MA CÀ RỒNG

Cố Thẩm phán tòa tối cao Ruth Bader Ginsburg

Đến Mỹ, hoặc sống tại một nước nói tiếng Anh như Úc, Canada, hay Vương quốc Anh bà con mình lâu lâu tình cờ gặp một từ vựng mới. Có thể là một từ tìm thấy trên Internet, qua báo chí Anh ngữ, hoặc các văn bản tại sở làm… đây là cảm giác dễ thương của người viễn xứ. Lần này đọc tít một bài báo (do tờ Independent loan tải): Only a ghoul would tweet something like this’: Republican senators under fire for online responses to Ruth Bader Ginsburg’s death, dịch thoát nghĩa: Chỉ có ma cà rồng mới tweet những lời như thế: Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bị phản đối bởi những phát biểu online sau cái chết của Thẩm phán Tối cao Ruth Bader Ginsburg; bạn bắt gặp một chữ mới, chữ ghoul – Ma cà rồng.

Thực ra chúng ta đã nghe nhiều về ma cà rồng. Những con ma hung dữ. Những con ma ăn thịt người. Chúng sống tại các nghĩa trang. Chúng là nỗi kinh hoàng cho loài người. Theo Wikipedia, (nguyên văn): Ghoul is a demon-like being or monstrous humanoid originating in pre-Islamic Arabian religion, associated with graveyards and consuming human flesh. In modern fiction, the term has often been used for a certain kind of undead monster. Như vậy ma cà rồng có từ lâu, xuất phát từ các tôn giáo Ả-rập cổ trước khi Đạo Hồi ra đời, chúng mang hình người quái dị, sống ở các nghĩa địa, ăn thịt người; trong văn chương nghệ thuật hiện đại, ma cà rồng có thể là những con quái vật sống chứ không chỉ là ma của thế giới cõi âm.

Tại sao tờ Independent gọi một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là ma cà rồng khi họ post phát biểu của mình nhân cái chết của Cố Thẩm phán tòa tối cao Ruth Bader Ginsburg lên các diễn đàn Internet? Chuyện này thực ra có lý do chứ không phải vô cớ, tự dưng. (Nhắc thêm, do tên của vị cố thẩm phán Tòa Tối cao khó gọi nên nhiều diễn đàn viết tắt tên đầy đủ Ruth Bader Ginsburg của bà thành RBG cho tiện việc theo dõi, hoàn toàn không vì bất kính hay xem thường.)

Văn hóa Đông-Tây xưa nay quý trọng mạng người. Khái niệm nghĩa tử là nghĩa tận được cổ xúy khắp nơi. Lúc còn sống từng là địch thủ, từng là kẻ thù, khi nằm xuống mọi ân oán sẽ rũ bỏ. Còn như may mắn không tư thù ân oán cá nhân, người khuất mặt sẽ được tôn trọng. Cáo phó, điếu văn, vòng hoa, lời chia buồn, cách ăn nói, giữ gìn ý tứ, đó là những tôn trọng tối thiểu, những lễ nghi cơ bản dành cho người vừa nằm xuống. Hành động của vài thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa sau cái chết của Cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsberg khiến nhiều người tròn xoe mắt, thậm chí một số tỏ ra bất bình. Họ nghĩ những thượng nghị sĩ này đã hành xử thật quá đáng.    

Khi báo chí loan tải về cái chết đột ngột của Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg (trong bối cảnh không đầy 6 tuần nữa là ngày bầu cử tổng thống) và Đảng Cộng hòa nhảy bổ vào, nhiều người lắc đầu bàng hoàng. Vẫn biết cái chết của bà là miếng mồi có giá trị khai thác, nhưng đâu đến nỗi phải vỗ mặt đốp chát như thế. Cũng cái chết của Cố thẩm phán Ginsburg khiến nhiều người buồn. Họ xót xa cho các trào lưu dân chủ có thể bị hủy hoại. Thậm chí nhiều người cho rằng đây là Thiên ý. Họ e ngại các trào lưu dân chủ cấp tiến đi ngược các giá trị tôn giáo truyền thống sẽ bị bứng gốc. Với các chính khách Đảng Cộng hòa cái chết của bà là cơ hội bằng vàng để họ làm điều đó.

Giới quan sát không bất ngờ trước sự ra đi của Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Trước đó, phe Dân chủ quan ngại về tình trạng sức khỏe của bà. Họ sốt ruột, thầm mong ngày bầu cử càng đến nhanh càng tốt. Bản thân Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg cũng sốt ruột. Lời trăn trối với người cháu gái bà mong được nhìn thấy vị tổng thống Mỹ mới (chứ không phải TT Trump) bổ nhiệm người kế vị. Đó là mơ ước của bà. Nhưng với giới chính khách “trái tim gỗ đá”, bà thực sự quá ngây thơ. Làm gì có chuyện người ta sẽ thực hiện ước mơ ấy cho bà.

