Khủng hoảng niềm tin và “dịch” gián điệp!

Thời đại chúng ta có nhiều dịch bệnh, nào SARS, rồi đến MERS, EBOLA, kể thêm H1N1… khiến niềm tin “bốn bể một nhà” và tinh thần “bầu bí chung giàn” bị lung lay. Giờ đây, Coronavirus hoành hành, niềm tin càng thêm khủng hoảng. Nhìn ai cũng thấy thấp thoáng bóng hình virus, nhìn vật gì cũng cảm thấy ẩn náu thứ virus chết choc. Từ đó, miệng câm vì khẩu trang, tay què vì phong kín, ngột ngạt vì áo bảo hộ…Còn tai lại nghe khá rõ lời giục giã nào là “cách ly”, “tự cách ly” và cần “giãn cách xã hội”(social distancing)…Khủng hoàng tăng thêm, khó tránh nghi ngờ hàng xóm hay nước láng giềng kể cả “quốc gia hữu nghị”… hại mình và dịch “gián điệp” được thể lan rộng!

Gián điệp, phản gián là thủ đoạn có từ lâu và trong bất cứ cuộc chiến tranh đông tây, kim cổ nào cũng có. Nhưng đặt thành quy luật chiến tranh thì phải kể từ Tôn Vũ của Trung quốc.

Tôn Vũ là một chiến lược gia, người nước Ngô, nổi tiếng thời Xuân thu-Chiến quốc, đã để lại một bộ binh pháp lừng danh có tên Tôn tử binh pháp, xuất hiện vào khoàng 512 trước công nguyên. Bộ sách này được các binh gia thế giới tôn sùng và từ đó có khá nhiều bản dịch và bình chú của các học giả Tây phương với nhan đề The Art of War.

Ở TQ, qua thời gian, tác phẩm thất thoát khá nhiều. Phần còn lại của kỳ thư này chỉ còn 13 thiên và thiên cuối cùng có tên “dụng gián” (sử dụng gián điệp). Kể từ đó lý thuyết gián điệp phải kể từ Trung quốc và cũng từ đó thiên hạ tin rằng vận dụng mưu mô thâm độc, xảo quyệt, nhờ “dụng gián” đánh bại đối thủ thì không binh gia, chính trị gia nào có thể hơn những ai có huyết thống Tôn vũ hay từ lâu đã trở thành tín đồ của học thuyết Tô vũ. Nguồn tin này gần đây gây thêm nguồn ưu tư và sự đề phòng cho giới hữu trách Âu Mỹ.

Nguồn tin BBC ngày 15 tháng ba, 2020, cho biết một ủy ban của Quốc hôi Canada đưa ra cảnh báo về sự can thiệp từ nước ngoài; trong khi một báo cáo tương tự tại Anh chưa được công bố.

Có một “mối đe dọa là rõ ràng và đang tiếp diễn” do “sự can thiệp đáng kể và liên tục từ nước ngoài” vào lĩnh vực công ở Canada, Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh, Quốc hội Canada nói với BBC.

Dân biểu David McGuinty phát biểu như vậy khi ủy ban của ông công bố báo cáo thường niên, trong đó đưa ra một phác thảo chi tiết về những đe dọa, cũng như đệ trình chi tiết các khuyến nghị về những gì chính phủ nên làm đặng ứng phó với mối nguy nói trên.

Sự can thiệp từ nước ngoài này gồm một số hình thức như tác động vào tiến trình bầu cử, vào quá trình ra quyết định của chính phủ, vào nền tự do học thuật và truyền thông.

Nga và Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm cho những sự can thiệp này mặc dủ hai chính phủ liên quan luôn luôn phủ nhận các cáo buộc nói trên về sự can thiệp của họ.

Ông McGuinty bình luận như vậy trong khi một báo cáo của Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Anh vẫn chưa công bố báo cáo về sự can thiệp của Nga, dù bản báo cáo này đã hoàn thành từ một năm về trước.

Không phải dân biều David McGuinty lo sợ vu vơ mà giữa Trung quốc và Canada đã có nhưng mối nghi kỵ lẫn nhau kể từ 2019.

