Miễn Dịch Bầy Đàn

Bản đồ Covid-19 thế giới ở Coronavirus Resource Center của Johns Hopkins University ngày cuối tháng 10/2020

Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai ở hầu hết các nước, và thứ 3 ở một số nước, đã bắt đầu.

Tổng thống Trump được trực thăng đưa đến quân y viện Walter Reed
Các nấm mồ mới đào tại nghĩa địa Vila Formosa ở Sao Paulo, Brazil.
Photo: AP/Andre Penner)

Khi mùa Thu bắt đầu đi vào những ngày cuối cùng, bản đồ Covid 19 thế giới trên mạng của Johns Hopkins University đỏ rực những đốm loang. Từ Âu châu sang Á châu. Ở Bắc Mỹ, con số các ca bệnh ở các tỉnh bang Canada tăng dần sau một mùa hè tạm thời coi là “kiềm chế được”. Mỗi ngày, Quebec và Ontario có thêm từ 1000 trường hợp trở lên. Hoa Kỳ thì khỏi phải nói, hầu như chẳng có lúc nào số ca nhiễm giảm thấp và cuối tuần trước đã đạt kỷ lục hơn 90 ngàn người một ngày. Tính đến nay, nước Mỹ đã có hơn 9 triệu ca bệnh và gần 230 ngàn cái chết liên quan đến Covid-19. Từ  đầu tháng 10 đến nay trung bình mỗi ngày có hơn 1000 cái chết của người Mỹ liên quan đến Covid-19, con số mà Don Jr., cậu cả của TT Donald Trump, đã nhận xét là “almost nothing”!.

Ở Trung đông, Iran có 612 ngàn ca, Iraq có 471 ngàn.

Tình hình Á châu cũng chẳng hơn gì. Hơn 8 triệu ca bệnh ở Ấn độ, các nước Indonesia, Bangladesh, Phi luật tân mỗi nước đều tròm trèm nửa triệu ca. Số trường hợp bệnh ở Nhật cũng tăng… Các quốc gia được cho là kiềm chế được dịch ở Á châu cũng chưa thể nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa.

Bức tranh Covid 19 của thế giới đầy kinh hoàng trong lúc kinh tế lụn bại lôi kéo theo sự sa sút –ở nhiều nước đến mức bại hoại, của chính trị. Không còn là hoảng hốt và sợ hãi nữa, tâm lý con người bây giờ là ngán ngẩm, chán chường, bực bội, chỉ cần một kích thích nhỏ là bùng nổ.

Trong khi vaccine vẫn còn xa tầm tay, thuốc điều trị chưa được khẳng định là có hiệu quả, các quốc gia chỉ còn có thể đối phó bằng việc áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan. Nhiều nước Âu châu chuẩn bị hay đã tái lập tình trạng lockdown, ra lệnh buộc mang mặt nạ. Các nước khác tăng cường những biện pháp giữ khoảng cách xã hội, hạn chế số người tụ tập, v.v…

Chỉ nhằm mục đích giữ cho các bệnh viện khỏi bị quá tải và các trang, thiết bị y tế khỏi bị thiếu hụt để  các nơi sản xuất những trang thiết bị đó kịp thời bổ sung.

Nhưng những biện pháp đó, kéo dài và lặp đi lặp lại, đã có tác động tàn phá xã hội. Các ngành kỹ nghệ và kinh doanh, đặc biệt là kỹ nghệ du lịch, vận tải, ăn uống và các dịch vụ phục vụ đời sống thi nhau đóng cửa, phá sản, kéo theo những ngành sản xuất, kỹ nghệ liên quan.

Một bức tranh ảm đạm khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, trời bắt đầu u ám và mùa Đông đến.

Và người ta nhớ đến “biện pháp đã được thực hiện ở Brazil: “Miễn dịch bầy đàn” (herd immunity), hay lịch sự hơn, miễn dịch cộng đồng (community immunity).

Thời Covid-19 này, nghe đến “miễn dịch” vào thời buổi này, chắc không ai có thể hiểu lầm là khỏi phải thi hành quân dịch vì một lý do nào đó ở miền Nam trước năm 1975.

Hồi tháng 5, một đợt bùng phát COVID-19 lớn đã tàn phá thành phố Manaus của Brazil. Các bệnh viện ngập bệnh nhân trong lúc chính quyền phải cho đào thêm những khu mộ mới trong khu rừng xung quanh thành phố.

