Khi Thầy Thuốc Bỏ Nghề

Từ khi còn là đứa bé, đứa bé ấy đã chơi trò bác sĩ. Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị, giải phẫu cho những bệnh nhân tưởng tượng. Đứa bé nhìn hình ảnh người thầy thuốc trong chiếc áo choàng trắng, với cái ống nghe vắt ngang vai, với ống chích, với con dao mổ… bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Đứa bé gạt nước mắt nhìn những người bệnh cắn răng chịu cơn đau, những người tật nguyền lê lết đầu đường, xó chợ; đứa bé mơ ước mình có thể làm được điều gì đó, giúp xoa dịu cơn đau của người bệnh. Đứa bé nhìn người bệnh nan y, mơ ước lớn lên, học để thành bác sĩ, nghiên cứu, tìm phương thuốc chữa dứt những cơn bệnh ngặt nghèo.
Bạn thân mến, phần lớn những người thầy thuốc bắt đầu sự nghiệp của mình như thế.
Đứa bé lớn lên mang theo ước mơ ban đầu ấy trên vai. Đứa bé thành cậu thanh niên chuyên cần học hỏi. Cậu học ngày học đêm, mong thi đậu vào trường Y. Cậu thanh niên trở thành sinh viên y khoa. Phần đầu của ước mơ đang trở thành hiện thực. Những cuốn sách giáo khoa của những năm học y khoa nếu giữ lại và xếp chồng lên nhau, có thể cao hơn chiều cao trung bình của một sinh viên y khoa vừa tốt nghiệp. Những cuốn sách giáo khoa ấy, người sinh viên không được phép bỏ qua bất kỳ trang nào. Những danh từ lạ tai, những tên gọi bằng tiếng La Tinh của từng bộ phận thân thể. Nếu chỉ thuộc những tên gọi bằng tiếng mẹ đẻ thì sẽ không có khả năng tham khảo sách y khoa nước ngoài. Rồi những giờ thực tập của tất cả mọi môn học. Hàng trăm con vi trùng, hàng ngàn con ký sinh trùng với những đặc tính khác nhau, không được phép nhầm lẫn trong điều trị. Những triệu chứng, những dấu hiệu, những con số bình thường của những chất nọ, chất kia trong cơ thể. Những tên thuốc không được phép nhầm lẫn… Tôi nghĩ con đường của sinh viên y khoa là con đường gian nan hơn bất kỳ con đường của các ngành, các môn học khác.
Kế đến là những buổi thực tập bệnh viện, những đêm trực thở không ra hơi vì đuối sức. Nhưng người sinh viên y khoa vẫn cố bước tới bởi cái lý tưởng ban đầu luôn thắp sáng trong tâm tư họ.
Rồi ngày lễ tốt nghiệp. Những người thầy thuốc bắt đầu đem kiến thức gom góp được suốt những năm miệt mài trường, lớp, phòng thí nghiệm, trại bệnh, và ngay cả nhà xác… để xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Có một cái gì đó khiến những con người bình thường (nhiều khi tầm thường) như bạn và tôi, trở thành những con người khác thường; thành những con người mang trên vai sứ mạng duy nhất: cứu người.
Bạn không là sinh viên y khoa bạn sẽ không hình dung ra được nỗi lo âu, gần như là hoảng hốt của người sinh viên y khoa ngày cuối cùng của những năm học Y, trước lễ tốt nghiệp. Người bác sĩ tân khoa nhìn quanh, bắt đầu từ hôm nay, những người thầy, những đàn anh sẽ đứng lùi lại phía sau, để người sinh viên một mình chống chỏi với nỗi hoang mang, một mình đương đầu với thử thách, một mình đảm trách công việc cứu người. Thuở sinh viên mọi quyết định điều trị đều có thầy, cô xem lại, có đàn anh nhắc nhở; bắt đầu từ hôm nay, người thầy thuốc trẻ ấy chỉ có một mình.
Sinh mạng người khác nằm trong tay bạn, bạn hoảng sợ là lẽ tự nhiên.
