Lời ru buồn…

Những ngày còn bé tí, bé Ti đã không chịu cắt tóc dù trời nóng nực tới đâu, phải để tóc dài cho giống Như Quỳnh của nó. Ba má nó túm tóc, cắt bớt cho đỡ nóng nực thì nó khóc tới sưng mắt, khóc lả con bé, trong mơ cũng khóc, thức dậy khóc tiếp, khóc tới tóc dài ra như cũ cũng chưa thôi. Con bé được xếp loại có cá tính, ba má nó không dám cứng rắn nữa. Tóc tới bờ vai diệu dàng, con bé trở thành niềm tự hào cho một đôi vợ chồng vì đi đâu cũng có người khen mái tóc của nó. Trở về nhà, nó thường bứt một sợi tóc của mình, đứng trước tivi, khi màn hình chiếu lên mái tóc Như Quỳnh là nó đặt lẹ sợi tóc trên tay vào màn hình để so dài với thần tượng. Ba má nó cưng con, nuôi mơ dệt mộng sau này, khi có dịp trò chuyện với bạn bè đều thăm hỏi băng dĩa của Như Quỳnh, mua hết những băng dĩa có Như Quỳnh đem về cho con gái. Nó ăn ngủ tuổi thơ ngon giấc, thức dậy là đứng trước màn hình tivi với Như Quỳnh để hát theo, múa theo, không bao giờ chán, một ngày như mọi ngày. Ba mẹ nó kể chuyện con gái tôi cũng không chán, họ thích tiệc tùng để có dịp khoe tài con gái.
Những bữa tiệc bạn bè cuối tuần hay lễ lộc được nghỉ vài ngày vui chơi, bé Ti nổi bật so với trẻ con khác từ ăn mặc, son phấn và những màn biểu diễn văn nghệ. Chưa đi học đã thuộc nhạc hơn mặt chữ cái, hát lên giọng, xuống giọng, cái môi run run như ăn trúng miếng ớt quá cay, nó làm cho mọi người biết nể sự tinh tế của một con bé say mê thần tượng. Nhưng lời hoan nghênh con bé bắt chước như thật không mấy được lòng cha mẹ nó, phải nói đó là thiên tài bẩm sinh mới vừa lòng họ. Ba mẹ nó rất vui khi có người nói: “Chắc chắn là Như Quỳnh chưa kịp gả cho ai đã về vườn với tiếng hát bé Ti. Chúc mừng ngôi sao mới trên vòm trời âm nhạc hải ngoại” Người khéo nói chưa dứt lời thì ba mẹ nó đã vui ra mặt. Tiếng hát bé con mang ước mơ người lớn, dệt mộng cho cả một gia đình có con là ca sĩ, con bé lớn không kịp hoài bão của cha mẹ nên đôi mắt nó sớm hết thơ ngây. Khi không vừa ý, không được toại nguyện, nó liếc như quý phi chứ không phải một con bé vừa bỏ bú bình.
Rồi thời gian không gặp thường vì hãng xưởng èo uột theo kinh tế, bạn bè của ba nó tứ tán kiếm việc làm. Những cuộc vui chỉ còn là điện thoại thăm hỏi, theo thời gian thưa dần tới bặt tin. Hỏi thăm bạn cũ khi gặp nhau bất ngờ thì ba mẹ nó đã ly dị. Suy thoái kinh tế kéo theo bao đổ vỡ gia đình là điều không khó hiểu. Ba nó đổi số điện thoại và không liên lạc bạn bè nữa. Có người nói, đã đi tiểu bang khác sinh sống, nó sống với mẹ, còn ở thành phố này nhưng ít ai gặp. Thực ra ai chả phải ra ngoài như đi làm, đi chợ, đi chơi; chỉ là muốn bỏ hẳn quan hệ cũ, giao tiếp quan hệ mới với một thành phần khác, một nhóm bạn khác. Khi gặp lại những người quen cũ thì làm lơ tùy mặt, chào hỏi tùy người, đôi bên ra về cứ thấy sao sao, không biết lần sau gặp, có nên chào hỏi hay tránh mặt cho khỏi ngượng đôi đàng.
