Là “nhà sản xuất COVID-19 toàn cầu”: Vì sao nay Ấn Độ trong cơn bão đại dịch rung chuyển thế giới?

Những giàn thiêu hỏa táng hàng loạt các nạn nhân thiệt mạng do Covid-19 ở East Delhi hôm thứ Sáu. Photo: Atul Loke/NYT

Mới chỉ cách đây sáu tuần, ông Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đã tự hào tuyên bố quốc gia này đang ở trong những ngày cuối của đại dịch Covid-19.

Không phải chỉ một mình ông Bộ trưởng, Thủ tướng Narenda Modi cùng thời gian đó vẫn không ngớt lời ca ngợi thành quả của xứ sở – tức là thành quả của chính sách và biện pháp của chính phủ ông, trong việc chống dịch, đặc biệt là vaccine.

Người nhà của bệnh nhân nhiễm Covid-19 đứng xếp hàng với bình oxy rỗng bên ngoài trung tâm nạp oxy ở New Delhi vào ngày 23/4. Photo: Naveen Sharma / SOPA Images / LightRocket via Getty Images2

Rồi, ngay cả khi các bang áp đặt các hạn chế mới và các bệnh viện bắt đầu hết chỗ, ông vẫn tiếp tục ca ngợi thành công của đất nước. Trong một thông cáo báo chí ngày 8 tháng 4, văn phòng Thủ tướng Ấn khoe: “Bất chấp những thách thức, chúng ta có kinh nghiệm, tài nguyên và vaccine tốt hơn.” Hai ngày sau, vào dịp mừng Ấn Độ đạt mốc 100 triệu liều vaccine đã được chích trên toàn quốc, Thủ tướng Ấn tweet rằng chính phủ đang “tăng cường nỗ lực bảo đảm một Ấn Độ lành mạnh và không có Covid-19.”

Để rồi đến thứ Ba tuần trước, ông Modi đã phải chấp nhận thực tế, nhưng khá chậm: “Đất nước lại đang trong một trận chiến rất lớn chống lại Covid-19. “Một vài tuần trước, các điều kiện đã ổn định – và sau đó là làn sóng thứ hai.”

Đến lúc đó, vụ bùng phát ở Ấn Độ đã lớn nhất thế giới về số lượng tuyệt đối hàng ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần 28% tổng số ca bệnh Covid-19 mới trên toàn thế giới trong tuần qua là ở Ấn Độ.

Những gì đang diễn ra ở Ấn Độ trong vài ngày vừa qua đã khiến cho cả thế giới bất ngờ và kinh hoàng. So với Ấn trong những ngày này, mức độ đại dịch mà những thông tin và hình ảnh làm kinh hoàng cả thế giới ở Brazil không là gì cả.

Từ đầu tuần lễ trước, mỗi ngày con số ca nhiễm Covid 19 mới ở Ấn Độ đều trên 300 ngàn. Ấn Độ đã qua mặt Hoa kỳ để trở thành quốc gia có số người nhiễm Covid-19 trong một ngày nhiều nhất, xếp hàng đầu thế giới. (Con số cao nhất ở Mỹ là 300.310, được ghi nhận hôm 2 tháng 2 năm 2021). Rồi đến hôm thứ Bảy 23 tháng 4 con số đã là 346,786. Và Chủ nhật là 349.691, với 7 ngày trung bình mỗi ngày 310.000. Chẳng biết trong những ngày tới, người ta sẽ còn thấy gì. Nhưng hơn hai triệu ca chỉ trong một tuần quả thật là khủng khiếp.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số, với Ấn Độ gần gấp 4 lần Mỹ, thì số ca mắc hàng ngày của nước này vẫn kém Mỹ. Nhưng không thể lạc quan với cách suy nghĩ đó. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày thứ Bảy 24 tháng 4 tổng số của Ấn Độ hiện là hơn 16 triệu sáu trăm ngàn trường hợp được xác nhận là Covid-19 và gần 200 ngàn trường hợp tử vong có liên quan.

Chandrika Bahadur, Chủ tịch Ủy ban Lancet thuộc Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Ấn Độ, nhận xét: “Chúng ta đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất có thể xảy ra của đại dịch ở đây. Nó đã tồi tệ từ một vài tuần nay, nhưng bây giờ nó đã đạt đến đỉnh điểm.”

