Kỷ niệm buồn…

Người xưa nói: vui quá hoá buồn. Có lẽ người xưa cuối cùng nói câu ấy là mẹ tôi. Mẹ tôi thường nói câu ấy khi thấy con cái trong nhà vui quá trớn, như anh tôi thi đậu tú tài toàn phần, về tới nhà anh như người lên đồng, ca hát, nhảy múa lung tung. Đến tôi là nhóc tì trong nhà cũng bị mẹ phán cho câu ấy với thành tích học tiểu học của tôi toàn đội sổ, nhưng bỗng xảy ra kỳ tích…

Ngày xưa học tiểu học có giấy khen hằng tháng, hết năm học sẽ có giấy khen cả năm học. Tôi không bao giờ nghĩ tới việc mình là học sinh giỏi nhất lớp toàn năm. Tôi chỉ biết ngồi nhìn mỗi cuối tháng, cô giáo gọi tên ba học sinh lên bảng. Bạn giỏi nhất được giấy khen màu đỏ, bạn giỏi nhì được giấy khen màu vàng, bạn giỏi ba được giấy khen màu xanh lá cây. Tôi thường ngồi mơ màng có lần cuối tháng tôi cũng được gọi lên bảng để nhận giấy khen màu xanh lá cây, nhưng điều ấy là hoang tưởng vì tôi có đứa bạn thân chia nhau thật đều, tháng này tôi đội sổ thì nó trên tôi một hạng, và tháng sau nó đội sổ thì tôi trên nó một hạng, khó có người thứ ba giành được vị trí của song ngưu, phải nó là hai đứa tôi học ngu như trâu. Vậy mà có một tháng trong năm học lớp ba, tôi không bị cô giáo ghé nhà mắng vốn mẹ tôi vì tôi hay quên hôm nay phải đi học nên tôi đi đá banh, tắm sông, bắt dế tỉnh bơ, đòn roi không uy hiếp được trâu lì từ nhỏ. Không ngờ tháng ấy tôi lại làm toán được mười điểm, bài “em tập làm văn” được cô giáo đọc cho cả lớp nghe mới hết hồn. Sao lại có một tháng trong đời ngưu sinh tôi toàn mỹ đến ngoài sức tưởng tượng như thế chứ. Nhưng đó là sự thật, một sự thật như mặt trời mọc buổi sáng và lặn buổi chiều. Tôi vui mừng quá nên khi vừa nghe tiếng trống trường tan học là tôi thoát ngay ra khỏi lớp, một buổi chiều trong đời đi học là tan trường mà không la cà cùng đám bạn dọc đường về với những trò nghịch ngợm tuổi nhỏ như chọc cho chó rượt để chạy vắt giò lên cổ, chọc ghẹo mấy con ngỗng cho nó nổi điên thì nó mổ cho bầm tím bắp vế nhưng vui vui hơn đau nên không sợ. Hôm trái gió trở trời thì bắn bì u du vào dái ngựa cho con ngựa nhảy chồm lên, hất ông già Chín Còm đang ngủ gà ngủ gật trên xe ngựa chờ khách một phen hú vía, khi ông ấy hoàn hồn thì xách roi ngựa, rượt đuổi chúng tôi và vụt roi không nương tay… 

Hôm đó tôi không bỏ giấy khen màu đỏ vô cặp táp vì như thế thì đâu ai thấy, làm sao người ta biết là tôi hạng nhất trong lớp tháng vừa qua. Một tay ôm cặp, một tay cầm giấy khen màu đỏ, tôi chạy như bay trên đường làng để đem về cho mẹ tôi hãnh diện với xóm làng. Tôi chạy bạt mạng nên chị Quỳnh con ông tư Hoá đã dừng hẳn xe đạp của chị lại trên đường vô xóm, nhưng chị la làng hơi muộn nên tôi tông vô xe đạp của chị. Hai chị em té chỏng gọng như nhau. Cuối cùng chị chở tôi về nhà để xin lỗi mẹ tôi, nhưng mọi chuyện dù lớn đến đâu cũng hoá nhỏ khi tôi đâu biết đau là gì nữa. Tôi vui sướng trưng ra cho mẹ tôi xem tờ giấy khen màu đỏ, tờ giấy khen hạng nhất lớp, tôi đã có lần đầu… Chị Quỳnh đã hiểu lý do sao tôi chạy như ma đuổi, bất chấp. Nhưng câu nói của người xưa cuối cùng là mẹ tôi đã nói với tôi sau khi khen thưởng vẫn là câu, “vui quá hoá buồn, tháng sau lại đội sổ cho mà xem…” và đúng y như thế. 