Con bé thành cô bé, quên hết những chú bác đã từng ẵm bồng nó lúc nhỏ. Có người muốn nhắc, kẻ nghĩ nhắc đến làm gì những chuyện đã qua, những ngày còn quan hệ với ba mẹ nó đã thành quá khứ, lúc nhỏ nó rất dễ thương chứ không điệu đàng như bây giờ, không giống mẹ mà cũng chẳng giống cha khi đã ra dáng thiếu nữ. Nó vẫn xuất hiện trên những sân khấu cộng đồng, trang phục lạ thường khi hát nhạc Mỹ, không thích hợp bằng cái áo dài khi nó trình diễn nhạc dân tộc. Mái tóc thơ ấu lẽ ra đã dài bằng Như Quỳnh, nhưng nay chỉ còn mấy màu thuốc nhuộm phất phơ, cũn cớn như cái váy khó ngồi. Chú bác bạn của ba nó, không coi con bé đã lớn, đang trình diễn văn nghệ, ai cũng liếc về góc hội trường, gương mặt hãnh diện của má nó hướng lên sân khấu chăm chú nhưng đôi mắt dán vào từng mặt người coi con bà đang khoe sắc khoe tài. Người đàn ông lặng thinh bên cạnh bà làm nhớ tới người đàn ông huyên náo, người bạn hệch hạc đó đã biến mất từ lâu, hắn thuộc loại người dễ gần hơn người đàn ông bí hiểm đang ngồi cạnh vợ hắn ngày xưa…
Từ khi bên mẹ nó đã có người cha kế, nó đi hát một mình, ít khi thấy họ trong khán giả, chắc đi với bạn bè tới rước chứ cô bé đâu đã đến tuổi lái xe, tiếc thay cho tuổi đến trường hay hơn lên sân khấu, tuổi hồn nhiên hay hơn son phấn đêm về, tuổi trùm mền nói điện thoại với bạn trong phòng tới bị cha mẹ rầy thì nó ngồi ngoài nhà hàng, phòng trà, quán karaoke tới một, hai giờ sáng với nhóm bạn, rồi còn có một người kè kè bên nó như bảo vệ yếu nhân. Con bé đã thay ly nước chanh, chai nước suối bằng ly vang đỏ từ độ nào? Trong ánh đèn màu, khói thuốc đặc quánh, men rượu ngất ngây… nó hát, “con đường em đi đó, đúng hay sao em?” tiếng hát không tệ dù đã không còn bóng dáng thần tượng trong trang phục, điệu bộ. Tuổi thơ đã chết âm thầm, lặng lẽ bỏ con bé bơ vơ nơi phòng trà không ai ngắm hoa tàn, những tiếng hát một thời ngồi đốt quỹ thời gian còn lại của kiếp cầm ca nơi một góc tối với những người đàn ông lỡ bước, doanh gia lỡ lầm, ngôi sao lỡ vận vì tâm sự đổ vỡ không thể thiếu người đồng điệu sẻ chia. Góc chết của quán nào cũng diễn kịch sống hàng đêm cho lớp người sau được xem miễn phí nhưng luôn thiếu ánh đèn nên những con thiêu thân vừa mọc cánh, còn mải bay vào hào quang sân khấu tới chột thui mới đáp muộn màng xuống góc vô ưu.…
Mùa đông năm ngoái đến, nắng cuối ngày vàng võ tháp tro xương, bóng tà dương phơi lá thu tàn trên lối nhỏ quanh co của ngôi chùa khó hiểu về kiến trúc ở địa phương, không gian cuối năm mặc trầm lữ tưởng, chiếc xe hơi thể thao táp vô hông chùa, người lái bước xuống mở cửa cho yếu nhân thành thạo như trời sinh ra chỉ để làm việc ấy. Bé Ti bước xuống như nàng xuân về với nhân gian, tà áo dài xua đi mùa đông quỷ quái, tay khoác tay người thanh niên cố vẻ lạnh lùng, cái kính đen trên gương mặt người thanh niên không hợp, tướng tá không ra dáng vệ sĩ nên cố gồng lấy vẻ oai phong. Họ sánh bước vào cửa hông của hội trường đang ồn ào náo nhiệt. Người thanh niên ngồi bên cánh gà sân khấu như pho tượng thạch cao đen vì áo khoác đen, không thể hiện được gì ngoài việc làm phiền người qua lại, người ái một ca sĩ lên chụp tấm hình bằng điện thoại di động. Trong rừng người không quen, rất có thể có một người ác ý, gây hại đến bé Ti thì anh ta không thể có phản ứng ngăn chặn trước khi xảy ra việc ngoài ý muốn bởi anh ta chỉ đắm đuối nhìn bé Ti trên sân khấu, anh là người vệ sĩ thất bại hoàn toàn trước kẻ tấn công.
