Lý Anh
Những tháng vừa qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, nhiều nước ở Châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Trung Quốc… phải hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng, khiến hàng ngàn người tử vong, hàng triệu người không có nhà ở, tổn thất nhiều tài sản quý giá …
Những trận lụt vừa qua tập trung vào ba con sông lớn khởi nguồn từ dãy Himalaya, kinh qua 7 nước Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Miến Điện và Afghanistan. Đó là Sông Ấn, Sông Hằng – Brahmaputra và Sông Dương Tử. Khoảng 500 triệu người Nam Á (tương đương 60% dân số Ấn Độ và Bangladesh) và 300 triệu người ở Đông Á (chiếm khoảng 25% dân số Trung Quốc) sống trong các lưu vực sông ngòi của ba con sông này bị lũ lụt tàn phá thảm hại. Ngoài một số nước ở Châu Á, Việt Nam cũng bị lũ lụt tàn phá nặng …
Lũ lụt tàn phá Châu Á
Theo tin của hãng thông tấn AP, ngày 01/12/2017, một trận lốc xoáy mạnh đã giết chết ít nhất 16 người trên khắp Ấn Độ và Sri Lanka. Các giới chức trong ủy ban phòng chống thiên tai hai nước trên cho biết, 9 người thiệt mạng ở Ấn Độ và 7 người ở vùng lân cận Sri Lanka, phần lớn bị tàn phá bởi những cơn gió tốc độ 130 km / giờ.
Trước đó, ngày 26/05/2017, Trung tâm ứng phó thảm họa thiên nhiên của Sri Lanka cho biết, ít nhất 91 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích sau khi mưa lũ đổ bộ vào vùng Tây Nam nước này.
Theo CNN, gần 24.000 người chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất. Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hàng loạt vụ sạt lở đất là thành phố Ratnapuram, cách thủ đô Colombo và Kalutara 100km về phía Đông Nam.
Đây là trận lụt nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka khi những trận lụt do gió mùa đã cướp đi sinh mạng của hơn 250 người, hàng chục ngàn người khác mất nhà cửa.
Cũng trong ngày 27/05/2017, một trận mưa lớn đã đổ xuống Bangkok, khiến nhiều khu vực của thành phố này ngập trong nước, trong khi hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp với lượng mưa đổ xuống như trút nước. Mùa mưa ở Thái Lan thường diễn ra từ tháng 07 tới tháng 11. Việc lũ lụt xảy ra ngay vào đầu tháng 05/2017 là hiện tượng thời tiết bất thường. Thái Lan đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do mưa lũ trái mùa ở khu vực miền Nam nước này.
Tháng 07/2017, mưa lớn do ảnh hưởng của gió mùa đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều bang ở Đông Bắc Ấn Độ. Chỉ riêng bang Assam, đã có 52 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới hơn 1,75 triệu người. 26 trong 33 huyện của bang bị ngập nước. Cũng trong thời gian đó, mưa lớn trút xuống bang Gujarat gây ngập lụt, khiến 7 người thiệt mạng và 3 người mất tích.
Hàng trăm triệu người ở Nam Á phải đối mặt với những thiên tai nguy hiểm
Ngày 03/07/2017, những cơn mưa lớn gây lũ lụt nhấn chìm các thành phố miền Trung và miền Nam Trung Quốc như Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Tứ Xuyên và Quý Châu, khiến 33 người chết và 15 người mất tích.
Trận mưa lớn vào đầu tháng 07/2017 khiến mực nước sông dâng cao gây ra tình trạng lũ lụt, lở đất. Một số ngôi nhà ở Kyodo, Nhật Bản đã bị lũ cuốn trôi, hàng chục người bị mắc kẹt tại vùng lũ trong khi hơn 430.000 người tại khu vực chịu ảnh hưởng được yêu cầu tìm nơi trú ẩn gần nhất. Trận lũ lụt này khiến 10 người mất tích, 400.000 người khác phải di tản khẩn cấp sau khi mưa lớn kỷ lục đổ bộ khu vực phía Tây Nam Nhật Bản, khiến nước lũ tại các sông dâng cao.
Theo Liên Hiệp Quốc, tại một số nước Châu Á, lũ lụt đã khiến hàng ngàn người tử vong, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hàng chục ngàn tòa cao ốc, bao gồm nhà ở, trường học và bệnh viện bị tàn phá.
Lũ lụt tàn phá Việt Nam
Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng về thiên tai. Hơn 70% dân số phải đối mặt với các rủi ro từ thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13,000 người thiệt mạng, số tài sản thiệt hại tính ra hơn 6,4 tỷ Mỹ kim. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai ở Việt Nam đã khiến trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phải đối diện với hạn hán và bão lụt.
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB Acting Country Director for Viet Nam) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đối với hạn hán, bão và lũ lụt gây thiệt hại lớn cho kinh tế và con người… Đặc biệt là miền Trung Việt Nam.
