Lẫy

Tháng tám đã bước qua cột mốc tuổi thanh xuân của nó. Chả mấy chốc (hy vọng thế) thời tiết sẽ êm dịu trở lại. Sẽ không còn những ngày hừng hực nóng cả trăm độ vừa mở cửa xe hơi có máy lạnh bước ra như bị ai đó đẩy vào lò bánh mì da mặt bị táp lại. Cuối cùng lá thư tháng tám sẽ từ từ khép lại…

Ông nội ơi. Chả mấy nữa sẽ vào thu. Tháng chín sẽ rục rịch bước đến với tà áo màu hoa cúc mượt mà như lụa mới. Thời gian trôi đi lặng lẽ như gã trộm vặt, lén la lén lút. Quả chín với sắc vàng đong đưa và đâu đó những con ve cuối mùa đang vội vã nhặt nhạnh những ân cần vay mượn, nấn ná chùng chình mãi song vẫn phải đáp chuyến tàu cuối mùa trở về lòng đất.

Mùa phiếu giữa kỳ 2022 đang vung mạnh tay dùi. Cái nóng như nung. Giá xăng những ngày cuối tháng sáu, đầu tháng bảy khiến người ta lo lắng. Vâng. Ngấp nghé ngưỡng 5 đô-la/gallon tại Texas là điều chẳng tốt đẹp gì, nếu không nói nó đã phát đi những tín hiệu u ám Nội các của Mr. Biden bất lực hoàn toàn trong việc lèo lái, điều hành đất nước. Thế là thiên hạ ồn ào về các chiến dịch vận động tranh cử của mùa phiếu giữa kỳ 2022 xem Quốc hội (lưỡng viện) nay mai sẽ thuộc về ai. Hiện nay giá xăng giảm nhưng thiên hạ vẫn bảo Mr. Biden chẳng làm được việc gì ra hồn.

Với những thắng lợi rực rỡ gần đây của Đảng Cộng hòa, tư tưởng truyền thống bảo thủ bén rễ bùng phát xanh mướt như cỏ gặp mưa tháng sáu. Vâng. Với một Tối Cao pháp viện những sáu thẩm phán thân Đảng Con voi, tình hình xem ra cỗ máy chính trị xã hội Mỹ sẽ gài số, tăng tốc, tiến nhanh và tiến thẳng về phiá chân trời bảo thủ nghiêm khắc, bỏ lại sau lưng những chiến tích của Đảng Con lừa đạt được trước đây.

Chuyện gì trên thực tế đã xảy ra? Lọ là người khôn ngoan sắc sảo mới nhận ra những diễn biến ngoạn mục liên tiếp xảy ra. Vâng. Chỉ cần không quá cù lần, không quá vô tâm người ta mới không nhận thấy Đảng Cộng hòa đã đạt được những chiến thắng vang dội (nếu thành công mỹ mãn nhất được coi là tấn công vào những giá trị nhân quyền dân chủ non trẻ). Quả thế, Roe V. Wade là cánh cổng sắt án ngữ những thế lực tấn công của giới bảo thủ nhắm vào quyền sinh sản của phụ nữ đã bị kéo sập xuống, đây là điều không ai dám tin. Họ nghĩ sau nửa thế kỷ đứng vững (mà) nó vẫn bị giật sập, những thành công dân chủ non trẻ như hôn nhân đồng tính, cải tổ luật di trú… làm gì có cửa đứng mũi chịu sào trước những băm bổ tới tấp nay mai.

Tác giả Andrew Romano trong bài viết có tên “Poll: Many red-state Trump voters say they’d be ‘better off’ if their state seceded from U.S.” phần nào khắc họa bức tranh thực tế u ám Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang đối diện với những chia rẽ ý thức hệ tư tưởng sâu sắc. Nhiều cá nhân bảo thủ tại các tiểu bang đỏ thân Trump, tuy đạt được nhiều chiến thắng vinh quang (như lật đổ thành công Roe V. Wade) nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ. Họ nghĩ Đảng Dân chủ là mối họa đẩy nước Mỹ vào cảnh lầm lạc dẫn đến tương lai đen tối. Và như thế, chỉ khi nào họ chính thức li khai, tách rời khỏi các tiểu bang xanh cơ hội phát triển của họ mới tốt đẹp hơn lên.

Về mảng này, có lẽ Đảng Cộng hòa không phải không có lý.

Vâng. Trước khi bàn sâu vào vấn đề, thiết tưởng chúng ta nên xác định vài điểm quan trọng. Trước tiên, ngẫm kỹ, giá phải trả cho dân chủ tự do không hề rẻ. Đặc biệt với Mỹ, một đất nước có bề dày lịch sử hai thế lực bảo thủ và cấp tiến đối đầu tạo nên những bão táp phong ba, càng gần đây càng bộc lộ những tư tưởng hiềm khích vượt khỏi lằn ranh có thể ngồi xuống trò chuyện nghiêm túc với nhau.

