Kinh hoàng nạn cho vay nặng lãi

Mức lãi không thể tưởng tượng nổi

Hàng trăm người ở Quảng Bình phải vay nặng lãi đến 228%/năm

Từ năm 2018 đến nay, nhóm này đã cho hơn 500 lượt người ở Quảng Bình vay khoảng 5 tỉ đồng với lãi suất từ 110% đến 228%/ năm.

Nhiều người nghèo ở Quảng Bình đã vay tiền lãi nặng và bị ép buộc phải cầm cố tài sản, siết nợ.

Tại Đồng Hới và phía Bắc Quảng Bình, 2 người bị bắt vì cho vay nặng lãi. Đường dây này có 8 người liên quan trong và ngoài tỉnh.

Hai người bị tạm giữ, gồm: Nguyễn Thị Cẩm Nhung (SN 1984; ngụ phường Nam Lý, TP Đồng Hới) và Trương Thị Lệ Hằng (SN 1975; ngụ phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn).

Nhóm người này đã cấu kết với nhau, hoạt động hết sức tinh vi, buộc nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế phải cắm nhà, đất, cắm quầy quán bán hàng ở chợ sau đó siết nợ.

Từ năm 2018 đến nay, bọn này đã cho vay hơn 500 lượt người tại TP Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn với lãi suất từ 110% đến 228%/ năm, với tổng số tiền 5 tỉ đồng.

Đường dây cho vay nặng lãi đến 300-360%/năm

Tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã bắt giữ khẩn cấp 3 người chuyên cho vay nặng lãi với số tiền hàng chục tỉ đồng.

Gồm: Nguyễn Văn Thiệu (28 tuổi), Nguyễn Minh Hiếu (19 tuổi, cùng ngụ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và Đỗ Duy Bẩy (25 tuổi, ngụ huyện Phú Thiên, tỉnh Gia Lai). Những người này khai đã nhận thuê phòng tại nhà nghỉ Hồng Gấm (khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài), để điều hành “bộ máy” cho vay lãi nặng. 3 kẻ trên dùng một phần mềm để quản lý việc cho vay tiền cùng nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến cho vay nặng lãi bị thu giữ.

Đặc biệt, nhóm cho vay nặng lãi này có danh sách cho hơn 500 lượt khách đã vay tiền với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng, lãi suất từ 300 – 360%/năm, thu lợi khoảng trên 2 tỉ đồng.

Nguyễn Văn Thiệu là người cầm đầu, có tiền cho vay. Thiệu đứng ra thuê và trả lương cho Hiếu và Bẩy 5 triệu đồng/người/tháng. 2 người này có nhiệm vụ tìm kiếm, chào mời khách hàng, trực tiếp giao tiền cho khách, sau đó hàng ngày đi thu tiền góp.

Ba kẻ trên cũng thỏa thuận, ngoài tiền lương hàng tháng, cuối năm tổng số tiền lãi thu được sẽ được chia theo tỷ lệ 4/6, Thiệu là người bỏ vốn sẽ hưởng 6 phần, Hiếu và Bẩy được hưởng 4 phần.

Băng tín dụng đen cho vay hơn tỉ, thu lãi quá nửa tỉ

Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vừa tạm giữ 7 người cho vay lãi nặng. Gồm: Hoàng Trần Hùng (quê Hải Phòng); Phạm Thành Trung, Đỗ Tiến Biển, Ngô Doãn Lượng, Ngô Mạnh Dân (cùng ngụ TP Biên Hòa); Phạm Văn Thăng và Nguyễn Đức Thủy (cùng ngụ huyện Long Thành).

Hùng bị bắt quả tang đang thu tiền lãi của anh V.X.T. (ngụ phường Tam Phước, TP Biên Hòa) với lãi suất 40%/tháng.

Bước đầu, nhóm này khai cho người dân vay tiền từ 5-100 triệu đồng và thu lãi từ 40-60%/tháng. Tiền gốc và lãi trả góp heo ngày hoặc tháng. Trường hợp “con nợ” chậm trả tiền, nhóm điện thoại, nhắn tin chửi bới, thậm chí đến nhà đe dọa, gây sức ép.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 2 đến nay, nhóm đã cho khoảng 20 người dân vay hơn 1 tỉ đồng, thu lợi hơn 500 triệu đồng.

Nhóm này có liên hệ với nhau trong việc cho vay lãi nặng, hoạt động ở địa bàn TP Biên Hòa, huyện Long Thành và một số khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai với Bình Dương và SG.

Tiểu thương vay với lãi suất 1.460%/năm

Từ năm 2019, Ngô Hoàng Phúc (29 tuổi, ngụ tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chuyên cho tiểu thương các chợ ở Đà Nẵng vay tiền với lãi ít nhất là 365%/năm, cao nhất là 1.460%/năm.

