KINH THI CHỌN LỌC

BS Nguyễn Văn Bảo

Lời nói đầu:
Kinh Thi (ca dao Trung quốc trước thời của Khổng tử) có 300 thiên. Mỗi thiên có nhiều bài cùng một đề tài, tổng cộng chừng một ngàn bài.
Kinh Thi có ba loại thơ. Thơ Phong và thơ Nhã là những bài ngụ ý dạy đời và nhiều bài hiện còn rất phổ thông. Thơ Tụng gồm những bài ca cho triều đình và miếu đường, đã lỗi thời vì chỉ xưng tụng những mẫu mực của thời phong kiến (nhất là nhà Chu). Cả ba loại Phong, Nhã và Tụng đều xúc tích, cô đọng tới độ, nhiều bài, nếu không có chú giải (của Mạnh tử và Chu Hy) thì không thể hiểu nổi.
Loạt bài này gồm những thiên chưa lỗi thời trong toàn bộ Kinh Thi mà Con Cò đã dịch.
Kinh Thi dùng thể thơ cổ phong. Vì vậy cổ phong là thể thơ lý tưởng để dịch. Nếu dịch bằng thể lục bát hoặc song thất lục bát thì hồn thơ và mức cô đọng, xúc tích, của Kinh Thi sẽ dễ bị mờ nhạt (dùng một câu 6,7, hoặc 8 chữ để dịch một câu chỉ có 3, 4, hoặc 5 chữ). .
Phú là những bài nói rõ tên, rõ việc.
Tỷ là những bài thấy việc hư hỏng đương thời mà không dám nói rõ, chỉ dùng lối so sánh để̉ diễn đạt một ý kín đáo.
Hứng là những bài mượn vật, mượn việc để nói lên ý chính.
Tỷ và Hứng khác nhau ở chỗ Tỷ thì mượn vật, mượn việc làm thí dụ mà không nói rõ ý chính, còn Hứng thì mượn vật, mượn việc để nói rõ ý chính.

THIÊN THỨ 54
KINH THI
Bài 1
Tái Trì
Tái trì tái khu
Qui ngạn Vệ hầu
Khu mã du du
Ngôn chí ư Tào
Đại phu bạt thiệp
Ngã tâm tắc ưu

Bài 2
Ký bất ngã gia
Bất năng tuyền phản
Thị nhĩ bất tang
Ngã tư bất viễn
Ký bất ngã gia
Bất năng tuyền tế
Thị nhĩ bất tang
Ngã tâm bất bí

Bài 3
Trắc bỉ a khâu
Ngôn thái kỳ manh
Nữ tử thiện hoài
Diệc các hữu hành
Hứa nhân vưu chi
Chúng trĩ thả cuồng

Bài 4
Ngã hành kỳ dã
Bồng bồng kỳ mạch
Khống vu đại bang
Thùy nhân thùy cực
Đại phu quân tử
Vô ngã hữu vưu
Bách nhĩ sở tư
Bất như ngã sở chi

Chú giải:
Thiên này thuộc phú.

Tái: thì, tiếng trợ từ ở đầu câu. Ngạn: đến thăm việc mất nước. Du du: xa xăm. Bạt: băng qua(đồng cỏ). Thiệp: lội. Gia, tang: đều nghĩa là tốt. Viễn: quên. Tế: sang đò. Bí :dừng lại, đọng lại (lòng lo nghĩ không dứt). A khâu: gò cao. Manh: loại rau có thể trị bệnh lo buồn. Thiện hoài: hay lo nghĩ. Hàng: đường lối. Vưu: lỗi lầm. Bồng bồng: nhiều và dài. Khống: báo cáo. Nhân: cậy nhờ. Đại phu: chỉ vị quan dượt theo nàng. Quân tử: chỉ dân chúng nước Hứa .
Ý chính:
Toàn thiên 4 bài mô tả nỗi ưu tư cũa con gái của Tuyên Khương và Vệ hầu. Nàng là vợ của Hứa Mục công. Nàng nói dối là sang Tào nhưng đánh xe gấp về Vệ vì nghe tin Vệ triều vừa mất. Thấy quan đại phu nước Hứa lướt bụi lội nước rượt theo (để bắt nàng trở lại), lòng nàng đầy lo âu. Đại phu bảo nàng trái lẽ nhưng ai thấu được nỗi lòng của nàng nếu nàng không về trong lúc này. Rau manh (thứ rau chữa sầu tư) trên đồi cao chữa nổi sầu tư của ta chăng? Con gái thường đa sầu đa cảm; mỗi người có một niềm riêng. Thế mà quan dân nước Hứa chê ta phạm lỗi thì thử hỏi họ có điên dại không? Ta muốn cầu nước lớn giúp đỡ nhưng ai làm được việc ấy cho ta? Nước Hứa bày ra hàng trăm phương kế (nói là để giúp ta) mà chẳng kết qủa gì, không bằng để ta về Vệ mà tận lực cứu Vệ.

