Không nói gì hơn được nữa!

Chị Phạm Thị Lành bán vé số và anh Đỗ Ngọc Tuấn chạy xe ba gác

Một câu chuyện cũ: chị bán vé số và 6,6 tỷ đồng

Bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một người quen. Đến khi xổ, 5 tấm trong các tờ vé số này trúng giải độc  đắc và các tấm khác trúng an ủi, tổng cộng sau khi trừ thuế còn tới 6,6 tỷ đồng, chị “Lành-vé số” vẫn đưa đủ 20 tấm vé số cho người mua.

Không tham tiền người khác, Không tham của rơi

Câu chuyện chị bán vé số đưa 20 tấm vé số mà chị biết trong đó có 10 tấm  trúng tổng cộng tới 6,6 tỷ đồng, vừa giải độc đắc vừa giải an ủi, để lấy 200.000 đồng, rồi người trúng số tặng lại chị một tờ vé trúng. Đến nay câu chuyện vẫn còn là đề tài bàn tán xôn xao của dân chúng ở thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), bởi  vì hai người đó đều nghèo. Vợ chồng chị Lành quê ở huyện Hồng Ngự (trước đây thuộc tỉnh Châu Đốc; từ năm 1976 thuộc tỉnh Đồng Tháp), không có đất đai nên dắt con lên Bến Lức thuê nhà trọ, chồng chạy xe ôm, vợ bán vé số mưu sinh. Người trúng số cũng chẳng hơn gì, đã có “thâm niên” chạy ba gác hơn 20 năm!

Tỷ phú bất ngờ

Chiều 15-11-2017, đang hì hục khuân các thanh sắt đến giao cho đại lý thì chuông điện thoại của anh Đỗ Ngọc Tuấn chạy xe ba gác (41 tuổi, ngụ tại Khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) reo. Thấy màn hình hiện lên tên “Lành-“vé số”, anh bấm nghe, trong bụng nghĩ thầm, chắc chị Lành gọi để đòi mình  món tiền mua thiếu 20 tờ vé số mình đã nhận mua nhưng còn thiếu tiền đây. Đầu dây bên kia là giọng chị Lành: “Anh Tuấn à, anh đem 200 ngàn đồng đến quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Hai mươi tờ vé số anh mua thiếu có tới 5 tờ trúng độc đắc và 5 tờ trúng an ủi rồi đó”. Anh Tuấn cười: “Thôi đừng có xạo, bà nội. Bà đang kẹt tiền phải không? Để lát giao hàng xong, có tiền của đại lý trả tui sẽ đem ngay tới bà”. “Tui nói thiệt đó, hổng có giỡn đâu”. “Ờ, “thiệt” là bà kẹt tiền chớ gì, lát tui tới liền”.

Sau khi nhận tiền công của đại lý, anh Tuấn chạy xe tới quán cà phê bình dân Cây Mai để trả tiền cho chị Lành (chị Phạm Thị Lành, 29 tuổi, mọi người thường kêu là Lành“vé số”), thì thấy ông chủ quán và nhiều người khác đang bàn tán xôn xao, trong đó có cả chị Lành. Ai cũng nói về chuyện anh trúng số lớn, tới 5 tờ độc đắc lận, mỗi tờ 1,5 tỷ đồng (hiện nay có loại xổ số Vietlott tranh khách nên dã tăng lên 2 tỷ đồng/1 tấm trúng độc đắc). Anh Tuấn tưởng mọi người đùa dai, đánh lừa anh chơi.

