Lại Chuyện Con Khỉ Thái Lan

Người sinh ra tại Châu Phi có khổ hơn Châu Á? Rồi người châu Á có khổ hơn người Châu Mỹ? Rồi, cũng là Châu Mỹ, liệu Nam Mỹ, Trung Mỹ và Bắc Mỹ có gì khác nhau? Dân Trung, Nam Mỹ có khổ hơn dân Bắc Mỹ. Tương tự, cũng là khỉ, liệu con khỉ Châu Phi có khác gì số phận con khỉ ở những nơi khác?

Lần này chúng ta (lại) nói đến những con khỉ tại Thái Lan. Tội nghiệp chúng. Trong bài viết Tiêu rồi, Khỉ ơi của mục Người Viết Rong chúng ta đã có dịp trò chuyện về số phận những con khỉ đáng thương tại Thái Lan. Vâng. Cũng là giống khỉ như nhau, tại Thái Lan bao câu chuyện dở cười dở khóc đã xảy ra. Lần này tuy không liên hệ trực tiếp đến Covid-19, rõ ràng ảnh hưởng gián tiếp của Đại dịch đang tác động nhiều lên kỹ nghệ sản xuất nước cốt dừa (coconut milk) tại đây cũng như đời sống của những công-nhân-khỉ (đúng ra phải gọi là ‘công thân’ hay ‘công hầu’ mới đúng).

Bạn hỏi: Chà, chuyện gì mà lớn vậy? Xin thưa, thế giới đang xôn xao chuyện liên quan đến những con khỉ bị ‘bóc lột sức lao động’ tại Thái Lan. Nói khác đi, người Thái đang tận dụng khỉ trong các công việc bẻ dừa trên cao. Những tưởng đây là một sáng kiến khá thú vị, nhưng trong mắt các nhà bênh vực quyền động vật đây quả nhiên là một hành động không thể chấp nhận được.

Bỏ mẹ chưa, hóa ra là văn hóa đông tây không cùng quan điểm. Một bên coi đời sống tự nhiên hoang dã của thú vật là quyền. Một bên coi việc sử dụng thú vật trong các sinh hoạt cuộc sống là tận dụng sức lao động, dù chúng được đối xử như một thành viên trong gia đình. Nếu đã nói thế, nuôi trâu để cày ruộng, nuôi voi để làm trò vì chúng biết dùng vòi cầm cọ thiết kế nên những tác phẩm hội họa mang đậm tính cách voi đầy ấn ‘tượng’ xem ra con người đã hiển nhiên có lỗi với chúng. Hay chuyện nuôi chim bồ câu để đưa thư ngày xưa. Hoặc chuyện ở Nhật người ta nuôi cốc, một loại chim có thể săn bắt cá, cuối ngày chỉ được nhận phần ăn đủ ca-lo-ri để tiếp tục sinh tồn. Hoặc những con vật bị nhốt trong sở thú, trong gánh xiếc mua vui cho thiên hạ, những đoàn lạc đà cửu vạn xuyên sa mạc ngày xưa… 

Như thế, những việc làm đó có đáng nên án, đáng xem thường. Hay cuối cùng vẫn là chuyện loài người thông minh nên nghĩ ra cách sử dụng động vật giúp mình. Tuy nhiên thú vật không nói được nên thường bị đối xử bất công. Nói khác đi, nếu máy móc không hề than vãn, không nghỉ ốm, không đòi hỏi tăng lương hay yêu sách này nọ; thú vật cũng thế, chúng chỉ nên siêng năng cần mẫn, kiểu loài trâu cho gì ăn nấy, rơm rạ hay cỏ khô đều okay, chúng không hề than thở oán trách.