Khi dịch Covid-19, các tiểu thương không buôn bán được nên khó khăn, chậm trả lãi và tiền góp gốc hàng tháng, nhiều người bị Phúc dọa nạt, chửi bới thậm chí bị đánh đập.

Dính vay nặng lãi, khổ đến tận cùng

Câu chuyện liên quan đến vay nặng lãi mà cô sinh viên người Bình Định phải cầu cứu các báo nghe thật kinh hãi:

“Không chỉ một người, không chỉ một lần, lần lượt trong gia đình tôi ai cũng nhận được những cuộc điện thoại tương tự…

Em tôi học đại học tại TP Quy Nhơn. Hằng tháng, ba mẹ tôi vẫn gửi tiền chu cấp đều đặn. Sống xa nhà, không ai quản thúc, em tôi đã sa bẫy nợ nần, mọi người chỉ biết khi mọi thứ đã đi quá xa!

Sau ngày 1-10, em báo với gia đình phải chuyển trọ, cần một khoản tiền để đóng cọc, phí vận chuyển cùng một số khoản tiền khác cho đồ án tốt nghiệp. Ba mẹ tôi đâu ngờ tất cả đó đều là để đắp vào những khoản tiền lời “cắt cổ” của tín dụng “đen”.

Chuyện vỡ ra khi một người thân chia sẻ cho tôi tấm ảnh căn cước của em đang lan truyền trên các trang mạng xã hội kèm theo đó là những lời vu khống chiếm đoạt tài sản, lừa đảo… Biết bao bình luận, những lời ra tiếng vào được dịp nổi trôi bên dưới tấm ảnh đó.

Vài ngày sau, một người đàn ông gọi cho mẹ tôi chửi rủa cay nghiệt. Anh ta bảo em tôi đã vay trên app X 14 triệu đồng kể cả tiền lời và phí phát sinh vì quá hạn. Anh ta cho số tài khoản rồi yêu cầu thanh toán đúng ngày, nếu không sẽ nhận được những điều không mong muốn.

Cuộc điện thoại kết thúc bằng những giọt nước mắt chảy dài của mẹ tôi. Nhấn số gọi lại cho người đó nhưng không thể. Họ thường dùng nhiều số điện thoại và khóa một chiều.

Liên tục mấy ngày sau đó là những cuộc điện thoại khác cho những người thân khác trong gia đình từ nhân viên của các app cho vay mới, với những món tiền triệu khác nhau. Cũng là những lời lẽ đe dọa và xúc phạm thậm tệ. Ba mẹ tôi cầm xe, bán đất, tìm mọi cách để trả hết những món nợ.

Mọi chuyện bắt đầu từ cá cược bóng đá Euro 2020 hồi tháng 7 vừa qua. Thua nối thua, nợ nối nợ, vay app này trả lãi app kia, cứ thế kéo dài mấy tháng liền và không có đường thoát ra. Khoản tiền mà em tôi nhận được từ các app luôn thấp hơn mức vay em chọn, số tiền ấy đã bị cắt xén bởi những khoản mang tên phí xét duyệt, phí giải ngân…

Cuối năm cũng là chủ nợ khắp nơi đòi nợ. Lại rùng mình với các kiểu nhắn tin đe dọa, điện thoại khủng bố, đăng tin bêu xấu lên mạng, dán chân dung lên các trụ điện, tạt sơn, thuê giang hồ đến tận nhà… là những điều mà ai từng trong cuộc mới thấu được nỗi đau.

Có vay phải trả là lẽ tự nhiên, nhưng vay 1 trả 10, trả 20 hay gấp chục, gấp trăm lần khoản vay ban đầu thì nỗi khổ này có trời mới thấu!”

Điểm danh những đại án năm 2021 ở Việt Nam

Trong năm 2021, ở Việt Nam bên cạnh đại dịch Covid hoành hành, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo.

Vụ Ethanol Phú Thọ

Tháng 3/2021, Hà Nội xét xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) 11 năm tù và 11 đồng phạm trong vụ Nhà máy Ethanol Phú Thọ “đắp chiếu” từ năm 2008 đến nay vẫn còn dang dở, nhiều khu vực thành đống rỉ sét hư hỏng, cỏ dại mọc quá đầu người, PVB (Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí) đã chi cho dự án hơn 2.500 tỉ đồng.

Ông Thăng chịu trách nhiệm chính về lựa chọn nhà thầu, đã chọn nhà thầu thiếu năng lực gây thiệt hại lớn.

Tiếp theo là vai trò của Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch PVC tù chung thân và Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc PVB 6 năm 6 tháng tù.

Vụ chuyển đổi “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng

Vũ Huy Hoàng, nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương cùng 9 đồng phạm, liên quan vụ chuyển đổi “đất vàng” từ đất Nhà nước thành đất tư nhân chịu 11 năm tù. Cùng tội danh, ông Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương) lĩnh 9 năm tù. Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UB TP 6 năm 6 tháng tù.