Nhưng đến tháng 8, có một điều gì đó đã thay đổi. Mặc dù đã nới lỏng các quy định về giữ khoảng cách xã hội vào đầu tháng 6, số người chết ở thành phố 2 triệu dân đã giảm với mức độ đáng kinh ngạc, từ khoảng 120 người mỗi ngày xuống gần bằng không.

Thế là vào tháng 9, hai nhóm nghiên cứu gia, cùng ở Brazil, đã đưa ra các nhận xét rằng lý do, ít ra là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự chậm lại của Covid-19 ở Manaus vào cuối mùa hè, là bởi một phần lớn dân số của của thành phố đã này tiếp xúc với virus và đã được miễn dịch.

Sau khi cùng các đồng nghiệp xét nghiệm hơn 6.000 mẫu từ các ngân hàng máu ở Manaus để tìm kháng thể chống SARS-CoV-2, nhà nghiên cứu miễn dịch học Ester Sabino tại Đại học São Paulo, Brazil nói: “Chúng tôi cho thấy rằng số người bị nhiễm thực sự rất cao – đạt 66% vào cuối đợt đầu tiên.” Nhóm của bà kết luận rằng tỷ lệ lây nhiễm lớn này có nghĩa là số người chưa bị nhiễm virus còn lại là quá ít để duy trì các đợt bùng phát mới – một hiện tượng được gọi là “miễn dịch bầy đàn” – herd immunity. Một nhóm khác ở Brazil cũng đạt được kết luận tương tự.

À! Vậy là miễn dịch ở đây có nghĩa là không bị mắc dịch nữa!

Những báo cáo từ Manaus, cùng với những lập luận có thể so sánh về các vùng của Ý đã bị ảnh hưởng nặng nề ngay từ sớm trong đại dịch, đã làm các đề xuất về việc nên tìm kiếm miễn dịch bầy đàn. Người ta đề nghị rằng hãy để cho hầu hết xã hội trở lại với sinh hoạt bình thường, trong lúc đó cũng thực hiện đồng thời những bước để bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất. Những người ủng hộ đề xuất này nói rằng biện pháp đó, về căn bản sẽ cho phép coronavirus tự phát tự tàn.

Ý tưởng này xuất hiện ở các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia. Âu châu có Thụy Điển, Anh quốc. Mỹ châu (đang có thể sẽ) có…Hoa Kỳ. Hồi tháng 8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ca ngợi nó hết cỡ, tuy ông dùng lộn chữ – herd mentality thay vì herd immunity!

Ý tưởng “cứ kệ nó, cho nó lan tới hết hết chỗ lan thì thôi” đã nhiều lần bị các nhà dịch tễ học bác bỏ. Giáo sư Kristian Andersen, một nhà miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California cho rằng chuyện “đầu hàng virus” không phải là một kế hoạch đáng thực hiện. Biện pháp này, theo ông Andersen,  sẽ dẫn đến thiệt hại nhân mạng nặng nề mà không nhất thiết sẽ đưa nhanh xã hội trở lại bình thường. “Hồi nào giờ chúng ta chưa từng có thể thành công trong kế hoạch đó, và nó sẽ dẫn đến cái chết và sự đau khổ không thể chấp nhận được và không cần thiết cho con người.”

Đến đầu tháng 10, một tổ chức tư tưởng theo chủ nghĩa tự do cá nhân và một nhóm nhỏ các nhà khoa học đã phát hành một tài liệu có tên là The Great Barrington Declaration. Trong đó, họ kêu gọi hãy để cho những người có nguy cơ thấp sẽ mắc bệnh COVID-19 trở lại cuộc sống bình thường, tạo điều kiện cho siêu vi SARS-CoV-2 lây lan đến mức đủ để tạo miễn dịch bầy đàn. Những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người cao tuổi, có thể được bảo vệ bằng các biện pháp phần lớn không được xác định. Những người viết bản tuyên bố đã tiếp xúc với Bạch ốc và nói chuyện tại đây. Để rồi gần đây hơn Chánh văn phòng Bạch ốc Mark Meadows tuyên bố trên đài CNN rằng chính quyền Trump “sẽ không kiểm soát đại dịch. Chúng tôi sẽ kiểm soát thực tế là chúng tôi có các vaccine, các phương pháp điều trị và các lãnh vực giúp giảm nhẹ khác.” Nói một cách khác, cứ để cho nó lan đi, chúng tôi có thuốc chủng, có cách chữa và nhiều phương cách khác để giúp người bệnh..

