Lá thư Úc Châu: Căng thẳng thần kinh!

đoàn xuân thu

Nước Úc nói riêng và các nước Phương Tây nói chung luôn thán phục những tỉ phú tự thân nghĩa là làm nên sản nghiệp từ hai bàn tay trắng:như Bill Gates, Microsoft hay Mark Zuckerberg, Facebook chẳng hạn.
Thán phục cũng phải; vì đâu dễ mà làm giàu tới bạc tỉ đô đâu nè. Kiếm tuần 1000 đô mà thở hết ra hơi rồi thì nói chi đến tiền tỉ chớ!
Không những thán phục mà còn kính phục nữa. Vì càng giàu, mấy ông thiên tài nầy càng đóng thuế nhiều để giúp mấy người dở hơn mình.
(Đừng dấu giấy khai thuế như Tổng thống Mỹ Donald Trump là được!)
Tuy nhiên có ông nầy cũng giàu tỉ đô nhưng giàu kiểu khác. Kiểu đó là vầy: Theo ông tâm tình khi được giới báo chí hỏi: “Làm cách nào mà giàu đến bạc tỉ đô như vậy?
“Tía tôi là một người giàu nhứt nhì ở nước Úc nầy! Khỏi cần quảng cáo ai cũng biết. Tuy nhiên Tía tôi bảo đừng dựa dẫm vào gia thế nhà mình mà phải tự lập thân!
Nghe lời dạy của Tía nên khi được cho hai đô la tiền túi ăn cà rem. Tui nhịn thèm cà rem mà bắt đầu dùng số vốn nhỏ nhoi đó mà lập nghiệp.
Tui đi mua 4 trái chuối, mỗi trái 50 xu, tui đem về lau cho bóng, bán được mỗi trái một đô la. Một lời một nhe!”
“Rồi ông làm giàu bằng cách bán chuối hả?” “Đâu có nè! Sau đó thình lình Tía tui đi bán muối đế lại một đế chế làm ăn trị giá tới 10 tỉ đô.”
Như vậy nhà tỷ phú nầy chào đời dù khóc oe oe nhưng đã có mọi đặc quyền, đặc lợi, Tây gọi là sanh ra với cái thìa bạc ở trong mồm!
Nhảy một cái vèo, khỏi cần leo là đã ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ làm ‘big boss’, ông Chủ lớn, một đại xì thẩu, một VIP, nhân vật rất quan trọng.
Vì vậy khi nghe báo chí nói mấy ông tỉ phú giàu ngang xương nhờ thừa kế chưa từng chiến đấu ở thương trường nên dễ bị thương lắm đó, dễ bị khủng hoảng thần kinh.
Té ra bịnh trầm cảm do khủng hoảng thần kinh không chừa một ai hết ráo. Giàu trong trứng giàu ra nó cũng hỏng có tha.
Vậy mà tui cứ tưởng cu li như tui chạy gạo từng bữa mới bị căng thẳng thần kinh thôi chớ!
Tuy nhiên các nhà tỉ phú ngang hông nầy phải đương đầu với bao nhiêu áp lực trong đời từ chuyện mần ăn đến đời sống cá nhân.
Cuối cùng giọt nước đã tràn ly, bị khủng hoảng tinh thần, bị trầm cảm nặng, “Tôi có cảm giác mình là một kẻ chiến bại!”
Ối đời mà! Ai chiến thắng mà không hề chiến bại chớ? Chiến bại thì làm lại chớ có gì đâu?
Mấy đứa nhà mặt phố bố làm to bên Việt Nam tui đâu thấy có thằng nào làm cái gì để biết thành công hay thất bại! Bố nó cứ bế lên cái ghế chờ sẵn ở quê nhà cho thằng nhóc đi học nước ngoài về có cái bằng cấp Thạc sĩ hay Tiến sĩ gì đó lên ngồi ăn với nhậu, cưới vợ toàn là hoa hậu. Nên tui đâu thấy đứa nào bị khùng đâu nè? Nếu có khùng là khi bố nó bị thanh trừng và nó bị mất chức mà thôi!
***
Làm ăn thất bại tiền tỉ mẻ chút đỉnh vài trăm triệu đô thì nhằm gì? Chỉ có hôn nhân không mẻ mà bể luôn mới là chuyện lớn!