Những con khỉ tại Thái Lan cũng thế. Tội nghiệp, chúng bị xích vào cổ, tất nhiên không phải vì những ông chủ độc ác, song ‘oan có đầu, nợ có chủ’, khỉ là tài sản giá trị không nên thả tự do vì chúng sẽ sổng mất, lúc đó biết phải làm sao. Hơn nữa một con khỉ được huấn luyện tử tế, kỹ năng của chúng trở thành giá trị hái ra bạc. Tỷ như các loài vẹt, két, khi chủ tập nói khá sõi, giá trị của chúng sẽ khác hẳn mấy chú vẹt, két đẹp mã những không nói được. Mấy chú khỉ bẻ dừa tại Thái Lan cũng thế, đâu phải tự nhiên khơi khơi muốn chúng bẻ dừa là bẻ được, song phải trải qua những khâu huấn luyện khá kỹ càng.

Tất nhiên để có được những chú khỉ giỏi leo dừa người ta phải tập chúng từ khi còn bé. Chúng phải tập ‘leo dừa’ trên mấy cọc giả để chủ dạy chúng biết lấy thế đạp những quả dừa già khỏi quầy. Đây là công việc khá nặng nhọc. Hãy hình dung, muốn đạp một trái dừa ra khỏi quày đâu phải dễ. Phải có thế. Phải có cách. Tất nhiên các ông thày đã huấn luyện chúng dùng thế nhiều hơn dùng sức để đạp những trái dừa từ trên cao xuống.

Vì thế chủ phải tập khỉ đạp dừa khi chúng còn nhỏ, như thế sẽ dễ hơn, nếu không nói là tập cho khỉ lớn là điều không thể. Người ta thường chọn những con khỉ non, chưa bị ‘nhiễm tạp’ bởi những thói lười nhác, cứng đầu cứng cổ. Ở đây, khái niệm ‘dạy con từ thuở còn thơ’ được áp dụng triệt để. Đáng tiếc, với ‘người ngoại cuộc’, đặc biệt với các nhà bảo vệ quyền động vật, chuyện những chú khỉ nhỏ bị tách bày sớm khiến họ nhức nhối, xót mắt. Từ đây bỗng nảy sinh ra những ấm ức, những bất công cần được lên tiếng.

Thực ra các nhà bảo vệ động vật đã theo dõi chuyện nhà vườn tại Thái Lan ‘bóc lột sức lao động’ của khỉ từ lâu chứ không phải mới đây. Lên Google bạn đọc sẽ thấy đây là một hồ sơ âm ỉ nhiều năm trong quá khứ. Theo đó, chuyện bóc lột sức lao động của khỉ khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu. Họ thấy chúng bị đối xử oan ức nên muốn ra tay nghĩa hiệp giải cứu chúng. Tất nhiên cách tốt nhất là tẩy chay những thương hiệu nước cốt dừa của Thái Lan cả gan coi trời bằng vung, dám bóc lột sức lao động của ‘thủy tổ loài người’.        

Tờ USA Today cho chạy một bài báo có tên Target drops Chaokoh coconut milk after PETA’s allegations of forced monkey labor, follows Costco của tác giả Kelly Tyko phát hành ngày 25/1/2021 công bố hệ thống chợ siêu thị Target đã theo gót hệ thống chợ Costco tẩy chay thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh vì ‘nhiều lần cảnh cáo nhưng nhà vườn chẳng chịu nghe’ trong việc cố tình bóc lột sức lao động của khỉ.   

Công tâm mà nói, thái độ của bạn về vấn đề này cụ thể ra sao? Phải chăng đây là vấn đề ‘văn hóa khác biệt’ nên chuyện người bóc lột khỉ (khác hẳn chuyện người bóc lột người). Thành ra cân nhắc về chuyện này thiên hạ nên dừng lại ở vạch kẻ cơm nhà ai nấy ăn, đèn nhà ai nấy rạng. Hơn nữa chuyện người sử dụng khỉ không phải ai cũng giống ai. Ở đời, chủ có người hiền, có người ác. Nơi đâu cũng có kẻ đầy lòng bồ tát, có kẻ lật lọng khẩu phật tâm xà. Tuy nhiên qua những tấm ảnh của giới phóng viên báo chí, kết hợp với các nhà đấu tranh cho quyền thú vật, đôi mắt ướt của một chú khỉ nhỏ bỗng trở thành chứng tích hùng hồn tố cáo sự tàn nhẫn của các ông chủ bóc lột khỉ đạp dừa. 