Người bác sĩ mới ra trường đi nhận nhiệm sở. Và trở thành cái đinh ốc trong một guồng máy đồ sộ. Và sẽ khốn khổ cho người bác sĩ ấy nếu guồng máy anh bước vào là hệ thống y tế của cái gọi là xã hội chủ nghĩa, và càng bi thảm hơn nữa nếu đó là nền y tế của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!
Anh sẽ làm việc dưới quyền của một tay bác sĩ có bằng tiến sĩ mà ít lâu sau anh nhận ra rằng tay giám đốc ấy là bác sĩ chuyên tu (một thứ y tá vườn có công với cách mạng, được cất nhắc lên, được cho đi “tu” nghiệp “chuyên” môn, để trở thành bác sĩ (tự phong), và cái bằng tiến sĩ ông hay bà giám đốc ấy vênh vang mỗi khi nhắc tới là bằng giả.
Trong môi trường làm việc người bác sĩ trẻ ấy sẽ tiếp nhận đủ thứ áp lực:
Áp lực về khả năng chuyên môn: làm sao tìm ra đúng bệnh, điều trị thành công cho bệnh nhân, làm sao “cứu người” cho đúng. Bạn sẽ nhận ra rằng bệnh viện xã hội chủ nghĩa cũng là nơi lan truyền – thành dịch – của một chứng bệnh: bệnh hội họp. Nó sẽ buộc bạn đem thời gian (đúng ra để đọc sách, để tìm tòi, học hỏi chuyên môn) dùng vào những trò vô bổ như việc tranh luận viên đạn Hồng Quân Liên Xô và viên đạn Đức Quốc Xã mang ý nghĩa khác nhau ở những điểm nào.
Bạn cũng bị cuốn vào những trò chơi ấu trĩ: thi đua để khoe thành tích khoa, phòng, bộ phận mình đang làm việc. Thay vì chú tâm vào việc học hỏi thêm, việc nghiên cứu khoa học để không bị thụt lùi về kiến thức, người thầy thuốc ở xứ “lương y như từ mẫu” phải đối đầu với những trò mà bọn lãnh đạo bày ra, những quy tắc, những quy trình ấm ớ mà công đoàn áp đặt; những thứ mà phần nhiều là phí lý nhưng vẫn phải làm.
Thêm vào đó là những luật lệ hành chính ngớ ngẩn. Những năm sau này còn có thêm những kịch bản bảo hiểm y tế, để cho ra đời một loạt những quy định của bảo hiểm y tế, những quy định đa số là phi lý mà lại thay đổi liên tục, khiến bạn sẽ không biết phải áp dụng thế nào cho đúng.
Nếu xui xẻo, bạn sẽ phải làm ở một bệnh viện nơi có những luật lệ ngầm, quy định “chỉ tiêu” hàng ngày cho bác sĩ phải khám bao nhiêu người, cho bao nhiêu xét nghiệm để bệnh viện mau lấy lại vốn đã bỏ ra mua những máy móc, sắm những trang bị y tế.
Chế độ xã hội làm con người thay đổi. Những màn phê và tự phê pha lẫn với sự cạnh tranh nghề nghiệp khiến người cùng nghề trở thành đối thủ, luôn tìm tòi, moi móc những sơ sót trong việc điều trị chuyên môn của đồng nghiệp.
Lồng vào đó là sự kiện bệnh viện phí ngày càng cao. Người bệnh trốn viện, thầy thuốc phải chịu trách nhiệm – một số bệnh viện áp dụng quy luật ấy – một thứ gông tròng vào cổ người thầy thuốc. Bác sĩ vừa phải theo dõi những dấu hiệu bệnh lý, những triệu chứng trên cơ thể người bệnh, vừa phải lén lút rình mò sợ bệnh nhân trốn khi chưa trả tiền chi phí điều trị. Thầy thuốc bỗng dưng trở thành cai tù và bệnh nhân là những phạm nhân luôn tìm mọi cách để vượt ngục.
