Một giờ 38 phút với Thầy Tâm Hòa

P.H.Oanh

Với ngần đó thời gian nghe Thầy Tâm Hòa trải lòng, có lẽ khó mà thấy hết những gì ông gầy dựng để ngày nay có một Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Pháp Vân đẫm chất Việt và nặng tình với chuyện cộng đồng, mà chỉ có thể phần nào trả lời cho câu hỏi: vì sao Thầy được cộng đồng yêu quý…

Nẻo về cửa Phật của chú nhỏ bất hạnh…

Vì đâu Thầy tìm đến cửa Thiền ư? Cũng từ một chữ Duyên. Tuổi thơ Thầy có nhiều bất hạnh, nhưng cũng từ bất hạnh đó mà có cái duyên đưa Thầy đến với Phật pháp. Bất hạnh là vì Thầy mồ côi cha rất sớm. Có một thời gian thầy lạc mẹ vì chiến tranh ly loạn, được ông bà nuôi nấng. Thầy có người cô xuất gia. Đó là nhân duyên đưa Thầy đến với Phật. Ngày đó, mới 6 tuổi, Chủ nhật nào Thầy cũng đi sinh hoạt Phật tử Oanh Vũ, rất chuyên cần dù rằng chưa quy y. Cho đến khi gặp lại mẹ thì Thầy được 8 tuổi. Nhà ở gần một tịnh xá nên hằng đêm hai mẹ con đi chùa. Sau khi đi chùa về, học bài xong, Thầy qua nhà kế bên, học kinh kệ cùng anh hàng xóm tu tại gia. Cái am thờ Phật của anh ở trên ngọn cây, đẹp lắm, hai anh em tụng kinh xong ngủ luôn trên ngọn cây tới sáng. Cứ thế, cho đến năm 10 tuổi là tới cái duyên Thầy đến với Đạo. Có một ngày, cô Thầy hỏi “con có thích đi tu không, cô dẫn con đi?”.

Chú nhỏ đáp không ngần ngừ “chừng nào cô dẫn con đi?”. Cô nói “Mai”. Đêm đó chú nhỏ nôn nao không ngủ…Tinh mơ sáng hôm sau, chú nhỏ theo ông Nội, Mẹ, Cô đi lên ngôi chùa cách nhà 40 cây số. Thầy Bổn sư chấp thuận rồi, chú nhỏ tung tăng chơi đùa với mấy chú tiểu trong chùa, khi chợt nhớ ra thì Nội và Mẹ đã lén về tự lúc nào. Chú nhỏ khóc tức tưởi mấy tiếng đồng hồ, trách Mẹ, trách Nội bỏ đi không một lời từ giã. Những giọt nước mắt giũ sạch bụi trần…

Chú nhỏ học hành tinh tấn, ba bộ kinh thường phải học mấy tháng thì nửa tháng chú nhỏ đã làu, đến Thầy Bổn sư cũng ngạc nhiên. Thầy Bổn sư bèn xuống tóc, đặt pháp danh cho chú nhỏ. Đức Phật có thêm một người con: Tâm Hòa.
Gập ghềnh nẻo về
Rồi chú tiểu Tâm Hòa được ra Quảng Nam học Sơ cấp Phật học. Chương trình Sơ cấp 4 năm, chú chỉ học trong 2 năm là xong, chuyển lên Trung cấp.
Cho tới những ngày Miền Nam mất vào tay cộng sản, nẻo về cửa Phật của Thầy cũng gập ghềnh. Sau khi mất Quảng Nam, mất Đà Nẵng, học viện giải tán, ở tuổi 15, Thầy trở về chùa của Thầy Bổn sư. Năm 1976, lớp trung cấp Phật học mở lại, có Thầy Tuệ Sĩ và các giáo sư từ Hải Đức lên dạy cho các chú. Tới năm 1978, Thầy Bổn sư của Thầy bị bắt, chỉ vì đi Cam Ranh cúng đám mà không xin phép. Ba tháng sau, họ thả Thầy Bổn sư của Thầy ra và cũng cấm luôn lớp học. Hai năm 1978-1979 là những năm khó khăn nhứt, cực khổ nhứt, các chú, các thầy phải cắt lát, chẻ lát, dệt chiếu, làm nhang, làm ruộng để độ nhật. Đến năm 1982, Thầy được phép thọ Tỳ kheo giới ở Đồng Tháp và đậu thủ khoa khóa thi đó. Cuối năm 1982, Thầy được hứa cho một chỗ đi vượt biên. Xuống Rạch Giá nằm chờ 4 ngày, chưa đi thì Thầy đã bị bắt. Ở tù trước sau hết 13 tháng, được thả, Thầy về Long Thành sống cùng các huynh đệ, những tưởng phải gác lại chuyện vượt biên vì đường đi quá khó khăn, thì đến năm 1988, một cơ duyên đưa đến. Tháng 4 năm đó, Thầy đến được đảo Palawan của Phi Luật Tân. Và mãi tới năm 1990, Thầy mới đến được miền đất hứa… Rồi những ngày đầu cũng đi học, đi làm hãng xưởng như bao đồng hương khác…