(Giàu sướng thiệt chớ. Thôi em nầy là có em kia liền! Mà toàn là đẹp, hấp dẫn quá chừng làm tui cũng phải đem lòng ganh tị. Nhưng không có cuộc hôn nhân nào bền lâu dài cả 50 chục năm như tui với em yêu của tui đâu. Chỉ vài năm là có em mới. Như thay áo, thay quần hoài.
Thay hoài là vì chưa toại ý phải không? Vì lẽ vợ chồng là phải yêu nhau thắm thiết như vợ chồng tui mới được. Chớ em đến với anh chỉ vì tiền; anh đến với em chỉ vì em đẹp. Thì tình ta trước sau gì cũng dẹp! Vì ông bà mình cũng dạy rằng người vợ thuở hàn vi mới thiệt là vợ mình.
(Nhưng mà xin thú thiệt xin mấy chị mình nghe xong, xin đừng xài xể. Tui lại khoái cứ vài năm là đi mua quần áo mới hè! Đã hơn phải không quý ông anh? Cơm hoài hè! Có phở vô mới hào hứng được chớ!)
Xưa giờ, tui cứ nghĩ đời có tiền là có tất cả. Tui sùng bái quyền lực vô song của đồng tiền lắm đó. Nhưng báo Úc lại cho tui biết rằng: Trong đời sống quay cuồng của xã hội, bây giờ có 45% người Úc bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần trong một thời điểm nào đó của đời mình. Tính ra trên toàn thế giới là tới 450 triệu ca.
Chính vì vậy bên Mỹ cứ vài ba tháng là có vụ nổ súng bắn người vô tội hay đặt bom tùm lum, tùm la như mới xảy ra bên thành phố Austin, tiểu bang Texas lại làm bà con mình thêm căng thẳng.
Chính vì vậy mà bên Mỹ, thành phố Denver, với 500 ngàn cư dân vừa yêu cầu các vị dân cử phải làm cái gì đó để giảm căng thẳng thần kinh cho quý cử tri.
Chẳng hạn như chơi nhạc êm dịu nơi công cộng, như bài Happy New Year của ABBA hay Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương. Rồi tổ chức cho dân chúng cắm trại, ăn thịt nướng, vui đùa… sau những ngày làm việc vất vả!
(Nhớ đừng: “Đoàn quân Việt Nam sao mà ốm thế?” Trong bài Tiến quân ca của Văn Cao ra rả trên loa phường Hà Nội làm bà con mình lại càng thêm căng thẳng thần kinh!)
Mấy nghị viên thành phố nhận được cái đề nghị nầy cũng la làng ỏm tỏm vì bị thần kinh căng thẳng với cái đề nghị không giống ai, xưa giờ mới thấy!
***
Nói nào ngay vụ căng thẳng trong đời sống là có từ thuở ông Adam với bà Eve lận kìa.
Có thể là ông Adam đi săn, sợ cọp beo ăn thịt; bỏ em yêu, Eve, ngủ một mình tội nghiệp.
Rồi xã hội ngày càng tân tiến thì căng thẳng cũng tiến lên theo. Sợ bị đuổi việc, bể nồi cơm, sợ câu: “You’re fired” như Donald Trump từng hăm he người cộng sự.
Sợ thằng boss mới cà chớn nói: “Hãy coi tui như là bạn. Nhưng là một người bạn có quyền nắm đầu, đá đít anh ra khỏi công ty!”
Thế nên muốn chạy trốn căng thẳng thần kinh, một anh chàng Hồng Mao, mới 27 tuổi, mà đã làm lớn trong ngân hàng, lương một năm tới 75 ngàn bảng, chịu căng thẳng thần kinh hết nỗi nên bỏ việc trốn sang Don Det, một đảo nhỏ, vùng quê hẻo lánh trên sông Mekong bên Lào.
Nhà bằng tre để vui với cỏ nội mây ngàn, đi câu cá ngoài sông hay đi săn trong rừng.
“Chỉ có một điều là nhớ Tía, nhớ Má nhớ, nhớ bạn, nhớ bè. Nhưng tui không quay lại đời sống xô bồ ở nước Anh nữa đâu. Em nào yêu tui là phải sống như tui mới được!”
Cha chả chảnh dữ nhe.!Tui e rằng chú mầy sẽ sống cu ky tới ngày nhắm mắt chớ hỏng có em nào chịu sống nơi không có quán rượu, không có internet, không có email của thời buổi hiện đại, (hại điện) như bây giờ.