Thứ đến, tìm về những chặng đường đã qua của Mỹ, bạn nhận ra Mỹ chưa từng là một đất nước miễn nhiễm với tư tưởng phân biệt chủng tộc và tư duy da trắng thượng tôn. Theo đó Cánh Hữu và giới bảo thủ, người của Đảng Cộng hòa luôn tự cho mình là giới có nhiều ưu điểm nên nghiễm nhiên nhận được nhiều đặc quyền hơn những nhóm khác. Họ không ưa gì tư tưởng dân chủ với những nỗ lực đem lại lợi ích chính đáng cho mọi người một cách công bằng. Theo đó giới bảo thủ cần được tôn vinh, những giá trị luân lý của họ cần được tôn vinh. Họ thiên về tư tưởng chủ nghĩa quốc gia và coi hồ sơ di dân là một lỗ hổng nguy hiểm đem lại những phiền phức cho nước Mỹ.

Không luận ai đúng, ai sai. Không đánh giá những cỗ máy tư tưởng bằng những dụng cụ đo đạc lỏng lẻo, khô mỡ hoặc đã bị mài mòn sau bao lần cãi cọ, chiết tự, giằng co vô bổ chí chóe những cãi vã. Con voi hay con lừa đều có những hạn chế cũng như các mặt mạnh. Khốn nạn ở chỗ là những kẻ làm chính trị đã quên đi trách nhiệm chính thức của họ là tìm ra những điểm chung, biết nhượng bộ, biết thỏa hiệp để đạt được những quyết định công bằng có lợi cho đất nước.

Chao ôi. Tư tưởng ấy thoạt nghe có vẻ đơn giản và dễ thực hiện. Nhưng nói vậy không có nghĩa mọi cái sẽ diễn ra thuận lợi. Bao nghịch lý trong hệ thống quản lý điều hành đất nước của các nội các chính phủ sau mỗi đời tổng thống. Không nói ai làm tốt hơn ai, nhất là tại Mỹ những chu kỳ phát triển kinh tế không tồn tại hiện diện như một đối tượng độc lập với các chính sách phát triển do các chủ Bạch Cung đề xướng. Thế là nhiều lúc mèo mù vớ phải cá rán. Công lênh của một nội các chưa kịp gặt hái thì nội các sau (thường thuộc Đảng đối đầu) bỗng dưng hưởng sái đậm.

Cứ thế, đời tổng thống này xây dựng thì đời tổng thống sau đập phá. Giằng co lôi kéo đến độ giãn toạc. Lỗi do ai có lẽ càng chày cối càng thêm rối bởi chung cuộc mọi cái vẫn là ai hét to hơn, hét vào lỗ tai của ai, và tâm lý cảm xúc của những kẻ đứng giữa (independent voters) hoặc những kẻ phổi bò, nước đôi, gió chiều nào xoay chiều nấy (swing voters) đã phản ứng như thế nào. Cuối cùng chính những pha người-tính-không-bằng-trời-tính đã góp phần tạo nên những bước ngoặt lịch sử.

Cứ thế. Ping-pong đánh qua đánh lại. Loi choi như lũ dế cơm. Thắng lợi của bên này là thất bại của bên kia. Các chính khách càng ngày càng vô liêm sỉ hơn trong việc khai thác những khác biệt ý thức hệ và biến chúng thành những đố kỵ hằn học trong các chiêu bài câu phiếu rẻ tiền. Giới giàu, đặc biệt những nhà tài phiệt có đầu óc tư tưởng thiên về thái cực đối lập đã lũng đoạn nhân tâm bằng cách ngấm ngầm (đôi khi công khai lộ liễu) bơm tiền cho các thành phần chính khách mặt dày. Hệ quả là nước Mỹ càng lúc càng có nhiều chính khách đi xa hơn, tách rời với trách nhiệm tìm ra những chính sách chung có lợi cho nước Mỹ và chỉ khư khư bảo vệ quyền lợi riêng.

Cứ thế. Giới tài phiệt, thông qua những mua bán, chèo kéo; những vận động hành lang tinh vi thiên biến vạn hóa tha hồ nhúng tay vào chuyện triều chính. Những mua chuộc… Đảng nào cũng rứa, vạch áo lên xem lưng ai cũng đầy lông lá. Leo lên ghế quyền hành chót vót ấy mấy ai chẳng ngửa tay nhận những khoản phong bì chi phí cho bao khoản. Không có thân thời phải có thế. Không thân, không thế thời phải có tiền. Mà nói đến tiền ai dám nói các chính khách không nhận fund của các mạnh thường quân. Kết quả là dẫu “tay không nhúng chàm” ắt cũng lâm cảnh “há miệng mắc quai” nên buộc phải quan tâm đến những lần “bỏ nhỏ” của kẻ đã từng gia ân cho mình.

Cứ thế. Vâng. Nước Mỹ như cái chăn cũ, chuyện nó cần được khâu vá xem ra chẳng mấy ai quan tâm. Ngược lại, người ta chỉ biết kéo mạnh nó về phía mình nên tấm chăn bị rách toạc. Nhìn lại những gì đang xảy ra gần đây, người ta không thấy những nỗ lực hàn gắn, thay vào đó người ta chỉ nhìn thấy những đấu đá hằm hè, bên nào cũng muốn tư tưởng chính trị của mình đè bẹp tư tưởng chính trị của đối phương.