Cô bé không phải là hiện tượng, chỉ tham gia phong trào những ca sĩ địa phương đều có vệ sĩ kính đen hộ tống, họ ngồi thành nhóm kính đen như những pho tượng được xếp hàng để bán đấu giá gây qũy cho chùa, nhưng những pho tượng thuộc một nềm văn minh nào đó mà người đi lễ chùa Việt, xem ca nhạc Việt không hiểu được nên chẳng ai quan tâm. Những người vệ sĩ không chuyên không giúp được ca sĩ địa phương nổi bật hơn những ca sĩ chuyên nghiệp từ xa về, hát xong tranh thủ đi bán băng, gặp gỡ người ái mộ… Nụ cười không dứt trên môi, tiếng hỏi câu chào làm ấm áp trong lòng người Việt xa quê.
Khoảng cách giữa ca sĩ chuyên nghiệp với ca sĩ địa phương đã hết nửa phần là do người thưởng ngoạn bị thôi miên bởi những trung tâm, những người lăng xê ca sĩ trong thời đại đi xem ca sĩ nhiều hơn đi nghe ca nhạc, thời buổi cúng cô hồn cũng đi mời ca sĩ trước khi mời một cao tăng tụng kinh siêu độ cho những u linh. Ca sĩ đi show bận rộn bao nhiêu thì ca sĩ địa phương hát xong, thừa đôi tay, dư làn môi… biết làm gì nên cứ uống với hút cho ra vẻ bất cần. Nên sau một thời ca sĩ địa phương, đôi người có lòng cầu tiến đi xa hơn trong lãnh vực ca hát cũng trở tay không kịp với lớp trẻ nắm bắt cơ hội liều lĩnh hơn, những ca sĩ địa phương càng mới càng táo bạo, chiếm lĩnh thị trường coi, thị trường nghe chỉ còn mấy ông bà già với mấy ca sĩ quá đát. Đã nửa thế kỷ người Việt có mặt trên thành phố này mới thành danh được một tiếng hát từ địa phương lên tầm hải ngoại. Nghĩa là đã bao đời ca sĩ địa phương bước lên sân khấu chênh vênh như chiếc lá giữa dòng, con thuyền không bến. Mấy ai tới được miền đất hứa là một sân khấu có tầm cỡ của người Việt hảo ngoại cỡ như Thúy Nga hay Asia. Bao nhiêu người còn có lối quay về, bao nhiêu người càng bơi càng xa bờ? Cô bé rực rỡ của mùa đông trước, đang ngồi thu lu một góc văn phòng chính phủ, chờ xin sữa cho con. Tay lắc nôi em bé ngoe ngoe tình buồn, người mẹ trẻ bắt đầu một hành trình mới, không đứng trước tivi mà đứng trước dòng đời oan nghiệt. Mùa hạ vãi nắng, mùa thu lại về, đông đến, xuân đi… sân khấu địa phương còn vang tiếng oán đời trước trong tiếng hát đời sau, những lớp khán giả ùn ùn kéo đến, vội vã ra về… Cô bé đã làm mẹ người ta đang ngồi chờ xin sữa cho con đơn độc, người vệ sĩ nay đâu, tiếng hát ru chễnh mảng buổi trưa hè…
Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email