Khu Tự Trị, Một Mai. . .

“Con đừng gọi về nữa; đừng bao giờ điện thoại về cho mẹ nữa.”
Đó là lời cuối cùng người mẹ nói với con gái. Từ đó cô gái không bao giờ nghe được giọng nói của mẹ cô nữa.
Câu chuyện bắt đầu năm 2002, một nữ sinh viên từ Tân Cương qua Anh Quốc du học. Cô lập gia đình và lấy quốc tịch Anh. Một lần mẹ cô qua London thăm cô, sau khi mẹ về nước và bặt tin, cô gái gọi cho mẹ. Bằng giọng đẫm lo âu, mẹ cô kể công an Trung Cộng lại xét nhà họ, bắt nộp bằng chứng địa chỉ cô ở London, nộp bản sao sổ thông hành, khai số điện thoại để liên lạc ở London, tường trình chương trình học của cô ở trường đại học. Và cô phải gửi những tài liệu đó qua một dịch vụ điện thoại của Trung Cộng (Chinese mobile chat service.)
Và cuối cùng mẹ cô dặn dò, dằn từng chữ: Đừng bao giờ gọi điện về nữa!
Trả lời phỏng vấn của BBC, cô cho biết mẹ cô trước đây là kỹ sư và đã làm việc lâu năm với một công ty của nhà nước Trung Cộng. Và mẹ cô đã bị bắt giữ mà những kẻ giam giữ bà không nêu ra lý do. Cô kết luận: “Theo như tôi biết nhà cầm quyền Trung Cộng muốn xóa bỏ sắc tộc Uyghur ra khỏi thế giới này.”
Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tương tự của người dân Tân Cương sống ở nước ngoài mà thân nhân còn kẹt lại trong nước.
Bạn thân mến, hẳn bạn không còn lạ gì với Tân Cương, một trong bốn lãnh thổ “tự trị” nằm trong vòng kìm kẹp của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sắc tộc chiếm đa số ở Tân Cương là người Uyghur, phiên âm Hán Việt là Duy Ngô Nhĩ (維吾爾). Người Uyghur mang huyết thống dân Turk, có một nền văn hóa đặc sắc, có ngôn ngữ và phong tục riêng biệt nên láng giềng Trung Hoa từ đời nhà Thanh đã luôn tìm cách kiềm chế họ. Nhiều cuộc chiến đẫm máu xảy ra giữa Tân Cương và Trung Hoa. Năm 1864, người Urghur thành công trong việc lật đổ sự thống trị của nhà Thanh, thành lập vương quốc Kashgaria độc lập đặt thủ đô tại Kashgar. Vương quốc này lần lượt được công nhận bởi Đế Quốc Ottoman (1873), Đế Quốc Nga (1872), và Vương Quốc Anh (1874). Ít lâu sau vương quốc này lại bị quân nhà Thanh xâm lăng và bị biến thành một tỉnh mang tên Tân Cương (cương vực mới) của nước Tàu.
Năm 1920 nhà thơ Abdulhaliq qua bút hiệu Uyghur, viết một bài thơ kêu gọi lòng yêu nước của đồng bào mình với câu mở đầu “Ey pekir Uyghur, oyghan!” (hỡi những người Uyghur khốn cùng, hãy tỉnh dậy!) Ông bị bọn cai trị người Hán xử tử vì đã dùng thi ca dấy lên tinh thần dân tộc Uyghur.
Trước khi có đảng cộng sản Trung Hoa, Tân Cương vẫn có những thời kỳ độc lập, tuy nhiên năm 1949, sau khi Tưởng Giới Thạch thất bại ở Trung Hoa, quân Trung Cộng tràn vào Tân Cương, đàn áp thẳng tay mọi sự đối kháng.
Khu Tự Trị Dân Tộc Uyghur Tân Cương – với dân số 22 triệu – chính thức ra đời.
Bắt đầu từ đó sự kiện những người dân Tân Cương lưu vong phát hiện ra thân nhân của họ mất tích càng lúc càng trở nên phổ biến. Và tin tức lọt ra thế giới bên ngoài cho thấy những người bí mật biến mất phần nhiều đã bị giam trong các trại tập trung hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Những sự kiện mờ ám đó đã khiến dư luận phương Tây đặt câu hỏi. Và một số ký giả của đài BBC quyết định làm một chuyến viếng thăm Tân Cương để tìm hiểu sự việc một cách tường tận.
