Nạn lạm thu trong trường học mỗi năm lại càng biến tướng thêm nhiều hình thức mới. Thu tiền làm vệ sinh phòng học rồi tới thu luôn cả tiền trực đánh trống, e rằng chỉ có trường ở VN mới dám nghĩ ra.
Thu tiền đánh trống, dọn vệ sinh
Phòng Giáo dục huyện Mang Yang cho biết đã nhận được báo cáo thu chi của bà Lê Thị Tâm – Hiệu trưởng trường THCS (cấp II) Lê Quý Đôn.
Trước đó, trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm cho 405 học sinh và thông báo nhiều khoản tiền mà phụ huynh học sinh phải đóng như khen thưởng 200.000 đồng/học sinh, trực đánh trống và vệ sinh là 150.000 đồng/học sinh… Nhiều phụ huynh cho rằng việc đóng các khoản tiền này là rất vô lý.
Một phụ huynh có con đang học lớp 6 tại trường cho biết kỳ quặc nhất là tiền đánh trống và vệ sinh, trong khi các học sinh đều ở vùng nông thôn, việc quét lớp học hay lau bảng không có gì khó khăn, nặng nhọc và các lớp trực đều có thể thay phiên đánh trống.
Phụ huynh này nói thêm, có thể phân cho bảo vệ hoặc thủ thư, giáo viên trống giờ hay kế toán trường học đánh trống cũng được; bây giờ lại phải thuê người đánh trống nữa hay sao? Còn việc vệ sinh lớp học thì từ trước tới nay học sinh vẫn chia nhau làm. Coi như là hoạt động mang tính chất giáo dục cộng đồng. Các em có thể tự phân công theo tổ nhóm, thay phiên nhau lau quét lớp học và lau bảng là việc bình thường.
Bên cạnh đó, thu 200.000 đồng/học sinh tiền khen thưởng là vô lý, trong khi chỉ có số ít em được khen và quà tặng là quyển vở hay cái bút cũng chưa tới 200.000 đồng/suất.
“Khi cô giáo chủ nhiệm đã đưa ra như thế, phụ huynh chúng tôi không muốn cũng phải đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con” – người này nói.
Quá nhiều các khoản thu vô lý

Giải thích với phòng Giáo dục huyện Mang Yang, bà hiệu trưởng cho biết mỗi học sinh sẽ phải đóng 560.000 đồng cho năm học 2020-2021. Nhà trường thu thêm mỗi em 4 khoản ngoài những khoản thu chính gồm: tiền khuyến học gồm khen thưởng và giúp các hoạt động lớn của nhà trường 200.000 đồng (người kinh); tiền dọn dẹp nhà vệ sinh 150.000 đồng (người kinh); tiền photo đề kiểm tra bài 50.000 đồng (người kinh) và thu tất cả các học sinh 20.000 đồng tiền nước uống. Những trường hợp nghèo, cận nghèo, khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số được miễn.
Bà hiệu trưởng nói: “Khoản tiền trực trống và vệ sinh này không phải nhà trường yêu cầu. Cái này là hội phụ huynh đóng. Các phụ huynh đòi đóng vì họ không muốn con em mình phải bẩn tay, bẩn chân, chỉ lo việc học thôi! Khi họp phụ huynh cũng không thấy ai ý kiến gì về nội dung này, được 100% phụ huynh có mặt trong cuộc họp đồng ý”.
Hiệu trưởng này cũng cho rằng việc trực đánh trống không phải là việc của bảo vệ, vì nhân viên này chỉ có hai nhiệm vụ là bảo vệ trường và giữ an ninh trật tự tại trường. Các phụ huynh đều đồng ý đóng 150.000 đồng/em để thuê vợ của nhân viên bảo vệ lo việc quét dọn lớp học và trực đánh trống, do không ai nhận làm việc này. Hiện nhà trường có 405 học sinh. Tuy nhiên, các học sinh nghèo, khuyết tật và dân tộc thiểu số sẽ không phải đóng khoản tiền này.
Điều đáng chú ý là trong việc lạm thu chi năm học 2020-2021 thì người đứng ra lập kế hoạch là Hội trưởng cha mẹ học sinh Nguyễn Thị Thùy Trang, bà Lê Thị Tâm- hiệu trưởng ký tên, đóng dấu. Đặc biệt, còn có chữ ký xác nhận của ông Hồ Ngọc Thắng- Phó Chủ tịch xã Đắk Djrăng.
Các khoản thu cao bất thường trong một kế hoạch khá hoàn chỉnh

để xây dựng vườn thuốc nam được phản ánh chi “quá tay”
Như vậy, kế hoạch lạm thu buộc phụ huynh phải đóng tiền này gần như đã được hợp thức hóa khá hoàn chỉnh, nếu như không có sự phản đối của một số phụ huynh và báo chí vào cuộc.