Và Ấn Độ không phải là Hoa kỳ, cho nên tình cảnh ở quốc gia này lại càng tệ hại hơn.

Thảm trạng của một hệ thống y tế suy sụp

Một bức ảnh, được chụp ở một con đường đông người tại thành phố Varanasi, khu vực mà Thủ tướng Modi là đại diện dân cử, thuộc bang Uttar Pradesh, hiện đang được lan truyền khắp nước Ấn và trên các hệ thống thông tấn quốc tế.

Bức ảnh này đầu tiên được đăng trên tờ Dainik Jagran, một tờ báo địa phương bằng tiếng Hindi, chụp một phụ nữ kiệt sức, ngồi ngây người như một bức tượng trên chiếc xe kéo chạy điện. Dưới chân bà là cái xác của một thanh niên, con trai bà.

Bà Chandrakala Singh trên chiếc rickshaw với thi thể người con trai ở dưới chân. Phần ảnh có anh Vineet đã được cắt bỏ để bớt phần thê thảm

Người phụ nữ đó, bà Chandrakala Singh, đã đem con trai của bà đi đến ba bệnh viện. Anh Vineet  bị bệnh thận và đang là con bệnh của một bác sĩ ở bệnh viện Banaras Hindu University (BHU) cách nhà họ một giờ đường. 

Buổi sáng hôm đó, bà Singh đưa con đến bệnh viện, cuộc hẹn đã được lấy từ tuần trước. Nhưng khi hai mẹ con đến bệnh viện BHU, họ được cho hay vị bác sĩ không có ở đó và được khuyên nên đến một trung tâm chấn thương nơi nhận các trường hợp cấp cứu.

Vineet ngã gục ở lối vào của trung tâm chấn thương và, mẹ anh ta nói, nhân viên bệnh viện từ chối, không nhận anh.

“Họ nói rằng con trai tôi bị virus corona, mang nó đi chỗ khác.” Bà Singh vừa nói vừa khóc. Thằng con trai tôi đang không thở được. Chúng tôi lạy lục để xin bình dưỡng khí và xe cấp cứu, nhưng chẳng được gì.”

Bà đưa con lên một chiếc rickshaw (một loại xe lôi chạy điện, trông khá giống những chiếc Lambro ở Miền Nam trước 75) và bảo chạy đến một bệnh viện tư nhân gần đó. Ở đây cũng không chịu nhận anh. Anh chết trên đường, nằm dưới chân mẹ trên chiếc xe.

Khốn nạn hơn nữa, khi bà mẹ đang chết lặng vì đau khổ, bà đã bị cướp. Tên cướp đã lấy mất cái điện thoại của bà và cả hồ sơ bệnh án của con bà.

Bức ảnh, và câu chuyện tóm tắt những gì đang diễn ra ở Ấn Độ: người bệnh Covid-19 quá nhiều, chẳng những họ mà cả những bệnh nhân mắc các bệnh khác bị từ chối cho nhập viện vì không còn chỗ, và khan hiếm dưỡng khí.

Shravan Bharadwaj, phóng viên người Ấn Độ đưa tin này nói rằng con đường mà Vineet qua đời nằm ngay bên ngoài BHU và có hàng chục bệnh viện tư nhân trên con đường đó, “Nhưng không một ai ngỏ lời giúp đỡ.” 

Tuy chưa rõ có phải Vineet chết vì biến chứng Covid-19 hay không, hay có nhiễm virus corona hay không vì gia đình anh cho biết “anh không có bất kỳ triệu chứng nào”.

Bài báo của Shravan Bharadwaj và câu chuyện của bà Chandrakala Singh đã được hầu hết các hãng thông tấn thế giới dẫn lại. 

Những cảnh đau khổ tương tự đang diễn ra trên khắp Ấn Độ, với đám đông chờ đợi bên ngoài các bệnh viện bị tràn ngập và xe cộ – xe cứu thương, xe cá nhân, rickshaw, và người đi bộ xếp hàng trước bệnh nhân đang chờ để được nhập viện. Nhiều người, giống như Vineet, đã chết bên ngoài bệnh viện hoặc trên đường đến bệnh viện.

Phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những lời kêu gọi điên cuồng về dưỡng khí, xe cấp cứu, giường ICU và thuốc cứu mạng khi Ấn Độ chiến đấu với làn sóng chết người thứ hai.

Bệnh viện BHU của Varanasi là cơ sở y tế hàng đầu, là trung tâm y tế dành cho gần 25 triệu người sống tại hơn 40 quận phía đông Uttar Pradesh. Nhưng số ca Covid tăng vọt đã khiến bệnh viện và nhân viên không còn thở được.

Một viên chức bệnh viện nói với BBC rằng vì đại dịch nên họ chỉ xem bệnh qua mạng hay điện thoại.

Tiến sĩ Sharad Mathur, giám đốc y tế của bệnh viện, cho biết họ đã cố gắng làm hết sức mình, nhưng “có quá nhiều áp lực”.

Ông nói bệnh viện ở trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng và tất cả mọi người đã được điều động. “Mỗi ngày, chúng tôi đang cứu sống nhiều người. Nhưng mọi người chỉ đổ xô đến bệnh viện khi bệnh nhân đã đến hồi nguy kịch. Và tất cả điều này đang xảy ra giữa một đại dịch. Tất cả các bệnh nhân đang được điều trị đều là cấp cứu và họ đang đến với chúng tôi trong tình trạng nguy kịch. Nhưng chúng tôi không thể cứu sống mọi bệnh nhân”.

Từ lạc quan…

Trường hợp Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Ấn Độ vào ngày 30 tháng 1, năm 2020, mãi đến một tháng sau mới có thêm ca thứ hai và 3, tất cả đều là du học sinh từ Vũ Hán trở về.  

Đến tháng 3, số ca bệnh tăng lên, hầu hết đều lây truyền từ những người từ ngoại quốc về. Đến giữa tháng 3, trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận. 

Với một dân số khổng lồ, điều kiện sinh hoạt không có nhiều khoảng cách và điều kiện vệ sinh công cộng thấp, lây lan, và lây lan nhanh, lây lan xa là chuyện đương nhiên, và đáng sợ.

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, chính phủ Ấn ban hành lệnh lock down trên toàn quốc trong 21 ngày.

Lệnh đóng cửa này khá toàn diện. Chỉ các dịch vụ thiết yếu như nước, điện, dịch vụ y tế, dịch vụ cứu hỏa, cửa hàng tạp hóa và dịch vụ đô thị mới được phép hoạt động.

Tất cả các cửa hàng, cơ sở thương mại, nhà máy, xưởng sản xuất, văn phòng, chợ và nơi thờ tự sẽ vẫn đóng cửa và các chuyến xe buýt và xe buýt liên bang sẽ bị đình chỉ.

Thế giới đã bất ngờ trước những biện pháp thực thi lệnh lockdown ở Ấn. 

Hình ảnh, video cho thấy cảnh sát phạt những người vi phạm, những người không tuân giữ các quy định được lan truyền trên mạng xã hội. Người bị phạt theo kiểu hành xác như phải ngồi xổm đi như  vịt, hít đất, và thậm chí bị vụt bằng hèo.

Lệnh lockdown này được gia hạn thêm ở nhiều bang, rồi lại trên toàn quốc mãi cho đến cuối tháng 5. 

Nguyên nhân lớn thứ hai của lây nhiễm ở Ấn Độ là các tập tục và sinh hoạt tôn giáo với những đám đông tụ tập. 

Những ca bệnh – và sự lây lan kế tiếp, hầu hết đều có liên quan đến các sinh hoạt tôn giáo. 

Vào tháng 7 năm 2020, dựa trên các xét nghiệm kháng thể được báo cáo rằng ít nhất 57% cư dân của các khu ổ chuột ở Mumbai có thể đã bị nhiễm COVID-19 vào một thời điểm nào đó. 

Một hội đồng chính phủ về COVID-19 phát giác vào tháng 10 năm 2020 rằng đại dịch đã lên đến đỉnh điểm ở Ấn Độ và có thể được kiểm soát vào tháng 2 năm 2021. Dự đoán này dựa trên một mô phỏng toán học  đã giả định rằng Ấn Độ đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn. 