Chẳng hạn trong vụ Huawei, công ty truyền thông của TQ. Trong vụ này nguồn tin 17-05-19 cho biết, TQ chính thức bắt hai người Canada với cáo buộc gián điệp

Michale Kovrig và Michael Spavor bị câu lưu hồi tháng Mười Hai năm ngoái, ngay sau khi Canada thay mặt Hoa Kỳ bắt một lãnh đạo của Huawei là bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou). Bà Mạnh bề ngoài là một giám đốc tài chính (CFO) và phụ tá chủ tịch của đại công ty Truyền thông Huawei. Tuy nhiên, phía Mỹ ngờ rằng bà ta có nhiều nhiệm vụ bí mật khác như tài trợ cho các đối thủ của Mỹ như Iran. Phía Mỹ nghi ngờ hệ thống Huawei, chỉ là bình phong của quân đội nhân dân TQ, được giao cho giữ vai trò gián điệp để dò xét bí mật của các quốc gia Âu Tây và dùng tiền bạc để lũng đoạn các công ty Âu Mỹ. Do đó Washington, thẳng tay tìm cách hạn chế sự bành trướng của công ty Huawei này bằng nhiều cách, như truy tố một nhân vật quan trọng là Mạnh vãn chu.

Mạnh vãn Chu, một yếu nhân của đại công ty Huawei bị Canada giam lỏng ở Vancouver theo lời yêu cầu của Mỹ, hiện đang chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ

Về phía Canada thì Ông Kovrig là cựu nhân viên ngoại giao Canada tại Hong Kong. Tại thời điểm bị bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái, ông đang làm việc cho tổ chức NGO International Crisis Group.

Còn Ông Spavor là một doanh nhân có các mối quan hệ với Bắc Hàn.

Trung Quốc cáo buộc ông đã cung cấp bí mật quốc gia cho Kovrig, người cũng bị Bắc Kinh cáo buộc là làm gián điệp.

Vụ bắt giữ hai người này được nhiều người cho là chiến thuật ăn miếng trả miếng nhằm gây áp lực, buộc Canada phải thả bà Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh Vãn Chu hiện đang tiếp tục đệ đơn lên tòa án Canada chống lại lệnh dẫn độ bà sang Mỹ chịu phán xét.

Dư luận Cannada cực lực phản đối vụ bắt người Canada và giam giữ người trái phép của TQ. Thủ tướng Justin Trudeau gọi vụ bắt giữ là “không thể chấp nhận được”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các công dân Canada này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đòi hỏi trả tự do cho họ,”

Mỹ nghi ngờ TQ “dụng gián” kinh tế có bằng chứng nào không hay chỉ là một thủ đoạn chính trị nảy sinh khi hai cường quốc giao tranh về thương mại nên không thiếu chiêu ăn miếng, trả miếng đối thủ, kể cả gán cho dân của nhau là gián điệp.

Có thể có chứng cớ. Gần nhất, là bốn sĩ quan TQ (PLA -The People’s Liberation Army) bị kết tội tấn công mạng vào công ty tín dụng lớn của Mỹ. Nguồn tin cho biết rõ, Mỹ vừa buộc tội bốn sĩ quan quân đội Trung Quốc trong vụ tấn công mạng quy mô lớn vào Equifax, công ty giám sát tín dụng lớn của Mỹ.

Nếu việc này có thực thì hơn 147 triệu người Mỹ đã bị ảnh hưởng vào năm 2017 khi tin tặc đánh cắp các dữ liệu cá nhân nhạy cảm như tên và địa chỉ.

Một số khách hàng ở Vương quốc Anh và Canada cũng bị ảnh hưởng.

Theo cáo trạng, Bộ trưởng Tư pháp Hoa kỳ William Barr gọi vụ tấn công mạng là “một trong những vụ vi phạm dữ liệu lớn nhất trong lịch sử”.

Theo các tài liệu của tòa án, bốn người này được cho là thành viên của Viện nghiên cứu thứ 54 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Họ dành nhiều tuần xâm nhập hệ thống của Equifax, phá vỡ hệ thống mạng bảo mật và đánh cắp dữ liệu cá nhân, các tài liệu cho biết.