Có vẻ có lý quá chứ! Nhất là khi so sánh con số người mắc bệnh và số tử vong. Tỷ lệ tử vong của Covid-19 không lớn. Thí dụ như ở Mỹ (lại Mỹ) chẳng hạn. Hơn 9.114.448 ca bệnh, 233,336 người chết. Tỷ lệ tử vong đúng là “almost nothing”, như Don Jr. đã nhận định, chỉ chết vài ba ông Tây (đen/trắng), đâu nhằm nhò gì!

Và đúng hơn nữa, như trong trường hợp của ông Tổng thống Mỹ. Ông thuộc loại người dễ rủi ro – lớn tuổi, mập phì. Ông bị dính Covid là đương nhiên, và như mọi người thấy, ông đã khỏe mạnh nhanh chóng chưa đầy một tuần, nhờ các “các phương pháp điều trị và các biện pháp giúp giảm nhẹ khác.” Rồi ông “miễn nhiễm” luôn, đi vận động cả tháng không mang mask giữa những đám đông cả chục ngàn người cũng không mang mask.

Tính đến nay, đã có hơn nửa triệu “công dân quan ngại”, hơn 11.500 nhà khoa học –y tế và y tế công cộng, và hơn 33 ngàn bác sĩ trên toàn thế giới đã ký vào bản tuyên bố the Great Barrington Declaration. (https://gbdeclaration.org)

Với tư cách là các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, chúng tôi quan ngại sâu sắc về những tác động gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần do các chính sách COVID-19 hiện hành gây ra, và chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận mới gọi là Bảo vệ Tập trung (Focused Protection)”, theo bản kiến ​​nghị có tiêu đề là Tuyên bố Great Barrington (Great Barrington Declaration) – dựa theo tên của thị trấn tại tiểu bang Massachusetts nơi nó được ký kết.

Bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt các chính sách phong tỏa hiện hành, nó cũng cho biết thêm rằng các chính sách này đang tạo ra “những tác động tàn phá” đối với sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo các bác sĩ, một số tác động tàn phá này bao gồm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn, kết quả bệnh tim mạch tồi tệ hơn, các đợt thăm khám sàng lọc ung thư ít đi và sức khỏe tâm thần của người dân suy giảm. Họ lập luận rằng điều này trong tương lai sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao quá mức, tầng lớp lao động và thế hệ trẻ sẽ là những người “gánh chịu nặng nề nhất.”

“Bắt học sinh nghỉ học là một sự bất công nghiêm trọng”, bản kiến ​​nghị tiếp tục. “Giữ nguyên các biện pháp này cho đến khi có vaccine sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được, những người chịu thiệt thòi về quyền lợi đã bị tổn hại một cách không tương xứng.”

Thay vào đó, các bác sĩ này kiên định với một cách tiếp cận thay thế là tập trung bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong khi nỗ lực để đạt được cái gọi là khả năng miễn dịch cộng đồng (herd immunity), mà họ mô tả là “Bảo vệ Tập trung”.

“Cách tiếp cận nhân ái nhất (compassionate approach) mà cân bằng giữa các rủi ro và lợi ích của việc đạt được miễn dịch cộng đồng là cho phép những người có nguy cơ tử vong rất nhỏ (minimal risk of death) được sống cuộc sống bình thường để xây dựng khả năng miễn dịch đối với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên, trong khi bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ [lây nhiễm dẫn đến tử vong] cao nhất”, các bác sĩ tuyên bố.

“Những người không dễ bị tổn thương nên được phép tiếp tục cuộc sống bình thường ngay lập tức”, bản kiến ​​nghị cho biết thêm.

Các biện pháp an toàn bao gồm ở nhà khi không khỏe và rửa tay thường xuyên có thể giúp đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, bản kiến ​​nghị nêu rõ. Trong khi đó những người trưởng thành trẻ tuổi “có nguy cơ thấp” có thể quay trở lại văn phòng thay vì làm việc ở nhà.

Các tác giả của The Great Barrington Declaration

“Các nhà hàng và các doanh nghiệp khác nên mở cửa. Các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và các hoạt động văn hóa khác nên tiếp tục”, các bác sĩ khuyên nhủ. “Những người có nhiều rủi ro hơn có thể tham gia nếu họ muốn, trong khi toàn xã hội được hưởng sự bảo vệ bởi những người đã xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng.”

Tuyên bố Barrington và những quan điểm tương tự đã bị một nhóm khoa học gia khác phản bác. Trong một bài trên tạp chí y khoa The Lancet, họ gọi giải pháp miễn dịch bầy đàn là một “ngụy biện nguy hiểm không được chứng minh bởi bằng chứng khoa học”.