Trong thực tế, Hội phụ huynh học sinh chính là cánh tay nối dài của Hiệu trưởng.
Mọi việc lạm thu, thu sai… nếu bị phát giác, nhà trường sẽ đổ hết trách nhiệm cho ban đai diện cha mẹ học sinh. Bộ giáo dục đã thấy điều này nhưng đến nay vẫn không dẹp cái ban vô tích sự này. Có ai thấy cái ban này làm được việc gì không? Có cần tồn tại không? Chẳng có ý kiến gì đóng góp cho con em học sinh, chỉ có mỗi một việc làm duy nhất là kêu đóng góp tiền trong các buổi họp.
Như thế, Hội phụ huynh học sinh chỉ đại diện cho nhà trường thôi!
Vậy mà, những khoản tiền nhà trường thu lại thể hiện nhiều điều rất bất thường.
Ở một trường thì tiền photo đề kiểm tra của học sinh chỉ ở mức 6000 đồng/1 học sinh/ học kỳ mà thôi. Vậy mà, Trường Lê Qúy Đôn thu tiền photo đề kiểm tra 50.000 đồng/học sinh/ năm học là quá đắt.
Thế nhưng, đâu chỉ có tiền đề photo cao bất thường mà trong các khoản thu này có cả tiền đánh trống trường. Có lẽ, khắp các trường học Việt Nam ta từ trước đến nay chưa có trường nào lại phát minh ra khoản thu lạ lùng như vậy.
Đánh trống bao giờ cũng việc của bảo vệ, nếu trường không có bảo vệ thì có nhân viên, giáo viên trực trường đánh, có nhọc nhằn gì cho cam mà nhà trường bắt phụ huynh phải nộp tiền đánh trống.
Rồi tiền khen thưởng, tiền hỗ trợ các hoạt động lớn của nhà trường đều đổ lên đầu học sinh là điều hoàn toàn vô lý. Mỗi học sinh phải nộp đến 200 ngàn đồng cho khoản thu này, trong khi tiền từ bên trên rót xuống các trường đều có bao gồm chi cho các hoạt động này rồi…
Phải công nhận một điều là Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu nhà trường Trung học cơ sở Lê Qúy Đôn rất “sáng tạo” trong các khoản thu và điều đáng băn khoăn nữa là kế hoạch này lại còn được Ủy ban nhân dân xã ĐắkDjrăng xác nhận, đóng dấu, ký tên…
Một kế hoạch hoàn chỉnh đến như vậy thử hỏi còn lý do nào để phụ huynh dám không đóng tiền học cho con em mình?
Xôn xao đơn tố cáo hiệu trưởng lạm thu và độc tài
Lạm thu đã trở thành tình trạng phổ biến và người đứng đầu trong những vụ lạm thu dĩ nhiên là hiệu trưởng. Đơn tố cáo cho rằng hiệu trưởng một trường tiểu học lạm thu với phụ huynh học sinh, đồng thời chuyên quyền, độc đoán với giáo viên, đã gây xôn xao dư luận địa phương.
Phòng Giáo dục huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai cho biết vẫn đang tiếp tục làm rõ đơn tố cáo Hiệu trưởng Trường Tiểu học chuẩn quốc gia Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hoà, huyện Chư Pứh).
Rất nhiều lá đơn tố cáo được rải khắp chợ trung tâm huyện Chư Pứh, Gia Lai cho người dân và các tiểu thương. Trong đó phản ánh bà Hà Thị Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hoà) bất minh tài chính, độc tài trong vị trí lãnh đạo nhà trưởng.
Những đơn tố cáo này đại diện những giáo viên và phụ huynh của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân nhưng dĩ nhiên không có tên đích danh đứng ra ký.
Cụ thể đơn cho rằng bà Lan có nhiều bất minh về tài chính khi tự ý dùng tiền quỹ trường chi thường xuyên vào các việc cá nhân; bất minh sử dụng tiền trong các khoản thu ngoại lệ: Học sinh phải nộp tiền để mua phần thưởng cho bản thân nếu được khen thưởng vào cuối năm, nếu không nộp tiền thì chỉ có giấy khen không có phần thưởng; dùng hồ bơi được nhà nước tài trợ cho học sinh tập bơi để kinh doanh… Đơn tố cáo này liệt kê chi tiết các khoản thu, chi vào nhiều hạng mục khác nhau trong năm học 2018”2019 với số tiền trên 251 triệu đồng.
