Có vị thiền sư nào đó đã dạy học trò, “nhân sinh là khóc cho mình nghe và cười cho người khác nhìn.” Tôi đọc được câu này từ khi còn rất trẻ, nhưng hiểu thì vẫn không vì mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh trong cuộc đời ta lại suy nghĩ khác. Nhưng nay bước thời gian đã đến đoạn cuối nên tôi rất hy vọng là không có suy nghĩ nào khác trước nữa, dù tôi vẫn không hiểu vì sao người về hưu lại khóc?
Bắt đầu từ ông già Bill, ông là người bản xứ, người Mỹ đầu tiên mà tôi đã được làm việc cùng ông khi tôi mới đến định cư ở Mỹ. Ông rất tốt với người Việt nam vì ông từng tham chiến trong chiến tranh Việt nam, ông luôn khen phụ nữ Việt nam rất đẹp nên các bà các cô người Việt cũng rất quý mến ông; ông khen những người lính Việt nam Cộng hoà can đảm và bền bỉ, dẻo dai nên mấy ông lính cũ cũng hay trò chuyện với ông Bill về một thời khói lửa. Còn bí mật của ông thì chỉ riêng tôi biết như ai cho ông cái nem chua, ông sẽ hỏi han về cách làm nem chua của người Việt đến người cho rất muốn cho ông thêm cái nữa, ít nhất cũng là hứa hẹn lần sau làm nem sẽ cho ông nhiều hơn, nhưng cuối cùng là ông lén cho tôi vì ông không biết ăn. Với tôi, ông là người thầy không trường lớp, người cha không cùng họ vì tôi còn nhỏ tuổi hơn con gái lớn của ông, ông dạy việc cho tôi rất tận tình, dạy tôi tiếng Anh vào bất cứ lúc nào làm việc chung.
Một năm sau khi tôi làm việc chung với ông thì ông trở thành người thông dịch cho tôi. Nghĩ lại cũng vui, tôi là người lái cái xe forklift nhiều nhất trong hãng. Nhưng mỗi tháng có ông Mỹ trắng khác, lái cái xe van của hãnh xe forklift đến để thay nhớt, bảo trị cái xe forklift mà hãng ông cho hãng tôi mướn. Thế là ông cần hỏi người sử dụng cái xe ấy nhiều nhất để ghi vô hồ sơ của cái xe, ông muốn biết tình trạng, triệu chứng của cái xe (nếu có) để ông sửa ngay cho khách hàng. Thế là ông ấy hỏi tôi, tôi trả lời được tất cả mọi câu hỏi; chỉ có điều là ông ấy không hiểu gì hết! Nên ông Bill cứ phải làm thông dịch cho tôi với ông thợ bảo trì xe forklift.
Tôi làm với ông Bill được ba năm thì ông về hưu. Hôm đó hãng làm tiệc lớn để tiễn ông về hưu. Mọi người đều dự tiệc từ ăn trưa đến chiều về luôn chứ không phải làm việc nữa. Mọi người khóc cười cũng nhiều, nhất là phụ nữ. Nhưng nhìn chung thì ai cũng qúy mến ông Bill, nhiều người còn đem quà vào hãng để tặng ông.
Thế rồi hôm ấy ông ra về trong tiễn biệt rất cảm động của mọi người, thời gian chia tay nhau ngoài bãi đậu xe rất bùi ngùi… và ông không khóc. Nhưng chừng hai tuần sau, ông trở lại hãng để hoàn tất giấy tờ về hưu của ông vì thời ấy chưa có internet để làm việc qua mạng. Ông kẹp nách một xấp hồ sơ, đi từ văn phòng xuống xưởng để chào tạm biệt mọi người lần nữa. Ai cũng ôm ông rất cảm động nhưng đang làm việc nên không ai tiễn ông ra cổng. Chừng sau ông ra về khi ông đã tạm biệt và dặn dò, dạy dỗ tôi lần cuối. Tôi thấy buồn xâm chiếm lòng tôi, buồn như Xuân Diệu buồn tình là không hiểu vì sao tôi buồn? Bỗng thèm hơi thuốc lá nên tôi giả bộ kéo cái thùng rác của tôi đi đổ rác một mình dù không có rác bên trong, mà cũng chẳng phải việc mình, nhưng cần ra ngoài trong giờ làm để đốt điếu thuốc. Vừa mở cửa sau của hãng để đi đổ rác thì tôi thấy ông còn ngồi trong xe ông… và ông đang khóc. Tôi nhớ hoài gương mặt ông Bill rất buồn, nước mắt tự trào ra chứ đâu phải ông khóc. Ông từng đi lính, sang tận Việt nam thì ông còn sợ gì đến phải khóc?