Bản cáo trạng cũng cáo buộc nhóm này ăn cắp bí mật thương mại bao gồm cách biên soạn dữ liệu và thiết kế cơ sở dữ liệu.

Vẫn chưa rõ tung tích của các nghi phạm và khả năng thấp là họ sẽ ra tòa ở Mỹ. Phó Giám đốc FBI David Bowdich nói: “Chúng tôi chưa thể giam giữ họ, xét xử họ tại tòa và nhốt họ lại – ít nhất là chưa phải hôm nay.”

Điều gì đã xảy ra năm 2017?

Bốn sĩ quan TQ bị Mỹ truy tố về tội tấn công công ty giám sát tài chính Equifax của Mỹ

Equafix cho biết tin tặc đã truy cập thông tin từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 2017 khi công ty phát giác ra.

Các bị cáo bị cáo buộc đã chuyển lưu lượng truy cập qua 34 máy chủ tại gần 20 quốc gia để cố gắng che giấu vị trí thực sự của họ.

Công ty xếp hạng tín dụng Equifax nắm giữ dữ liệu của hơn 820 triệu người tiêu dùng cũng như thông tin về 91 triệu doanh nghiệp.

Ông Bowdich cho biết cho đến nay chưa có bằng chứng nào về việc dữ liệu đã được sử dụng để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của một ai.

Giám đốc điều hành Equifax, Mark Begor cho biết trong một tuyên bố rằng công ty rất cảm kích về cuộc điều tra.

“Điều đáng trấn an là các cơ quan thực thi pháp luật liên bang của chúng ta coi các tội phạm mạng, đặc biệt là tội phạm do nhà nước bảo trợ, với mức độ nghiêm trọng thích đáng”.

Giới chỉ trích đã cáo buộc công ty đã không thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ thông tin và chờ đợi quá lâu để thông báo cho công chúng về vụ tấn công.

Richard Smith, Giám đốc điều hành của hồ sơ tín dụng Equachus tại thời điểm bị tấn công, đã từ chức một tháng sau khi vụ việc diễn ra. Ông xin lỗi vì sự thiếu sót của công ty này trước khi ra làm chứng trước Quốc hội.

Equachus đã buộc phải trả khoản thanh toán 700 triệu đô la cho Ủy ban Thương mại Liên bang.

Cơ quan quản lý Hoa Kỳ cáo buộc công ty có trụ sở tại Atlanta đã không thực hiện các bước hợp lý để bảo mật mạng lưới của mình. Ít nhất 300 triệu đôla của thỏa thuận đã được chi trả cho các dịch vụ chống trộm cắp danh tính và các chi phí liên quan khác chi trả cho các nạn nhân.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói: “Đây là một sự xâm nhập có chủ đích và càn quét vào thông tin cá nhân của người dân Mỹ.

“Hôm nay chúng tôi buộc các tin tặc PLA phải chịu trách nhiệm cho các hành động tội phạm của chúng và chúng tôi nhắc nhở chính phủ Trung Quốc rằng chúng tôi có khả năng xóa lớp màng ẩn danh của internet và truy tìm các tin tặc mà quốc gia này liên tục triển khai chống lại chúng tôi.”

Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về các cáo buộc.

Phân tích của nhà báo mảng an ninh Gordon Corera

Katrina Leung hay còn gọi là Trần Văn Anh là gián điệp Trung quốc?

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ buộc tội các thành viên của quân đội Trung Quốc tấn công mạng các công ty Mỹ.

Bản cáo trạng đầu tiên về một việc như vậy đã có từ 2014 và giúp dẫn đến một thỏa thuận vào năm sau để cố gắng hạn chế các hoạt động này.

Nhưng rõ ràng Hoa Kỳ cảm thấy cần tái sử dụng thứ vũ khí cáo trạng công khai để gia tăng áp lực trở lại.

Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan tâm hơn không chỉ về các vụ đánh cắp bí mật kinh tế mà còn cả những rủi ro tình báo.

Equifax là một trong một loạt các vụ vi phạm dữ liệu lớn liên quan đến Trung Quốc – những vụ khác bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đáng kể nhất là hành vi trộm cắp dữ liệu từ Văn phòng Quản lý Nhân sự, vốn chứa các hồ sơ nhạy cảm của hầu hết các nhân viên liên bang Hoa Kỳ.

