Lương tri con người

Thỉnh thoảng chúng ta hay nói về lương tri. Và mỗi khi thấy cảnh loài người đối xử bất công với nhau, chúng ta se lòng, chúng ta buồn, có lúc chúng ta phẫn nộ. Vì thế khi công bằng được thực thi, luật pháp đứng ra bênh vực người cô thế bị kẻ quyền hành ức hiếp, kẻ gian bị trừng trị, lương tri con người như vui hơn vì có thêm nguồn an ủi.

Làm người, mức độ thiện ác thay đổi tùy theo nhân cách. Song điều kiện môi trường sống tác động một phần không nhỏ lên những hành vi thiện ác ấy. Và như vậy, nói đến thiện ác (người có chút am hiểu) chẳng ai dám vội vã mạnh miệng đưa ra những nhận xét chắc chắn. Mà thông thường người ta lắc đầu ngao ngán hay cười khẩy; tuy vậy, thái độ bức xúc là cảm giác đầu tiên đa phần sẽ có khi họ gặp chuyện bất công.

Con người sinh ra vốn bản chất hiền lành. Sợ hãi và lo lắng được coi là hai nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những cảm xúc đen tối. Vì lo sợ nên người ta tìm cách nói dối, để tranh thủ, để bảo vệ, để nghĩ đến sự an toàn của bản mình thân trước. Đây chính là những chất liệu đầu tiên dẫn đến lòng tham và thói ích kỷ. Lo lắng khiến người ta bất an. Họ sẽ tìm mọi cách để né tránh những hiểm họa sẽ xảy ra trong tương lai. Dĩ nhiên cách đối phó an toàn tốt nhất là chuẩn bị. Từ đây những hạt giống toan tính, những hạt giống sắp xếp, những hạt giống kế hoạch mưu cầu lợi ích cá nhân, hạt giống bảo đảm an toàn… có dịp nảy mầm; hệ quả: Lương tâm phải nhường bước bản năng sinh tồn. Cộng thêm bản ngã (trước sức ép sinh tồn) trải qua những kinh nghiệm khó khăn túng thiếu lâu ngày khiến con người ám ảnh với nếp nghĩ “phải lo cho bản thân trước đã”.

Cứ thế, khắp mọi nơi, từ bệnh viện, nhà dưỡng lão, hãng xưởng, chợ búa, cơ quan chính quyền, thánh đường, chùa chiền, thậm chí ngay trong một cộng đồng…, nơi nào có con người sẽ không thể miễn nhiễm hoàn toàn với sân si, lục dục. Cái thiện và cái ác (vì thế) len lỏi đan quyện vào nhau. Đây chính là những thách thức khiến lương tri con người nhức nhối khi chứng kiến cảnh nhân loại ăn ở bạc với nhau, bóc lột lẫn nhau.

Người bóc lột người có nhiều cấp độ, từ chấp nhận được cho đến không thể tưởng tượng được. Qui luật sinh tồn xét chung bắt buộc con người ta tính toán cân nhắc. Cực chẳng đã nếu phải chịu thiệt thòi một ít còn chấp nhận được, nhưng thiệt thòi nhiều quá người ta sẽ suy tính lại. Tương tự, tham lam một ít có thể hiểu và thông cảm được, nhưng tham lam đến độ ác nhân, thất đức, lương tri con người không thể nào nhắm mắt làm ngơ.

Thực tế đau lòng, nhiều hình thức “người ác với người” tồn tại khắp nơi. Chân dung bản tánh độc ác xuất hiện không giống nhau. Có những cái ác lộ liễu đến độ trẻ con, ngạo mạn. Có những cái ác tinh vi xảo quyệt. Có những cái ác “tâm không phục nhưng khẩu phải phục”. Có những cái ác người ta không thể nào hiểu nổi khi họ đặt câu hỏi: “Tại sao con người có thể cư xử nhẫn tâm với đồng loại của mình đến thế?”.

Có người nói: Bình thường không có va chạm, cọ xát, không lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, nhân tâm loài người rất có thể sẽ tốt hơn. Nhưng đó chỉ là bao biện, là tung hỏa mù, đánh bùn sang ao, nói như thế để tự bào chữa, để cảm thấy mình tử tế hơn lên.

Yahoo từng đưa tin một đôi vợ chồng gốc Nigeria sống tại Houton, Texas đã bị truy tố và lãnh án. Mức án không nhẹ. Lương tri con người có dịp thở phào bởi ít nhất công lý đã được thực hiện. Nạn nhân được trả lại công đạo một cách thích đáng. Số tiền phạt hơn 121.000 Mỹ kim được tòa tuyên án bắt buộc đôi vợ chồng này phải trả cho một vú em (cũng là người Nigeria). Được biết chị vú này bị vợ chồng ông chủ cưỡng bức làm việc không công trong hai năm trời ròng rã.

Nhà chức trách cho biết chị vú phải làm việc mỗi ngày gần 20 giờ đồng hồ phục tùng vợ chồng ông bà chủ và năm đứa con suốt thời gian hai năm. Chị không được ăn thức ăn tử tế mà chỉ được ăn thức ăn thừa (như húp sữa từ những bát cereals của bầy trẻ). Ban đầu vợ chồng chủ nhà về nước tuyển mộ chị vú này qua Mỹ và hứa trả chị 100 Mỹ kim một tháng. Nhưng đó chỉ là lời nói suông. Sổ thông hành của chị vú bị vợ chồng chủ nhà giữ lại. Họ còn hăm dọa chị bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hành hạ thể xác và đe dọa tinh thần.

