có thể đã đi qua, con vi khuẩn corona có thể đã bị chế ngự nhưng thực sự nó vẫn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt, vẫn còn quanh quẩn đâu đó mà nếu như không cẩn thận đề phòng thì rất có thể nó sẽ hoành hành trở lại. Con người là loài động vật chóng quên: trong lúc đại dịch thì có sợ thật đấy và làm đủ cách để bảo vệ chính mình, nhưng khi đại dịch vừa chấm dứt chưa bao lâu thì đã quên ngay và không để ý tới những hành vi bất cẩn của mình. Đó có thể là một lỗi lầm to lớn vì vô tình tạo cơ hội cho con vi khuẩn quay trở lại.

Nhưng có lẽ sự xác nhận cuối cùng rằng trận đại dịch đã kết thúc không hẳn là từ những thông điệp có khả năng gây mâu thuẫn từ các nhà lãnh đạo và các chuyên gia y tế công cộng mà là từ chính họ chủ quan tự quyết định. Ví dụ, khi người ta cảm thấy đã đủ an toàn để làm những công việc họ dự tính từ lâu thì đó chính là dấu hiệu cho thấy trận đại dịch đã thực sự kết thúc. Người ta có thể tổ chức tiệc tùng trở lại, có thể rủ nhau đi coi hoà nhạc, đi mua sắm mà không phải lo sợ vu vơ về một điều nguy hiểm có thật.

Những điều nói ở trên cho ta thấy một định nghĩa khác về sự kết thúc của đại dịch, một định nghĩa không dựa trên số trường hợp nhiễm bệnh hay từ lệnh của chính quyền mà dựa trên sự trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Theo định nghĩa này, đại dịch kết thúc theo quan điểm của từng người ở một thời điểm nào đó. Đối với một số người, trận đại dịch đã kết thúc: Đó là những người thật sự tin rằng không hề có đại dịch. Đó cũng là những người đã quyết định rằng không còn đại dịch hay đại dịch không còn là điều đáng sợ. Nhưng cũng có những người cẩn thận và khôn ngoan hơn, nhẫn nại chờ đợi thêm một thời gian cho an toàn trước khi quyết định rằng đại dịch đã kết thúc.

Nói chung, sự kết thúc của trận đại dịch rất mơ hồ và sẽ không có một thời điểm rõ rệt để tất cả mọi người cùng lúc có thể tiếp tục cuộc sống bình thường của họ như trước đây.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email