Lấy chồng Đài Loan

Tùy thời gian, có nhiều phong trào và nhiều trường hợp lấy chồng ngoại quốc khác nhau. Bị quan tâm tới như là một tệ trạng nhức nhối của xã hội chính là “lấy chồng Đài Loan” đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Chú rể trong phong trào này đến từ nhiều nước thuộc vùng Đông Nam Á: Trung quốc, Mã Lai…, sau này là Hàn quốc. Tuy nhiên vì lấy chồng Đài Loan xuất hiện đầu tiên với số lượng cao và thời gian dài có tính chất “khai phá” quá đỗi rầm rộ, cho nên tất cả những vụ hôn nhân cho đến tận nay đều được dân chúng gọi chung là “lấy chồng Đài Loan”, bất kể chú rể đến từ nước nào, cũng như xe gắn máy ở miền Nam thường được gọi là xe Honda, như một danh từ chung mà không phân biệt xe từ hãng Yamaha, Suzuki… và về sau, cả xe Tàu, xe Hàn với vô số nhãn hiệu, cũng đều được gộp lại thành honda, chắc là phải viết thường chứ không cần phải viết hoa vì không còn là danh từ riêng nữa.
Cũng như các cô gái lấy chồng Trung quốc ở miền Bắc thường qua ngả dụ dỗ bắt cóc, mua bán trao tay qua biên giới. Ở miền Nam, chiêu lừa đảo xưa như trái đất lúc nào cũng hiệu lực là rủ lên tỉnh bán quán mỗi tháng năm triệu đồng bao ăn ở. Nghe đến đó là các cô gái khăn gói đi ngay, kể cả bậc cha mẹ dù lớn tuổi cũng sẵn sàng đặt vào đấy toàn vẹn niềm tin thơ ngây. Năm triệu trên thành phố là cặp vé ca nhạc, một bữa tối nhà hàng, một chiếc váy, một đôi giày… nhưng đủ cho dưới quê sống lây lất cả tháng. Sau này “lấy chồng Đài Loan” là tình trạng phổ biến dưới hình thức hôn nhân qua môi giới, là lối thoát cho cuộc sống bế tắc của các cô gái khỏi cần tìm đường đi bán quán.
Thoạt tiên, để thu gom các cô gái, giới “cò” thường chi trước ít tiền, bao trọn quần áo, xe cộ đi lại. Nếu dịch vụ hôn nhân thành công, các cô sẽ được khoảng vài ngàn USD. Sau khi tổ chức đám cưới cũng còn dư một khoản kha khá đưa cho gia đình trả hiếu trước khi đáp máy bay về chốn thiên đường mờ ảo chân trời. Số tiền này đủ để gia đình xênh xang với xóm làng: sửa chữa nhà cửa, mua TV, xe gắn máy… cha cô dâu có tiền uống rượu, bà mẹ mua vàng đeo đầy cổ, đầy tay và cả hai đấng sinh thành tích cực mua đề… Dần dần thị trường hôn nhân này ngày càng phát triển, cung đâm ra nhiều hơn cầu nên các ứng viên bị sụt giá thê thảm. Từ chỗ cò xuống quê lân la dò hỏi móc nối, hứa hẹn… thì nay các cô gái phải tự mình tìm đến cò, vay mượn tứ tung đóng hai, ba trăm USD tiền cò và xe cộ, quần áo…
Trước kia dễ dãi, mấy chục cô trình diễn cho hàng trăm người đàn ông săm soi, sờ soạng lựa chọn trong sảnh nhà hàng. Nhưng nay bị bố ráp vì bị quy vào tội “môi giới vì trục lợi”, cò phải tổ chức lén lút ít người mượn tạm nhà dân hay trong phòng khách sạn…
Mười mấy lần xếp hàng ra mắt giữa chục ứng viên nếu không được chọn, cô đành về quê mất trắng số tiền “đầu tư”. Trong trường hợp được chọn, chú rể chi ra có thể lên từ mười lăm đến hai chục ngàn USD, nhưng số tiền cò đưa lại trừ mọi chi phí có khi chỉ còn vài triệu đồng VN. Thôi thì cô dâu và gia đình chỉ còn biết hy vọng sang tới “bển” sẽ lượm bạc rơi vãi ngoài đường gửi về.