***
Rồi bên Ý cũng có một ông từ giã chốn phồn hoa đô hội lên một hoang đảo sống một mình từ năm 1989 tới nay mà hỏng ai hay.
Mãi tới gần đây chánh phủ Ý cho gắn Wifi trên đảo ông ầy mới chụp hình bắn lên Youtube để khoe với bà con trên toàn thế giới là tui sống sướng như vầy nè!
Chẳng qua là năm 1989, đi chơi quanh đảo, thuyền chết máy; nên ông tấp lên bờ nhờ giúp đỡ. Trời xui đất khiến ông gặp một ông bấy lâu nay làm cho nhà nước, coi chừng cái đảo nầy sắp về hưu, trở lại đất liền.
Nên ông xin chánh phủ cho ông cái ‘job’ đó. Ngoài ra hỏng còn ai nộp đơn hết nên Mauro Morandi được nhận.
29 năm trôi qua, năm nay 79 tuổi rồi mà Mauro không tính trở lại cõi hồng trần.
Sống trong căn lều cũ, một mình trên bãi biển của đảo Budelli và hạnh phúc mỗi ngày khi được ngắm bình minh, hoàng hôn trên biển.
Thời gian đầu thì mỗi năm, em yêu ra thăm 2 tuần để đôi ta đàn lại bản tình xưa.
Sau nầy, hơi lớn tuổi, cung lỡ dây chùng, đàn đứt dây rồi thì không cần chơi nữa em yêu hỏng chịu ra.
Em không ra nhưng ông lại không chịu về. Nếu có về là vài năm một lần để thăm hai đứa con gái trong đất liền và vài đứa cháu ngoại chừng tuần lễ ông lại trở ra.
Nói cho đúng không cô đơn lắm đâu. Mùa hè cũng có khoảng hơn một ngàn du khách ra thăm đảo nên ông kiếm thêm việc làm hướng dẫn viên du lịch.
Mùa Đông ế khách thì đi chụp ảnh khoe trên mạng ảo với bà con nào còn bon chen trong chốn hồng trần vì danh lợi thấy… để tức chơi!
***
Ối tưởng cái gì? Chuyện của hai ông Anh và ông Ý nầy đi sau ông bà mình cả chừng 4, 5 thế kỷ mà cũng khoe. Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), hưởng đại thọ tới 95 tuổi, mặc dầu y học thế kỷ 16 làm gì tân tiến được như ngày nay.
Nhưng sở dĩ nhà thơ sống dai như vậy vì người biết tránh cái bịnh căng thẳng thần kinh đó thôi.
Người đã dạy chúng ta qua bài thơ Cảnh Nhàn như vầy: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào! Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chỗ lao xao/ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao”
Nghĩa là lè phè đi nếu có thể!
Tuy nhiên nói thiệt với bà con nhe! Tui đôi khi cũng bị căng thẳng thần kinh lắm đó. Không phải công danh sự nghiệp thành công hay thất bại gì đâu.
Cái đó không nhằm nhè gì đến sức khỏe tâm thần của tui hết ráo .
Hơn 1/4 thế kỷ trước, có cái đít không và một bầu đoàn thê tử tui vẫn sống được trên nước Úc nầy cho tới ngày nay mà thì việc gì lo lắng cho nó căng thẳng thần kinh chớ?
Tuy nhiên tui bị căng thẳng là vì em yêu tra tấn tinh thần hoài hè. Chịu hết xiết lời cằn nhằn, cửi nhửi của em, nên một hôm: Tay cầm cái va ly, tui tuyên bố với em yêu là: “Tui chán cái nhà nầy quá rồi… Tui đi đây!”
Thì em yêu nói: “Em cũng vậy! Em cũng chán cái nhà nầy quá rồi! Nên đợi em đi với!”
Vậy là tui lại phải quay trở vô… để tiếp tục bị căng thẳng thần kinh! He he!

đoàn xuân thu.
melbourne

Xem thêm

Nhận báo giá qua email