MERRY CHRISTMAS 2017

Nguyễn Thơ Sinh

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… Lời bài hát đó nhiều người (cách đây 30 – 40 năm) khi nghe lại vẫn khơi gợi bao cảm xúc ấm áp. Khí trời về đêm se lạnh. Chuông giáo đường đổ từng chuỗi dài xao động giữa đêm trời đầy sao… Mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống trần…

Bao nhạc khúc mùa Noel dư âm còn đọng lại. Nổi tiếng một thời giọng ca Elvis Phương với Bài Thánh Ca Buồn. Giao Linh nổi danh với Mùa Sao Sáng và Tà Áo Đêm Noel. Khánh Ly không thể nhầm lẫn với Cao Cung Lên và Dư Âm Mùa Giáng Sinh. Còn Duy Khánh và Hương Lan với Lá Thư Trần Thế ai cũng biết…
Thời gian trôi đi, cuộc mưu sinh trôi theo vận nước, nhiều người bằng cách này, cách khác đã đến Mỹ. Họ mang theo Noel của quê nhà. Những ngôi thánh đường thuần Việt. Những ký ức đẹp với các cô gái áo dài thướt tha đi lễ đêm Noel. Những chàng trai ngoại đạo sống gần nhà thờ, thậm chí cách xa ngôi thánh đường nhiều cây số không ngại trồng cây si trước nhà người đẹp cả năm trời để được đi lễ đêm Noel với người đẹp. Những câu nói bông đùa: Con quỳ lạy Chúa Ba ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ. Những mối tình “tân tòng” – trai lấy vợ Công giáo theo đạo vợ, gái lấy chồng theo đạo chồng… thường bắt đầu bằng những kỷ niệm đi lễ đêm Giáng sinh…

Trước khi ra nước ngoài sinh sống, Noel ít nhiều từng là một phần của đời sống người Việt nơi quê nhà. Người ta có thể không biết nhiều về Đạo Công giáo, nhưng nói đến Noel người ta biết ngay đó là ngày lễ lớn của người có đạo. Tương tự, người ta không biết nhiều về Đạo Phật, nhưng nói rằm tháng bảy là người ta nghĩ đến Lễ Vu Lan, hay Đạo ông bà hôm đó sẽ cúng cơm cho vong linh tổ tiên, ông bà…

Đến Mỹ, Noel càng có dịp để lại những ấn tượng khó quên với di dân gốc Việt. Bất luận họ đến Mỹ vào thời điểm nào, du học hoặc tu nghiệp quân sự trước năm 1975, di tản hồi 30 tháng 04, hay sau này vượt biên, vượt biển, rồi đi diện con lai, diện sĩ quan HO, bảo lãnh đoàn tụ, kết hôn, du học tự túc sau này… Noel luôn ấm áp chan hòa. Nó đem con người xích lại gần nhau. Có lẽ một phần vì cái lạnh của mùa đông bên Mỹ nhắc nhở họ bỏ chút thời gian tìm lại hơi ấm gia đình, tình đồng hương.

Nào là quà cáp bọc giấy hoa kỹ lưỡng, những lời chúc chân tình, nhà cửa quán xá trang hoàng rực rỡ, những ngôi nhà về đêm lung linh ánh đèn điện đủ màu, cây thông xanh, thức ăn ngon, mua sắm tưng bừng, háo hức những ngày nghỉ, những điệu nhạc trầm bổng tiết tấu nhộn nhịp… Vâng. Đúng thế, Noel là mùa lễ hội tưng bừng nhất trong năm tại Mỹ.

Bạn không lạ gì về Noel. Nó có một tên gọi khác trong tiếng Anh là Christmas Day. Người Việt mình quen gọi là Lễ Giáng Sinh hoặc gọi là Noel cho tiện. Mỗi năm hàng trăm triệu người trên thế giới mừng lễ Noel và hàng tỷ người nhân dịp này thể hiện tinh thần giao hảo với các mối quan hệ xã hội, vô tình Noel trở thành nhịp cầu liên kết mọi người trong xã hội với nhau.