Những cuộc phỏng vấn của đài BBC với những người Uyghur sống ở nước ngoài xác nhận việc người Uyghur bị giam cầm trong các trại tập trung là có thật, họ ghi nhận những câu trả lời tương tự với nhau về bằng chứng liên hệ tới điều kiện sống và những sinh hoạt thường nhật bên trong những khu trại giam giữ thân nhân họ.
Có những sinh hoạt tôn giáo khác với người Hán, có ý tưởng phản kháng, có thân nhân sống ở nước ngoài là những nguyên nhân đẩy người Uyghur vào trại tập trung “cải tạo” của Trung Cộng.
Phóng viên BBC đến một nơi trước đây là trường học, khi máy quay phim được mở ra, một bàn tay an ninh chặn lấy ống kính kèm theo lời cảnh cáo cấm quay phim vì (họ giải thích là) đang có một cuộc huấn luyện quân sự quan trọng bên trong khu trại. Một phụ nữ và hai đứa bé đứng lặng im bên hàng rào kẽm gai. Một người “tai mắt” của nhà cầm quyền từ trong đám đông bước ra, cấm hai đứa bé nói chuyện với phóng viên, nhưng một người khác – có vẻ như có quyền hạn nhất trong bọn – gạt đi, “Cứ để chúng nó nói.” Phóng viên hỏi hai đứa bé đi thăm ai. Một thoáng ngập ngừng, rồi thằng bé buột miệng, “Ba cháu.”
Ống kính phóng viên vừa hướng về phía đứa bé thì một bàn tay (công an chìm) bịt ngay lấy.
Các ký giả nhận xét thành phố Kashgar đã từng sinh động với những sinh hoạt văn hóa Uyghur, bây giờ đường xá vắng tanh. Những cánh cửa khóa chặt. Đền Hồi Giáo vắng vẻ như viện bảo tàng. Trên một vách tường, có một bích chương hướng dẫn câu trả lời khi có ai hỏi thân nhân họ đi đâu: “Hãy trả lời họ được chăm sóc vì phúc lợi của xã hội cũng như của chính họ.”
Trong chuyến đi, phóng viên đụng đầu nhiều trạm kiểm soát. Ở những khúc xa lộ bị đóng, cảnh sát giải thích đường cấm vì mặt đường tan chảy dưới sức nóng mặt trời (!) Vô số đường giao thông bị đóng vì “không an toàn giao thông”, hoặc “đang có cuộc huấn luyện quân sự.”
Trước khi bị bắt giam, người Uyghur thường bị nhà cầm quyền Trung Cộng tịch thu sổ thông hành, một số ra được nước ngoài và đã không liên lạc được với thân nhân còn ở lại trong nước. Qua cuộc phỏng vấn của BBC với những người thoát được, câu chuyện họ kể có nhiều nét giống nhau. Lý do bị bắt thường rất đơn giản: đọc kinh Hồi Giáo trong đám tang, trong điện thoại di động có hình phụ nữ mang khăn trùm đầu… Họ bị giam trong khu trại, ban đêm cửa khóa kín, một cái sô được dùng cho việc đi vệ sinh. Trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ, nhiều trẻ em bị trao cho cô nhi viện.
Với sự bưng bít của nhà cầm quyền cùng với việc cấm đoán du khách và nhà báo đến gần khu vục những trại tập trung, các cơ quan nhân quyền phương Tây dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh để suy đoán.
Ngày 12 tháng Bảy 2015 hình ảnh vệ tinh chụp được trên những sa mạc và các thị trấn ốc đảo khu vực mênh mông phía tây Trung Cộng chỉ là một khoảng đất trơ trọi cát màu xám nhạt. Không đầy 3 năm sau, ngày 22 tháng Tư 2018, hình ảnh cũng khu vực sa mạc ấy – cũng chụp từ vệ tinh – cho thấy một khu trại nằm gọn trong một bức tường dài 2 km đánh dấu bởi 16 trạm canh. Đối chiếu với Google Earth, người ta nhận diện đó la khu vực phía ngoài thị trấn Dabancheng, một giờ lái xe từ Urumqi thủ phủ khu vực.
Mang theo hình ảnh ấy, phóng viên quyết định làm một chuyến thăm viếng “trại giáo dục cải tạo” này. Vừa tới Dabancheng, họ lập tức bị theo dõi bởi khoảng 5 chiếc xe, trong đó có đầy những người vừa mặc sắc phục cảnh sát lẫn những người mặc thường phục.
