Khi Người Ta Ghen

Tranh vẽ người hầu gái (áo đen, đứng phía sau) buồn bực nhìn cô chủ chuyện trò vui vẻ với khách

THƯA QUÝ BẠN, ghen là một trong các bản năng của con người. Khi đã ghen thì người ta khó kìm hãm được sự nóng giận, không kiểm soát được  lý trí, từ đó có thể gây nên những việc đáng tiếc. 

Đứng về phương diện tâm lý và cơ thể học, ghen có ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, nó làm giảm trí thông minh sự suy nghĩ không còn logic, đánh mất sự tự tin, tiêu tan độ kiên nhẫn, kể cả  mất nhân cách của con người. 

Tranh Đông Hồ Việt Nam về đánh ghen

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ghen – với  một mức độ nào đó nhất định – lại có tính cách tích cực vì nó chứng tỏ tình cảm sâu nặng giữa hai con người đồng thời  góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa đôi bên. Một chút hờn giận sẽ làm cho tình yêu thêm nồng nàn và thắm thiết hơn. Ví dụ chàng và nàng đi chơi trên phố, chàng “lỡ” nhìn một cô gái và khen cô ta đẹp. Nàng giận dỗi chút đỉnh khiến chàng phải nói chữa rằng cô ta đẹp nhưng mắt hơi to, người hơi gầy, làm sao sánh với em  được (thật ra con gái mắt to và thân hình  mảnh mai thì lại càng đẹp. Đấy, quý bạn thấy các cô gái trong các bản nhạc của Trịnh Công Sơn có cô nào mập đâu). Biết là chàng nói dối, nàng “hứ” một tiếng rồi nhoẻn miệng cười: “Anh chỉ được cái nịnh chứ em đẹp gì mà đẹp!” Nói thế song trong trong lòng nàng khoái lắm, hãnh diện lắm và càng thấy yêu chàng hơn. Đúng là một chút dỗi hờn có làm cho tình yêu thắm thiết hơn thật. Nhưng nếu khi người ta ghen tuông mù quáng tới mức chửi bới nhau, đánh lộn nhau thì không còn phải là “có yêu mới ghen” nữa mà là căm tức,  coi “một nửa của mình” là kẻ xấu xa, phản bội, không thể tin được. 

Có điều hơi lạ là “máu ghen” của phái nữ mạnh hơn phái nam, dễ nổi “tam bành lục tặc” hơn  phái nam, nhưng khi chàng lãng tử đã biết “tội” của mình, hoàn toàn thay đổi và quay trở lại với gia đình thì phái nữ dễ tha thứ phái nam.  

Tranh của Nathale Schivoni (Ý, vẽ năm 1820):ánh mắt người phụ nữ tức giận và buồn xa xăm, tay cầm bức thư

Một điều khác cũng đặc biệt không kém là khi gặp trường hợp người chồng ngoại tình thì bất đắc dĩ lắm người vợ  sẽ  trừng phạt “kẻ thứ ba” bằng những cách như thuê người đánh đập, cắt tóc (gọi là “xởn” tóc vì cố tình cắt cụt cho nham nhở), lột quần áo giữa đường phố, hoặc ghê rợn nhất là tạt a-xít. Trong khi đó, nếu người chồng nghi ngờ vọ hoặc bắt được vợ ngoại tình, họ có thể giết vợ (chứ không phải giết “kẻ thứ ba” tức tình địch). Nói chung, khi người chồng ngoại tinh, người vợ có thể tha thứ và gia đình không tan nát. Còn trường hợp nếu người vợ ngoại tình, người chồng có thể giết người vợ và gia đình sẽ tan nát vô phương cứu chữa.