Các lập luận ủng hộ việc cho phép virus lan cho đến hết chỗ được chia sẻ bởi những người đã hiểu lầm (hay chẳng hiểu bao nhiêu) về miễn dịch bầy đàn, và cách tốt nhất để đạt được miễn dịch bầy đàn.

Với những người bình thường, lập luận miễn dịch bầy đàn sẽ là: tại sao không cô lập những người yếu đuối, rồi cho phép những người còn lại – những người 30 tuổi khỏe mạnh, như tôi chẳng hạn – quay trở lại làm việc? Những người 20, 30 và 40 tuổi sẽ sống sót và trở nên miễn nhiễm, và vì chúng ta là cốt lõi của lực lượng lao động, nên thiệt hại kinh tế của cuộc khủng hoảng này sẽ giảm đáng kể. Khi chúng ta có đủ miễn dịch, virus sẽ bị tiêu diệt.

Chuyện không đơn giản như thế, và không nhẹ nhàng như thế.

Về mặt khoa học, tạp chí Nature của Nature Research, một tổ chức thông tin khoa học danh tiếng với những tạp chí khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới đã đưa ra giải đáp cho 5 câu hỏi về miễn dịch bầy đàn.

Ngôn ngữ khoa học khá…nhức đầu, người kể chuyện xin được tóm tắt.

The Great Barrington Declaration

Được đặt tên là Tuyên bố Great Barrington vì bản tuyên bố này được lập ra và được ký kết tại thị trấn Great Barrington của tiểu bang Massachusetts ngày 4 tháng 10, 2020.

Các tác giả: (1) Tiến sĩ Martin Kulldorff (Giáo sư y khoa tại Đại học Harvard, một nhà thống kê sinh học và nhà dịch tễ học);  (2) Tiến sĩ Sunetra Gupta (Giáo sư Đại học Oxford, một nhà dịch tễ học có chuyên môn về miễn dịch học, phát triển vắc-xin và mô hình toán học về các bệnh truyền nhiễm) và (3) Tiến sĩ Jay Bhattacharya (Giáo sư Trường Y Đại học Stanford, một bác sĩ, nhà dịch tễ học, nhà kinh tế y tế và chuyên gia chính sách y tế công cộng)

“Là các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và các nhà khoa học sức khỏe cộng đồng, chúng tôi rất lo ngại về những tác động gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các chính sách COVID-19 hiện hành và đề xuất một cách tiếp cận mà chúng tôi gọi là Bảo vệ Tập trung.”

Đến từ cả cánh tả và cánh hữu, và từ khắp thế giới, chúng tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình để bảo vệ mọi người. Các chính sách khóa cửa hiện tại đang tạo ra những tác động tàn phá đối với sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn. Các hệ quả (chỉ kể ở đây một ít) bao gồm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn, bệnh tim mạch gia tăng nhiều hơn, ít khám sàng lọc ung thư hơn và sức khỏe tâm thần suy giảm – dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn trong những năm tới, với tầng lớp lao động và các thành viên trẻ hơn trong xã hội phải gánh gánh nặng nhất. Giữ học sinh không cho đến trường là một bất công nghiêm trọng.

Duy trì các biện pháp này cho đến khi có vaccine sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được, với giới  người thiệt thòi sẽ bị tổn hại một cách bất tương xứng.

May mắn thay, sự hiểu biết của chúng ta về virus ngày càng tăng. Chúng ta biết rằng nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người già và đau yếu cao hơn người trẻ gấp ngàn lần. Thật vậy, đối với trẻ em, COVID-19 ít nguy hiểm hơn nhiều mối hại khác, kể cả bệnh cúm.

Khi khả năng miễn dịch tăng lên trong quần thể, nguy cơ lây nhiễm cho tất cả mọi người – kể cả những người dễ bị tổn thương – sẽ giảm xuống. Chúng ta biết rằng tất cả các quần thể rồi cuối cùng sẽ đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn – tức là thời điểm mà tỷ lệ các lây nhiễm mới ổn định – và điều này có thể được hỗ trợ bởi (nhưng không phụ thuộc vào) vaccine. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tác hại xã hội cho đến khi chúng ta đạt được khả năng miễn dịch theo đàn.

Biện pháp nhân ái nhất cân bằng giữa rủi ro và lợi ích của việc đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn, là cho phép những người có nguy cơ tử vong thấp nhất được sống cuộc sống bình thường để xây dựng khả năng miễn dịch với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên, trong khi bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ cao. Chúng tôi gọi đây là Bảo vệ Tập trung.

Việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương phải là mục tiêu chính của các sự đáp ứng của sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19. Ví dụ, các viện dưỡng lão nên sử dụng nhân viên có khả năng miễn dịch thụ đắc và thực hiện xét nghiệm PCR thường xuyên đối với các nhân viên khác và tất cả những người đến thăm. Cần hạn chế tối đa việc luân chuyển nhân viên. Những người đã về hưu sống ở nhà nên có thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác được giao đến tận nhà. Khi có thể, họ nên gặp các thành viên gia đình ngoài trời hơn là trong nhà. Có thể thực hiện một danh sách toàn diện và chi tiết các biện pháp, bao gồm các biện pháp cho các hộ gia đình nhiều thế hệ, và nằm trong phạm vi và khả năng của các chuyên gia y tế công cộng.

Những người không dễ bị tổn thương nên ngay lập tức được phép trở lại cuộc sống như bình thường. Mọi người cần thực hiện các biện pháp vệ sinh đơn giản như rửa tay và ở nhà khi bị bệnh để hạ thấp ngưỡng miễn dịch bầy đàn. Các trường học và đại học nên mở cửa để giảng dạy trực tiếp. Các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn như thể thao, nên được tiếp tục. Những người thành niên trẻ có cơ nguy thấp nên làm việc bình thường, thay vì ở nhà. Các nhà hàng và các doanh nghiệp khác nên mở. Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và các hoạt động văn hóa khác nên tiếp tục. Những người có nhiều rủi ro hơn có thể tham gia nếu họ muốn, trong khi toàn xã hội được hưởng sự bảo vệ dành cho những người yếu đuối từ  những người đã có khả năng miễn dịch bầy đàn.”

Miễn dịch bầy đàn là gì?

Miễn dịch bầy đàn xảy ra khi virus không thể lây lan nữa vì nó gặp toàn những người đã được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm. Một khi đã có được một tỷ lệ đủ dân số không còn mẫn cảm nữa, thì bất kỳ ổ dịch mới nào cũng sẽ tàn. Caroline Buckee, một nhà dịch tễ học tại Harvard T.H. Chan School of Public Health ở Boston, Massachusetts, nói rằng không cần tất cả mọi người trong quần thể đều có khả năng miễn dịch, “chỉ cần đủ số người để được miễn dịch”.

Nguyên lý của miễn dịch bầy đàn: Đỏ: bị nhiễm Covid-19, Xanh: chủng ngừa,
Đen: Không được bảo vệ, Mũi tên đỏ: lây truyền virus, Mũi tên xanh: không có lây truyền

Thông thường, khả năng miễn dịch bầy đàn là kết quả mong muốn của các chương trình tiêm chủng quy mô lớn. Mức độ miễn dịch cao do tiêm chủng trong quần thể mang lại lợi ích cho những người không thể chủng hoặc đáp ứng không đủ với vaccine, như những người có hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương. Theo bà Buckee, nhiều chuyên gia y tế không thích từ “miễn dịch bầy đàn” mà thích dùng từ “bảo vệ bầy đàn”. Đó là bởi vì hiện tượng này không thực sự tạo ra khả năng miễn dịch với chính virus – nó chỉ làm giảm nguy cơ sẽ phải tiếp xúc với mầm bệnh của những người yếu đuối.

Nhưng các chuyên gia y tế công cộng không bàn đến áp dụng biện pháp miễn dịch bầy đàn khi không có vaccine. Marcel Salathé, nhà dịch tễ học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne, cho biết: “Tôi thấy hơi lạ rằng bây giờ nó được dùng để chỉ bao nhiêu người bị nhiễm bệnh trước khi dịch dừng lại.”

Làm cách nào để có miễn dịch bầy đàn?

R0, Rt

R0 (đọc là R naught hay R zero) là số ca lây nhiễm trung bình mà một trường hợp (người bệnh) có thể lây sang trong suốt thời kỳ lây nhiễm trong quần thể chưa có miễn dịch.
Nếu R0=3, thì có nghĩa là cứ một người nhiễm bệnh sẽ lây cho 3 người hoàn toàn mới.

Nếu R0 lớn hơn 1, điều đó nghĩa là dịch bệnh sẽ còn tiếp tục lây lan. Ngược lại, nếu nó nhỏ hơn 1, chúng ta có thể mong đợi dịch bệnh sẽ sớm kết thúc.

Rt (real time /effective reproduction number): số ca lây nhiễm hiệu quả vào một  thời điểm.