Một trong những mối lo ngại của các giới chức an ninh Hoa Kỳ là liệu các điệp viên Trung Quốc có thể tổng hợp và xâu chuỗi khối lượng cơ sở dữ liệu đồ sộ mà họ đã có về công dân Hoa Kỳ được không.

Các giới chức này cho biết thông tin bị đánh cắp có thể được sử dụng để tạo ra ‘các gói mục tiêu’, thiết lập những cá nhân có khả năng tiếp cận các thông tin nhạy cảm và các lỗ hổng tiềm ẩn để họ lợi dụng.

Tuy nhiên, họ nói thêm rằng, cho đến nay họ vẫn chưa thấy thông tin nào bị lấy từ Equifax được sử dụng cho mục đích đó. Tình báo Mỹ không giấu giếm việc một cựu nhân viên tình báo làm việc lâu năm cho Mỹ bỗng nhiên phản thùng bán tín cho TQ.

Vụ Jerry Chuan Shing Lee bán tin cho TQ đã được công bố. Lee đã rời CIA năm 2007, rồi chuyển đến sống ở Hong Kong. Tình báo Trung Quốc tiếp cận Lee, bao nuôi và chi 100.000 USD để đổi lấy thông tin ông có được thời làm cho CIA.

Một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ vừa tuyên cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Jerry Chuan Shing Lee, 19 năm tù sau khi người này thừa nhận tội âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc.

Reuters cho biết rõ hơn: ngày 22-11, ông Jerry Chuan Shing Lee (55 tuổi) đã rời CIA vào năm 2007 và chuyển đến sống tại Hong Kong. Đến năm 2010 thì tình báo viên Trung Quốc tiếp cận ông Lee, đề nghị bao nuôi và chi 100.000 USD để đổi lấy thông tin ông có được từ thời làm cho CIA.

Sau đó, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, hàng trăm ngàn đô đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Lee để đổi lấy thông tin.

“Thay vì tuân thủ trách nhiệm và tôn trọng cam kết không tiết lộ thông tin quốc phòng, ông Lee đã bán đứng đất nước của ông ta, trở thành một điệp viên cho một chính phủ nước ngoài, và sau đó liên tục nói dối các nhà điều tra về hành vi của mình” – ông Zachary Terwilliger, chưởng lý Mỹ tại khu vực Đông Virginia, nói.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ đã lục soát phòng khách sạn tại Hawaii của ông Lee vào tháng 8-2012 và phát hiện ông có sổ sách và các ghi chú viết tay từ năm 2004, thời còn làm việc ở CIA.

Các ghi chú bao gồm các thông tin tình báo nhạy cảm như tên các tài sản của CIA, các địa điểm họp bàn chiến dịch, số điện thoại và chi tiết về các căn cứ bí mật.

Ông Lee đã liên tục nói dối FBI khi bị chất vấn. Mãi đến tháng 5-2019, ông Lee mới nhận tội âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng và an ninh quốc gia cho chính phủ nước ngoài.

Ông Lee là một trong 3 cựu nhân viên tình báo Mỹ nhận án tù nhiều năm trong những tháng gần đây với cáo buộc liên quan đến việc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Hồi tháng 5, một cựu nhân viên CIA khác là Kevin Mallory đã bị kết án 20 năm tù vì âm mưu cung cấp bí mật quốc phòng của Mỹ cho Trung Quốc.

Việc gián điệp và phản gián điệp nhập nhằng khó phân biệt thực hư là vụ Katrina Leung một phụ nữ thượng lưu Mỹ, gốc TQ bị tố là gián điệp hai mang và từng gây sóng gió trên báo chí vào năm 2003.