Chị Lành vừa ngồi xuống một ghế chỗ chiếc bàn nhỏ, bèn mở túi xách lấy ra xấp vé của Công ty xổ số  Bến Tre mới xổ trên Đài truyền hình, giao cho anh Tuấn: “Đây, anh coi đi, lô này 10 tờ có số cuối 07 trúng giải mỗi tờ 100 ngàn đồng. Lô này có 5 tờ trúng giải đặc biệt, còn lại 5 tờ, có 2 tờ trúng giải an ủi. Tất cả đều là của anh”. Chị Lành vừa nói vừa đưa cho anh Tuấn tờ kết quả xổ số photocopy mà đại lý vé số đã photo  tặng cho mỗi người đi bán vé số mấy tờ để khi khách hàng mượn so nhờ hoặc mua với chút đỉnh tiền thì đã có sẵn. Anh Tuấn cầm lên so. Đúng là 5 tờ trúng độc đắc, tờ nào cũng mang hàng số 191207 giống như đã in trên tờ photocopy. Vẫn chưa tin là mình may mắn trở thành tỷ phú lạ lùng như thế, anh Tuấn bấm điện thoại di động gọi cho kênh “Giải đáp thắc mắc” của tổng đài điện thoại Bến Tre. Quả đúng như vậy, đài cho biết kết quả xổ số giải đặc biệt ngày 15-11-2017 là dãy sáu con số 191207. Anh bèn rút một tờ vé trúng đưa cho chị Lành: “Tui tặng chị một tờ làm vốn”. Chị Lành ngạc nhiên trố mắt: “Anh cho tui một tờ?”. Anh Tuấn cười: “Mỗi người một chút cho vui”. “Tui cũng trúng 2 tờ độc đắc “bán ế” mà anh”. “Kệ, hổng sao, có thêm tờ nữa càng tốt”. “Dạ, cám ơn anh”.

Chữ tín của chị “Lành-vé số”

Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30m2 của bà Thêm (mẹ ruột chị Lành), 62 tuổi, ở ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đầy ắp tiếng cười. Ngoài tờ vé số được anh Tuấn tặng, bữa đó, chị Lành còn giữ 2 tờ bị ế cũng mang dãy số 191207 xổ ngày 15-11-2017 và  2 tờ này cũng trúng độc đắc. Sau khi đổi thưởng cả 3 tờ được 4,5 tỷ đồng, trừ thuế 10% (450 triệu đồng) và các thứ chi phí khác như cho nhân viên bàn giấy, nhân viên bảo vệ, giúp các hội từ thiện chẳng hạn, còn lại hơn 4 tỷ, tương đương với khoảng 200.000 đôla Mỹ. Ở VN, đây là  số tiền rất lớn – nhất là đối với người nghèo –  gần như suốt đời không thể có được. Hai vợ chồng chị Lành đem tiền về quê mua đất, cất nhà cho người mẹ đang nuôi 7 đứa cháu kể cả cháu nội lẫn cháu ngoại ở dưới đó.

Từ nhiều năm nay, bà Thêm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (46 tuổi), Hồ Văn Nguyên (42 tuổi) và chị Lành (29 tuổi) vẫn sống trong một căn nhà rách nát giống như cái chòi chăn vịt. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của chị Lành là anh Hiếu và anh Nguyên đều thiếu may mắn. Nhà quá nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh Hiếu dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để cũng đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu bị bệnh mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà nội nuôi giùm.

Về phần anh Nguyên, vợ anh cũng chán cảnh nhà chồng nghèo nghèo, bỏ đi. Anh Nguyên hoá tâm thần, nửa điên nửa tỉnh, phải đưa lên điều trị tại Dưỡng tri viện Biên Hòa (Đồng Nai), 3 đứa con cũng gởi lại cho bà nội nuôi, tất cả tiền bạc đều do chị Lành đi bán vé số cung cấp hàng tháng. Thêm đứa con của chị Lành nữa là 7. Bảy đưa trẻ bà Thêm phải nuôi trong khi bà đã 62 tuổi với hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn mọi bể.

Chị Lành kể với các phóng viên: “Em đang tính qua Tết sẽ về quê đưa má với 7 đứa nhỏ lên đây, từ từ tụi nó quen nước quen cái sẽ vừa đi học vừa đi bán vé sô phụ với em.  Nhưng nhờ trời thương, giờ em may mắn trúng số, mua đất, làm nhà cho má hết nhiêu còn thì gởi ngân hàng đặng má có tiền nuôi các cháu. Em mầng vì tụi nhỏ sẽ hoàn toàn được đi học, khỏi phải đi bán vé số nữa”.

Một trong các phóng viên hỏi: “Nhiều người nói nếu chị không đưa 20 tờ vé số cho anh Tuấn thì cũng chẳng sao vì không có gì là bằng chứng gì cả. Bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?”. Chị Lành cười: “Hồi đó hễ em bán ế là anh Tuấn mua giùm. Kỳ này cũng vậy, ế 22 tờ, ảnh mua giúp 20 tờ mặc dầu chưa có tiền trả ngay. Ảnh đối xử như vậy mình cũng phải biết suy nghĩ chớ nếu tham lam, cứ cho đồng tiền là nhứt thì đâu phải con người!”.