Nhưng mười năm sau, đến ông bạn là lính cũ của tôi về hưu. Bữa tiệc trong hãng thì đa sắc tộc nên chỉ nói vui, nhắc lại nhiều kỷ niệm vì anh làm hãng đó hơn hai mươi năm, rồi anh ra về cũng không khóc như ông Bill. Và cũng giống như ông Bill khi hai tuần sau anh trở lại hãng để hoàn tất giấy tờ về hưu của anh. Anh cũng kẹp nách xấp hồ sơ, đi từ trên văn phòng xuống xưởng để chào hỏi mọi người lần nữa. Cuối cùng, anh cũng ra xe ngồi một mình mà không vọt đi cái vù như trước đây tan hãng là đua nhau về nhà. Gương mặt anh rất buồn, làm tôi nhớ ông Bill. Mấy đứa đàn em chúng tôi chỉ hé cửa sổ rình coi… anh có khóc không? Vì chúng tôi cá độ với nhau một chầu nhậu, cũng là tiệc của anh em Việt nam tiễn anh về hưu vào cuối tuần đó. Cuối cùng hai phe phải chịu hoà, hùn tiền trả chầu nhậu ngoài quán vì hai phe chúng tôi đều thấy anh chậm mắt, quẹt mắt… nhưng không đứa nào thấy được anh khóc vì từ hé cửa sổ trong hãng ra chỗ anh đậu xe hơi xa. Rồi tới hôm nhậu ngoài quán thì anh xác nhận: Anh đã ứa nước mắt, vì…
Sau đó, tôi không về hưu mà chỉ nghỉ hãng để về làm báo toàn thời gian nên anh em làm chung cũng đãi tôi một chầu. Bữa tiệc vui trọn vẹn và không có khóc, chỉ khi về nhà tôi mới thấy buồn vì sáng mai sẽ không đi làm hãng nữa. Mười mấy năm trời qua Mỹ, đi làm suốt từ ngày có số xã hội ở xứ cờ hoa này; những người bạn làm chung cũng là bạn nhậu, bạn câu cá, bạn hàng xóm khi cuồi tuần kéo cả đám đến nhà ai đó để làm bờ rào, sửa xe cho đỡ tốn tiền. Nghỉ lễ thì cũng quanh quẩn nhà bạn bè coi football, coi đá banh tròn, ăn nhậu… Bỗng đó, bỏ lại sau lưng mười mấy năm với bao bạn bè mà người xấu thì nhớ làm chi, bạn có tốt thì mới chơi với nhau được mười mấy năm trời. Mới hôm qua còn gặp nhau mỗi ngày. Hôm nay nhậu với nhau một bữa đã đời. Nhưng ngày mai, tôi đã đi đường hướng khác! Rồi đây những diễn ra hằng ngày không còn nữa như tranh nhau, giành làm những cái đơn đặt hàng dễ làm cho khoẻ toán mình. Đơn đạt hàng của hãng máy bay Boeing thì tìm cách đẩy sang cho toán khác vì chưa làm đã bị khách hàng chỉ biết chê mà lương mình thì cũng vậy! Nhưng cái tình đọng lại là đồng hương, đồng nghiệp thì giúp đỡ nhau để toán nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, không ai bị đuổi việc. Lại còn bày mưu lập kế để chơi sếp cho bay chức vì đối xử thiếu công bằng với Việt nam…
Đêm ấy tôi khó ngủ dù đã uống rượu bia với bạn bè một bữa khá nhiều. Nhưng biết sao trên dòng sống, sóng đời đưa đẩy theo định mệnh. Tôi chỉ còn niềm an ủi là cuối cùng rồi cũng làm được công việc mình ưa thích từ khi còn đi học là làm báo, viết lách. Dù biết rõ tương lai phía trước là người đọc báo giấy chỉ có già đi và thôi đọc, độc giả trẻ đã bước qua báo mạng theo trào lưu. Không ngờ cũng được “mười mấy năm làm tên phát báo/ lòng buồn theo thành quách xa xưa…” như anh Giang Hữu Tuyên đã tâm sự về lòng đam mê và nghề báo ở hải ngoại trong bài thơ “Trời mưa đi phát báo”. Thôi thì ai chả mong cầu được làm công việc, nghề nghiệp mà mình yêu thích, nên tôi đã không trở lại hãng dù sếp yêu cần tôi suy nghĩ lại. Tôi có suy nghĩ lại nhưng cám dỗ của mùi mực trên trang báo mới in cứ thôi thúc thực hiện ước mơ từ nhỏ. Nên mới có hôm rời toà soạn lần cuối. Nhìn lại “gốc cây cà phê” bên hông toà soạn là nơi bốn mùa, vui buồn gì cũng ra gốc cây cà phê ngồi suy nghĩ, toan tính, tìm đường đi cho báo giấy, báo Việt ngữ ở Mỹ. Cuối cùng chỉ còn con đường độc đạo dẫn về nhà, ngày mai lại giỡ cơm, bấm cái đồng hồ báo thức trước khi đi ngủ.