Các phương tiện truyền thông đã đưa tin về những cảnh tượng hàng trăm cô bày hàng cho vài ba người đàn ông chọn lựa là lúc lòng tự trọng không còn chỗ, rất nhiều trường hợp sa vào các thảm cảnh gia đình đầy bất hạnh và kinh khủng nhất là các đường dây mua bán phụ nữ dẫn đến các động mại dâm.
Từng gây xôn xao dư luận là chị La Mỹ Hạnh ở Hậu Giang lấy người chồng Đài Loan 72 tuổi. Nhận sính lễ là 5 chỉ vàng và 13 triệu đồng, chị về làm vợ một người đàn ông keo kiệt, bủn xỉn. Hàng ngày, phải leo núi làm rẫy cùng công việc nhà nhưng ăn uống đạm bạc lại không được dùng bếp ga, xem tivi vì chồng sợ tốn điện. Ngăn cản chị Hạnh đòi bỏ về quê không được, ông chồng đâm chết vợ với 10 nhát dao vào bụng.
Mặc những tiếng chuông báo động gióng lên inh ỏi vẫn không ngăn chặn nổi làn sóng “lấy chồng Đài Loan” ngày càng phát triển. Tin tưởng ở các cuộc môi giới hôn nhân, các cô gái đi đâu cũng được, lấy ai cũng xong, già cả, bệnh hoạn, tàn tật… bất kể gia cảnh miễn thoát khỏi miền quê nghèo khó với niềm hy vọng tràn trề về một gia đình hạnh phúc và cuộc sống dư giả, khiến cô may ra kéo được cả toa tàu gia đình nặng nề cùng khá lên.
Nhiều trường hợp bị dụ dỗ nhưng dù thực trạng được phơi bày, đa số tìm đến loại hôn nhân này vẫn là tự ý. Tất cả đều có thể đổ thừa cho hoàn cảnh khi cái nghèo đeo bám dai dẳng nhiều đời. Khi xưa người ta có thể sống thanh thản “an bần lạc đạo” bởi chung quanh ai cũng như nhau. Nhưng bây giờ thì khác. Trên sách báo phim ảnh, VN chứ không phải ngoại quốc, luôn trình bày những cảnh tượng xa hoa lộng lẫy, ở đó các cô thôn nữ một chốc bỗng được hoàng tử rước về làm bà giám đốc lên xe xuống ngựa, chị giúp việc nhà sau giấc ngủ ngắn thấy mình đang sải bước chân trên sàn catwalk… Còn trong thực tế, xe gắn máy, tủ lạnh, TV, giường nệm… những tiện nghi thông thường trong đời sống thành thị đang tràn về nông thôn. Nơi miền sông nước chằng chịt, ngoại trừ chuyên chở hàng hóa, người ta không đi lại bằng ghe thuyền như trước nữa, thật tiện lợi mau chóng khi phóng xe vèo vèo trên quốc lộ trơn tru hay chỉ trên con đường làng lát đan ngoằn ngoèo, thật thích thú được uống nước đá từ tủ lạnh nhà mình với nước sạch từ lu lóng phèn chứ không phải mua của tiệm tạp hóa vẫn còn đầy hạt cát li ti trong đó. Ít có gì vui ở cảnh nghèo ngoài sự miêu tả đầy lãng mạn văn nghệ với cảnh ngồi mình trâu thổi sáo hay tiếng mưa rơi trên mái tranh… Một chiếc máy cày thay trâu, một căn nhà tường xây vững chắc trong thực tế hẳn phải vui hơn nhiều. Không ai ngồi an phận hoài sự thiếu thốn cùng quẫn khi chung quanh xôn xao, chộn rộn cuộc sống tân tiến, cha mẹ các cô càng sốt ruột hơn, họ không muốn đợi nữa. Không còn cơ hội của riêng mình, họ góp phần đẩy con gái dấn thân…
Nông nghiệp VN với năng suất thấp và luôn luôn gặp thiên tai, dịch họa, chỉ chiếm 14% GDP toàn xã hội. Trồng trọt lệ thuộc vào thời tiết thất thường khi lụt khi hạn; đầm tôm, ao cá bị tràn dầu, nhiễm hóa chất; dịch cúm gia cầm chưa qua lại đến lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi… nhiều nơi mất trắng chưa kể nợ nần. Nếu dịch ngưng cũng phải mất vài năm nữa mới khôi phục lại được đàn gia súc.