Nói toạc ra, khi thấy sức khỏe của bà suy yếu, lẽ thường thôi, người ta thầm mong ngày bà lên đường nên diễn ra sớm hơn. Ngoài miệng, tiếng là dửng dưng, nhưng hiển nhiên trong lòng họ mong bà quy tiên nhanh để họ còn tiến hành khâu đề cử và biểu quyết. Tình trạng sức khỏe suy yếu của bà (rõ mồn một) là món bở họ đang đợi bưng lên mâm cỗ.

Những lời chia buồn, ca ngợi công cán, khen tặng… của nhiều chính khách cứ gọi là cao vút mấy từng mây. Nhưng thực tế bụng họ vui như mở cờ vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở. Tổng thống Trump tuyên bố “đề cử nhân tuyển thích hợp” là trách nhiệm của ông. Còn Mr. Mitch McConnell (Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky) cho biết chỉ cần Tổng thống Trump đề cử một thẩm phán là ông lập tức triệu tập Thượng viện bỏ phiếu biểu quyết. Với tình trạng hiện nay, Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm thế (53-47) chuyện biểu quyết thẩm phán Tòa tối cao lần này trên lý thuyết 100% sẽ thắng!

Đến khổ, xác người còn ấm, Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tắt thở chưa đầy 24 giờ lập tức Đảng Cộng hòa nhốn nháo tư tưởng đưa người thay vào vị trí ghế trống của bà. Kể ra cũng khó trách họ. Đêm dài lắm mộng. Nếu Thượng viện (do Đảng Cộng hòa cầm cương) không tiến hành nhanh, tình trạng dây cà dây muống xảy ra, miếng thịt luộc thái dầy cuối cùng rớt xuống đất. Thành ra việc này không thể chần chờ, khinh địch được.      

Như đã bàn, nhiều công dân Mỹ lo lắng các trào lưu dân chủ còn non nớt sẽ bị tấn công. Nếu Tổng thống Trump bổ nhiệm ghế thẩm phán bỏ trống lần này thuận buồm xuôi gió, Tòa tối cao sẽ nghiêng hẳn về phía Bảo thủ (6-3), lịch sử Mỹ sẽ quặt gấp một khúc quanh, các Thẩm phán bảo thủ nay mai giải thích luật pháp theo hướng bảo thủ truyền thống. Lịch sử Mỹ mất một khoảng thời gian dài, ít nhất một-thế-hệ (tức gần hai thập niên) mới có thể quay lại thời kỳ hưng thịnh của các trào lưu dân chủ (di sản thời Cựu tổng thống Obama để lại).

Thành ra nói đây là điềm Trời gẫm lại có phần có lý. Phe bảo thủ và Đảng Cộng hòa reo hò: Đúng là ý Trời. Bởi họ từng lo lắng đà tiến của các tư tưởng dân chủ sẽ xô Mỹ ra khỏi quỹ đạo truyền thống một thời là kim chỉ nam hướng dẫn các hành xử xã hội. Họ sợ các trào dân chủ sẽ mở ra những con đường băng hoại, trong đó con người sẽ lánh xa niềm tin tôn giáo và những giá trị đạo lý truyền thống.

Một số thuộc cánh Tả có ý buồn Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vì bà không về hưu khi Cựu tổng thống Obama còn tại nhiệm. Nếu bà nghỉ hưu, một thẩm phán mới của Đảng Dân chủ sẽ thay thế. Họ trách bà cố đấm ăn xôi nên bây giờ hỏng việc. Nếu nghĩ như thế e có phần oan ức cho bà. Họ trách bà không giống Cựu Thấm phán Anthony Kennedy (về hưu năm 2018) để Thẩm phán Brett Michael Kavanaugh được Tổng thống Trump đề cử rồi Thượng viện biểu quyết bổ nhiệm.

Sống chết có số. Hơn nữa đâu phải đây là lần đầu Cố thẩm phán Ruth Bader Giinsburg bị bệnh nặng. Hơn nữa, nhắc lại, khi Cố thẩm phán Antonin Gregory Scalia (phe bảo thủ) mất ngày 13 tháng 02 năm 2016, tức trước ngày bầu cử gần chín tháng trời, ứng viên Merrick Garland do Cựu tổng thống Obama đề cử bị Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm thế cản trở đến nỗi ghế thẩm phán ấy buộc phải “để trống” qua năm sau. Sau đó Thẩm phán Neil McGill Gorsuch (phe bảo thủ) được Tổng thống Trump đề cử vào tháng giêng năm 2017, nhậm chức tháng 04. Trách Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tham lam cố vị xem ra có phần hơi tính toán với bà. Đặc biệt bà đã cố gắng cầm cự đợi ngày bầu cử tháng 11 sắp tới nhưng đợi không được.      

Trở lại chuyện Tờ Independent gọi một số Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là ma cà rồng vì họ khai thác cái chết của bà cho chiến dịch vận động tranh cử của mình. Họ đang vắt giò lên cổ tranh thủ kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho mình. Tiếc là cách họ lên tiếng quá sớm, quá lộ liễu. Điều này cho thấy họ không thèm quan tâm đến người vừa khuất mặt, xác chưa lạnh, (vậy mà) các mưu đồ toan tính đã bộc lộ quá sớm.