Đến khổ. Nào chỉ có Target hay Costco tẩy chay thương hiệu Chaokoh vì dính dáng đến sức lao động của khỉ, nhiều chợ khác cũng đã a dua tẩy chay. Nếu nhìn thoáng, từ góc độ của người bình thường, sử dụng khả năng đặc biệt của thú vật trong các hoạt động hỗ trợ con người liệu nên được chấp nhận vì lý do an toàn. Leo dừa cao, dễ té với con người, trong khi khỉ là loài leo cao ‘dễ như ăn ớt’ nên leo dừa đối với chúng rất tự nhiên. Để bảo vệ tính mạng cho con người, chuyện huấn luyện và sử dụng khỉ bẻ dừa có nên được cảm thông? Hay mạng khỉ quan trọng như mạng người, nếu không nói quan trọng hơn? Còn chuyện chó được huấn luyện thực hiện các công việc nguy hiểm như điều tra, cứu hộ, hay trong quân sự… liệu làm thế có mang tiếng bóc lột sức lao động chó? Hay vì được cho ăn, được nuôi dưỡng, sếp của các binh khuyển K9 không bị mang tiếng là bị bóc lột. Còn số động vật sử dụng trong nghiên cứu, trong các nông trại, trong vườn bách thú thì sao? Chúng có nên bị coi là nạn nhân của tệ nạn bóc lột sức lao động được không?   

Ai chủ mưu đứng sau những cáo buộc động trời người Thái áp bức bóc lột sức lao động khỉ. PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) là cơ quan luôn giám sát các hoạt động của con người liên can đến động vật, tiếng nói của họ rất có uy thế. Chỉ cần họ liệt kê một tổ chức sản xuất vào danh sách đen, bất công tàn ác với thú vật là tổ chức đó sẽ lâm cảnh thân bại danh liệt ngay lập tức.   

Lần này, Target đã thanh minh với USA Today (nguyên văn): We believe in the humane treatment of animals and expect those who do business with us to do the same. We take seriously the claims made against Chaokoh, and given they were unable to sufficiently address the concerns raised, we made the decision to remove their product from our assortment in November 2020. Bỏ mẹ chưa! Chỉ vì ‘ác’ với khỉ mà thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh rơi vào cảnh điêu đứng. Gì chứ, thị trường Bắc Mỹ hay Châu Âu mà tẩy chay thương hiệu này chỉ có nước đứng đường, không sai.  

Tán thưởng hành động ‘quả cảm’ của Target, phó giám đốc điều hành của PETA Tracy Reiman  vỗ tay khen ngợi khá rôm rả như sau (nguyên văn): By dropping Chaokoh, Target is joining thousands of stores that refuse to profit from chained monkeys’ misery. PETA exposés have confirmed that Thai coconut producers are exploiting monkeys and lying about it, so there’s no excuse for any grocery store to keep Chaokoh on its shelves. – Thế là toi rồi. Hàng ngàn cửa hàng chứ đâu ít. Hóa ra lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt. Khỉ không nói được tiếng người nhưng cuối cùng công đạo đã được trả lại cho chúng.

Không dám vội tin, USA Today trò chuyện với Công ty Theppadungporn Coconut Co. Ltd. sản xuất ra thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh để tìm hiểu thêm. Công ty này cho biết họ rất nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết không ngược đãi khỉ. Thậm chí họ đưa ra một báo cáo dài 14 trang với cái tên Monkey-Free Coconut Due Diligence Assessment cho biết 64 nhà vườn kiểm tra đột xuất trong số 817 nhà vườn không tìm thấy các bằng chứng kết luận khỉ thu hoạch dừa (did not find the use of monkey for coconut harvesting).   