Công nghiệp phát triển, buôn bán thịnh vượng, dịch vụ phát đạt chỉ nổi lên ở trung tâm thị thành. Còn trong xóm ổ chuột, thôn quê heo hút, cao nguyên hẻo lánh… đời sống vẫn nhiều cơ cực, khốn cùng. Trình độ dân trí thấp, cao lắm chỉ hết cấp 1, cấp 2 là mong có chỗ đẩy bớt đi một miệng ăn. Có cô ao ước trong đời có lần được đi máy bay và lấy chồng Đài Loan là cách thỏa được niềm mơ ước đó.
Tiêu chuẩn đánh giá nghèo là 700 ngàn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 ngàn ở khu vực thành thị (tỷ giá hơn 23 ngàn VND/USD). Làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp ở Saigon, Bình Dương có mức lương bình quân khoảng 5- 6 triệu đồng/tháng nếu tăng ca sẽ được 7- 8 triệu đồng. Vì thế các thanh niên dưới tỉnh rủ nhau lên các khu chế xuất, khu công nghiệp… nơi dân thành phố chê vì lương thấp, làm cực. Dưới quê, người có ruộng đất không nhiều, đa số gặp thời vụ thì cấy mướn, nhổ cỏ mướn, chỗ nào chưa có máy phóng lúa thì cắt, đập lúa mướn. Còn lại sống quanh quẩn với tiệm tạp hóa, xe ôm, đan lát… lại thêm đông con do vẫn quan niệm thích con trai và sinh nhiều con. Đàn ông Hàn quốc, Trung quốc, Đài Loan… không lấy được vợ bản xứ mới phải đi tìm ở VN, Philippine… Hiện nay ở VN, cũng giống như các nước kể trên, tỷ lệ trẻ sơ sinh nam đã cao hơn nữ. Mai mốt, khi thế hệ này lớn lên, con trai VN không biết sẽ tìm vợ ở đâu, nhất lại khi không có nhiều tiền dành cho công cuộc “mua vợ”.
Lên thành phố làm công nhân là một lối thoát hẹp bởi số lương kiếm được đó thật khó khăn để tồn tại ở nơi đô hội, tiền dành dụm gửi về quê chẳng còn bao nhiêu. Cho nên thật đơn giản và dễ dàng không hề cần tới vốn liếng, tay nghề, bằng cấp, ngoại ngữ, kiến thức về phong tục tập quán địa phương… vẫn có thể đi tới xứ sở thiên đường của những bộ phim thơ mộng Trung Hoa, Hàn quốc bằng giải pháp lấy chồng, may quá lại sẵn cò thật tiện lợi, chứ không thì đâu có biết chàng công tử trong phim đó ở đâu mà tìm gặp!
Số liệu từ bộ Tư pháp cho hay đứng đầu danh sách lấy chồng ngoại vẫn là phụ nữ các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang. Cù lao Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, T/P Cần Thơ từng được mệnh danh là “đảo Đài Loan” vì có nhiều cô dâu lấy chồng Đài Loan. Theo các số liệu được công bố vào tháng 8/2017, số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan là hơn 98.000 người, chiếm 62,9% tổng số cô dâu ngoại quốc tại đây.