Nhập thế và ngôi chùa trong mơ
Vì sao Thầy chọn cách tu nhập thế ư? Mỗi người có một hoài bão, tâm nguyện và hướng đi. Có những vị chỉ chuyên tu, nhập thất, ẩn tu ở những nơi rừng núi xa xôi. Đó là cái hạnh viễn liên rất là tốt. Có những vị có cái hạnh hiệp thế, nghĩa là đi vào đời, dấn thân, phụng sự, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Có những thầy phát nguyện dấn thân vào trại cùi, sống với bệnh nhân phong hủi, thực sự chia sẻ với họ, nhiều khi chính các thầy cũng nhiễm bệnh, nhưng các thầy đã phát nguyện không từ nan bất cứ điều gì, bởi Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.

Hiệp thế của Phật giáo là đi vào đời bằng tất cả mọi ngả, mang điều tốt đẹp đến cho đời. Như lời Phật dạy, “Các con hãy lên đường, vì lợi ích của nhân thiên, các con đừng bao giờ hai người đi cùng một hướng…”, có người đi vào chính trị, nhưng chỉ để cuộc sống tốt đẹp, có người đi vào xã hội, có người đi vào văn hóa, có người đi vào giáo dục…

Thầy chỉ mong mình làm được chuyện có ích cho đời, phụng sự cho đời, chia sẻ với những khổ đau của tha nhân như lời Phật dạy.
Chính vì vậy, Thầy luôn mở rộng vòng tay khi có người khó khăn đau khổ, đến với họ như một người tư vấn, vận dụng các bài kinh bài pháp xoa dịu nỗi đau của họ, giúp họ vượt qua hoàn cảnh khổ đau. Việc của Thầy không kể ngày đêm. Chưa bao giờ Thầy dám từ chối khi có người ở bệnh viện gọi tới nói có người hấp hối, cần đến Thầy. Nhiều đêm khuya khoắt, Thầy lái xe đến đó bởi ngủ thì có thể ngủ bù, dậy trễ, chứ người chết có đợi được đâu…
Chính vì vậy, trong suốt nhiều thập niên qua, chùa Pháp Vân cộng sự với tất cả hội đoàn, với tất cả mọi người ở đây, làm việc gì có lợi cho cộng đồng thì không từ nan.

Có bao giờ Thầy nản lòng, ngã chí muốn đặt gánh nặng xuống không à? Thưa không, mệt mỏi thì có lúc mệt mỏi, lo lắng thì có quá nhiều lúc lo lắng, nhưng ý niệm muốn buông xuôi thì chưa bao giờ. Như những năm 98-99, cái ngày ngôi chùa ở khu chợ Đầu bò ở Dixie Mall gặp khó khăn, bị xóm giềng than phiền, có khi bị phạt nữa. Sau phiên Hearing điều trần xin phép được sinh hoạt tạm để khỏi bị phạt bị từ chối, phải tìm nơi dời đi. Nhà băng thấy vậy mới làm khó dễ, ép giá. Căn nhà mua $400,000, trả mortgage được 5 năm mà họ ép mua chỉ $375,000. Làm sao Thầy bán với giá đó được, Phật tử sẽ trách Thầy bán đổ bán tháo. Nhờ hai bà dân biểu rất thương chùa vận động, Thầy liều viết thư nhờ chính phủ mua dùm. May có ông bộ trưởng Giao thông thời đó đồng ý mua dùm với giá $620,000.