Nhưng cũng ngay trong tháng đó, một biến chủng mới của SARS-CoV-2, được đặt tên là B.1.617, đã được phát giác trong nước. 

…đến đợt sóng thứ hai

Kể từ đỉnh điểm trung bình hơn 93.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 9, các ca nhiễm đã giảm dần.

Các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách và các phương tiện truyền thông tin rằng Ấn Độ đã thực sự “ra khỏi rừng”. Vào tháng 12, các giới chức ngân hàng trung ương thông báo rằng Ấn Độ đang “bẻ cong đường cong nhiễm trùng Covid”. Họ nói, có bằng chứng, nói một cách thơ mộng, rằng nền kinh tế đang “thoát ra khỏi bóng tối dài dặc của mùa đông hướng tới một nơi có ánh sáng mặt trời”. Ông Modi được gọi là “vaccine guru”.

Hai bệnh nhân chia nhau một giường bệnh ở bệnh viên Lok Nayak Jai Prakash (LNJP), New Delhi. Photo: Danish Siddiqui/Reuters

Đến giữa tháng Hai, Ấn Độ đã thống kê trung bình 11.000 trường hợp mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong hàng ngày trung bình trong bảy ngày do căn bệnh này đã giảm xuống, chỉ còn dưới 100.

Thế là vào đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố đất nước đang ở “giai đoạn cuối” của đại dịch Covid-19.

Ông Vardhan cũng ca ngợi sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi là một “tấm gương cho thế giới về hợp tác quốc tế”. Từ tháng 1 trở đi, Ấn Độ đã bắt đầu chuyển các liều vaccine ra nước ngoài như một phần của “chính sách ngoại giao vaccine” được ca tụng nhiều.

Nhưng theo các chuyên viên quốc tế, Ấn Độ đã quá lạc quan và bỏ lỡ cơ hội tăng cường kiến trúc hạ tầng chăm sóc sức khỏe và tích cực tiêm chủng.

Bhramar Mukherjee, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Michigan, người đã theo dõi đại dịch ở Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đã rất gần với thành công”.

Cảnh sát viên dùng hèo đập người vi phạm lệnh lockdown. Ảnh chụp ngày 25 tháng 3 năm 2020 ở New Delhi. Photo: Adnan Abidi/Reuters

K Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết, bất chấp những cảnh báo và lời khuyên rằng cần phải có biện pháp phòng ngừa, các nhà chức trách đã không chuẩn bị cho mức độ nghiêm trọng của đợt tăng.

Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng chính phủ quyết định không tạm dừng các lễ hội tôn giáo hoặc các cuộc tuyển cử, và các chuyên gia nói rằng những điều này có thể đã làm trầm trọng thêm sự gia tăng này.

Reddy nói: “Các nhà chức trách trên khắp Ấn Độ, không có ngoại lệ, đặt các ưu tiên sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu”.

Hơn hai triệu chỉ trong một tuần!

Từ cuối tháng 2, các cuộc vận động tuyển cử ở 5 bang đã rầm rộ phát động và tiến hành. Giữa tháng 3, hai trận tranh tài cricket giữa Ấn Độ và Anh quốc diễn ra ở sân vận động Narendra Modi, bang Gujarat với 130 ngàn khán giả. 

Tất cả đều không có bất cứ biện pháp an toàn y tế hay giữ khoảng cách giữa người này với người kia trong đám đông.

Cộng thêm vào đó là hội lễ Kumbh Mela, một trong những cuộc hành hương thiêng liêng nhất của Ấn Độ giáo. Suốt tháng 4, thường có hàng triệu tín đồ đạo Ấn giáo tụ tập bên sông Hằng để cầu nguyện và dìm mình xuống dòng sông để gột rửa tội lỗi. Hầu như chẳng còn ai giữ những quy tắc phòng tránh.

Trong vòng chưa đầy một tháng, mọi thứ bắt đầu xuống dốc. Đợt tấn công thứ hai của virus corona đổ ập xuống Ấn Độ nhanh và mạnh như một cơn sóng thần. Ngày 5 tháng 4, Ấn Độ ghi nhận hơn 103 ngàn ca nhiễm, con số tăng cao nhất trong một ngày tính từ tháng 9, 2020. Và vào ngày 9 tháng 4, Ấn Độ đã vượt qua 1 triệu ca, ba ngày sau,  Ấn Độ qua mặt Brazil để có tổng số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai trên toàn thế giới.  