Lời bàn của ConCò:
Thiên này thoạt nhìn có vẻ lỗi thời vì ca tụng một nhân vật của thời chiến quốc nhưng kỳ thực nó nói tới thế đứng trang trọng của người nữ trong văn hóa Viễn Đông từ thời thượng cổ,
Vị thi hào làm thiên này đã nêu ra một lựa chọn giũa phép nước và tình nhà, một lựa chọn coi như cấm kỵ vào thời đó. Phép nước là: phu nhân của chư hầu không được trở về thăm cựu quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng còn tình nhà thì sao? Cha mẹ và anh em của ta đang lâm nguy, có thể bị diệt vong mà sự hiện diện của ta thì rất hữu ích. Phép nước đặt ra để giữ kỷ cương cho xã tắc nhưng cũng phải tùy cơ mà quyền biến chứ không nên cứng ngắc như vậy. Vả lại ta là nữ lưu (đàn bà nhạy cảm, phép nước, tình nhà mỗi người có một lẽ riêng) thì nhẹ về chính trị (trong tình huống này) và nặng về tình nhà (cứu nguy cha mẹ) cũng là điều nên quyền biến chứ! Triều đình các người không làm nổi điều gì để giúp ta thì cũng nên lờ cho ta về rồi sau này tìm lời gián tiếp khiển trách ta để che mắt thiên hạ còn hơn là khư khư ôm cái đạo luật vô tri vô giác mà bắt ta phải ở lại. Huống chi việc ta về Vệ trong tình thế này cũng không đển nỗi làm đảo lộn trật tự của nước Hứa. Các người là tu mi nam tử, nắm quyền bính quốc gia mà không biết quyền biến lại còn trách ta phá lệ thì chẳng điên dại lắm ru? Đó là cái ý tiềm tàng trong thiên này.
Tất cả 4 bài thơ cộng lại chỉ co 113 chữ mà nêu ra được một vấn đề vừa chính trị vửa luân lý phức tạp như vậy thiết tưởng chỉ có thể hiện hũu trong Kinh Thi. Nó cho biết cái vị thế của người nữ trong văn hóa Viễn Đông từ ba thiên kỷ trước (so với địa vị thấp hèn của người nữ trong văn hóa Trung Đông ngay trong thế kỷ 21 này).

THIÊN THỨ 54
Con Cò
Bài 1
Đánh Xe Gấp
Cứ dong xe gấp!
Đánh ngựa đi mau!
Vệ triều vừa mất.
Nói là sang Tào.
Đại phu vượt suối theo sau,
Khiến ta lo âu.

Bài 2
Bảo ta sai lẽ,
Đại phu dãi bày.
Ta không về Vệ,
Đau lòng ta thay!
Bảo ta phá lệ,
Ta quay lại đây!
Bảo ta trái lẽ
Sầu ta ai hay?

Bài 3
Rau manh nói hái
Để chữa sầu riêng?
Đa sầu thân gái
Mỗi kẻ mỗi niềm.
Chê ta lẽ trái
Các ngươi dại điên?

Bài 4
Băng qua đồng ruộng
Lúa mạch mênh mông.
Báo nguy đại quốc
Ai giúp cho xong?
Quan dân thử nghĩ
Ta có lỗi không?
Trăm phương xử trí
Thua ta về, một lòng!

BS Nguyễn Văn Bảo

Xem thêm

Nhận báo giá qua email