Có trong tay chỉ bấy nhiêu tiền, một số Phật tử nói thôi xây cất ngôi chùa tốn kém lắm, đi mua một cơ sở nào có sẵn, hay một hãng xưởng nào đó thì tiện hơn, rẻ hơn, nhưng Thầy mơ tới một ngôi chùa to đẹp mang kiến trúc tiêu biểu cho văn hóa Việt…

Tìm mua được mảnh đất đắc địa là nơi chùa Pháp Vân ngày nay, hết $425,000. Năm 2000 đặt viên đá đầu tiên xây dựng. Khi đó thì khó khăn ập tới. Tiền xây chùa mất $2,200,000 mà trong tay Thầy chỉ có $800,000. Còn thiếu tới $1,400,000. Mượn được cái mortgage $975,000, Thầy phải khăn gói đi mượn các chùa, các thầy ở châu Âu, bên Mỹ, mượn Phật tử đâu được hơn $400,000. Đủ tiền xây chùa rồi tới nỗi lo trả tiền mortgage, chỉ riêng khoản đó mỗi tháng là $11,000 rồi, chưa kể các chi phí khác và chi phí hoạt động cho chùa. Lúc đó Thầy lo lắm. Nếu như không có sự hỗ trợ của Phật tử thì chùa làm sao vượt qua được khó khăn đó. Khoảng 800 Phật tử, người mỗi tháng 10 đồng, người hai chục, người ba chục, người năm chục… yểm trợ trong ba năm. Vượt qua 3 năm đầu, mortgage xuống từ từ, chùa bớt khó khăn rồi, nhưng Phật tử cũng thương lắm, có người vẫn không rút tên ra và cho tới giờ cũng còn khoảng 400 người tiếp tục bảo trợ.

Điều gì khiến Thầy tự hào vì đã làm được ư? Cũng không. Mừng thì có mừng, vui thì có vui với những gì ngày nay chùa Pháp Vân có được, nhưng tự hào vì mình đã làm được điều gì đó thì không dám. Cho dù hôm nay chùa có thành tựu nào đó, Thầy chưa bao giờ khởi ý niệm do công lao của mình. Hoàn toàn không. Phụng sự phải bằng tâm vô ngã, nếu đặt cái tôi của mình vào trong đó thì sai với những gì mình đã phát nguyện.

Chùa Pháp Vân có thuận lợi là khi kêu gọi điều gì đều được mọi người chung tay giúp đỡ, chứ cá nhân chúng tôi đơn lẻ thì chắc là không làm được.

Cho nên, hồi năm 2011, Hiệp hội Đa văn hóa Canada vinh danh 13 người trong 13 sắc tộc, cộng đồng đề cử cá nhân Thầy đứng ra nhận giải thưởng cá nhân xuất sắc trong năm. Lúc bấy giờ Thầy lên nhận rồi trao lại cho anh Nguyễn Văn Trường Quang khi đó là Chủ tịch Cộng đồng, vì “những thành tựu tôi làm được trong 10 năm qua là sức mạnh của cộng đồng, sự hỗ trợ của các hội đoàn. Cá nhân chúng tôi không dám nhận giải thưởng này. Xin được gởi lại phần thưởng danh dự này lại cho cộng đồng lưu giữ”.
Kể điều này, Thầy muốn nói rằng luôn trân trọng đóng góp của mọi người trong những gì của chùa Pháp Vân có được hôm nay.

Và tâm nguyện Thầy hướng tới? Thưa tâm nguyện giờ đây là có một nơi cho Phật tử tu học. Những năm trước đây, vào mùa xuân chùa Pháp Vân thường đi mướn rừng hướng đạo để Phật tử vào đó tu ba ngày. có các khóa tu tập, thường mướn các trại hướng đạo để Phật tử có nơi tu tập và thay đổi không khí, gần gũi thiên nhiên. Nhưng sau này họ không cho mướn nữa nên bị gián đoạn khá lâu, năm bảy năm rồi. Năm vừa rồi Chùa cũng có cái duyên là mua được thửa đất 10 acres ở Nanticoke, cách thành phố Mississauga khoảng 1 tiếng 30 phút về hướng Tây. Thửa đất rất đẹp, nên thơ, có con suối chảy ngang qua, hiện chỉ có căn nhà nhỏ, nên sinh hoạt cho đại chúng thì chưa. Có thể trong tương lai sẽ xin phép city dưới đó cho phép xây dựng hệ thống cống rãnh, thêm vài dãy phòng. Hy vọng sẽ sớm có một tu viện cho Phật tử có nơi để tu học…
Thay lời kết

Thú thực, viết về Thầy Tâm Hòa rất khó. Hầu chuyện cùng Thầy, nhiều lúc chìm đắm trong chuyện đời, chuyện đạo Thầy kể, chúng tôi đọc được nơi Thầy đức khiêm cung đáng kính. Cho nên, viết ra xóa đi mấy bận mà vẫn e rằng có chỗ không đủ chừng mực. Và thốt nhiên, chúng tôi hiểu vì sao tên tuổi Thầy Thích Tâm Hòa gắn liền với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Pháp Vân, với những hoạt động phụng sự cộng đồng… mà ai cũng gọi ông một cách giản dị, hết sức gần gũi là Thầy Tâm Hòa.