Đúng là bài học suốt đời theo tôi như hình với bóng vì càng lớn khôn, hiểu biết càng thấm thía. Nhất là sự kiện mồng năm tết của riêng tôi, làm sao tin được cô bạn gái mà mình ưa thấy trong mơ bỗng độ lượng bất ngờ vào ngày mồng năm tết. 

Ngày này xa xưa, vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh với trận Đống Đa đã đi vào lịch sử. Sự chiến thắng ngoại xâm lẫy lừng của Quang Trung Đại đế đã đồng thời chấm dứt triều đại Hậu Lê; kết thúc việc sai trái với lịch sử của vua Lê Chiêu Thống đã rước voi về giày mả tổ… Sao lại là cái ngày này một cô gái Tàu nhận lời tỏ tình mùa xuân của tôi được chớ? Linh cảm tôi rằng, “vui quá hoá buồn” Nhưng rượu mời không uống, chẳng lẽ uống rượu phạt, nên tôi tình sâu nghĩa nặng với mồng năm tết bởi chữ duyên. Bởi ngày này của tuổi nhỏ, không làm sao quên được người bạn chạy giặc ngoài Bình Định vào. Với bài hát Vua Quang Trung đại phá quân Thanh của nó,“Vua Quang Trung trên mình voi cao – luôn thúc bá quân, anh hùng, làm sao quên hết gian lao, cùng nhau ta tiến. Coi thường ngày mai lầm than…” Nửa thế kỷ sau, tôi còn nhớ cái khí thế của nó lúc hát là khí thế của đoàn quân áo vải Tây Sơn. Nó tên Kha, có cái thẹo hình mặt trăng lưỡi liềm ngay giữa trán. Ước gì được gặp lại người bạn nhỏ mà cô giáo và bạn bè trong nam đã tặng nó cây đàn ghita hôm nó về lại quê sau chiến cuộc. Không biết về sau nó có thành nhạc sĩ với ước mơ thiếu thời qua việc nó nói với cô giáo và bạn bè trong nam, “…ước gì Khe có cây đèng ghi te. Treng que Khe séng lém. Treng séng, Khe đénh đèng ghi te phèng phèng, nhớ cô với các bạn…”

Rồi ngày này của những năm xuôi ngược trên quê cũ, cơm áo gạo tiền lam lũ sinh nhai. May mắn tuổi nhỏ có thầy cô, bạn bè như những viên kẹo. Nhưng sợ ngậm hoài sẽ tan, sẽ hết. Nên nhớ về kỷ niệm cũng tiện tặn nhấm chút mùng năm với Đại đế Quang Trung, với tên bạn có cái thẹo hình mặt trăng trên trán rất tình cảm từ nhỏ trong lòng tôi phiêu lãng…

Sáng nay cũng mùng năm, ly cà phê đầu ngày không đủ ấm đôi tay trước khi đi làm. Nhưng cơn mưa freezing rain từ đêm qua đã nhuộm trắng không gian bằng đá bào (sleek). Nhớ phim ảnh, sách đọc khi còn ở trong nước, hình ảnh cuộc sống mùa đông ở hải ngoại quá thơ mộng trong căn phòng ấm áp. Người ta thường ngồi bên lò sưởi, nghe tiếng củi cháy tí tách, tay mân mê ly ca cao nóng, ly rượu đỏ màu huyết gụ mê hoặc. Tuyết rơi ngoài cửa sổ làm cho không khí trong nhà trở nên ân sủng mà tạo hoá đã ban cho loài người… 

Nhưng khi có mặt ở cuộc sống này, suy nghĩ về ân sủng vẫn còn đó, vì dù sao giờ này người homeless vẫn cô đơn, co ro ngoài những trạm xe điện, xe buýt, một góc cầu thang trong toà nhà nào đó với giá rét và cơn đói cồn cào bao tử, cơn đói sẻ chia sự cô đơn của người không nhà càng vô vọng trong thế giới ngày càng dửng dưng hơn như khoa học kỹ thuật phát triển. Thì người di dân đã quá hạnh phúc trong căn nhà nhỏ mùa đông, có máy sưởi, có ly cà phê đầu ngày. Một ngày nghỉ không lương vì lý do thời tiết tuy có khó khăn tài chánh cho người bấm thẻ, nhưng sự tiện tặn, cần mẫn của người di dân sẽ quân bình chi thu trong tháng lại được thôi! Sao không biến một ngày nghỉ bất đắc dĩ thành một ngày thảnh thơi trong đời tối mặt ở xứ người…

Tôi ngồi đọc lại bài thơ xuân của anh bạn xa xôi sao nghe mủi lòng từ hôm chưa tết, rồi tết, bây giờ đã mùng năm vẫn chưa nguôi nỗi buồn âm ỉ trong lòng. Thơ. Có rất nhiều nhận định về thơ; và hầu như chỉ dừng lại ở mức nhận định, là nhận xét cá nhân của ai đó về thơ. Đi tìm một định nghĩa cho thơ thì chín người mười ý nên không có định nghĩa: Thơ là gì? Chỉ có người này cùng cảm nghĩ về thơ với người khác, nhưng lại khác với những người khác. Nên có nhiều trường phái về thơ.