Sau đây, về chuyện phụ nữ ghen, chúng tôi không trình bày bằng lời mà xin gửi đến quý bạn những bức tranh cổ đã được nhiều người người biết của các nước như Việt Nam, Ý, Pháp, Nhật…Ví dụ như bức tranh Đông Hồ của Việt Nam, quý bạn sẽ thấy người vợ giơ chiếc kéo muốn “xởn” tóc người tình của chồng nhưng người chồng che chở, đã vậy tay lại còn đặt lên bộ ngực với hai cái “tí” trần của người tình. Tại sao người xưa ở làng Đông Hồ lại vẽ như vậy? Ý tác giả muốn nói sự liên hệ giữa người chồng với cô “bồ nhí” chỉ là vấn đề tình dục. Trẻ con, người lớn đứng coi, mặt cô “bồ nhí” vẫn bơ bơ, chẳng biết xấu hổ là gì. Tất cả những bức đều có ghi chú ở bên dưới. Còn sau đây là hai câu chuyện về đàn ông ghen, xin mời quý bạn xem xét…

Sự đổ vỡ sau cơn ghen của người chồng

“Giá như bố cháu  biết suy nghĩ, đừng ghen tuông nóng nảy thì hai đứa chúng  cháu đâu đến nông nổi này. Những ngày không có cha, hai anh em cháu chỉ còn biết đùm bọc nhau mà sống…”.

Khi bị dẫn giải từ tòa án lên xe tù, bị cáo – bây giờ là phạm nhân – cố rướn người qua hàng rào bảo vệ nhìn người thân đang tất tả chạy theo phía sau. 

Trong khi hai bên nội ngoại lao vào đấu khẩu với nhau khiến không khí sân tòa náo loạn, hai đứa trẻ đứng khóc một mình, không biết bênh bên nào, rồi lủi thủi ra về cùng bà nội – về nơi không có bóng mẹ, bóng cha…

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Mạnh ngồi gục đầu trên ghế bị cáo

Phiên tòa xử lưu động đông nghịt, phòng xử không còn ghế trống, người xem đứng chen kín cửa. Trong phòng xử, không khí căng thẳng, ngột ngạt. 

Dãy ghế bên phải là thân nhân phía người bị hại, gồm vợ và mẹ vợ của bị cáo. Dãy bên trái, thân nhân bị cáo gồm mẹ ruột và hai con của bị cáo. Thỉnh thoảng, bên phía người bị hại lạ ném cái nhìn như có lửa về phía thân nhân bị cáo. 

Còn phạm nhân thì hai tay bị còng, ngồi sau chiếc bàn bị cáo, luôn tận dụng cơ hội để quay đầu xuống nhìn hai con trai đang ngồi bên bà nội.

Chuông reo. Phiên xử bắt đầu.

Theo cáo trạng, Trương Văn Tấn và vợ là chị Trần Thị Ánh lấy nhau đã  được 16 năm và có hai con trai. Giữa năm 2019, Tấn và vợ thường xảy ra cãi vạ, gây gổ do Tấn nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác. 

Mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt, khiến chị Ánh bỏ nhà lên Sài Gòn làm thuê nhưng giấu biệt, không cho chồng biết địa chỉ. Nhiều lần Tấn đến nhà cha mẹ vợ hỏi chỗ ở của vợ nhưng không được. 

Chiều hôm đó, sau khi nhậu xong, Tấn đi tìm cha vợ để năn nỉ ông kêu vợ về giùm. Nhưng cha vợ chẳng những từ chối mà còn la mắng con rể. Vậy là trong hơi men, Tấn bèn rút dao đâm chết cha vợ…

Tại tòa, bị cáo bào chữa rằng rất thương yêu vợ nhưng không ngờ vợ lại bỏ đi. “Bị cáo đã nhiều lần đến nhà năn nỉ cha mẹ vợ nhờ kêu vợ bị cáo về, còn không thì cho địa chỉ của vợ ở trên Sài Gòn để bị cáo lên kiếm nhưng cha mẹ vợ khăng khăng một mực không cho. Bữa hổm ngồi nhậu bên lề đường với bạn bè, trông thấy vợ chồng người ta chở nhau đi trên đường, vừa đi vừa chuyện trò thân mật, bị cáo buồn lắm và rất nhớ vợ. Nhậu xong bị cáo tìm gặp cha vợ để năn nỉ, không ngờ cha vợ la mắng rồi nói: “Mày năn nỉ, vợ mày mà về với mày thì tao không phải con người. Vợ chồng gì mà tối ngày gây lộn hổng có bữa nào yên!…”. Sẵn có chút hơi men, lại thêm bị la mắng nên  bị cáo tức giận, rút dao ra đâm đại chớ không phải bị cáo cố ý  giết ông già”. Đến đây chủ tọa phiên tòa ngắt ngang: “Tại sao đi nhậu với bạn bè mà bị cáo có sẵn con dao nhọn trong túi quần? Đây, con dao tang chứng đây, bị cáo trả lời thế nào về việc đó?”, vừa nói vị chủ tọa vừa mở cái bịch ny-lông bên trong có con dao nhọn dài khoảng hơn một gang tay vết máu đã khô, giơ lên. Mạnh không trả lời được, sau đó mới ấp úng nói là mang theo để phòng thân. “Hừ, phòng thân! Bạn bè đi nhậu mà phải mang theo dao nhọn để phòng thân, bị cáo nói không ai tin nổi!”. Trong khi đó, trông thấy con dao dính máu đã khô, bà mẹ vợ Mạnh bỗng òa lên khóc: “Nó ác quá mà, thứ đồ vô ơn bạc nghĩa…”.