Rt là thước đo tốc độ lây lan của bệnh. Trị số Rt cao hơn một có nghĩa là lây nhiễm đang gia tăng; thấp hơn một là đang giảm.

Thí dụ Rt ngày 23 tháng 8 là 1,27 có nghĩa là 100 người bị nhiễm virus sẽ lây nhiễm cho 127 người khác.

Các nhà dịch tễ học có thể ước tính tỷ lệ quần thể cần được miễn dịch trước khi khả năng miễn dịch bầy đàn bắt đầu diễn ra. Công thức tính ngưỡng miễn dịch của bầy đàn là 1–1 / R0 – có nghĩa là càng có nhiều người bị lây nhiễm từ một người mang thì tỷ lệ quần thể cần được miễn dịch để đạt được miễn dịch bầy đàn càng cao. Ví dụ, bệnh sởi rất dễ lây lan, với R0 thường từ 12 đến 18, ngưỡng để đạt ngưỡng miễn dịch bầy đàn khi 92–94% dân số được miễn dịch.

Việc đưa các con số vào công thức sẽ tạo ra một con số lý thuyết về khả năng miễn dịch bầy đàn, nhưng trên thực tế, nó không đạt được ở một điểm chính xác. Giáo sư dịch tễ học Gypsyamber D’Souza tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, cho biết miễn dịch bầy đàn không phải là một trạng thái ổn định. Ngay cả khi đã đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn trên toàn bộ quần thể, vẫn có thể sẽ xảy ra các đợt bùng phát lớn, chẳng hạn như ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Ngưỡng để đạt miễn dịch bầy đàn của SARS-CoV-2 cao đến mức nào?

Việc đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn một phần phụ thuộc vào những gì đang xảy ra trong quần thể. Vào tháng 6, Kin On Kwok, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông và các đồng nghiệp đã chứng minh điều này trên Journal of Infection (Tạp chí về Nhiễm trùng). Kwok và nhóm của ông đã ước tính Rt ở hơn 30 quốc gia, sử dụng dữ liệu về số trường hợp COVID-19 mới hàng ngày từ tháng 3. Sau đó, họ sử dụng các giá trị này để tính toán ngưỡng miễn dịch bầy đàn trong dân số của mỗi quốc gia. Các con số dao động từ cao tới 85% ở Bahrain, với Rt khi đó là 6,64, đến thấp nhất là 5,66% ở Kuwait, nơi Rt là 1,06. Con số thấp của Kuwait phản ánh thực tế rằng quốc gia này đang áp dụng rất nhiều biện pháp để kiểm soát virus, như thiết lập lệnh giới nghiêm địa phương và cấm các chuyến bay thương mại từ nhiều quốc gia. Kwok nói rằng nếu quốc gia ngừng các biện pháp đó, ngưỡng miễn dịch bầy đàn sẽ tăng lên!

Samuel Scarpino, một nhà khoa học mạng nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Northeastern ở Boston, Massachusetts, cho biết các tính toán về khả năng miễn dịch bầy đàn được xây dựng dựa trên các giả định có thể không phản ánh cuộc sống thực. “Hầu hết các phép tính về khả năng miễn dịch bầy đàn không có bất cứ điều gì để nói về hành vi (của cộng đồng) cả. Họ cho rằng không có sự can thiệp, không có thay đổi hành vi hoặc bất cứ điều gì tương tự”. Điều này có nghĩa là nếu một thay đổi nhất thời trong hành vi của con người (chẳng hạn như giãn cách xã hội ) làm giảm Rt, thì “ngay sau khi hành vi đó trở lại bình thường, ngưỡng miễn dịch bầy đàn sẽ thay đổi”.

Miễn dịch bầy đàn có hiệu quả không?

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng theo đuổi khả năng miễn dịch bầy đàn là một ý tưởng tồi. Andersen nói: “Cố gắng đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn thông qua các bệnh lây nhiễm có mục tiêu là một việc lố bịch. Ở Mỹ, có lẽ sẽ có một đến hai triệu người sẽ chết.”

Scott Atlas, MD, bác sĩ thần kinh chuyên về hình ảnh não, người được Donald J. Trump chọn làm cố vấn về Covid-19, được cho là đã ủng hộ chiến lược miễn dịch bầy đàn. Photo: Alex Wong / Getty Images)

Ở Manaus, tỷ lệ tử vong trong tuần đầu tiên của tháng 5 đã tăng lên gấp bốn lần rưỡi so với năm trước đó. Và bất chấp sự hào hứng sau đó khi thấy số trường hợp bệnh sụt giảm trong tháng 8, các con số dường như đang tăng trở lại. Ông Andersen cho rằng sự gia tăng này cho thấy suy đoán rằng dân số ở Manaus đã đạt đến khả năng miễn dịch bầy đàn đã trật lất.