Tỷ như Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Đảng Cộng hòa, Iowa), chỉ sau 10 phút tin Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời bà đã gởi một thông điệp mang nội dung kêu gọi đề cử một thẩm phán mới thay thế ghế trống do Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg để lại. Hay như thượng nghị sĩ  Kelly Loeffler (Đảng Cộng hòa, Georgia) cũng thế, vội vã tìm cách hô hào cử tri móc ví cho chiến dịch vận động bầu cử của bà vì đó là cách duy nhất ghế trống lần này không rơi vào tay Đảng Dân chủ. Hay trường hợp nữ Thượng nghị sĩ Martha McSally (Đảng Cộng hòa, Arizona), nhanh như cắt, mượn cái chết “đáng giá nghìn vàng” của Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg để lôi kéo cử tri.

Thực ra việc làm của họ không sai, tuy có phần hơi lố. Nó thiếu hẳn những lễ nghi mặt mũi  (decency) tối thiểu trên tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận. Đợi một tuần đã chết ai? Mất mát gì. Nào có phải tình thế gấp rút cấp bách đến nỗi không thể chờ được? Tại sao phải hành xử nhấp nhổm như “gái ngồi phải cọc”? Tại sao năm 2016 Đảng Cộng hòa ra rả chống đối ứng cử viên thẩm phán do Cựu tổng thống Obama đề cử khi Cố thẩm phán Antonin Scalia mất hồi tháng 2 năm 2016 (gần 9 tháng trước ngày bầu cử) với lý do là năm bầu cử nên cần phải hoãn lại. Năm nay không phải là năm bầu cử hay sao? Đặc biệt là chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa là đến ngày bầu cử!

Thế đấy. Ma cà rồng ăn thịt người, uống máu người. Có lẽ tờ Independent gọi các thượng nghị sĩ Mỹ như thế chỉ là khôi hài. Từ ghoul trong Tiếng Anh có thể hiểu theo nghĩa bóng (figuratively) và nghĩa đen (literally). Tuy nhiên với người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, cách họ hiểu thường mang nghĩa đen nhiều hơn. Chả trách một số đã nghĩ miệng lưỡi Tờ Independent hàng tôm hàng cá.

  Nếu mọi chuyện diễn tiến êm xuôi như ý Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ quẹo phải, một bước dài trong lịch sử với những thay đổi lớn? Liệu nhiều luật lệ sẽ được thay đổi hoặc điều chỉnh? Công lao gầy dựng của hành trình dân chủ Mỹ sắp tới sẽ gặp thử thách? Liệu nỗ lực của Thượng viện Mỹ (do Đảng Cộng hòa nắm thế) và mong đợi của Tổng thống Trump có tạo ra những bất lợi nào đó cho họ sau này?

Riêng TT Trump, một người sính phá kỷ lục; nội trong một nhiệm kỳ đã đề cử được ba Thẩm phán Tòa Tối cao. Bất luận nói chuyện kiểu gì, không ai có thể phủ nhận dấu ấn ông để lại trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ với những ảnh hưởng mang tính hệ thống, mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại thời điểm hiện nay.

Vâng. Tổng thống Trump từng tuyên bố nếu thắng cử ông sẽ Make America Great Again. Có lẽ do ý Trời ông gặp nhiều thuận lợi. Nửa nhiệm kỳ tổng thống (2016-2018) ông thừa hưởng một Quốc hội (lưỡng viện do Đảng Cộng hòa nắm thế) và một Tòa tối cao nghiêng về phía Đảng Cộng hòa (5-4). Nay với sự ra đi của Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, Tòa tối cao càng nghiêng về phía Đảng cộng hòa nhiều hơn (6-3), xem ra Make America Great Again của ông đúng là Tổ đãi thực sự.

TT Trump đề cử ứng viên Thẩm phán Amy Coney Barrett hôm thứ bảy (26/9). Liệu hành động này có thôi thúc cử tri Mỹ bầu cử đông hơn? Bổ nhiệm ghế Thẩm phán tối cao quá nhanh có tạo bất cứ áp lực nào đối với lộ trình còn lại của mùa phiếu 2020? Bạn có nghĩ nên đợi sau mùa phiếu 2020 hãy tiến hành thủ tục đề cử, biểu quyết? Tòa tối cao Mỹ từng hoạt động “okay” với số thẩm phán tám người, tại sao không đợi thêm? Hay cờ đến tay mà không phất, sau này hỏng chuyện, Đảng Cộng hòa đâu thể chấp nhận được sai sót này.

Thành ra chuyện một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa hành xử như ma cà rồng gẫm lại chẳng có gì là quá đáng. Bởi ngẫm kỹ lại, thực ra họ có quyền làm thế. Vừa danh chính. Vừa ngôn thuận. Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg mong muốn ghế của mình được tổng thống mới bổ nhiệm; về chuyện này, xem ra Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa có quyền cười khẩy: Có mà nằm mơ.

Gẫm lại, cứ thấy tội nghiệp cho Cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vì đã thổ lộ điều thầm kín muốn Tổng thống mới đề cử người thay chỗ của bà. Nhưng trong mắt những con ma cà rồng (lời của Tờ Independent) điều bà muốn hóa ra chính là điều ngây thơ đáng thương nhất.   

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email