Trong những ngày của nửa sau tuần trước, mỗi ngày số ca nhiễm được báo cáo đều hơn 300.000 ngàn, số tử vong từ 2.000 trở lên. Thế nhưng theo nhà dịch tễ học Bhramar Mukherjee, số người chết có thể cao gấp hai đến năm lần những gì được báo cáo. 

Theo một phúc trình của Ủy ban The Lancet Covid-19, nếu đường tiến của Covid 19 không bị chặn lại, Ấn Độ có thể ghi nhận hơn 2.300 ca tử vong mỗi ngày vào tuần đầu tiên của tháng 6

Ấn Độ hiện đang trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Các mạng xã hội tràn ngập video về đám tang của Covid tại các nghĩa trang đông đúc, thân nhân người chết bên ngoài bệnh viện, hàng dài xe cấp cứu chở bệnh nhân đang thở hổn hển, nhà xác tràn ngập người chết và bệnh nhân, đôi khi hai người một giường, trong hành lang và sảnh của bệnh viện. Có những lời kêu cứu điên cuồng về giường bệnh, thuốc men, dưỡng khí, các loại thuốc và các xét nghiệm cần thiết. Thuốc men đang được bán trên thị trường chợ đen và kết quả xét nghiệm sẽ mất nhiều ngày. 

Theo các giới chức chính phủ và bác sĩ, các bệnh viện trên khắp miền bắc và miền tây Ấn Độ, bao gồm cả Delhi, đã hết giường và cạn dưỡng khí. Hôm 23 tháng 4, các bệnh viện ở Delhi đã đưa ra lời kêu cứu SOS, cho biết họ chỉ còn vài giờ cung cấp dưỡng khí và cầu xin sự giúp đỡ của chính phủ, trong khi phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập các kêu gọi tìm kiếm bình oxy, được những người đang tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp cho người thân của họ chia sẻ.

Khung sắt lò thiêu chảy vì phải làm việc liên tục

Hỏa thiêu là hình thức tống táng phổ biến nhất ở Ấn do tôn giáo. Số người chết vì Covid trong những ngày này nhiều đến nỗi những hình ảnh lan truyền trên mạng về các vụ thiêu xác ở các bang có thể bị lầm tưởng là những đám cháy rừng.

Anh Nitish Kumar, một cư dân ở Dehli đã buộc phải giữ xác mẹ của mình ở nhà trong gần hai ngày trong khi anh ta tìm kiếm chỗ trong các lò hỏa táng của thành phố – một dấu hiệu cho thấy số lượng người chết ở thủ đô của Ấn Độ, nơi các ca nhiễm coronavirus đang gia tăng.

Hôm thứ Năm, Kumar đã đưa mẹ, người đã chết vì COVID-19, vào một cơ sở hỏa táng tập thể tạm bợ ở một bãi đậu xe liền kề với một lò hỏa táng ở Seemapuri, phía đông bắc Delhi.

 “Tôi chạy mọi nơi, nhưng tất cả các lò thiêu đều có lý do nào đó… một nơi nói rằng đã hết củi đốt,” Kumar nói sau cái mặt nạ ám đen và đôi mắt cay xè vì khói phả ra từ những giàn hỏa thiêu.

Những người mất người thân ở thủ đô của Ấn Độ, nơi hàng ngày cả trăm người chết, đã đang phải chạy đến các cơ sở chôn cất và hỏa táng hàng loạt tạm bợ, nơi đảm nhận việc do các lò hỏa táng đang chịu không nổi trước con số nhu cầu.

Jitender Singh Shunty, người điều hành dịch vụ y tế bất vụ lợi Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal ở Delhi cho biết chỉ trong một buổi chiều thứ Năm, 60 thi hài đã được hỏa táng tại cơ sở tạm trong bãi đậu xe và 15 người khác vẫn đang chờ đợi.