Ở Việt Nam bây giờ, đa số bệnh nhân nghèo đến từ các tỉnh thành, làng xã xa xôi, nơi không có bác sĩ, không có bệnh viện, không có phương tiện điều trị. Họ cầm nhà, bán đất, lấy tiền lên thành phố để chữa trị cho thân nhân. Họ sống vất vưởng ngoài sân bệnh viện, vy mà họ phải đóng lệ phí nuôi bệnh.
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu phương tiện, thiếu người có khả năng chuyên môn dồn bác sĩ điều trị vào vách tường và bác sĩ bị bọn người nhà quen biết lớn, xách nhiễu, tấn công. Những chuyện bác sĩ bị tấn công, đánh đập được nhắc tới hầu như hàng ngày trên các phương tiện truyền thông trong nước.
Là thầy thuốc trong một môi trường như thế, bạn sẽ làm gì?
Bạn tự giải thoát bằng cách bỏ bệnh viện công, đầu quân sang bệnh viện tư, bất chấp những lời chua chát của đám lãnh đạo bệnh viện rằng bạn chạy theo tiền bạc, bạn chọn con đường thênh thang, con đường lót bằng những đồng đô la xanh đỏ.
Cuối cùng thì bác sĩ và bệnh nhân nghèo, những bệnh nhân thực sự, không bao giờ gặp nhau. Bác sĩ làm tư, chuyên gãi ngứa cho bọn tư bản đỏ, bọn quan chức; băng bó, cho thuốc sát trùng, cho trụ sinh cho đám nhà giàu (đứt tay); trong khi bệnh nhân nhà nghèo (đổ ruột) vác xác đến bệnh viện công, xếp hàng chờ như đám ăn mày đi khất thực.
Làm bệnh viện tư bao giờ cũng dễ chịu hơn làm bệnh viện công, cái lợi đầu tiên là có nhiều tiền bởi chỉ có dân giàu mới vào được bệnh viện tư. Tôi có dịp xem hình chụp căn phòng của một “bệnh viện 5 sao” nơi diễn viên kiêm người mẫu Tăng Thanh Hà sanh con mà thấy choáng váng. Tôi không đủ chữ nghĩa để mô tả cái đẹp mắt, cái sang cả, cái kiêu kỳ… của căn phòng. Chỉ có thể nói rằng nó không khác gì căn phòng khách sạn cao cấp nơi các hoàng tử, công chúa, những ông vua dầu hỏa đi du lịch, nghỉ qua đêm.
Với những bệnh nhân hắt hơi ra tiền như thế, bệnh viện chả bao giờ phải lo bệnh nhân trốn viện vì không có tiền để trả. Mà bác sĩ sản khoa đỡ đẻ cho ngôi sao điện ảnh không chừng còn được tiền “boa” hậu hĩnh. Vậy thì bỏ bệnh viện công – nơi những con người nghèo túng, mạt vận, cùng đường, dơ dáy nheo nhóc nằm chồng lên nhau chờ ơn cứu độ – đến đầu quân ở bệnh viện 5 sao, nơi máy móc thiết bị 5 sao, cơ sở phương tiện 5 sao, và tiền lương cũng 5 sao là chuyện hợp lý.
Thêm vào đó bác sĩ không còn lo lắng về chuyện bị trừ lương vì bệnh nhân trốn bệnh viện; không còn cần canh chừng bệnh nhân như cai tù canh phạm nhân; và cũng không còn phải xốn xang trong lòng khi phải đối đầu với bệnh nhân cần mổ ruột dư khẩn cấp mà trong túi áo túi quần, trong tay nải khoác trên vai họ, ngoài những mảnh giẻ rách, không có một đồng xu.
Bác sĩ thời @ cũng làm tròn bổn phận lương y, trị bệnh cho người giàu, cho bọn quý tộc đỏ, bọn du khách nước ngoài. Khi đưa tay nhận đồng tiền sắc cạnh, lòng họ thảnh thơi, chiều chiều họ đi đánh tennis, tối họ ghé làng nướng thưởng thức những sơn hào hải vị mà chỉ những kẻ có tiền mới được hưởng.