Katrina Leung hay còn gọi là Trần Văn Anh là công dân Mỹ gốc Trung Hoa, có học thức, giàu có và được nhiều người biết đến trong xã hội trung và thượng lưu tại quê hương thứ hai của bà. Tuy nhiên, vào tháng 4/2003, một scandal nổ ra làm chấn động giới tình báo Mỹ và thế giới: Leung bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Đương sự bị bắt giữ vào ngày 9/4/2003 và cuộc điều tra sơ khởi đã đưa ra ánh sáng một số tình tiết đủ để các nhà bình luận thời sự mệnh danh Leung là “Mata Hari Trung Quốc” (Mata Hari: tên nữ điệp viên lừng danh trong Thế chiến I).

Năm 1982, với uy tín của một nhà vận động chính trị sáng giá, từng gây quỹ ủng hộ đảng Cộng hòa, Leung được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyển dụng làm điệp viên, với mật danh là “Parlor Maid”. Nhiệm vụ chủ yếu của Leung là cung cấp cho FBI những thông tin cơ mật của Trung Quốc trên nhiều lãnh vực khác nhau. Người được FBI giao trách nhiệm móc nối và bố trí công tác cho Leung là một viên chức phản gián đặc trách Trung Quốc tên là James J. Smith, 61 tuổi, làm

Việc móc nối Leung hoàn tất vào năm 1982 với mức thù lao là 1,7 triệu USD. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người không diễn ra đúng như FBI dự đoán. Với sắc đẹp khả ái, nữ điệp báo của FBI sớm trở thành tình nhân của Smith. Cho đến một ngày, Cơ quan Phản gián phát giác Leung lấy cắp hai tài liệu mật trong cặp da của Smith. Trong hai tài liệu bị đánh cắp, một liên quan đến cuộc điều tra của FBI mang mật danh “Royal Tourist”, một là công văn mật về “truyền thông điện tử”.

FBI đã ra lệnh bắt giữ Leung vào ngày 9/4/2003 và kết tội Leung đã phản bội quyền lợi của nước Mỹ bằng cách cung cấp tài liệu mật cho phía Trung Quốc. Nếu kết quả điều tra xác nhận sự thật đúng như lời cáo buộc của FBI, Leung có khả năng nhận lãnh một bản án đến 50 năm tù. Ngày 20/6, bị cáo được tại ngoại hậu tra sau khi nộp một khoản tiền thế chân lên đến 3 triệu USD. Đối với nữ triệu phú này, khoản tiền trên không đáng là bao, song để ngăn ngừa việc đương sự có thể đào thoát về Trung Quốc, cơ quan điều tra buộc Leung không được ra khỏi nhà, ngoại trừ trường hợp đi gặp luật sư hoặc ra hầu tòa.

Đồng thời với quy định này, Leung phải đeo thường trực một chiếc vòng kiểm soát điện tử, giúp cơ quan thụ lý vụ án theo dõi được mọi hình thức di chuyển của đương sự. Về phần James J. Smith, mặc dù đã về hưu từ năm 2000, ông cũng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm, để hồ sơ mật lọt vào tay điệp báo nước ngoài, và có thể nhận lãnh một bản án đến 40 năm tù nếu kết quả điều tra chứng minh ông có tội. Smith cũng được tại ngoại sau khi nộp khoản tiền thế chân 250.000 USD.

Vụ án “Mata Hari Trung Quốc” tốn khá nhiều giấy mực của các phương tiện truyền thông và sau gần hai năm điều tra của các cơ quan tư pháp Mỹ, đã đi đến một kết thúc… «có hậu». Ngày 7/1/2005, Tòa án liên bang ở California đã đưa ra quyết định miễn tố cho Leung, vì lý do không tìm ra chứng cứ đương sự chuyển về Trung Quốc các tài liệu mật lấy từ cặp da của James J.Smith. Leung được miễn tố thì Smith cũng không có tội, ngoại trừ sự sơ suất trong lúc làm nhiệm vụ. Giả thuyết được đưa ra để giải thích cho quyết định của Tòa án California: Phải chăng chuyện Leung chuyển hồ sơ mật ra nước ngoài là có thật, nhưng FBI – và cao hơn nữa là Bộ Tư pháp và Chính phủ Mỹ – không muốn bị mất mặt vì một sơ suất quá sơ đẳng nên né tránh việc kết án đương sự? Và có chăng một thương lượng ngoại giao?

Chu Nguyễn

Xem thêm

Nhận báo giá qua email