Tại sao Noel tiếng Anh gọi là Christmas? Bạn đoán thử xem. Christ là tên Chúa Ki Tô (một phiên âm khác là Cơ Đốc). Còn mass có nghĩa thánh lễ trong tiếng Anh. Ban đầu tên gọi đầy đủ của Noel là Christ’s Mass (Lễ của Chúa Cơ Đốc) sau này trở thành Christmas cho dễ gọi. Trong một vài văn bản tiếng Anh cổ (tìm thấy vào năm 1308) Lễ Noel còn được gọi là Cristesmæsse, có nghĩa Lễ của các tín đồ Cơ Đốc. Lâu lâu bạn thấy chữ Christmas được viết dưới dạng Xmas. Chữ X ở đây lấy từ tiếng Hy lạp viết tắt của chữ Christ. Như vậy Xmas có nghĩa Christmas.

Rơi vào ngày 25 tháng 12 hàng năm, Lễ Noel được mừng như ngày sinh nhật của Chúa Jesus, tuy nhiên ngày sinh thực sự của Ngài không ai biết đích xác. Theo nhiều học giả nghiên cứu lịch sử liên quan đến Chúa Jesus, Ngài sinh trong khoảng thời gian từ năm thứ 7 đến năm thứ 2 trước CN. Đến thế kỷ thứ IV Lễ Noel được chính thức thiết lập vào ngày 25 tháng 12. Có ý kiến cho rằng Noel được mừng vào dịp này vì người La Mã cổ thời đó cuối năm tây lịch thường có những lễ hội thờ kính các vị thần của họ nên đạo Công giáo muốn ngăn chặn ảnh hưởng những ngày lễ này bằng Lễ Noel.

Thói quen truyền thống ấn tượng nhất của Lễ Noel gồm tặng quà Noel, gởi thiệp Noel đến người thân và bạn bè, trang trí một cây thông xanh với những trái châu đầy màu sắc và những sợi kim tuyến óng ánh, bên ngoài ngôi nhà sẽ được chăng đèn điện, thỉnh thoảng vẫn có người giữ thói quen đêm Noel sẽ tập họp thành nhóm đi từ nhà này đến nhà khác hát những bản đồng dao Noel. Nhiều người sẽ đi lễ nhà thờ, và sau cùng là một bữa tiệc thịnh soạn dọn lên cho cả nhà.

Nhân vật chính của Lễ Noel là Chúa Jesus, tuy nhiên còn có vài nhân vật khác khá ấn tượng xuất hiện vào dịp Lễ Noel gồm Santa Claus, Christkind, Saint Nicholas, và Father Christmas. Các nhân vật này tái dựng lại nhiều truyền thuyết kể về hình ảnh thân thiện của các vị thánh này với trẻ em. Họ sẽ đem quà đến cho bọn chúng, họ sẽ an ủi người nghèo, sẻ san với những hoàn cảnh éo le, cơ nhỡ…

Cách trang hoàng Lễ Noel hôm nay khác xưa nhiều lắm. Khi xã hội văn minh với nền kinh tế tiêu thụ, hàng loạt những sản phẩm mừng Lễ Noel được sản xuất đại trà, bày bán khắp nơi, đủ hình dáng, kiểu cách, màu sắc. Ngày xưa không như thế, để trang hoàng cho Lễ Noel người ta tận dụng mọi thứ tìm được từ thiên nhiên. Không có chuyện chưng cây thông nhựa hay cây thông polyester (hết mùa lễ đóng thùng cất đi qua năm sau lấy ra xài tiếp) mà là cây thông thật. Cây Noel (còn gọi là Christmas tree) cổ xưa nhất được minh họa trong một ấn phẩm phát hành năm 1570. Cây thông cao nhất được trang trí trong lịch sử cây Noel được dựng lên vào năm 1950 tại Washington Mall (đối diện với Bạch cung) cao 221 ft (hơn 67 m) tương đương với tòa nhà mười tầng.

Ngày xưa người ta kết vòng hoa bằng hoa tươi treo trên cửa mỗi dịp Noel. Họ hái những nhánh tầm gởi treo lên để trai gái được tự do hôn nhau (bởi cả năm dài chỉ có mỗi dịp này). Hay người ta sẽ làm những hang đá, những lều tranh, bên trong đặt một máng cỏ bên trong cho Chúa Hài Đồng (một tên gọi khác của Chúa Jesus) nằm ngủ. Hai bên là cha mẹ Ngài, Thánh Joseph và Đức Mẹ đồng trinh, trâu bò, thiên thần, và những mục đồng chăn chiên…

Sau này điện được phát minh, vào dịp Noel người ta bắt đầu chăng đèn điện quanh nhà. Chính xác hơn đèn điện Noel được Edward Johnson phát minh năm 1882. Nhờ vào công trình của ông mà hàng năm Noel trên thế giới trẻ em và người lớn có dịp chứng kiến vẻ đẹp lung linh huyền ảo đêm Noel với ánh đèn điện đủ màu sắc lấp lánh trên nhiều con đường kéo dài.