Bà Út Tèo – một “đồng nghiệp” bán vé số của chị Lành ở thị trấn Bến Lức cho biết, nhờ “uy tín” của chị “Lành vé số” mà thời gian qua những người bán vé số ở Bến Lức cũng đươc “thơm lây”, lượng vé bán tăng rất nhiều so với trước.

Nhà báo đài truyền hình…vòi tiền!

Sau đây là bài báo mô tả lại chuyện “vòi tiền” của một nhà báo và một phóng viên đài HTV (đài truyền hình TPHCM) do báo Phụ Nữ TP.HCM thuật lại.

Gương mặt đầy vẻ hoài nghi, chị Phạm Thị Lành, người phụ nữ nghèo bán vé số dạo ở Bến Lức, Long An, nói: “Nghe nhà báo đến, tưởng lại đến phỏng vấn, viết báo đòi tiền nên em ghét không muốn ra…”.

Câu chuyện về chị Phạm Thị Lành bán vé số ở Bến Lức Long An sẵn sàng đưa trả những tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng cho người mua,  được không ít người coi như chuyện “cổ tích thời hiện đại”. Thế nhưng, khi các PV báo Phụ Nữ tìm về cù lao Long Khánh, ấp Long Hữu (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), nơi chôn nhau cắt rốn của chị Lành, thì  bất ngờ được biết một câu chuyện khác đã xảy ra với người phụ nữ đầy  lòng trung hậu này.

  

 

Một bài báo giá…18 triệu đồng!

Vừa mới tới cù lao, ký giả đã bắt gặp những ánh mắt không mấy thiện cảm và những cái nhìn hình như có ý khinh miệt của những người dân trong cồn. Tới nhà, bác Thêm cho biết chị Lành đi vắng. Nhà báo gọi điện thoại liên lạc, chị Lành nói chị vẫn nhớ lời hẹn nhưng có việc cần phải đi gấp nên cho chị cáo lỗi và xin hẹn gặp nhau vào  sáng mai. Vậy là các nhà báo lại phải trở về thị xã Hồng Ngự, tìm phòng nghỉ qua đêm.

Hôm sau, đúng hẹn, họ trở lại và tiếp tục nhận được những cái nhìn ghẻ lạnh nếu không muốn nói là khinh ghét của những người dân. Họ ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Một lát sau, tới nhà, bác Thêm mẹ ruột của chị Lành cũng có thái độ lạ lùng như vậy. Bác hỏi với giọng lạnh lùng: “Mấy người kiếm con Lành có chuyện gì?”. “Dạ, chúng cháu muốn gặp, phỏng vấn chị Lành để viết bài”. “Viết  đặng đăng báo hả?”. “Dạ”. Bác kêu: “Ôi cha, tui chán mấy người nhà báo quá rồi. Viết gì mà thêm thắt quá chừng, đã vậy lại còn đòi tiền trên trời dưới đất nữa. Có mỗi một bài báo mà bắt phải trả tới 18 triệu đồng. Con Lành nó đi bán vé số chớ có phải người mẫu hái ra tiền đâu mà đòi dữ vậy? Thôi, khỏi có phỏng vấn gì hết ráo!”.

Các nhà báo báo Phụ Nữ lại càng ngạc nhiên. Sau một hồi trút giận, như để chứng minh cho lời nói của mình, bà Thêm vô trong nhà lấy ra đưa cho họ coi một tập Tạp Chí Truyền Hình của đài HTV, trong đó có bài viết về chị Lành và anh Tuấn. Bà cho biết hai nhà báo đã xuống tận nơi, tặng tờ tạp chí HTV và yêu cầu chị Lành phải trả đủ cho họ 18 triệu đồng khiến chị Lành hết sức giận và trở thành mất cảm tình với các nhà báo. Mãi đến lúc các nhà báo báo Phụ Nữ giải thích cặn kẽ rằng đó là một hành động sai trái, chắc chắn sẽ bị toà báo và đài truyền hình HTV trừng phạt, bấy giờ bà Thêm mới gọi chị Lành từ bên trong đi ra. Gương mặt vẫn còn nét hoài nghi, chị Lành nói: “Nghe tin các nhà báo đến, em tưởng lại tới phỏng vấn, viết bài để bắt đưa  tiền nên em ghét  không muốn tiếp”.