Những cái chết chỉ là một phần của phương trình. Những cá nhân mắc bệnh có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng về y tế và tài chính, và nhiều người đã khỏi bệnh cho biết những ảnh hưởng sức khỏe kéo dài. Hơn 58.000 người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 ở Manaus, điều đó dẫn đến rất nhiều đau khổ cho con người.

Trước đó trong đại dịch, các báo cáo truyền thông cho rằng Thụy Điển đang theo đuổi chiến lược miễn dịch bầy đàn bằng cách để mọi người sống như bình thường. Nhưng Bộ trưởng Y tế và Xã hội của nước này, bà Lena Hallengren nói đó là một “sự hiểu lầm.” Bà nói trong một tuyên bố bằng văn bản rằng “khả năng miễn dịch bầy đàn” là một hệ quả có thể của việc sự lây lan phát của virus phát triển như thế nào  “ở Thụy Điển hoặc ở bất kỳ quốc gia nào khác”, nhưng “nó không phải là một phần trong chiến lược của chúng tôi”. Bà cho biết Thụy Điển cũng áp dụng các biện pháp tương tự như hầu hết các quốc gia khác, đó là: “Thúc đẩy sự giãn cách xã hội, bảo vệ những người yếu, thực hiện xét nghiệm và truy tìm liên hệ cũng như củng cố hệ thống y tế của chúng tôi để đối phó với đại dịch”.

Mặc dù vậy, Thụy Điển hầu như không phải là một mô hình thành công — thống kê từ Đại học Johns Hopkins cho thấy quốc gia này đã có ​​số ca tử vong do COVID-19 trên 100.000 người so với cao gấp 10 lần nước láng giềng Na Uy.(Thụy Điển: 58,12 trên 100.000, trong khi Na Uy chỉ là 5,23 trên 100.000). Tỷ lệ tử vong theo ca bệnh (ase fatality rate) của Thụy Điển, dựa trên số ca bị nhiễm đã biết, cũng cao hơn ít nhất ba lần so với Na Uy và Đan Mạch.

Còn những trở ngại gì với biện pháp miễn dịch bầy đàn?

Khái niệm đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn thông qua việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng dựa trên giả định chưa được chứng minh rằng những người sống sót sau một đợt nhiễm trùng sẽ được miễn dịch. Đối với SARS-CoV-2, theo nhà dịch tễ học Caroline Buckee, “để hiểu được thời gian và ảnh hưởng của phản ứng miễn dịch, chúng tôi phải theo dõi mọi người lâu dài, và bây giờ vẫn còn là những ngày đầu.”

Rồi các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong bao lâu. Vì rằng khả năng miễn dịch sau khi bị các bệnh cảm lạnh thông thường do coronavirus theo mùa gây ra thường yếu dần, dường như chỉ kéo dài khoảng một năm. Buckee nói, “với Covid-19, chuyện có thể cũng giống như thế.”

Dân chúng Thụy Điển trên Đại lộ Stranvagen, Stockholm. Thụy Điển không có chính sách đóng cửa hoặc mang mặt nạ trong đại dịch Photo: Jonathan Nackstrand / AFP / Getty Images

Giáo sư Andersen nói trong những tháng gần đây, đã có báo cáo về những người bị tái nhiễm SARS-CoV-2 sau lần lây nhiễm ban đầu, nhưng tần suất tái nhiễm này xảy ra như thế nào và liệu chúng có dẫn đến các bệnh ít nghiêm trọng hơn hay không, vẫn còn chưa được hiểu biết hết. Rivers nói.”Nếu những người bị nhiễm bệnh trở nên mẫn cảm trở lại trong một năm, thì về cơ bản bạn sẽ không bao giờ đạt được miễn dịch bầy đàn” thông qua lây truyền tự nhiên,

“Ở đây chẳng có cây đũa thần nào mà chúng tôi có thể sử dụng,” Andersen nói. “Chúng ta phải đối mặt với thực tế – chưa bao giờ chúng ta đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn thông qua việc lây nhiễm tự nhiên một loại virus mới, và rất tiếc, SARS-CoV-2 cũng không khác gì.” Ông nói: “Tiêm phòng là con đường đạo đức duy nhất để tạo ra khả năng miễn dịch bầy đàn. Bao nhiêu người sẽ cần được chủng ngừa — và tần suất — sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ hiệu quả của vaccine và thời gian bảo vệ của nó.