Những cáng tang nằm trên vỉa hè do thời gian chờ đợi lâu bên ngoài một lò hỏa táng ở Ghaziabad. Photo: Hindustan Times

Anh nói bằng giọng nghẹn ngào: “Không ai ở Delhi từng chứng kiến ​​cảnh tượng như vậy. Những đứa trẻ năm tuổi, 15 tuổi, 25 tuổi đang được hỏa táng. Đôi vợ chồng mới cưới đang được hỏa táng. Trông thấy những cảnh này quá đau lòng.”

Năm ngoái, trong thời gian cao điểm của đợt đầu tiên, số lượng thi thể tối đa mà Shanty giúp hỏa táng trong một ngày là 18, mức trung bình là 8 đến 10 một ngày. Hôm thứ Ba, chỉ riêng cơ sở của Shunty đã có 78 thi thể được thiêu.

Lò đốt gas và củi tại một lò hỏa táng ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ đã hoạt động liên tục trong thời gian dài không nghỉ trong trận đại dịch COVID-19 đến nỗi các bộ phận kim loại của lò bắt đầu nóng chảy.

Kamlesh Sailor, chủ tịch quỹ tín thác điều hành lò hỏa táng ở thành phố kim cương Surat, nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi đang làm việc 24/24 với 100% công suất để hỏa táng các thi thể đúng giờ.”

Các khung sắt bên trong một lò khác ở Surat đã tan chảy vì không có thời gian để các lò nguội.

“Cho đến tháng trước, chúng tôi thường hỏa táng 20 thi thể mỗi ngày… Nhưng kể từ đầu tháng 4, chúng tôi đã phải thiêu hơn 80 thi thể mỗi ngày,” một viên chức địa phương tại Lò hỏa táng Ramnath Ghela ở thành phố cho biết.

Tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, nhiều lò hỏa táng ở Surat, Rajkot, Jamnagar và Ahmedabad đang hoạt động suốt ngày đêm với lượng thi hài nhiều gấp 3-4 lần bình thường.

Prashant Kabrawala, một trustee của Narayan Trust, công ty quản lý lò hỏa táng thứ ba của thành phố, từ chối không tiết lộ con số lượng thi thể nhận được để thiêu theo quy tắc Covid nhưng cho biết số lượng thi thể đã tăng gấp ba lần trong những tuần gần đây. Anh nói từ năm 1987 đến nay, chưa bao giờ anh thấy nhiều xác chết đến để được thiêu đến thế, “ngay cả thời gian bùng phát dịch hạch năm 1994 và lũ lụt năm 2006.”

Ống khói của một lò điện ở Ahmedabad bị nứt và sập sau khi được sử dụng liên tục tới 20 giờ mỗi ngày trong hai tuần qua.

Tại hai lò hỏa táng ở Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh người thân được phát số và bắt phải chờ đến 12 giờ. 

Rohit Singh, người có cha qua đời vì COVID-19, cho biết các giới chức lò hỏa táng đã thu của anh khoảng 7.000 rupee (100 Mỹ kim) – gần gấp 20 lần mức bình thường.

Một số lò hỏa táng ở Lucknow hết gỗ và nhờ người dân tự mang đến. Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những chiếc xe lôi điện chất đầy gỗ.

Ở Ghaziabad ngoại ô New Delhi, các hình ảnh trên truyền hình cho thấy những thi thể được bọc trong tấm vải liệm xếp thành hàng trên vỉa hè với những người thân đang khóc lóc chờ đến lượt.

Belbhadra, người làm việc tại một trong những “ghat” ở Varanasi, nơi những người theo Ấn giáo mong muốn được hỏa táng nhất khi mình qua đời, một thành phố cổ đại, nơi từ ngàn xưa các thi thể đã được hỏa táng bên bờ sông Hằng, nói với AFP rằng họ đã hỏa táng ít nhất 200 nạn nhân nghi nhiễm coronavirus mỗi ngày.

Một người dân cho biết thời gian thông thường để đến ghat – một bờ kè ven sông dành cho các nhà hỏa táng – từ đường chính qua các ngõ hẹp thường là ba hoặc bốn phút.

“Bây giờ mất khoảng 20 phút. Đó là mức độ đông đúc của các làn đường với những người chờ đợi để hỏa táng người chết.”

Với những người không muốn hỏa táng, nghĩa địa sắp hết chỗ 

Khối lượng công việc của những người đào mộ đã tăng đáng kể trong vài tuần qua. 