Chị Lành cho biết, sau khi trúng số được khoảng hơn một tháng, trong lần đi bán vé số ở Bến Lức, chị gặp hai người đàn ông tự xưng mình là nhà báo Lữ Nguyễn và nhà báo Bùi Ngọc Đạt, phóng viên báo Lao Động và phóng viên đài truyền hình HTV, từ Sài Gòn xuống Bến Lức gặp chị, tìm hiểu để viết bài trong chương trình “Người tốt, Việc tốt”. Sau một hồi trò chuyện, hai nhà báo hứa sẽ cho đăng hình ở trang nhất của tạp chí số Xuân sắp tới và họ đề nghị chị ký hợp đồng hỗ trợ 18 triệu đồng để… làm từ thiện. Tuy nhiên, bạn bè chị nói họ lừa gạt đấy, một bài báo gì mà phải đóng tới 18 triệu đồng. Vì vậy ngay hôm sau chị đã gọi điện thoại đề nghị xoá bỏ hợp đồng, nhưng họ nói hợp đồng đã triển khai rồi, không bỏ đi  được.

Khi tạp chí phát hành, do chị Lành về quê cất nhà nên Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt đã xuống tận Long Hựu nhờ công an xã dẫn đến nhà. Tuy không bằng lòng với việc làm tiền của Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt nhưng do ngại va chạm với “các nhà báo” và sợ mang tiếng với chòm xóm nên chị Lành đành trao 18 triệu đồng cho hai người đó.

Ông Tiêu Ngọc Toại, công an phó xã Long Khánh A, người trực tiếp dẫn Lữ Nguyên và Bùi Ngọc Đạt tới nhà chị lành, cho biết: “Khi đến liên hệ với chúng tôi, Lữ Nguyên xưng là PV báo Lao Động (trên danh thiếp cũng tên Lữ Nguyên nhưng một mặt ghi là PV báo Lao Động, một mặt ghi là PV Tạp chí “Môi trường Đô thị Việt Nam”), còn Bùi Ngọc Đạt (PV Tạp chí HTV) thì tặng chị Lành tờ tạp chí. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo xã, chúng tôi đã dẫn hai nhà báo đó đến nhà chị Lành. Do công việc trong cơ quan bận rộn nên sau đó tôi và anh em công an  về trước. Từ đó đến nay xã chưa nghe có ý kiến gì về phía chị Lành”.

Tin cuối cùng: hai “nhà báo” Lữ Nguyên và Bùi Ngọc Đại đã bị báo Lao Động và dài truyền hình HTV cho thôi việc.

Hàng trăm hũ tro cốt bị lẫn lộn trong chùa Kỳ Quang 2

Chùa Kỳ Quang 1 ở số 22B đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8 quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Chùa Kỳ Quang 3 ở số 725 đường Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2, Sài Gòn. Còn chùa Kỳ Quang 2 ở số 154/4A đường Lê Hoàng Phái, phường 17 quận Gò Vấp, rất lớn, xưa nay thường được gọi là chùa Kỳ Quang, dưới sự trụ trì của Thượng toạ Thích Thiện Chiếu (nay ngài đã lớn tuổi). Chùa Kỳ Quang rộng tới 7.500 mét vuông và là ngôi chùa nuôi nhiều trẻ em mồ côi, tàn tật hoặc vô thừa nhận nhất tại Việt Nam, thường  thường có tới 140 – 150 cháu, nhiều cháu đã trưởng thành, ra đời, được nhà chùa lo cho công ăn việc làm cũng tạm nuôi ấm tấm thân. Sau đây là sự khúc mắc xảy ta đối với nhà chùa.

Khởi đầu sự việc

Anh Huỳnh Văn Hoàng, ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp cho biết, cách đây 4 năm, khi mẹ anh qua đời ở tuổi 76, anh gửi tro cốt vào chùa Kỳ Quang 2. Sáng 31/08/2020 (tức ngày 13/7 âm lịch, trước lễ Vu Lan Rằm Tháng Bảy ) anh và vợ đến chùa mang theo trái cây, đồ cúng để thắp hương cho mẹ.