Với bài thơ xuân của anh bạn sao lại trùng với suy nghĩ của tôi về thơ: Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng từ chọn lọc trong ngôn ngữ làm chất liệu. Sau đó tạo nên câu cô đọng, giàu cảm xúc, thanh không động mà âm vang. Câu thơ phải có tính thẩm mỹ cao hơn một một câu văn bình thường. Câu thơ phải truyền đạt được nhiều ý nghĩa trong cấu trúc ngữ pháp hoàn chỉnh, để câu thơ đứng riêng một mình vẫn có ý nghĩa. “Cỏ non xanh giợn chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Tố Như tiên sinh tả cảnh như một bức tranh hoàn mỹ về mùa xuân, là vậy. Sau khi có nhiều câu thơ hay thì mới kết hợp thành một bài thơ hay được. Với sự cô đọng trong số lượng từ, tính tượng hình cao trong thơ, thanh nhạc trong thơ tạo nhiều cảm xúc… Những đặc trưng tính của thơ đã biến thơ thành một hình thức nghệ thuật tách biệt với các hình thức nghệ thuật khác.

Có người thích thơ trừu tượng, dùng hồn của chữ hơn là ý và nghĩa của từ, như nhà thơ Thiện Lai viết trong bài thơ sắp tết, bài “Tháng chạp”, có mấy câu tiêu biểu cho thể thơ này, “cả nhân gian là nghĩa địa khổng lồ/ chết từ khi đang vùng vẫy thoát thai/ những tử thi ân ái với sương mai…” Đưa người đọc vào cõi vô tự, chẳng quan tâm tới chữ nghĩa gì nữa, người đọc chỉ chìm đắm trong suy tưởng siêu thực. Thưởng thức loại thơ này vào dịp thất nghiệp là thích hợp vì có thời gian để thẩm thấu; hay người bất hạnh thường trở thành triết gia thì mới hiểu nổi những nỗi cô quạnh. Nên phàm tôi thích sự giản dị của câu thơ: “chắt chiu một mảnh vườn sau/ quê hương ta đó qua màu lá xanh” của nhà thơ Hải Phong bên Canada. Một câu lục bát có mười bốn chữ đơn giản mà nói lên được cả lòng hoài hương của người xa quê. 

Sáng mùng năm với thơ nhớ trong đầu, thơ Thiện Lai như cốc rượu mạnh, nốc vô là nghe rũ mềm phế phủ với đàn kiến ký ức bò về. Còn thơ Hải Phong như ly rượu nếp than, thấm theo suy tưởng tới tận cùng cô đơn của đời lưu lạc; tâm thức tự tại tan biến vào lòng hoài hương da diết tới hôn mê. Mỗi men xúc tác theo cách riêng. Dù cả hai loại rượu (thơ) cùng đưa người nghe, người đọc phiêu diêu tới bến bờ vô định…

Sáng mùng năm, ngồi thấm thía cái lạnh tàn đông ngoài cửa còn đang ra oai của xứ sở này. Nghĩ về thơ và dân tộc mình như hình với bóng. Người Việt nào cũng biết làm thơ, và dường như ai cũng thích thơ. Từ xuất thân của mỗi người đã làm nên kho tàng thơ Việt phong phú hơn bất cứ thứ gì được gọi chung là di sản văn hoá của Việt nam.

Biết rằng mỗi dân tộc có những năng khiếu, sở thích khác với dân tộc khác. Như người Nam Mỹ thích nhảy múa những điệu nhảy nóng bỏng thì người Việt thường trầm lặng, vui ít buồn nhiều, ưa suy tư, nên tâm tư người Việt thích hợp nhất để làm thơ.

Nhưng nhớ một lần cố thi sĩ Nguyên Nhi nói với anh em tại nhà anh, “Tôi không hiểu sao người Mỹ, khi nhớ tới quê nhà của họ từ một nơi xa xôi, thì họ thường nhớ tới tượng Nữ thần Tự do ở New York, quảng trường Times Square, cầu Golden Gate ở San Francisco… là những người bạn Mỹ, lính Mỹ trong chiến tranh Việt nam với tôi; người Pháp nhớ tới quê hương cũng là hình ảnh tráng lệ của Paris với tháp Eiffel chẳng hạn, Khải hoàn môn nổi tiếng thế giới. Nói chung là người ngoại quốc nhớ tới quê hương thường là nhớ tới những công trình nổi tiếng thế giới của đất nước họ. Sao người Việt mình nhớ tới quê hương chỉ toàn là những hình ảnh nghèo nàn như mái tranh, cầu khỉ, mục đồng chăn trâu… Bộ quê hương mình không có cái gì đáng nhớ hơn sao, hả mấy anh chị?”