Không chỉ bất minh về tài chính, trong việc quản lý, đơn tố cáo cũng nêu lên việc bà Lan chuyên quyền, độc đoán khi lấy tiền thu ngoài làm rào chắn hành lang không cho học sinh, người ngoài vào khu ban giám hiệu, nhìn rất phản cảm; không cho phép giáo viên ý kiến, mắng nhiếc ai trái ý mình, nếu trái lệnh sẽ bị trù dập, hạ thi đua dọa chuyển trường khiến nhiều giáo viên mất tinh thần làm việc, lộng hành khi bỏ phiếu kín xếp loại đảng viên cuối năm nhưng không cho kiểm phiếu. công khai kết quả…
Một phụ huynh có con đang học lớp 3 tại trường cho biết cấp tiểu học được miễn học phí nhưng hàng năm đều đóng nhiều khoản, khen thưởng, lao công… với số tiền khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, lạ lùng nhất là khi con bắt đầu mới vào lớp 1 thì nhà trường đã yêu cầu nộp tiền để may quần áo tốt nghiệp lớp 5.
“Đây là khoản tiền hết sức vô lý nên chúng tôi quyết không nộp – phụ huynh này nói và cho biết thêm theo thông báo vào năm nay, nếu học sinh nào đã mua bảo hiểm cùng gia đình thì phải hủy để vào trường mua bảo hiểm của nhà trường”.
Chị Q. – một phụ huynh có con đang học tại trường Nguyễn Viết Xuân cũng cho biết, năm nào cũng đóng các khoản tiền ngoại lệ: khen thưởng, trả lương lao công. Điều khiến chị bức bối chính là các khoản phụ thu rất phi lý như tiền khung rạp cho lễ khai giảng và tốt nghiệp, tiền xây dựng “thư viện thân thiện”, xây dựng vườn thuốc nam.
“Rõ ràng, đây là những khoản tiền hết sức vô lý nên chúng tôi quyết không nộp”, chị Q. nói và cho biết nếu đóng hết các khoản tiền trong đầu năm học mới hết khoảng 1 triệu đồng.
Tương tự, anh H. có con học tại trường Nguyễn Viết Xuân cho biết, “đóng loại tiền này giống như kiểu đa cấp biến tướng, phụ huynh chỉ biết đóng tiền mà hoàn toàn chẳng biết mục đích sử dụng ra sao”.
Một giáo viên của trường (xin giấu tên) cho biết đã đọc nhiều lần và xác nhận nội dung trong đơn tố cáo là đúng sự thật.
“Hiệu trưởng làm việc bảo thủ, phân công chuyên môn áp đặt, muốn cho ai dạy lớp nào thì dạy. Chúng tôi mà làm trái ý là sẽ bị gọi lên phòng để bà hiệu trưởng mắng nhiếc, trù dập bằng cách hạ thi đua, sắp xếp cho dạy lớp không thuận lợi”.
Ngoài ra bà Lan tự khóa cửa phòng vệ sinh nữ của nhà trường giữ cho riêng mình mà không cho người khác sử dụng. Toàn bộ số tiền hơn 19,7 triệu đồng của Hội cha mẹ học sinh đóng góp, bà hiệu trưởng chuyển vào tài khoản cá nhân riêng của mình. Nhưng khi kiểm tra, tài khoản này chỉ có hơn 14,6 triệu đồng, thiếu hơn 5,1 triệu đồng.
Tại vườn thuốc nam xây dựng hơn 10,1 triệu đồng từ quỹ của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh năm 2018 nhưng theo đoàn kiểm tra tính toán thì chỉ đáng giá hơn 7 triệu đồng. Thư viện thân thiện của nhà trường xây dựng năm 2018 cũng bị kê cao hơn so với giá trị thực tế hơn 1,4 triệu đồng. “Bể bơi thông minh” do phụ huynh đóng góp để xây nhưng nhà trường đã tự ý thu 10 triệu đồng cho nhiều người khác vào bơi.
Năm học 2018-2019, em V.N.T.V học giỏi vượt bậc vượt bậc được thưởng giấy khen kèm 7 quyển vở. Tuy nhiên do bà Lan đã ra lệnh: “Nếu học sinh không nộp quỹ khen thưởng thì chỉ nhận giấy khen mà không có vở”, em V. lại không đủ điều kiện để đóng quỹ khen thưởng, thành thử cô giáo chủ nhiệm phải tự bỏ tiền túi ra 70.000 đồng nộp quỹ thay để em V. được nhận thưởng. Trong khi đó, quỹ khen thưởng của trường năm học này vẫn còn dư 10,6 triệu đồng.
Bà Hà Thị Lan thì biện bạch: “Việc người ta rải đơn tố cáo có thể là do ghen ghét, đố kỵ với tôi. Giờ mà nói thưa kiện thì chạm tới thành tích nhà trường, ảnh hưởng tới ngành giáo dục của huyện, của tỉnh. Thôi thì cho qua vậy!”
San Hà (tổng hợp)