Phóng viên của thông tấn AFP khi đến thăm nghĩa trang Jadid Qabristan Ahle ở thủ đô Ấn Độ – nơi hiện đang bị lockdown một tuần – vào thứ Sáu, họ thấy trong vòng ba giờ có 11 thi thể được đưa đến.

Đến cuối buổi chiều, 20 thi thể đã nằm trong lòng đất. 

“Bây giờ, có vẻ như virus có chân,” Shamim, 38 tuổi, một người đào mộ thế hệ thứ ba, nói với AFP. “Với tốc độ này, tôi sẽ hết đất trong ba hoặc bốn ngày nữa.”

Xung quanh nghĩa địa, những chiếc túi đựng xác màu trắng hoặc những chiếc quan tài làm từ gỗ rẻ tiền được những người mặc đồ bảo hộ màu xanh hoặc vàng mang đi xung quanh và hạ xuống các ngôi mộ.

“Cách đây hai hôm, có người đến gặp tôi và nói rằng anh ta cần bắt đầu chuẩn bị chôn cất mẹ vì các bác sĩ đã chịu thua,” Shamim nói. 

“Không tin được. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải nhìn thấy ngày mà tôi được yêu cầu bắt đầu các thủ tục tang lễ của một người còn sống.”

Có chậm lắm không?

Như ở tất cả các quốc gia đã gặp thiệt hại nặng vì con virus SARVCoV-2, chính phủ Ấn đã bị chỉ trích vì hành động chậm chạp, chủ quan và mở cửa quá sớm. Một bài học mà chỉ đến khi có những hậu quả đau thương đã thấy các lãnh đạo mới nhận ra, và quá trễ. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi đã không thực hiện biện pháp được các chuyên gia dịch tễ kêu gọi là lockdown toàn quốc. Thay vào đó, ông hối thúc dân chúng đi chích vaccine và “hết sức thận trọng” trong các hoạt động của họ. 

Hôm Chủ nhật, trong chương trình phát thanh hàng tháng của thủ tướng, ông Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chích ngừa và gọi đợt Covid-19 thứ hai là một “cơn bão” đã “làm rung chuyển đất nước.”

Điều cay đắng là tuy được mệnh danh là nhà sản xuất vaccine của thế giới, và đã từng “viện trợ vaccine” cho Bangladesh, Nepal, Bhutan, SriLanka và các đảo Maldives, nhưng Ấn vẫn không thể chích ngừa được cho đủ số dân để đạt miễn dịch cộng đồng. 

Cho đến nay, Ấn Độ đã chích cho dân chúng được hơn 127 triệu liều vaccine chống coronavirus và là hoạt động tiêm chủng lớn nhất thế giới. Khoảng 2,7 triệu liều vaccine được tiêm hàng ngày. Nhưng với dân số gần 1,4 tỷ người, vẫn chưa đến 10% số người đã chích mũi đầu tiên. 

Ấn Độ đã bắt đầu đợt tiêm chủng vào ngày 16 tháng 1, với các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu là thành phần ưu tiên thứ nhất- một nhân viên vệ sinh đã trở thành người Ấn Độ đầu tiên nhận vaccine. Quy mô dần dần được mở rộng sang các nhóm tuổi khác – từ ngày 1 tháng 5, những người trên 18 tuổi sẽ là nhóm mới nhất đủ điều kiện.

Vào đầu tháng 4, Bộ Y tế Ấn Độ hãnh diện khoe rằng họ là “quốc gia nhanh nhất trên thế giới” đạt được hơn 100 triệu mũi tiêm chích chỉ trong 85 ngày, trong khi Mỹ mất 89 ngày và Trung Quốc 102 ngày.  Nhưng rồi đã có sự thiếu hụt, và ở nhiều bang, liều thứ hai bị hoãn lại.

Ấn Độ hiện đang cho dùng hai loại vaccine – một loại do AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Covishield) phát triển và một loại do công ty Ấn Độ Bharat Biotech (Covaxin) phát triển. 

Vào tháng 4, loại vaccine in thứ ba – Sputnik V của Nga – đã được chấp thuận sử dụng. 