Người chồng, Chudy Nsobundu, 57 tuổi, và cô vợ Sandra Nsobundu, 49 tuổi, cả hai đều bị phạt tù bảy tháng, sau đó bị quản thúc tại gia 7 tháng, tiếp đến là ba năm án treo (probation). Một bản án lẽ ra không hề có nếu như họ không đối xử quá tàn nhẫn với chị vú.

Ngôi nhà gạch cao ráo khang trang cho thấy đây là một cặp vợ chồng có điều kiện, không thuộc loại sống trong cảnh khổ. Lẽ ra đừng quá tham lam, không quá độc địa, cứ trả lương sòng phẳng cho chị vú (dù đồng lương ít ỏi đó vẫn phạm luật tại Mỹ), cho chị ăn uống đầy đủ bình thường, có lẽ chị vú này sẽ mãn nguyện, thậm chí còn mang ơn ông bà chủ bởi 100 Mỹ kim lãnh được mỗi tháng (vì số tiền này sẽ trở thành khoai, ngô, cá, trứng, thậm chí là tiền đóng học phí cho đám con cháu ở Nigeria)…

Nhưng không. Người ta đã trắng trợn cướp sức lao động của chị. Tệ hơn, họ đối xử với chị tệ bạc ngoài sức tưởng tượng. Chó mèo bên Mỹ còn được uống sữa rót ra từ trong bình. Còn chị, chị phải húp sữa thừa trong những chén cereals đã bị vữa bọn trẻ để lại!

Từ tháng 09 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015, chị vú bị vợ chồng Nsobundu ngược đãi. Chịu hết nổi, cuối cùng chị mạnh dạn nhờ một người quen tố cáo với cơ quan NHTRC (National Human Trafficking Resource Center) chuyên giải cứu nạn nhân bị ngược đãi. Và chị đã được giải cứu. Trong khoảng thời gian hai năm đó, thậm chí một cái giường nằm tử tế cho chị ngủ cũng không có. Còn lịch làm việc của chị bảy ngày/tuần liên tục từ 5:30 sáng đến 1:00 đêm. Vợ chồng Nsobundu đã khai man lý lịch để chị có visa làm việc không công cho gia đình họ.

Câu chuyện thương tâm của chị vú da đen này khiến nhiều người công phẫn. Vâng. Làm sao người ta có thể bằng chân như vại trông thấy một nạn nhân đáng thương bị những đồng loại khác đối xử tàn nhẫn. Câu chuyện này là một thách thức với lương tri con người. Hoặc chí ít, nó khiến người ta ngỡ ngàng vì không thể hình dung tại sao loài người có thể nhẫn tâm đối xử với nhau như vậy; họ rùng mình ghê sợ trước trái tim độc địa của con người.

Rất may câu chuyện đã khép lại với một kết cuộc có phần giống thế giới cổ tích nơi bản tánh ác độc sẽ bị trừng trị thích đáng và kẻ đáng thương được trả lại công bằng xứng đáng. Nhất là khi vụ việc được phơi bày trước ánh sáng kịp thời, thay vì nếu cứ kéo dài mãi, con giun xéo lắm cũng oằn, chị vú có thể nổi điên, một đêm tối trời nào đó tức nước vỡ bờ sẽ dùng tất cả sức mạnh cắt cổ đôi vợ chồng, hoặc chị sẽ giết chết những đứa con của họ. Điều này đâu phải chưa từng xảy ra. Nên nói “rất may” là “rất may” như vậy, may cho chị vú và may cho cả gia đình họ Nsobundu!

Dầu vậy câu chuyện vẫn khiến không ít trong chúng ta xốn xang. Lẽ ra vợ chồng Nsobundu nên tử tế hơn với người giúp việc phục vụ cho mình. Lẽ ra họ nên biết ơn, sống có tình nghĩa với người chăm sóc mọi việc trong nhà. Hoặc giả không hài lòng với công việc của chị vú, họ có thể trả chị về quê. Nhưng không. Hai năm trời ròng rã. Kết thúc của vụ bóc lột trắng trợn dã man ấy đã trở thành một bài học thích đáng dành cho những kẻ lương tâm gãy sạch hết răng.

Mong rằng những câu chuyện như thế không còn xảy ra nhiều và ý nghĩa bài học giáo dục của nó sẽ nhắc nhở nhân loại sống tốt với nhau hơn. Con người vốn dĩ luôn là con người, và lương tri (một giá trị nhân văn tiến bộ loài người đạt được) không tự động trở thành kim chỉ nam đạo đức hoàn chỉnh, mà lương tri vẫn là một giá trị mỏng giòn dễ bị lòng tham rình rập, để rồi hễ có dịp là lòng tham sẽ ra tay tấn công lương tri ngay tức khắc, không chậm trễ.

Trong đó trường hợp lương tri của vợ chồng Nsobundu là một ví dụ điển hình.

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email