Lân Sài Gòn “giang hồ”

Hình ảnh của con lân tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng; khơi mở điềm lành trong năm mới…
Có lân đại ca, có lân giang hồ bạt mạng, có lân đàn em… Vi phạm “luật giang hồ” này, huyết đấu dễ như chơi. Nhận diện thế nào khi các đội lân không biết nhau?
Lân tết Sài Gòn phải là lân quý tướng
Không phải con lân nào cũng được múa ngày tết Sài Gòn. Dân múa lân ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn yêu cầu con lân đó phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa.

Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì cá (ngư) tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long). Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Nói chung, tạo hình đầu lân là nhấn mạnh những điểm đặc trưng của tứ linh để lân đạt được phong thái hung dũng và uy linh, nhưng không xa lạ với quan niệm truyền thống của cộng đồng.
Đừng lộn xộn với… hàm râu

Lân mang nhiều sắc mặt: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ba đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, tượng trưng cho “Ðào viên kết nghĩa” là Lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), Lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi).

Ngày Tết, múa lân có bốn màu tượng trưng cho bốn mùa, để mừng năm mới tốt lành, gia đình an khang, công việc phát đạt, đất nước thịnh vượng, thiên hạ thái bình.

Râu lân là bộ phận quan trọng nhất trên đầu lân. Theo quan niệm từ xưa, lân râu bạc hay râu đen là dựa theo tuổi tác của đoàn lân. Đoàn lân phải ba mươi tuổi trở lên mới có lân râu bạc.

Trong khi đó, lân múa cúng trước chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân của người Hoa ở Chợ Lớn lại khác, có đủ râu bạc, râu đỏ và râu đen: Lân râu bạc tượng trưng cho Lưu Bị, lân râu đỏ là Quan Công, lân râu đen là Trương Phi.
Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Theo luật bất thành văn, thì lân râu bạc hay trắng, được xem như là chúa các loài lân trên đời, ít nhất ở khu vực Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn; đó là những đội lân của các đại ca trong nghề.
Lân râu hoe hoe, đại diện cho các đội hạng nhì của các tay giang hồ bạt mạng, lúc nào cũng đang ngấp nghé chờ cơ hội xưng bá.

Trong nghiệp múa lân, nếu “biết trên biết dưới” theo “luật lệ giang hồ” thì mọi sự tốt đẹp, còn không thì các cuộc huyết đấu sẽ xảy ra ngay trong lúc trổ tài và thực tế, nhất là trước 1975, nhiều cuộc huyết chiến đã xảy ra dữ dội từ mấy chuyện này.
Trống lân đã nổi, múa bao nhiêu lân?

Theo thời gian, nghệ thuật múa lân đã có nhiều thay đổi để vừa bảo tồn được những giá trị cổ truyền, vừa có thêm những nét sáng tạo độc đáo, cũng như hiện đại hóa cho phù hợp với “gu” thẩm mỹ thời nay.
Ngày trước, người ta chỉ nghe mấy tiếng cắc tùng lúc khoan nhặt, lúc dồn dập của trống, ngày nay “dàn nhạc” được bổ sung thêm nhiều nhạc cụ khác, hòa tấu thành bài bản hẳn hoi trong khi lân biểu diễn.
Trong múa lân, bộ gõ đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì nhằm thống nhất động tác và góp phần tạo không khí cho buổi biểu diễn với trống, thanh la và chập chõa.

Trống là loại trống lớn chuyên dùng cho múa lân.Thanh la cấu tạo chủ yếu là hợp kim với hàm lượng đồng tương đối cao. Chập chõa gồm một cặp: một âm (nhẹ) và một dương (nặng), làm bằng đồng cọng với hàm lượng bạc và hợp kim nên tiếng thanh và vang.
Một đội lân có thể dùng một trống, một thanh la, một chập chõa hay nhiều hơn, tùy nội dung và yêu cầu của buổi diễn..
Cũng vậy, xưa kia, múa lân, múa sư tử và múa rồng là những đội múa khác nhau, nhưng ngày nay, múa lân – sư – rồng thường chung một đội… Người xem thưởng thức được cả tai và mắt, bởi nhạc điệu tưng bừng rộn rã và sắc màu tươi thắm cũng như động tác khéo léo nhuần nhuyễn ba loại hình múa khác nhau…
Trước hết là “độc chiếm ngao đầu” do một lân biểu diễn, tả xung hữu đột, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, anh hùng.

Hai con lân cùng biểu diễn là “song hỷ”, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp nên hai con lân này vờn nhau như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.
Ba con lân vàng, đen xuất hiện cùng lúc là “tam tinh” là ba điều tốt phúc – lộc – thọ; nhưng cũng có khi gọi là “tam anh”, diễn tả quan hệ bằng hữu, gắn bó Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Bốn con lân “Tứ quý hưng long” gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen (hoặc xanh) cùng múa tượng trưng bốn mùa, bốn phương nói lên sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.
“Ngũ phúc lâm môn” do năm con lân cùng múa, gồm năm đầu lân có màu trắng, vàng, đỏ, xanh, đen, ngụ ý rước năm điều phúc là phú, quý, thọ, khang, ninh vào nhà gia chủ.
Hồ Tường/TTO

Xem thêm

Nhận báo giá qua email