Lúc này, có 6 người khác cũng đến chùa thắp hương cho thân nhân nhằm lễ Vu Lan, ở hầm đựng tro cốt. Khi vào trong hầm, anh Hoàng cùng những người đó thấy nhiều hũ tro cốt được dồn vào một góc, trên hũ di ảnh người đã khuất bị bong tróc hoặc rơi mất.

Tuy hoang mang nhưng anh Hoàng và mọi người tự trấn tĩnh rằng nhà chùa đã đánh số thứ tự rồi nên mới để lẫn lộn như vậy. Anh muốn bưng hũ tro cốt lên xem có đánh số hay không, song lại không bưng vì sợ ảnh hưởng đến vong linh người đã khuất. Anh định đem thắc mắc hỏi người quản lý chùa nhưng được trả lời là ông ta đi vắng.

Sự việc sau đó bị những người khác phát tán lên mạng, khiến sáng 3/9/2020 rất đông dân chúng đã  gửi hũ tro cốt người thân tại chùa, tập trung rất đông  yêu cầu nhà chùa trả lời.

“Nhìn những hũ cốt không tên nằm xếp xó ở một góc trong hầm thấy xót xa lắm. Chúng tôi cần nhà chùa giải thích thỏa đáng”, một người dân nói.

Theo dân cho biết, sau khi hỏa táng, tro cốt người thân đã khuất được cho vào hũ sành. Chùa Kỳ Quang 2 khi tiếp nhận sẽ làm lễ cúng. Nếu gia đình có điều kiện và yêu cầu, nhà chùa sẽ thay hũ sành bằng hũ đá trắng rất đẹp. Việc tổ chức nghi lễ đưa tro cốt vào chùa tùy hỷ, không có mức đóng góp cụ thể. Từ tháng 03/2020 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 nên đa số thân nhân không đến chùa cúng viếng.

Chiều 3/09, đại diện UBND phường 17 quận Gò Vấp cùng nhiều người dân đã đến chùa kiểm đếm số lượng và thực trạng các hũ tro cốt. Theo biên bản, số lượng các hũ tro cốt tại chùa tổng cộng là 883 hũ. Trong đó có 302 hũ để dưới hầm và 581 hũ để bên ngoài. Với số lương tổng cộng  883 hũ này, chỉ có 108 hũ là có gắn hình và còn  tên đề.

Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Chiếu trả lời báo chí

Trao đổi với báo chí, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 cho biết: ngài về chùa từ năm 1975. Trong khi ngài điều hành ngôi chùa, có nhiều phật tử có mong muốn được gửi tro cốt người thân ở chùa.

Trải qua nhiều thời gian, nơi thờ linh cốt hư hại, bám bụi, nên từ tháng 03/2020, chùa quyết định xây dựng, sửa chữa lại. Trong quá trình này, có những hũ cốt bị rớt hình, mất tên đề nhưng cũng có những hũ không có hình hoặc tên đề từ trước. Ngài nói: “Là người trụ trì, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và xin lỗi mọi người, mong mọi người hoan hỷ để tôi cố gắng hết sức mình, sửa chữa, xây dựng lại nơi thờ linh cốt cho được trang nghiêm”.

Chùa cam kết sẽ khắc phục, sắp xếp việc thờ linh cốt trước  ngày 15/8 âm lịch. Những hũ cốt không có hình ảnh hoặc tên đề, chùa sẽ phối hợp với thân nhân để làm giám định DNA. Những hũ tro cốt không thể giám định được vì cần phải có một chút “xá lợi” màu trắng (tức mẩu xương còn sót lại sau khi thiêu, nếu màu đen tức đã cháy thành than cũng không giám định được.- ĐD), nhà chùa sẽ đúc chung lại thanh một tượng Phật lớn để các thân nhân thờ cúng chung tại chùa.   

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TPHCM, đã bày tỏ sự cảm thông với những lo lắng của các thân nhân. Ngài nói, chư vị điều hành chùa Kỳ Quang 2 phải sớm khắc phục sự việc.

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu bị ngưng chức vụ trụ trì

Cho rằng việc hàng trăm hũ tro cốt bị lẫn lộn trong chùa là rất nghiêm trọng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã ngưng chức vụ trụ trì đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu.

Quyết định nói trên được đưa ra sau buổi họp ngày 5/09/2020 của Ban Thường trực Trị sự GH PG TPHCM, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chủ trì. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đã nhận lỗi và bày tỏ sự sám hối tại buổi họp.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email