Tới gần, họ bắt gặp một cảnh tượng đáng ngạc nhiên. Trên khu vực đúng ra là bãi cát hoang sa mạc một kiến trúc đồ sộ mọc lên trước mắt họ. Như một đô thị nhỏ vươn lên từ cát sa mạc, bầu trời lởm chởm những cần trục. Và từng dãy dinh thự khổng lồ màu xám xịt, tất cả đều có bốn tầng lầu.
Các ký giả vừa sửa soạn máy quay phim thì đám xe cảnh sát lập tức bao vây họ. Họ bị yêu cầu cất máy quay phim và quay xe trở ra. Những gì họ trông thấy xác định là có những quần đảo ngục tù được dựng lên để giam cầm mà thế giới bên ngoài hoàn toàn không hay biết.
Nhà báo tìm cách hỏi chuyện cư dân Dabancheng nhưng không ai dám trả lời những câu hỏi của họ bởi luôn có những con mắt cú vọ gườm gườm nhìn họ, và những cư dân mau miệng chào hỏi ký giả nước ngoài lập tức bị cảnh cáo một cách hung hãn. Những thông tin góp nhặt được đó đây từ cư dân cho biết “Có hàng chục ngàn người bị gửi vào trại cải tạo. Đó là những người có mà tư tưởng có vấn đề.”
Không thể hỏi chuyện dân chúng trên đường, đám ký giả đổi chiến thuật: gọi đến bất cứ người nào mà họ có số điện thoại.
“Khu nhà khổng lồ có 16 tháp canh mà công an tuyệt đối cấm chúng tôi quay phim là cái gì vậy?”
“Trường học cải tạo. Trong đó có tới hàng chục ngàn người. Họ có vấn đề về tư tưởng.”
Khi trò chuyện với ký giả, những người may mắn trốn được ra nước ngoài cho biết trong trại “cải tạo”, họ bị đánh thức dậy một tiếng trước khi mặt trời mọc. Học viên có đúng một phút để có mặt ngoài sân tập thể dục. Họ phải nhanh chóng xếp hàng và bắt đầu chạy. “Có một phòng đặc biệt để trừng phạt những ai không chạy nhanh đúng mức. Có hai gã đàn ông, một người dùng dây thắt lưng da để đánh, gã kia dùng chân để đá học viên.”
Sân tập thể dục này và ngay cả bóng của những vòng rào kẽm gai bén như dao cạo cũng chụp được từ vệ tinh.
“Chúng tôi phải hát vang bài hát ‘Không Có Đảng Cộng Sản Thì Không Có Nước Trung Hoa Mới’. Chúng tôi phải học luật lệ và nếu không thuộc sẽ bị đánh đập dã man.”
Trong tiến trình xây cất những trại tập trung quy mô lớn, Trung Cộng cố gắng dồn càng nhiều người càng tốt vào những khu vực nhỏ và với phí tổn càng thấp càng tốt. Và để giảm phí tổn, ngoài việc xây cất thêm cơ sở, nhà cầm quyền dùng những cơ sở có sẵn, biến chúng thành những trại tập trung.
Bạn thân mến, rõ ràng là hai trụ cột căn bản trong đời sống của người Uyghur là Niềm Tin và Gia Đình đang bị phá hủy một cách có hệ thống bởi nhà cầm quyền Trung Cộng.
Đầu tháng Giêng, Trung Cộng (sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, soạn tuồng tích chu đáo) đã cho phép vài nhà ngoại giao và ký giả nước ngoài đến thăm một số “trung tâm huấn nghệ.” Họ chứng kiến những “học viên” đang học tiếng Phố Thông, vẽ hình, nhảy múa những vũ điệu của các sắc tộc thiểu số, vừa hát vừa vỗ tay bài hát quen thuộc, “If you’re happy and you know it, clap your hands.”
Một “học viên” người Uyghur nói với ký giả rằng, “tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng có chuyện gì đó sai trái trong con người chúng tôi, và may mắn thay Đảng Cộng Sản và chính quyền đã mở lớp học miễn phí cho chúng tôi.”
Như một thói quen có sẵn trong cấu trúc di truyền của các chế độ độc tài, Trung Cộng tiến hành chiến dịch giải độc bằng đủ mọi hình thức tuyên truyền. Những đài truyền hình do nhà nước nắm liên tục trình chiếu những tường trình mô tả những khung cảnh của “lớp học” với những học viên vui tươi, nồng nhiệt tham gia “công tác giáo dục”.
Tuy nhiên bài bản giải độc không nhắc gì tới chuyện ai được chọn để đi học cải tạo, và mỗi khóa học kéo dài bao lâu. Khi ống kính của phóng viên chiếu vào một “học viên”, ông ta đã nhanh chóng thú nhận là đã hiểu rõ lầm lỗi của mình và thề khi “tan khóa học”, ra về sẽ nguyện làm người công dân tốt.