Miền Trung thường gặp thời tiết khắc nghiệt khi phải hứng chịu gió Lào Tây Nam. Gió này mang hơi ẩm nhiều (do đi qua Ấn Độ Dương) thường gây ra mưa. Do chịu ảnh hưởng của gió Lào, khi bão hình thành ở biển Đông, gió đẩy lên phía bắc. Các tháng sau gió càng yếu nên bão chuyển dần về miền Trung.
Bờ biển miền Trung dài 1200 km chạy dọc theo các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hẹp. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với quy mô lớn như Sông Gianh ở Quảng Bình, Sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, Sông Hương ở Huế-Thừa Thiên, Sông Thu Bồn ở Quảng Nam, Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi… Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông lại ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
Khác với Sông Hồng ở miền Bắc và sông Cửu Long ở miền Nam, các sông ngòi ở miền Trung không có hệ thống đê ngăn lũ, cũng không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng. Bởi vậy, khi mưa bão lớn, các khu đông dân cư ở hai bên bờ sông luôn phải đối mặt với nguy cơ ngập úng.
Hàng năm những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc thường gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Hơn thế nữa, những biến đổi thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina cũng khiến những trận bão biển, mưa lớn xảy ra khốc liệt hơn.
Tóm lại, nguyên nhân chính gây ra lũ lụt ở miền Trung là do các cơn bão được hình thành từ biển Đông và gió mùa Đông Bắc dựa vào đặc điểm thời tiết miền Trung rất phù hợp để hình thành những trận bão lụt. Vì thế, các tỉnh miền Trung trở thành nạn nhân hứng chịu những thiên tai nặng nề từ tự nhiên. Thêm vào đó là những nguyên nhân do con người gây ra như nạn phá rừng, khai thác bừa bãi cát sỏi ở các dòng sông. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhiều đập thủy điện được xây dựng đã góp phần làm tăng thêm hậu quả tai hại của mưa lũ. Đập thủy điện xả nước phá vỡ quy trình dòng chảy khiến người dân không thể ứng phó, nhiều khu xóm nước ngập đến nóc nhà, gây thiệt hại tổn thất lớn.
Trong năm 2017, cơn bão số 10 xảy ra vào tháng 09 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng làm nhiều người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 385 triệu Mỹ kim, hàng trăm ngàn người sống cảnh màn trời chiếu đất.
Cơn bão số 12 xảy ra trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (từ 06 – 11/11/2017) đã gây thiệt hại nặng cho miền Trung với gần 100 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương …
Quỹ Phượng Hoàng
Quà Tết cho người thân vùng bão lụt
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, giúp đỡ đồng bào ruột thịt bị lũ lụt tàn phá, trong những ngày qua, người Việt hải ngoại, người dân trong nước và cộng đồng quốc tế đã có những hỗ trợ giúp người dân miền Trung từng bước vượt qua khó khăn.
Năm nay cũng như mọi năm, Thời Báo lại vận động bà con chúng ta thể hiện đạo lý làm người đối với đồng bào ruột thịt ở trong nước qua cuộc vận động đóng góp vào “Quỹ Phượng Hoàng – Quà Tết cho người thân vùng bão lụt” để thể hiện truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Lá lành tượng trưng cho những người có cuộc sống sung túc đầy đủ về vật chất, lá rách là số phận của những người gặp cảnh đời nghèo khổ bất hạnh rủi ro. Trong cuộc sống những người này không gặp nhiều may mắn, nếu không được xã hội giúp đỡ có thể không bao giờ cải thiện được hoàn cảnh sống. Do vậy, những người có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đầy đủ về vật chất cần nhường cơm sẻ áo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Đây chính là truyền thống tốt đẹp cha ông chúng ta lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Quỹ Phượng Hoàng (Phoenix Fund) là quỹ giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn nạn lụt gây ra, do Christine Hà Diễm Phượng, sinh viên trường Đại học McGill ở Montreal sáng lập sau khi cô góp được 1.000 Gia kim bằng cách bán donus cho sinh viên trong trường rồi gửi về Quỹ Cộng đồng Thời Báo nhờ chuyển cho những người đang gặp khó khăn do lũ lụt gây ra ở quê nhà. Điều này đã gợi ý cho Thời Báo mở đợt vận động những người quan tâm đến khó khăn của đồng bào ruột thịt trong nước đóng góp kẻ ít người nhiều gửi về cho những người gặp khó khăn do lũ lụt gây ra.
Đặc biệt, không bao lâu nữa sẽ đến ngày Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp này, Quỹ Cộng đồng Thời Báo đề nghị quý độc giả và thân hữu kẻ ít người nhiều đóng góp gửi về Việt Nam trao tặng cho những người gặp khó khăn do lụt lội gây ra với tên gọi khá khiêm tốn là “Quà Têt cho người thân vùng bão lụt”. Hy vọng bà con vùng lũ lụt đang gặp khó khăn sẽ nhận được những gói quà của quý độc giả và thân hữu của Thời Báo trước ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Lý Anh