Huy Lâm
Trên thế giới hiện nay, màu da trên cơ thể con người ta hết sức đa dạng. Phần lớn sự khác biệt màu da có tương quan với vĩ độ nơi người ta sinh sống. Những giống dân sống gần nơi đường xích đạo thường có màu da sậm, là lớp che chắn rất hữu hiệu để chống lại tia hồng ngoại tuyến từ ánh sáng mặt trời; và những giống dân càng sống gần hai cực của trái đất, nơi có rất ít ánh sáng mặt trời, thì màu da của họ thường lợt lạt và đặc tính này có lợi cho việc sản xuất chất vitamin D, là chất cần thiết cho cơ thể con người và cần có nắng thì cơ thể mới tạo ra được.
Theo khoa học, sự kết hợp của các di truyền thể (genes) là cái quyết định màu da của con người, và các nhóm sắc tộc khác nhau mang trong người một số hỗn hợp di truyền thể nào đó với kết quả là sự khác biệt của màu da. Trong các sắc dân Phi châu, có một số sắc tộc có màu da gần như đen tuyền, trong khi một số sắc tộc khác có da màu đồng. Các nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên không ít khi thấy một số giống dân da sậm sống ở khu vực Đông Phi nhưng lại mang trong người một biến thể của hỗn hợp di truyền thể có tên gọi là CL24A5 của người da trắng. (Các nhà khoa học cho rằng nó được di truyền vào Phi châu, cũng giống như nó đã được di truyền vào Âu châu,từ khu vực Trung Đông.) Trong khi có một số giống dân vùng Đông Á thường có màu da lợt nhưng lại mang trong người hỗn hợp của màu da sậm. Điều này cho ta thấy nguồn gốc của các sắc tộc không thể xác định nếu chỉ dựa trên màu da, mà nhiều khi có những nhóm người cho dù có màu da khác nhau nhưng lại có chung một nguồn gốc. Và cuối cùng, nguồn gốc nguyên thuỷ của loài người là từ lục địa Phi châu.
Khi người ta nói đến chủng tộc, thì thông thường người ta có ý nói đến màu da và một số đặc tính khác. Và do đó, phân loại chủng tộc mà chỉ dựa trên màu da không thôi là một điều hết sức tai hại và không đúng theo khoa học. Khoa học ngày nay chứng minh cho ta thấy những khác biệt bề ngoài giữa nhóm người này với nhóm người khác thuần tuý chỉ là sự tình cờ của lịch sử. Sự khác biệt màu da là kết quả của quá trình thích ứng của tổ tiên loài người dưới ánh nắng mặt trời, và không ngoài gì khác.
Do đó, đã có một số nhà nghiên cứu khoa học gọi thẳng thừng “chủng tộc” chỉ là một danh từ bịa đặt.
Lẽ đương nhiên, không chỉ vì chủng tộc là “một sự bịa đặt” mà làm nó bớt đi sức quyến rũ hay ảnh hưởng. Điều đáng lo ngại là đến nay người ta vẫn còn dựa vào yếu tố chủng tộc như một phần tiêu chuẩn để xác định vị trí xã hội của con người. Chủng tộc được phân loại ngay trong những cuộc thăm do dân số ở Mỹ, mà lần mới đây nhất là năm 2010, người dân Mỹ được yêu cầu lựa chọn sắc tộc của họ trong một danh sách được liệt kê bao gồm “Trắng,” “Đen,” “Da đỏ bản xứ – American Indian,” “Ấn Độ – Asian Indian,”
“Trung Hoa,” “Nhật Bản,” “Samoan,” v.v… Sự phân biệt chủng tộc được ghi trong bộ luật Jim Crow thời hậu tái thiết miền nam nước Mỹ sau nội chiến và nay nó được ghi trong một số đạo luật như Luật Dân Quyền, cấm không được đối xử phân biệt căn cứ trên màu da và chủng tộc. Nhưng dù người ta có muốn làm gì thì làm, cho đến nay, vẫn không có một chứng cớ khoa học nào làm cơ sở cho việc phân loại chủng tộc.
Lịch sử nước Mỹ là một chuỗi ngày dài của sự phân biệt chủng tộc, một phần là vì lý do kinh tế, một phần khác là do sự ấu trĩ và vô lương tâm của giới chính trị gia và chủ nhân. Bên cạnh đó là những cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng diễn ra lúc âm thầm lúc lộ liễu kéo dài cả trăm năm, mà đỉnh điểm của nó là cuối thập niên 1960 dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King Jr.
Đang khi khí thế tranh đấu còn hừng hực lửa và bắt đầu đánh động được lương tâm của nước Mỹ và thế giới thì mục sư King bị ám sát vào ngày 4 Tháng Tư năm 1968, cách đây đúng 50 năm, trên ban công của một nhà trọ ở Memphis. Những quyền lực trong bóng tối nào đó muốn giết ông để làm tắt đi tiếng nói của một nhà lãnh đạo đầy tài ba và có sức lôi cuốn của phong trào tranh đấu cho dân quyền.
Cái chết của mục sư King đã châm ngòi cho những cuộc bạo loạn bùng nổ tại 125 thành phố khắp nước Mỹ, hầu hết là ở những khu người da đen nơi mà cuộc sống của họ đã sẵn đầy những thất vọng và phẫn uất vì tình trạng nhà ở quá tồi tàn, các trường học thì thiếu tiêu chuẩn,họ lại thường bị cảnh sát đối xử tàn bạo và tỉ lệ thất nghiệp của các thanh niên da đen cao gấp bảy lần so với tỉ lệ trung bình của những người Mỹ khác.