Vị chủ tọa quay sang hỏi người vợ: “Tại sao chị lại bỏ đi?”. Người vợ trình bày: “Thưa quý tòa, tại hung thủ nghiện rượu, cứ hễ mỗi lần uống say là đánh vợ chí chết, lại lè nhè chửi bới rất khó chịu. Bây giờ không hiểu tại sao anh ta đâm ra ghen tuông vô cớ, lại càng  hay đánh tôi nhiều hơn nữa, tôi chịu không nổi nên phải bỏ đi”. 

Chủ tọa hỏi Mạnh là có đúng bị cáo nghiện rượu và hay đánh vợ không? Tấn trả lời rằng do bị cáo rất thương yêu vợ nên khi nghe nói vợ cặp với người khác, bị cáo tức giận mới hóa uống rượu và đánh vợ. 

Chủ tọa phân tích: “Bên cạnh việc sái quấy là nghiện rượu và bạo hành vợ, bị cáo đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, gây ra hậu quả khốc liệt không thể sửa chữa nổi. Giả sử nếu vợ sái quấy, bị cáo không chấp nhận được thì xin ly dị. Còn nếu có thể tha thứ thì chì chì chỉ khuyên gi3i bỏ qua, tại sao lại giết  cha vợ? Cha vợ thì có khác gì cha mình?”. Tấn  cúi mặt không trả lời.

Tại tòa, với giọng căm phẫn, mẹ vợ bị cáo nói: “Yêu cầu tòa xử thật nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác.  Gia đình tôi đối xử với nó rất tốt. Thấy vợ chồng nó nghèo, nhà cửa mục nát, dù chẳng giàu có gì nhưng chúng tôi cũng cho vợ chồng nó 28 triệu đồng để sửa chữa lại lấy chỗ học hành cho hai đúa cháu ngoại. Vậy mà nó nỡ lòng nào đâm chết ông nhà  tôi…». Nói xong bà lại khóc. 

Ngay cả chị Ánh cũng nói rằng không bao giờ tha thứ cho bị cáo. Chị cũng xin tòa xử thật nghiêm minh đối với kẻ giết người, nhất là lại giết cha vợ thì chẳng khác gì loài cầm thú. 

Kết quả là tòa tuyên án bị cáo Trương Văn Tấn 18 năm tù về tội giết người. Như vậy, nếu nói về đạo lý, hình phạt 18 năm tù đối với tội  “con rể giết chết cha vợ”của Trương Văn Tấn vẫn còn là nhẹ – nhiều người phê bình như thế. 

Cơn ghen của người chồng  tật nguyền 

Khi người con trai tàn tật duy nhất trong gia đình bị lãnh án tù chung thân về tội giết vợ, ông bà Minh nghèo khó sống về nghề làm ruộng chỉ lo nếu lỡ vợ chồng mình đau yếu thì không nuôi nổi năm đứa cháu mồ côi.

Sáng ngày 12/01/2021, khi chiếc xe tù chở phạm nhân đậu lại trước cửa phòng xử Số 7 TAND Hà Nội, nhiều người đang chuyện trỏ bỗng dưng im bặt, chăm chú nhìn cảnh sát tư pháp mở cửa xe, từ phía bên trong Đặng Hùng Mạnh hai tay bị còng được đỡ xuống. Hai chân Mạnh bị liệt, đi đứng khó khăn với cặp nạng, lẽ ra chẳng cần phải còng nhưng theo nguyên tắc, ngươi ta vẫn còng và hai tay Mạnh liên lạc với nhau bằng một sợi dây xích inox nho nhỏ khá dài. Có hai cảnh sát đi kèm hai bên. 