Tôi nhớ một giọng nữ nào đó đã trả lời anh Nguyên Nhi, “quê em nghèo lắm anh ơi/ mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn”… 

Tôi cũng nghe từ những bàn tiệc về chuyện kể của một người làm kỹ sư trong hãng máy bay Boeing, “Một người bạn Mỹ làm chung, cắc cớ hỏi anh ta: Theo bạn, người Việt khác người Mỹ như thế nào? Câu trả lời của anh kỹ sư Việt với người bạn Mỹ, “Người Mỹ thấy con chim bay, họ nghĩ ra chiếc máy bay. Còn người Việt thấy con chim bay… họ nghĩ ra một câu thơ”!

Nhớ mấy chuyện cũ để thấy bài thơ xuân của người bạn xa xôi của tôi vẫn trung thành với đói nghèo truyền thống, nhưng tư duy đã mới hơn anh cố Nguyên Nhi nghĩ, mới hơn mái tranh, cầu khỉ, mục đồng chăn trâu… tính hiện đại trong thơ của bạn tôi đã xuất hiện là chiếc vé máy bay để về quê cũ trong dịp xuân về, về ăn tết. Xin giới thiệu với kỹ sư Boeing bài thơ có vé máy bay của bạn tôi như giọt lệ cho ngàn sau…

Lau lệ mình ên…

Em còn có mẹ già bên ấy!

tiếng thơ buồn như tiếng thở than

anh đọc thấy… hai hàng lụy nhỏ 

 … có mẹ già biết bỏ cho ai?*

Anh cũng có mẹ già bên ấy,

mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu

Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ

mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu

Hai lăm tháng chạp về tảo mộ

hẹn lần, hẹn lửa, hẹn năm sau

Năm nào cũng vậy, tiền không có

không tiền, không có vé máy bay

Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt

chỉ biết tàng xe đến phi trường

Ai về xứ Việt, quê hương đó 

cho ké, dùm tôi, nỗi đoạn trường!

Nỗi đoạn trường, áng chừng em khóc

vẫn còn ai đó vỗ về em,

Anh nhớ mẹ, rồi anh cũng khóc

Melbourne buồn, anh lau lệ mình ên… 

ĐXT

Hình ảnh người mẹ và mùa xuân trong thơ Việt nam thì bát ngát vì dân tộc Việt trọng hiếu đạo, lại sính thơ. Mỗi người lại mỗi mẹ, mỗi tuổi thơ có hoàn cảnh khác nhau để nỗi nhớ thương mẹ trong lòng từng người con viễn xứ bay về quê nhà theo những cách khác nhau. Thơ cất giữ sự kỳ bí của ngôn ngữ. Vì cũng chỉ những từ ta đã biết từ lâu, nhưng hết đời chưa chắc biết kết nối những từ ngữ bình thường đó thành một áng văn hay, bài thơ xúc cảm. Cũng như những tuýp màu, bó cọ vẽ, ai cũng có tiền mua. Nhưng ai vẽ nên tranh? Và, nỗi buồn thì ai cũng có, sinh ra đã buồn trên quê hương điêu linh; càng buồn hơn nơi chân trời góc biển với phần đời còn lại, nhưng mấy ai viết ra được cõi lòng mình bằng văn xuôi, bằng thơ từ cảm xúc như bạn hiền bên xứ kangaroo…

Tết còn đó vì chưa hết mùng, nhưng tết đã hết trước giao thừa từ khi bỏ nước ra đi. Những mùa xuân bặt vô âm tín với quê nhà của người đi sớm, rồi xuân về với “không tiền không có vé máy bay…” của người tù cải tạo đi sau nhờ chương trình H.O, thì xuân vẫn về theo tuần hoàn vũ trụ, quê vẫn còn đó với khoảng cách địa lý không thay đổi, chỉ không còn người mẹ để về nên lòng những đứa con xa chỉ có trời biết đất biết tới vạn xuân sự thương kính mẹ đã ăn sâu vào máu Việt. Câu, mẹ là người xưa cuối cùng đã nói… càng thấm thía hơn khi con vui quá hoá buồn với cô bạn gái bật đèn xanh cho con hôm mồng năm tết xa xưa nay cũng không còn nên mỗi mồng năm tết lại se lòng khi nghĩ và nhớ tới ân nghĩa trên đời…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email