Sabeco được giao khu đất vàng để kinh doanh và nộp tiền thuê đất hàng năm. Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm đã chỉ đạo Sabeco góp vốn bằng tiền và quyền sử dụng khu đất để thành lập liên doanh Sabeco Pearl cho dự án “Xây dựng khách sạn sáu sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê”. Sau khi Sabeco hoàn tất các thủ tục pháp lý, Bộ Công thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp dẫn tới hậu quả khu đất bị chuyển quyền trái phép từ doanh nghiệp Nhà nước sang tư nhân, thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng.

Vụ án đấu thầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội)

Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù giam.

CDC Hà Nội được cấp tiền để mua sắm gói thầu số 15 gồm máy móc, thiết bị dành cho việc chống dịch COVID-19. Thế nhưng, Nguyễn Nhật Cảm câu kết với Nguyễn Trần Duy, Giám đốc Công ty đấu giá Nhân Thành gian lận để Công ty MST trúng thầu với giá hơn 9,5 tỷ đồng trong khi giá thực tế chỉ có 4,1 tỷ đồng.

Vụ án Trần Bắc Hà tại Ngân hàng Thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2016, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV (2008-2016) và Tổng Giám đốc BIDV, đã ra lệnh cấp dưới tại BIDV và BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái phép, gây thất thoát cho BIDV 1.664 tỉ đồng. Nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không thể thu hồi là hơn 799 tỉ đồng.

Vụ án Vũ Nhôm

Phan Văn Anh Vũ (nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo – Bộ Công an, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) dính líu đến các thương vụ thâu tóm, mua bán đất vàng,  tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc thao túng thị trường địa ốc Đà Nẵng và các khu đất vàng bằng cách lập ra các dự án và xin đất của Nhà, rồi bán lại cho người khác lời hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Vũ Nhôm còn chịu 7 năm 6 tháng tù về tội đưa hối lộ. Thầy phong thủy  Hồ Hữu Hòa 2 năm 7 tháng 25 ngày tù tội “Môi giới hối lộ” và Nguyễn Duy Linh, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo – Bộ Công an 14 năm tù về tội nhận hối lộ.

Đại án Nhật Cường

Từ khoảng tháng 1-2014 đến tháng 5-2019, Tổng giám đốc Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn) tổ chức đường dây nhập lậu hơn 255.000 điện thoại và sản phẩm công nghệ khác từ 16 nhà cung cấp nước ngoài có giá trị trên 2.900 tỉ đồng, thu lợi 221 tỉ đồng. Đến khi đường dây bị phanh phui, Công ty Nhật Cường còn 947 sản phẩm (trị giá 7,7 tỉ đồng) chưa bán ra thị trường.

Vụ Gang thép Thái Nguyên

Nguyên tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên – TISCO, Trần Trọng Mừng 9 năm 6 tháng tù, phải bồi thường 130 tỉ đồng.

Năm 2005, TISCO mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với vốn hơn 3.800 tỉ đồng.

Năm 2007, Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu xây dựng, ký với TISCO một hợp đồng hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỉ đồng) là giá trọn gói không thay đổi.

Theo đó, MCC phải hoàn thành dự án sau 30 tháng nhưng sau 11 tháng vẫn chưa lựa chọn nhà thầu phụ, chưa làm bất kỳ hạng mục nào nhưng lại rút hết người về nước. Đồng thời còn yêu cầu tăng giá hợp đồng vô căn cứ. Sau đó, TISCO đã chọn nhà thầu phụ VINAINCON để thực hiện gói thầu C song nhà thầu này lại quá yếu để thi công.

Ông Trần Trọng Mừng đã không quyết định dừng khi nhà thầu MCC phá vỡ hợp đồng   dẫn đến dự án dừng lại. Hậu quả là khoản lãi suất mà TISCO phải trả ngân hơn 830 tỉ đồng.

Vụ án Nguyễn Đức Chung

Ông Chung khi bị bắt là Chủ tịch TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, từng là Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hà Nội.

– Vụ án Nhật Cường: Ông Nguyễn Đức Chung lãnh 3 năm tù vì can thiệp trái phép giúp công ty Nhật Cường trúng thầu thực hiện “thí điểm số hóa”khiến mục đích đưa ra không đạt hiệu quả. (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) gây thiệt hại tài sản nhà nước.

– Vụ án Redoxy 3C: Ông Chung lãnh 8 năm tù vì để công ty gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho thành phố khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỉ đồng.

– Vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”: Ông Chung lãnh 5 năm tù vì muốn tìm cách chạy tội, đã nhờ cán bộ điều tra Bộ Công an Phạm Quang Dũng chuyển cho mình 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” liên quan đến vụ án Nhật Cường.

San Hà (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email