Người thầy thuốc dần trở thành vô cảm, lương tâm chức nghiệp vẫn không bị lấm lem bởi anh ta vẫn chữa bệnh một cách tận tụy – cho bệnh nhân giàu. Anh ta sẽ không còn bận lòng khi nghe thân nhân người bệnh nói oang oang ngay trong phòng cấp cứu rằng, “Ngày xưa gọi là nhà thương, bây giờ gọi là bệnh viện bởi vì có BỆNH mới vào, và khi vào thì người ta VIỆN đủ lý do để thu tiền: tiền xét nghiệm, tiền chụp phim, tiền giường bệnh, tiền người nhà nuôi bệnh.
Anh ta sẽ xem đó là chuyện bình thường. Anh ta sẽ thản nhiên trước cảnh bố mẹ bán máu lấy từng đồng trả tiền bệnh viện phí cho con mình, anh ta sẽ lạnh lùng trước cảnh bà mẹ quê vạch chiếc vú đói ăn, nhão nhoẹt cho con bú trên hành lang phòng cấp cứu, anh ta sẽ rảo bước, đá chân vào cả những đứa trẻ quê lem luốc lội bộ hàng chục cây số lên bệnh viện thăm cha mình; và anh ta sẽ làm lơ trước cảnh cô gái cắn răng vội vã mặc lại áo quần trong xó tối, rồi đưa tay đón nhận những đồng bạc nhàu nát để đem vào nộp tiền bệnh viện phí cho mẹ mình.
Làm việc ở bệnh viện 5 sao, người thầy thuốc yên tâm đối đầu với bệnh tật, không bận tâm chuyện bị hành hung bất ngờ hay bị thưa kiện vì một sơ sót nào đó. Sơ sót sẽ khó lòng xảy ra bởi gặp ca khó thì chuyển ngay sang bệnh viện công hay bất cứ nơi nào khác. Và bệnh nhân giàu cũng không phải dùng thuốc giả như đám dân nghèo mạt, thầy thuốc sẽ không lo bệnh nhân bị biến chứng nọ kia. Rảnh nợ! Và yên lòng.
Ngành y tế trở thành một dịch vụ thương mại. Lý tưởng “cứu người” không còn là kim chỉ nam của cậu sinh viên y khoa ngày nào, sau một thời gian tranh sống, ông bác sĩ hôm nay không còn quan tâm đến những vấn đề xã hội hay nhân sinh, và có dịp gặp nhau, ông và các đồng nghiệp sẽ chỉ xôn xao bàn về các kiểu xe, các kiểu điện thoại đời mới, các loại rượu tây, các món ăn chơi đế vương…
Làm bệnh viện 5 sao cũng có cái lợi. Nếu như anh ta là “ngự y” của một ông quan cách mạng anh ta sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Một bác sĩ tôi quen kể về một quan đốc kia, người từng làm giám đốc một bệnh viện quận, kiêm “ngự y” cho dàn lãnh đạo trung ương. Chiếc xe Fortuner của ông ta có dán trước kính một logo ưu tiên, cho phép đi bất kể giờ giấc nào, vào bất cứ địa điểm nào, chạy bất cứ tốc độ nào. Công an không được phép ngăn cản.
Rõ ràng là chữa cho quan thì có tiền và – nhiều khi còn có quyền, trong khi chữa cho cùng đinh thì mất sức, mất tiền, mà chỉ nhận về lòng tri ân – không đo đếm bằng tiền được.
Năm 2015, bộ Y Tế nước Việt Nam Cộng Sản ghi nhận ở Việt Nam cứ mười ngàn dân thì có 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ. Số bác sĩ phân phối cũng không đồng đều, các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn (tên mới là gì bạn biết rồi, xin miễn nhắc đến) có khoảng 14 bác sĩ trên mười ngàn dân; trong khi vùng nông thôn như cao Bằng, Hà Giang và đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 4 tới 5 bác sĩ cho mười ngàn dân.
Trong số bác sĩ ấy có bao nhiêu người là lương y đích thực và bao nhiêu đã biến thành những con buôn trong nền y tế nhập nhằng Tư Bản Đỏ?