Sự kiện một trong những môn học bắt buộc là tiếng Phổ Thông khiến người ta nhận ra ngay rằng đối tượng của những “lớp học” kể trên là những người không dùng tiếng Phổ Thông như ngôn ngữ chính, và ở Tân Cương, những người ấy không ai khác hơn là thiểu số những người Hồi Giáo. Hơn 10 triệu người Uyghur ở Tân Cương nói một ngôn ngữ gần với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và vóc dáng họ gần với các dân tộc vùng Trung Á hơn là với người Hán, sắc tộc chiếm đa số ở Trung Hoa. Đồng thời thủ phủ Kashgar về mặt địa lý, gần thủ đô Baghdad của Iraq hơn là Bắc Kinh. Đó là lý do Trung Cộng muốn xóa hẳn sắc tộc Uyghur trên bản đồ nhân văn của thế giới.
Trung Cộng tận dụng các phương tiện kiểm soát gắt gao như dùng máy quay phim nhận diện nét mặt, các dụng cụ theo dõi nội dung điện thoại di động và việc thu thập các dữ liệu cá nhân, cấm đoán thực hành các nghi thức tôn giáo, cùng với việc cấm để râu dài ở nam giới và cấm mang khăn trùm đầu ở nữ giới, cấm dạy dỗ tôn giáo cho trẻ em, không được ăn chay trong dịp Ramadan, và ngay cả cấm đặt những tên gọi có âm hưởng Hồi Giáo.
Tất cả mọi nét văn hóa đều bị xóa bỏ, chỉ còn lại một thứ độc tôn: Đảng Cộng Sản Tàu.
Khi mất liên lạc với thân nhân, những người Uyghur ở nước ngoài chẳng những lo lắng là thân nhân họ đã bị giam cầm trong những lò “cải tạo” ở Tân Cương mà còn sợ rằng người thân của họ sẽ (hay đã) trở thành nguồn cung cấp nội tạng, một chuyện thường xuyên xảy ra ở Trung Cộng. Với số dân hàng chục triệu, Tân Cương là nguồn cung cấp nội tạng khổng lồ!
Trước những thắc mắc và tra vấn dồn dập từ thế giới bên ngoài, Trung Cộng liên tục phủ nhận là không có trại “tập trung cải tạo” nào ở Tân Cương, khi bị hỏi về những trại “cải tạo”, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Cộng trả lời là chưa hề nghe nói tới.
Ngày 12 tháng 8, 2018 tờ Global Times của nhà nước Trung Cộng biện hộ cho việc bạc đãi, bắt bớ, giam giữ người Uyghur là nhằm mục đích không để Tân Cương biến thành một Syria hay một Libya. Và hành động của nhà nước Trung Cộng (theo tờ báo này) đã cứu vớt rất nhiều sinh mạng.
Trước sức mạnh chính trị và kinh tế của Trung Cộng, Nhiều quốc gia Hồi Giáo ra mặt ủng hộ chính sách diệt chủng văn hóa của Trung Cộng ở Tân Cương. Ông hoàng Mohammed bin Salman của Saudi Arabia còn hoan nghênh việc làm của nhà cầm quyền Trung Cộng.
Bạn thân mến! Tịch thu sổ thông hành, bắt nộp bản sao các giấy tờ của thân nhân đang sống ở nước ngoài, dồn vào trại tập trung “cải tạo”, bắt học tiếng Tàu, bắt liên tục ca ngợi bọn cầm quyền; không cho liên lạc với thân nhân ở nước ngoài, không cho… đủ thứ. Tất cả đều quen thuộc với người Việt miền Nam sau năm 1975.
Và một ngày kia, khi Việt Nam trở thành “khu tự trị” trong lãnh thổ nước Tàu, những gì xảy ra cho người Uyghur ở Tân Cương chắc chắn cũng sẽ lại xảy ra cho những người Việt còn sống trên đất nước – không còn là đất nước mình.
Chúng ta phải làm gì bây giờ?

Chú thích; Trong bản gốc tấm bích chương với hình người công an Trung Cộng chỉ có hai hàng chữ Ả Rập và Trung Hoa. Phần tiếng Việt tôi dịch lại từ Anh ngữ giúp bạn đọc khỏi mất công tra tự điển. Trân trọng!

Khúc An

Xem thêm

Nhận báo giá qua email