Tại VN, hội Phụ nữ và đoàn Thanh niên đều có chi hội từ trung ương đến tận tỉnh, quận, phường thậm chí đến tổ dân phố. Tuy nhiên những gia đình ngấp nghé muốn lấy Đài Loan thì chẳng biết hội, đoàn ở đâu để thắc mắc, mà có hỏi cũng chẳng ai biết gì hết vì hội chỉ thường chỉ chứng minh sự hiện diện của mình trong các buổi lễ. Đại khái tổ chức cắm hoa, thi trang phục bãi biển, thi nấu ăn ngày 8 tháng 3, đi bộ vì hòa bình thế giới, thi bắt bông kem vì… tình hữu nghị ba nước anh em hay tệ lắm cũng thi… vắt sữa bò. Nói chung chỉ toàn những hoạt động nổi váng rình rang. Người dân quê rụt rè, ngơ ngác lại càng ngại tìm sự hướng dẫn nơi các văn phòng này, tổ chức nọ. Bởi họ cũng chẳng biết có chúng trên đời, tìm đến nơi nhiều phần sẽ gặp toàn hữu danh vô thực hoặc va chạm đến những thủ tục rắc rối nhiêu khê. Cho nên lựa chọn duy nhất vẫn là “cò”.
Trước kia, cò thường về miền quê, tìm đến các gia đình khó khăn mất công rủ rê. Bây giờ cò đã trở nên công khai. Bà Bảy ở miệt trên, ông Năm xã dưới… là cò chuyên nghiệp cắm chốt ở địa phương, gia đình các cô chỉ cần đến nhà họ “đăng ký” miệng. Khi có chuyến, đích thân họ hoặc giao cho người khác đưa các cô lên thành phố. Mỗi công đoạn đều có người đón sẵn hướng dẫn. “Đường dây tư nhân” rất nhịp nhàng và gọn nhẹ, không giấy tờ, không thủ tục, trách sao người ta không tìm đến cò là vậy! Mối lợi quá béo bở nên những người Hàn quốc, Đài Loan khi đưa chú rể sang VN tìm vợ, qua nhiều lần thông thạo đường đi nước bước đã trực tiếp tuyển chọn, môi giới các cô gái, cạnh tranh ráo riết với cò VN.
Có cầu tất có cung, hôn nhân với người ngoại quốc chỉ là điều xấu khi nó là một công việc buôn bán lợi dụng, khi người phụ nữ bị lừa gạt và chà đạp nhân phẩm. Bên cạnh các cô gái may mắn yên ổn gia đình, đã thấy nhiều phụ nữ trở về quê cũ với hai bàn tay trắng, bị gia đình chồng hành hạ đến tàn tật, điên loạn; tiền gửi về không thấy đâu, gia đình họ lại lún sâu vào vòng nợ nần, túng quẫn; “xóm Đài Loan” ra đời với những đứa bé hai dòng máu thiếu cha, không khai sinh, sống nhờ ông bà ngoại… Bao câu chuyện thương tâm đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bao nhân chứng sống rành rành từ “miền đất hứa” trở về… nhưng nghèo khó, thất học vẫn tiếp tục đẩy các cô gái vào vòng sáng hão huyền và coi việc “gửi thân” ở nước ngoài là việc hên xui.
Các vấn đề mâu thuẫn căn bản vẫn chưa được giải quyết. Trong khi chờ đợi nhà nước mở hội nghị bàn thảo để bàn cãi về nguyên nhân, tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề thì phong trào “lấy chồng Đài Loan” vẫn đang gia tăng, có lúc nổi lên rầm rộ, có lúc âm thầm ẩn mình, vẫn là một nỗi đau của xã hội.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email