Vào tới phòng xử, miêng Mạnh đeo khẩu trang nhưng mặt cúi gằm, chỉ hơi  lén liếc mắt lên nhìn những người ngồi trên những hàng ghế trong căn phòng không lấy gì làm lớn. Có những gương mặt bà con quen thuộc, làng xóm láng giềng, chỉ thiếu bố mẹ và 5 đứa con của Mạnh.

Ông nội bế đứa cháu trai út mới 2 tuổi đã bị đồn oan

Gã đàn ông tật nguyền liệt cả hai chân đó bị cáo buộc tội giết vợ –  chị Trịnh Thị Thu Nga – do nghi ngờ vợ không chung thuỷ. 

Sáng 06/8/2020, Mạnh tra hỏi vợ về tin đồn đứa con trai út, sinh cuối năm 2018, tức mới 2 tuổi, không phải con ruột của mình. Bị hạch hỏi song chị Nga không trả lời, vẫn dắt xe máy ra cổng. Mạnh chống nạng, vào trong bếp lấy chiếc đục đã mài sẵn rất bén, bỏ vào túi quần rồi lếch thếch đuổi theo, nắm phía sau chiếc xe lại và đoạt mạng vợ bằng 8 nhát đâm với chiếc đục đã mài bén ngót.

Khi HĐXX thông báo kết quả giám định DNA cho thấy giữa mình và con trai út có quan hệ huyết thống, Mạnh run rẩy nói gần như khóc: “Bị cáo biết mình sai rồi, tội lỗi đó khó tha thứ!”.

Cúi đầu suốt phiên xét xử, Mạnh thừa nhận mù quáng vì ghen tuông đã đẩy vợ vào cái chết oan uổng, để lại cha mẹ già và 5 đứa con bơ vơ. Trong phòng xử có những tiếng khóc tấm tức…

Ngày Mạnh bị xét xử, trong căn nhà sát bờ sông Hồng ở thôn Bài Nha, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, bà Nguyễn Thị Ky, mẹ Mạnh, trở dậy lúc 4 giờ sáng như thường lệ trong cái rét 8 độ C. Bà đắp lại chăn cho 3 đứa cháu gái  và 2 đứa cháu trai rồi xuống bếp xắt thân cây chuối nấu cám lợn. Thấy thoảng có mùi nhang từ nhà trên bay xuống, bà biết, ông Minh chồng bà cũng đã thức dậy, thắp nhang để cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho đứa cháu tội lỗi.

Con trai duy nhất hôm nay ra toà nhưng ông bà không thể đến TAND Hà Nội. “Thấy nó, tôi đau lòng chết mất”, bà Ky, 63 tuổi, khóc khi nhắc đến con. Bà bị bệnh tim bẩm sinh, nặng chưa đầy 32 kg nhưng vẫn xin thêm 2 sào ruộng để cày cấy và đi làm thuê khắp huyện.

Khi phiên toà vừa kết thúc, chuông điện thoại của ông Minh reo lên sau đó. Ông nghe xong, run rẩy làm đổ bát cơm trưa đang bón dở cho thằng cháu 2 tuổi. Bà Ky nhìn chồng, biết nội dung cuộc điện thoại, miếng cơm trong miệng bà đắng ngắt. Mấy đứa cháu gái im lặng, mặt cúi gằm, lùa vội cho xong bát cơm chan với nước dưa đang ăn dở, rồi bảo nhau thu dọn mâm bát đem đi rửa.

Ông Minh nói nhỏ với vợ: “Bố mấy đứa cháu bị tù chung thân”. Bà Ky hỏi: “Liệu người ta có tha cho về sớm hơn không?”. Ông Minh nói: “Chưa biết. Nhưng theo nguyên tắc, tù chung thân tức là tù suốt đời. Khi nào già yếu hay bệnh tật sắp chết họ mới báo cho gia đình biết tới đón về”. Nói xong ông đi ra cửa, bỏ lại phía sau có tiếng bà Ky thở dài não nuột có vẻ thất vọng.