Bị đổ oan, Công ty Theppadungporn Coconut Co. Ltd. đã lên tiếng (nguyên văn): Following the recent news about the use of ‘monkey labour’ in Thailand’s coconut industry, Chaokoh, one of the world’s leaders in coconut milk production, reassures that we do not engage the use of monkey labour in our coconut plantations. Như vậy, cáo buộc họ bắt khỉ lao động là hoàn toàn không có. Họ cam kết mình trong sạch, không hề có bất cứ hành động trái nguyên tắc đạo lý nào. 

Tháng 10 năm ngoái, Costco ngừng bán thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh. Hệ thống chợ thực phẩm Wegmans cũng đã tuyên bố hồi tháng 11 năm ngoái sẽ ngừng bán thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh. Nay đến lượt Target, cụ thể tháng 10 năm ngoái hệ thống chợ Target cho USA Today biết họ sẽ điều tra (looking into Chaokoh’s practices) để có những quyết định cụ thể. Nay họ đã chính thức ngừng bán thương hiệu Chaokoh.

Rồi đây tương lai những chú khỉ bẻ dừa sẽ ra sao? Khi chủ vườn gặp khó khăn, chúng nhất định sẽ gặp phải những ảnh hưởng vạ lây. Điều này không biết các nhà đấu tranh cho quyền động vật có nghĩ qua? Tại sao không có những chiến dịch giáo dục nhà vườn đối xử tốt với khỉ. Nên chăng sẽ có chế độ làm việc thỏa đáng, có tuổi hưu, có chăm sóc y tế hẳn hoi? Chưa kể ai hiểu được mối quan hệ giữa chủ vườn và lực lượng khỉ lao động, vốn bên ngoài luôn khác bên trong!    

Còn chuyện các hệ thống bán lẻ tại Mỹ tẩy chay thương hiệu nước cốt dừa Chaokoh có tạo nên những thay đổi nào đó. Được biết giới nội trợ đặc biệt yêu mến lon nước cốt dừa nhãn hiệu Chaokoh, trong đó rất đông các nội trợ gốc Á, gốc Mễ không thể nấu các món ăn ngon nếu thiếu lon nước cốt dừa Chaokoh. Như thế, liệu dân chúng tại thị trường Bắc Mỹ có theo chân các tập đoàn bán lẻ tẩy chay thương hiệu này? Wal-Mart sẽ nối gót? Kroger and Food Lions thì sao… Hay khi bị tẩy chay tại các cửa hàng tường gạch, vô tình các cửa hàng trực tuyến càng thêm rôm rả, tấp nập hơn? Hoặc khách phải tìm đến các cửa hàng thực phẩm Á, Mễ để có được những lon nước cốt dừa Chaokoh sánh đậm. Hay người ta sẽ chuyển qua những thương hiệu mới khác…

Chợt suy gẫm mãi. Không biết có phải văn hóa khác biệt nên nhiều sinh hoạt tại một địa phương có vẻ bình thường nhưng lại ‘phi nhân tính’, độc ác tại những nơi khác. Lấy chuyện những chú khỉ tại Thái Lan lần này bẻ dừa cho dân địa phương, tuy phải nai lưng làm việc, song ít nhất đời sống của chúng vẫn ổn định hơn. Còn so với những chú khỉ ‘ngồi mát ăn bát vàng’ tại những ngôi chùa, những điểm du lịch, được du khách cho thức ăn nên cuối cùng được chiều chuộng quá lâu mất hết khả năng tự kiếm sống.

Lẽ ra nhà vườn nên được hướng dẫn và trang bị những kiến thức về tập quán sinh hoạt của loài khỉ để giúp chúng có một cuộc sống lành mạnh an toàn hơn. Thay vì chỉ đưa ra những biện pháp cứng rắn, cuối cùng khỉ cũng thiệt mà người cũng thiệt… Không biết suy nghĩ của quý vị ra sao về chuyện này… Khỉ có nên bị tước ‘quyền lao động’ hay không?

Nguyễn Thơ Sinh 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email