P.H.Oanh

Thầy Thích Tâm Hòa sinh ra tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
Xuất gia với Hòa Thượng Thích Như Ý, Giám Viện Phật Học Viện Linh Sơn, Nha Trang, Khánh Hòa.
Định cư tại Canada năm 1990.
Sáng lập Chùa Pháp Vân và Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Pháp Vân.
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Canada.

Đến chùa Pháp Vân, nếu để ý sẽ thấy trong chùa hoàn toàn không có Hán tự, kinh điển nhật tụng đều được Việt hóa, không còn tụng âm Hán nữa… Tất cả pháp khí, từ Phật tượng, chuông mõ, bàn thờ đều của Việt Nam, không có bóng dáng của văn hóa Tàu. Vì sao? Thầy Tâm Hòa trả lời bằng những tâm tình gởi đến đồng hương vùng đại thủ phủ Toronto: “Điều đó không có nghĩa là phụ công ơn quý Tổ các ngài đã bỏ công phiên dịch kinh sách. Nhưng muốn phát triển mình phải suy tôn văn hóa mình lên. Nói như thế không có nghĩa cha ông của mình bao nhiêu thế hệ học hành chữ Hán là không có văn hóa, nhưng để con cháu mình gần gũi với văn hóa Việt hơn thì nên loại bớt những ảnh đó đi.

Mặc dù chúng ta xa quê, nhưng Thầy mong là chúng ta cố gắng gìn giữ cái văn hóa của người Việt. Đó là cái thành trì vững chắc nhất để bảo vệ tổ quốc. Nếu như chúng ta đánh mất bản sắc văn hóa, thì vấn đề chúng ta muốn phục hồi quê hương hay xây dựng quê hương, bảo vệ tổ quốc rất là khó. Gần đây có thông tin giáo sư Bùi Hiền muốn cải cách tiếng Việt, chúng tôi không nghĩ đơn giản đâu, nếu như không có sự cho phép, đồng thuận của một ai đó thì ông giáo sư này không dám đâu. Họ muốn thăm dò phản ứng của người dân thôi. Điều này hẳn là Trung quốc họ muốn, từ lâu rồi họ muốn đồng hóa Việt Nam, như Tây Tạng, Mông Cổ. Họ muốn Việt Nam trở thành một trong những sắc tộc như vậy. Ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa vì luôn tìm cách duy trì văn hóa. Chữ viết cũng là một phần văn hóa. Những dịp lễ Tết cũng là văn hóa. Một ngày nào đó con em chúng ta vẫn còn nói được tiếng Việt, vẫn còn sinh hoạt cùng văn hóa Việt thì các em còn nghĩ tới vận nước, hướng về cội nguồn, đất nước…”

Cho đến bây giờ thì chùa Pháp Vân đã là một Trung tâm văn hóa Phật giáo đúng nghĩa, thực sự đi vào các hoạt động văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội, như cộng tác với tổ chức VOICE Canada để bảo trợ những đồng bào tỵ nạn từ Phi Luật Tân sang, từ Thái Lan qua. Trong tương lai gần, chùa sẽ cùng VOICE Canada đứng ra vận động cộng đồng bảo trợ cho hai cha con ông Nguyễn Quang Hồng Nhân-một tù nhân chính trị, nhà hoạt động dân chủ xin tỵ nạn ở Đức bất thành do một số người quấy phá khiến người Đức không tin tưởng. Nhờ sự vận động của Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, cha ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã được Canada chấp nhận cho tỵ nạn. Điều đáng nói là cháu Nguyễn Quang Hồng Ân là một tài năng dương cầm, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, vẫn thường được gọi là “nụ dương cầm Hồng Ân”.

Ngày 10 tháng 3 tới, chùa có một hoạt động hết sức có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm tết Mậu Thân với Lễ tưởng niệm, thắp nến cho nạn nhân Tết Mậu Thân, có mặt nhà văn Nhã Ca- tác giả Dải khăn sô cho Huế.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email