Theo thăm dò dư luận của Yahoo News/YouGov poll các thành phần bảo thủ tại tiểu bang đỏ được hỏi họ nghĩ gì về bản thân khi tiểu bang họ ly khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 33% cho rằng như thế sẽ tốt hơn cho họ so với 29% cho rằng điều đó sẽ bất lợi hơn. Nhưng khi cài thêm vài mảng khác tế nhị hơn như (a) hồ sơ kiểm soát súng đạn, (b) hồ sơ phá thai, và (c) hồ sơ đối đầu với Đảng Dân chủ, các cử tri thuộc phe tiểu bang đỏ tỏ ra thích thú hơn với chuyện tiểu bang của họ ly khai khỏi Mỹ, cụ thể 35% tin rằng như thế sẽ tốt hơn so với 30% tin rằng họ không nên làm thế…

Thực tế đa số dân Mỹ không tin vào một kết cục tốt lành khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bị xé lẻ… Nhìn chung tại Mỹ tình hình chia rẽ giữa hai phe đang trở nên gay gắt, song đa số dân Mỹ chưa chuẩn bị tâm lý chứng kiến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bị xé lẻ. Tuy nhiên từ những gì thu lượm tại cuộc thăm dò nên trên (Yahoo News/YouGov poll), 52% người thuộc Đảng Cộng hòa cho biết họ tin rằng một cuộc nội chiến sẽ xảy ra trong thời gian họ còn tại thế.

Với những chi tiết vừa thảo luận, là người đến sau, bạn có thấy chuyện (a) một nước Mỹ bị xé ra thành những mảnh vụn hoặc (b) bản đồ nước Mỹ sẽ có những đường ranh phân chia Mỹ thành hai nước Xanh – Đỏ khác nhau là điều tốt lành? Hay bạn sẽ chẳng quan tâm đến, bạn sẽ dọn đến các tiểu bang phù hợp với tiêu chí tư tưởng chính trị của bạn (nếu chuyện này xảy ra), tỷ như bạn sẽ dọn từ Colorado qua Texas? Từ California qua Florida? Từ New York xuống Alabama? Hay bạn sẽ ngửa mặt lên trời rồi than thở: Thiên Địa ơi, làm vậy là vô tình đập đổ bao công trình xây dựng của tiền nhân. Khó khăn lắm mới có một nước Mỹ Hợp chủng quốc. Ngó qua Nga và các nước Đông Âu mà xem, khi Liên Xô tan vỡ người ta đã nhận ra sức mạnh các nước nhỏ hiệp lực lại vĩnh viễn không thể bằng sức mạnh của một siêu cường.

Vâng. Chúng ta là kẻ đến sau còn không muốn một Hoa Kỳ bị xé vụn, bị đập bể. Vậy tại sao nhiều nhóm bảo thủ của Mỹ lại muốn như thế? Xét kỹ, tại sao Mỹ lâm cảnh đau thương này? Phải chăng đây là những hệ lụy khi Hoa Kỳ trên hành trình tiến đến một tương lai dân chủ bình đẳng cho mọi người bỗng trở thành cái gai chọc vào mắt các nhóm bảo thủ, Da trắng thượng tôn, các nhóm cực đoan tin rằng các thành phần tạp lục như người da màu (từng là nô lệ của họ), những kẻ đến sau (nhưng nhanh chóng thành đạt do chịu khó), những di dân (từng bị coi là đến đây chiếm đoạt công ăn việc làm trong khi họ chê bai những công việc nặng nề, hạ đẳng)…

Đâu chỉ hôm nay Mỹ mới chia rẽ sâu đậm như thế. Cách đây 157 năm cuộc Nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc tổn hao biết bao xương máu mới đạt được thành công giải phóng nô lệ cho xứ Mỹ cũng như gầy dựng được một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phát triển hưng thịnh. Tất nhiên sẽ còn đó những thành phần bất mãn (càng lúc càng đông). Nay nhìn lại, hình như ta đang thấy các thành phần này phát triển mạnh hơn, táo tợn hơn. Từ mùa phiếu 2016 trở đi, các thành phần này bùng phát do Bạch Cung sau mùa phiếu 2016 công khai ủng hộ những hoạt động của họ. Không khó hiểu, Cựu tổng thống Donald Trump đắc cử là nhờ công lao của họ. Thọ lộc của họ nên ông đâu thể vô công!

Với thắng lợi một Tòa Tối Cao với 6 vị Thẩm phán thân Cộng hòa xem ra vẫn chưa đủ? Họ cay cú. Hay đơn giản chỉ vì họ lẫy nên muốn tách ra…

Nếu họ chỉ vì lẫy nên muốn ly khai khỏi Mỹ cho hả dạ (thì) đó còn may cho nước Mỹ. Chứ họ mà cố đấm ăn xôi, đòi ăn thua đủ, tới lúc đó không biết nước Mỹ rồi sẽ đi về đâu?

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email