Những tín đồ Ấn giáo ngâm mình trên sông Hằng vào thứ Hai trong lễ hội Kumbh Mela đang diễn ra ở Haridwar. Ảnh: Money Sharma /AFP

Ấn Độ đã tạm thời giữ lại tất cả số vaccine AstraZeneca dành xuất cảng mà họ sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) vừa cho biết năng lực sản xuất của họ “rất căng thẳng” và rằng họ “vẫn thiếu khả năng cung cấp cho tất cả mọi người Ấn”.

Hôm thứ Hai, chính phủ Ấn đã thông báo rằng những người từ 18 tuổi trở lên sẽ đủ điều kiện được chích vaccine Covid-19 bắt đầu từ ngày 1 tháng 5. 

Và quyết định mở rộng tuổi được tiêm chủng cho thành phần dân số lớn nhất của đất nước – từ 18 đến 45 tuổi – được đưa ra trong khi một số bang báo cáo tình trạng thiếu thuốc. Chưa có kế hoạch tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ em.

Các bình oxy miễn phí được Resident Welfare Association phân phát cho bệnh nhân Covid-19 ở New Delhi. Ảnh chụp ngày 21 tháng 4 năm 2021.
Photo: Sanjeev Verma /Hindustan Times via Getty Images

Ở Ấn Độ cho đến nay việc chích ngừa vẫn còn là tự nguyện. Các phòng khám và bệnh viện do nhà nước điều hành đang cung cấp thuốc tiêm miễn phí, nhưng mọi người cũng có thể trả 250 rupee (3,4 Mỹ kim) một liều tại các cơ sở tư nhân.

Chính phủ đang chi khoảng 5 tỷ đô la để cung cấp các liều thuốc miễn phí tại các phòng khám nhà nước, trung tâm y tế công cộng và bệnh viện.

***

Thế giới không khoanh tay nhìn thảm kịch của quốc gia đông dân hàng đầu thế giới này. Lòng trắc ẩn, tình nhân loại cũng có, nhưng thực tế là với Covid-19, nhân loại chỉ có thể an toàn khi tất cả mọi người được an toàn.

Saudi Arabia sẽ gửi 4 bồn chứa oxy lỏng (cryogenic tank) chứa 90 tấn dưỡng khí đến Ấn Độ. Không quan Ấn đã được huy động để chở 4 bồn từ Singapore về nước. Anh quốc gửi gần 500 máy lọc oxy từ không khí, và gần 150 máy ventilators các loại. Hoa kỳ cũng đang chuẩn bị những vật phẩm cần thiết để chống dịch để gửi sang Ấn. Tại Brussels, Ủy ban châu Âu cho biết họ cũng có kế hoạch gửi oxy và thuốc men. Chủ tịch Liên Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết tổ chức đang “tập hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu được hỗ trợ của Ấn Độ”. Ngay cả đến Pakistan, quốc gia đang có tranh chấp với Ấn, cũng đề nghị giúp đỡ dụng cụ và thiết bị y tế, gồm cả xe cấp cứu.

Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi sản xuất Covishield, loại vaccine được Oxford-AstraZeneca phát triển, đã thúc giục Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Donald Trump đã đưa ra khi bắt đầu đại dịch theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Cho đến nay, các hạn chế vẫn còn được duy trì để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

Poonawalla viết trên Twitter: “Nếu chúng ta thực sự đoàn kết để đánh bại loại virus này, thay mặt cho công nghiệp vaccine bên ngoài Hoa Kỳ, tôi khẩn thiết đề nghị ông dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất cảng nguyên liệu thô ra khỏi Hoa Kỳ để việc sản xuất vaccine có thể tăng lên…”

Thông báo hết vaccine trên cổng của một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ, Thứ Ba, ngày 20 tháng 4 năm 2021.
Photo: AP/Rafiq Maqbool

Bạch ốc đã hồi đáp nhanh chóng rằng họ sẽ nhanh chóng cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ.

Trong khi đó, Ấn Độ đã “xuất cảng” sang nhiều nước con virus corona B.1.617, biến chủng “đúp” (double mutant variant) loại virus được cho là lây lan mạnh hơn và có thể thoát được rào cản của một số loại vaccine đang được sử dụng!

Đỗ Quân 

(Theo CNN, BBC, Alajeera, GlobalNews, Hindustan Times…)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email