Theo đà phát triển kinh tế, đồ chơi sản xuất đại trà bày bán ê hề tại các cửa hàng. Nhiệm vụ của Santa Claus phát quà cho trẻ em khắp hành tinh bỗng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hiện nay, nếu Santa Claus tặng quà cho các em nhỏ khắp nơi đêm Noel, trung bình mỗi giây ông phải viếng 822 ngôi nhà. Một phút ông sẽ chui xuống 49.320 ống khói. Một giờ ông sẽ phải ghé qua 2.959.200 căn nhà. Những con tuần lộc sẽ phải bay rất nhanh, gần như vận tốc của sao chổi!

Bạn sẽ thấy nhiều người treo vớ trên tường. Theo truyền thuyết, trước đó chủ nhà bỏ thức ăn vào mấy đôi giày cho đàn lừa của St. Nicolas. Sau đó St. Nicolas sẽ trả lễ bằng cách bỏ quà vào vớ, đáp lại mối thịnh tình của gia chủ. Thế kỷ 12 các nữ tu thường bỏ hạt dẻ, trái cây (nhất là trái quýt – tangerines) vào những chiếc vớ rồi đặt trước cửa nhà các em bé nghèo khó.

Người Anh cổ xưa có thói quen đi hát theo nhóm trước các ngôi nhà vào đêm Noel (Christmas carol) với chủ ý cầu chúc bình an và sống thọ, tương tự như lời chúc Tết Nguyên đán của người Việt. Sau đó vào thế kỷ 13 Thánh Francis Thành Assisi đã giới thiệu hát nhạc Noel trong thánh đường đêm lễ Noel.
Còn ca khúc Jingle Bell nổi tiếng của James Pierpont viết ra không phải cho Noel mà cho Lễ Tạ Ơn. Tên gọi nguyên thủy của nó là One Horse Open Sleigh (xe trượt ván một ngựa kéo) ra đời năm 1857. Sau đó Jingle Bell bị Noel “bắt cóc” mất! Tính đến hôm nay Jingle Bell đã được 160 tuổi!
Bàn tiệc Noel của người Anh trước khi có mặt ngỗng tây là một cái thủ lợn ăn với mù-tạt. Sau này có ngỗng nên món đầu heo bị gạt ra khỏi thực đơn Lễ Noel. Ngày đó nhiều vòng hoa Noel treo trước cửa làm bằng nhánh đông thanh (holly) có nhiều chùm trái đỏ, lá xanh đậm và có nhiều gai nhọn. Một phần vì mùa đông chỉ có lá đông thanh là còn xanh. Nhưng ý nghĩa của nó: trái chín đỏ là máu của Chúa Jesus và lá đông thanh đầy gai nhọn biểu tượng cho mão gai Chúa Jesus đội trên đầu khi Ngài vác thập tự lên Núi Sọ và bị đóng đinh trên đó.

Vâng. Noel là vậy, trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhiều giai thoại và phong tục đã bị mai một, song điểm son của Lễ Noel vẫn còn nguyên đó: Gắn kết và đem con người ta xích lại gần nhau. Mong thay Lễ Noel hôm nay và sau này vẫn giữ được ý nghĩa đó, thay vì bị cuốn theo những trào lưu tục hóa, bị thương mại hóa, thậm chí bị chính trị hóa, như lời Tổng thống Trump nói với cử tri ủng hộ ông năm ngoái: Đảng dân chủ không dám nói đến hai chữ Giáng Sinh vì lý do chính trị. Còn chúng ta, chúng ta sẽ bắt đầu chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ trở lại như ngày xưa. (Nguyên văn): They don’t use the word ‘Christmas’ because it’s not politically correct. We’re saying ‘Merry Christmas’ again.

Lời ông nói, đúng sai, xin miễn bàn. Chỉ biết từ ngày bạn đặt chân lên đất Mỹ, ăn mừng bao nhiêu Lễ Noel – Bạn có thấy ở Mỹ hai tiếng Merry Christmas từng bị cấm đoán bao giờ chưa?


Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email