Mọi người có thể hiểu được sự mệt mỏi và thất vọng với các biện pháp áp đặt như giãn cách xã hội và cấm túc để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, nhưng cho đến khi có vaccine, những biện pháp đó là một số công cụ tốt nhất. Nhà dịch tễ học D’Souza nói: “Có rất nhiều lý do để rất hy vọng. Nếu chúng ta có thể tiếp tục các phương pháp giảm thiểu rủi ro cho đến khi chúng ta có một loại vaccine hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể cứu được nhiều mạng sống”.

KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ NHỮNG NGƯỜI YẾU SẼ CHẾT

Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông Tổng giám đốc đang đau khổ của Tổ chức Y tế Thế giới, lên án  chiến lược miễn dịch bầy đàn là “có vấn đề về mặt khoa học và đạo đức.”

Ông nói trong một cuộc họp báo: “Khả năng miễn dịch của bầy đàn đạt được bằng cách bảo vệ con người khỏi virus chứ không phải bằng cách để họ tiếp xúc với nó.»

Tổng giám đốc của WHO nhấn mạnh: “Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch bầy đàn được sử dụng như một chiến lược để ứng phó với một đợt bùng phát, chứ đừng nói đến đại dịch” và “Để virus tràn lan không được kiểm soát đồng nghĩa với việc cho phép lây nhiễm không cần thiết, đau khổ và chết chóc.”

Trở lại với lập luận của “người bình thường” ở phần đầu của bài viết: “tôi khỏe mạnh, dịch không thể giết được tôi, mắc dịch xong là tôi trở lại bình thường…”. Lập luận này sai, sai một cách nguy hiểm.

COVID-19 có thể không giết anh, nhưng nó hoàn toàn có thể vật anh lên bờ xuống ruộng. Và đó là phần bị thiếu trong lập luận miễn nhiễm bầy đàn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe mà tất cả chúng ta đang trông nhờ vào có thể sập đổ dễ dàng do số lượng bệnh nhân trẻ tuổi ốm yếu tăng nhanh như những người già, những người sẽ bịnh là cái chắc.

Những con số gần đây cho thấy số người trẻ– 20 đến 40 tuổi, bị Covid-19 đẩy vào bệnh viện cao hơn số người già, nhiều người trong số họ cũng cần đến ICU, máy thở, và …cũng có thể chết như thường.

Gánh nặng của hàng ngàn thanh niên đau ốm sẽ tương đương với hàng ngàn người già sắp chết đặt lên, và làm sụp đổ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Và sau đó là trẻ chết, già chết, tỷ lệ tử vong do Covid-19 sẽ tăng đột biến nếu các hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ.

Tình trạng này đã xảy ra ở Ý, nơi có tỷ lệ tử vong gần 10%.

Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ vì quá tải, không những sẽ chỉ có những cái chết vì Covid-19 mà cả những cái chết vì những chứng bệnh khác, mà khi hoạt động bình thường bệnh viện có thể cứu chữa được, cũng sẽ tăng.

Anders Tegnell, người được cho là kiến trúc sư của mô hình để cho dịch bùng phát tự do ở Thụy Điển nay đã phải thú nhận việc lây truyền một bệnh truyền nhiễm không thể bị ngăn chặn hoàn toàn bằng miễn dịch bầy đàn mà không có vaccine.

Ông nói việc theo đuổi miễn dịch bầy đàn là “vô ích” và “vô đạo đức.”

Tuần trước, Thụy Điển đã phải ra lệnh lockdown vùng lãnh  thổ đầu tiên, buộc khoảng 170 ngàn người dân Uppsala, một thị trấn gần Stockholm, phải làm việc ở nhà. 

Các trường hợp lây nhiễm, và tử vong, ở các nhà dành cho người cao niên lại bắt đầu gia tăng cùng với sự gia tăng của các trường hợp  chung ở các quốc gia.

Không phải người già nào cũng sẽ được chăm sóc như ông Tổng thống Mỹ: trực thăng chở đến bệnh viên, cả một khu vực của quân y viện được dành riêng, thuốc quý còn chưa được phép sử dụng rộng rãi, xét nghiệm hàng giờ…

Khi các bệnh viện quá tải, khi các trang thiết bị và thuốc men thiếu thốn, các y sĩ đã phải cắn răng để quyết định ưu tiên điều trị cho ai. Chắc không phải là những người yếu đuối, những người lớn tuổi sẽ được ưu tiên.

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email