Hơn 20 năm trước, Đặng Hùng Mạnh bị tai nạn ngã từ trên cây xuống đát, chấn thương cột sống, liệt cả hai chân. Ba năm sau, Mạnh cưới Thu Nga, cô gái cùng xóm quen biết nhau từ nhỏ. Vợ chồng dựng căn nhà cuối xóm, xin bố mẹ cho ra ở riêng. Năm đứa trẻ lần lượt ra đời.

Thời buổi này thanh niên thiếu nữ vào trong Nam nhiều, ruộng đất ế, một mình chị Nga vợ Mạnh làm hơn mẫu ruộng. Chị thường dậy rất sớm, đeo đèn pin chạy bằng bình ắc-quy trước trán, ra đồng từ 3 giờ sáng. Đến cỡ 7 giờ, mặt trời ló rạng thì chị về lo cho các con ăn cơm, đi học, còn mình quảy quang gánh tới gánh gạch thuê cho nhà máy gạch. Chị làm quần quật suốt ngày, trong khi đó Mạnh chống nạng đi nhận vải về may gia công quần áo tại nhà. Anh khéo tay, khi có người đặt đóng bàn ghế tủ giường, anh xẻ gỗ đóng đồ mộc.

Ông Minh lắc đầu than thở với hàng xóm: “Từ ngày vợ chồng nó ra ở riêng, tôi chưa bao giờ tôi thấy hai đứa nó than cực nhọc hay to tiếng với nhau. Vậy mà không ngờ sự việc lại xảy ra kinh khủng đến thế”.

Sáng sớm hôm đó, ông Minh đang đút cháo cho đứa cháu út ăn thì nghe người quen báo tin dữ. Ông hoảng hồn bế cả thằng bé chạy vào nhà con trai thì thấy Mạnh đang ngồi trước sân ôm mặt khóc, tay chân dính máu, chiếc đục cũng dính máu vứt bên cạnh. Ở gần cổng, xác chị Nga nằm sóng soãi bên chiếc xe Honda cũ đổ nghiêng giơ hai bánh trông rất thảm hại. Đứa con gái 8 tuổi chị của hai đứa em trai chưa kịp đi học đang kêu khóc gọi mẹ…

Từ hôm bố bị bắt, mấy đứa trẻ đều tới ở với ông bà nội, căn nhà của gia đình các cháu đóng cửa gần như bỏ hoang. Đứa con gái lớn nhất đang học lớp 12 buồn quá nói với ông bà nội cho mình nghỉ học, xin vào làm công nhân trong nhà máy gạch để phụ vói ông bà nội. Nhưng cô giáo chủ nhiệm nói nó thông minh, học giỏi, cố gắng học hết lớp 12, đi thi tú tài thế nào cũng đậu rồi thi vào trường Sư phạm Mầm non hay trường Y tế trung cấp thì đồng lương tương đối đỡ hơn chứ nó mảnh mai, không làm công nhân khuân vác gạch được. Ông nội cũng nói như thế, nó đành nghe lời. Đứa con gái thứ hai đang học lớp 11 cũng  đinh xin nghỉ để đi đi giữ em cho người ta, mỗi tháng cũng được vài ba triệu, lại bớt một miệng ăn trong gia đình. Bà nội bảo bà còn sống ngày nào thì còn cố gắng lo cho chúng nó đi học, nó lại nghe theo bởi vì mấy chị em nó rất ngoan, luôn luôn vâng lời người lớn

Bà nội mệt vì bệnh tim nhưng cố gắng đi làm đồng để nuôi các cháu

Cái gia đình nhỏ bé, đông con của vợ chồng Mạnh trước đây đang êm ấm bỗng dưng tan nát, người chết, người đi tù chỉ vì lời đồn bậy bạ của những kẻ lắm chuyện rằng thằng bé út không phải con của Mạnh. DNA đã chứng minh điều đó không đúng sự thật, dù Mạnh có hối lỗi thế nào cũng không được nữa, chỉ tội nghiệp cho chị Nga và mấy đứa con mà thôi.

Đoàn Dự 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email