Kết qủa, có 43 người chết, 3,500 người bị thương và 27,000 người bị bắt trong sự bạo động kéo suốt 10 ngày sau vụ ám sát trên.
Sự thiệt hại vật chất do bạo loạn được phỏng đoán lên tới $65 triệu – tương đương khoảng $442 triệu ngày nay.
Martin Luther King Jr. đến Memphis để ủng hộ cho cuộc đình công của những công nhân dọn vệ sinh da đen đòi hỏi giới chủ nhân phải cải thiện tình trạng nơi họ làm việc. Ông dự định ở lại một hai ngày trước khi đi Washington, D.C. chuẩn bị cho cuộc vận động mới.
Mục sư King đã không có cơ hội để làm cuộc hành trình đó. Trong khi ông đang chuẩn bị rời nhà trọ Lorraine để đi ăn tối, vào lúc 6 giờ 01 phút chiều, một viên đạn bắn từ xa xuyên qua xương quai hàm và cắt đứt cột sống của ông. Mục sư King trút hơi thở khi đang trên đường tới một bệnh viện ở Memphis, hưởng dương 39 tuổi.
Ông mất đi để lại biết bao nhiêu hoài bão và những giấc mơ chưa kịp hoàn tất.
Hơn 100 triệu người Mỹ theo dõi đám tang của ông được trực tiếp truyền hình trên cả ba hệ thống truyền hình chính toàn quốc, và Tổng thống Lyndon B. Johnson, mặc dù không đến dự, đã ra lệnh treo cờ rũ ở tất cả các toà nhà của chính phủ liên bang. Tất cả các ứng cử viên tổng thống năm đó đều đến dự tang lễ, trong đó có Richard M. Nixon thuộc đảng Cộng hoà và Robert F. Kennedy thuộc đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, và Eugene McCarthy.
Ba tuần lễ sau khi mục sư King bị hạ sát, hội đồng thành phố Mainz ở Đức đã lấy tên của ông để đặt tên cho một con đường ở đó, trong khi nơi sinh của mục sư King là thành phố Atlanta đã phải mất tám năm mới làm được việc này. Thành phố Memphis, Tennessee, nơi mục sư King bị ám sát, cũng lấy tên ông để đặt tên cho một con đường của thành phố – nhưng phải chờ đến 40 năm sau khi ông qua đời. Điều này cho thấy, vấn đề nhân quyền, hay nói rõ hơn, để vượt qua bức rào của phân biệt chủng tộc, nước Mỹ vẫn đi chậm hơn Âu châu.
Hai năm trước khi ông mất, tỉ lệ ủng hộ ở nước Mỹ dành cho ông chỉ vào khoảng 33 phần trăm, lý do một phần có thể vì sự kỳ thị chủng tộc và phần khác là nhiều người Mỹ da trắng không có thiện cảm với đề tài tranh đấu cho công bằng kinh tế của ông có phần hơi triệt để. Nhưng kể từ đó đến nay, sự ủng hộ dành cho ông mỗi ngày mỗi tăng, và hiện nay, 50 năm sau khi mất, có khoảng 90 phần trăm người Mỹ có cái nhìn thiện cảm đối với mục sư King.
Phong trào tranh đấu nhân quyền vẫn tiếp tục tiến bước, tuy nhiên người ta không tìm được một Martin Luther King Jr. thứ hai để thay thế và vì vậy cái hào khí tranh đấu không còn được như khi ông còn sống. Và mặc dù cuộc sống của người da đen đến nay đã được cải thiện hơn trước, tỉ lệ người nghèo da đen giảm, số người da đen học hết bậc trung học tăng và tỉ lệ người da đen sở hữu nhà ở cũng tăng, nhưng tình trạng kỳ thị chủng tộc thì vẫn còn hiện hữu trong xã hội Mỹ.
Năm 2008, Barack Obama được bầu làm tổng thống và trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Lúc đó, nhiều người lạc quan cho rằng tình trạng kỳ thị chủng tộc đã đến hồi chấm dứt. Nhưng trên thực tế, tình trạng này kể từ đó đến nay dường như trở nên tồi tệ hơn. Điển hình là trong mấy năm gần đây, những vụ cảnh sát bắn chết những thanh niên da đen đã xảy ra thường xuyên hơn làm cho nhiều người cảm thấy lo lắng cho tương lai của nước Mỹ.
Tháng Tư năm nay đánh dấu 50 năm kể từ ngày mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát và những gì đang xảy ra ở nước Mỹ hiện nay cũng không mấy khác những gì mà mục sư King đã kịch liệt chống đối hơn nửa thế kỷ trước: làn sóng kỳ thị chủng tộc lên cao hơn bao giờ hết. Mục sư King và các nhà tranh đấu nhân quyền khác đã ra sức cố gắng tháo gỡ cái tâm lý kỳ thị đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người Mỹ, đã trở thành một phần văn hoá và để lại một vết nhơ khó tẩy xoá trong lịch sử của nước Mỹ. Mặc dù cuộc tranh đấu không mệt mỏi của họ đã châm ngòi thành một phong trào toàn quốc và cuối cùng đưa tới vụ ám sát mục sư King, cuộc tranh đấu để chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc dưới đủ mọi hình thức cho đến nay vẫn còn tiếp tục và không biết đến bao giờ mới kết thúc. Và đó là điều rất đáng buồn khi toàn thể nhân loại đã bước qua thế kỷ 21 gần hai thập niên.
Huy Lâm