Trước khi tạm ngừng, xin gửi đến bạn một hoạt cảnh ở khoa “Hồi Sức Tích Cực” (nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng) ở một bệnh viện lớn kia. Bệnh nhân ngoài 80, vây quanh bởi một đám đông lao xao với những gương mặt cau có.
“Nhiều khoa trong bệnh viện đã lắc đầu chịu thua, chuyển vào đây thì chỉ là còn nước còn tát đấy thôi chứ hy vọng mong manh lắm!” Bác sĩ trưởng khoa cố giải thích trước khi đưa ra phương thức điều trị cuối cùng.
Một ông con của bệnh nhân gằn giọng: “Bác sĩ bảo như thế tức là nếu điều trị theo cách này thì bố tôi sẽ khoẻ phải không?”
“Không chắc anh ạ. Thể lực của cụ đã quá yếu, điều trị theo cách này thì đỡ được bệnh của cụ nhưng có nguy cơ suy gan, suy thận.” Bác sĩ ôn tồn đáp.
“Thế thì chữa làm… Đ… gì?” người đàn ông gầm lên trong hành lang trước cửa phòng cấp cứu khiến những người đi ngang qua quay lại nhìn.
“Vâng, cái này là tùy vào gia đình thôi.” Bác sĩ đáp.
“Này, này, tùy là tùy thế nào? Nhà nước cho các anh các chị ăn học, bỏ tiền ra xây cái bệnh viện to như thế này, rồi mua sắm máy móc hiện đại. Sao lại tùy! Các anh các chị có trách nhiệm phải điều trị, phải cứu sống người chứ.” Người đàn ông quắc mắt, gằn giọng.
Cô em gái đứng cạnh nãy giờ vẫn giơ cái iPhone X về phía bác sĩ để ghi âm, tiếp lời: “Thế nếu nghe theo phác đồ của bác sĩ, thì gia đình chúng tôi phải làm gì?”
“Gia đình ký vào bản cam kết là đã nghe chúng tôi giải thích, hiểu rõ bệnh tình của cụ, chấp nhận phác đồ điều trị và những rủi ro…”
Cô em gái đưa mắt nhìn người anh. Rồi quay lại, gay gắt: “Sao lại bắt ký nhiều thứ thế. Từ hôm bố tôi vào đây đã bắt phải ký mấy lần rồi. Ký, ký, mà chẳng có đứa nào bảo đảm là bố tôi khỏi cả. Bác sĩ nên nhớ, con cháu tôi có người làm ở đài truyền hình, cứ bắt chúng tôi phải ký thế này chúng tôi đưa lên báo chí cho mà xem.”
Người đàn bà nói và dứ dứ cái iPhone X như thể đe dọa là “tôi có tất cả mọi thứ trong này rồi, các anh cứ liệu hồn”.
Bác sĩ thong thả nói: “Anh chị là con của cụ mà còn không dám chịu trách nhiệm về cụ, sao lại đòi hỏi điều đó từ chúng tôi”?
“Nói thế mà nghe được à? Ở đây đứa nào là bác sĩ?” Người đàn ông lại nói như quát. “Tôi quen lãnh đạo của bệnh viện đấy, để tôi gọi cho phó giám đốc.”
Ông ta móc điện thoại ra khỏi túi quần, lật đật tìm số. Và mở âm thanh cho mọi người cùng nghe, “Anh Soạn đấy à? Tôi đang đứng ở khoa Hồi Sức Tích Cực đây. Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ điều trị, ai đời bệnh viện anh cứ bắt người thân phải ký cam kết là sao? Chúng tôi không thể chịu được cách làm việc như thế này. Anh nói với chúng nó một tiếng đi…”
Bạn thân mến, những hoạt cảnh như thế xảy ra hàng ngày ở bệnh viện cái đất nước Việt Nam khốn khổ, và giả như bạn là vị bác sĩ ấy, bạn sẽ làm gì?
Khúc An

Xem thêm

Nhận báo giá qua email