Quả là không buồn chuyện thay nghề đổi nghiệp vì thời thế thế thời phải thế. Chính sự gắn bó, tình cảm phát sinh thành sự ràng buộc càng lâu càng khó dứt áo ra đi. Thôi thì cứ coi như, giữ lại nồng ấm được làm nghề ưa thích, kỷ niệm; lịch sử sang trang, đời người nhiều ngã rẽ. Nhưng sáng hôm sau vào toà soạn với phòng làm việc riêng của mình thì lại nhớ và thèm không khí xưởng, tiếng ồn pha lẫn tiếng chửi nhau, viên kẻo nhỏ của người có nhã ý chỉ dúi vào tay chứ không nói gì mà ngọt tới trong mơ…
Hôm nay đã về nghỉ lễ Giáng sinh, nghỉ qua tết tây, hay nghỉ luôn càng tốt vì trước hôm mở tiệc Giáng sinh trong hãng. Ông bạn già của tôi là cựu Trung úy Hải quân Việt nam Cộng hoà, ông có bữa tiệc về hưu nho nhỏ vì thời đại dịch. Ông không muốn nhưng đã là cái rule của hãng, mọi người ngưng tay làm chừng nửa tiếng đồng hồ. Xưa thì tựu tập về phòng ăn nhưng nay tựu tập ra khoảng trống to lớn của một phân xưởng đã đóng cửa để cùng ăn với ông miếng bánh chia tay. Hằng mấy chục ổ bánh kem mang dòng chữ chúc mừng ông về hưu. Tôi thấy ai cũng ăn miếng bánh ngon lành, nói cười rôm rả vì ăn thì sao che khẩu trang được. Sao tôi thấy nghẹn họng, nuốt không nổi miếng bánh vì anh em làm chung đã lâu, hợp tính phá ngầm nên buồn mất một đại ca… lúc nào cũng đạo mạo, hiền lành như một ông già ăn chay trường. Rất ít ai biết đó lại là tác giả của những chuyện động trời trong hãng mà không phải là phát minh mới hay sáng kiến hay về công việc làm…
Bây giờ không phải trở vào hãng để hoàn tất hồ sơ, giấy tờ về hưu như xưa vì đã có internet hỗ trợ nên anh không trở lại hãng sau tiệc bánh kem chia tay. Anh chỉ vừa gọi tôi để chúc mừng Giáng sinh vui vẻ, rồi anh em trò chuyện qua điện thoại một lát. Tôi cũng chúc anh và gia đình một Giáng sinh an lành, nhưng cúp điện thoại rồi tôi còn bần thần khi hiểu ra vì sao khi về hưu, hôm cuối đi làm người ta lại khóc… “Hôm đó, sau khi ăn bánh và chia tay mọi người. Anh định rủ mày đi làm vài ve, nhưng ra bãi đậu xe thấy xe mày còn đó là anh biết mày làm thêm giờ nên thôi để hôm khác. Rồi không biết vì sao anh ngồi lì trong xe anh khá lâu nhưng đầu óc trỗng rỗng. Về nhà, anh im lặng hơn mọi ngày; tới tối khó ngủ anh mới biết ra hành động ngồi lì trong xe của mình chiều nay ở hãng chẳng qua là mình không chập rời bỏ cuộc chơi. Cuộc đời tới lúc về hưu như một cuộc chơi mà khi còn trong cuộc thì người ta chán nản đi làm, ngán tới chỉ mong tới ngày về hưu. Nhưng ngày ấy đến thì không chấp nhận cho mình rời bỏ cuộc chơi gian khổ, không chấp nhận mình đã thua cuộc, không chấp nhận mình bị loại ra khỏi cuộc chơi đã gắn bó cả đời… buồn tới ứa nước mắt với lần cuối rời chỗ làm trong đời…”
Hy vọng tôi đã hiểu vì sao người về hưu lại khóc để chuẩn bị tâm thế cho mình khi bị loại khỏi cuộc chơi đã cận kề. Thật đúng nhân sinh là khóc cho mình nghe và cười cho người khác nhìn.
Phan