Một, hai, ba, bốn…

Ðã có đôi lần tôi tự nhủ, không tự nhủ rằng cho tôi chết giữa thâm u như nhà thơ dại. Ðã chết thì chắc chắn là thâm u rồi còn gì nữa mà van xin. Tôi chỉ tự nhủ hôm nào rảnh, cũng không bắc thang leo lên trời ngồi – “ị”, như nhà thơ mất vệ sinh. Hai ông cụ này mà nghe hậu thế hiểu thơ mình như thế thì dựng mồ chửi đổng! Nhưng tôi lại rất hân hạnh được các bậc tiền bối mắng yêu nên ưa ghẹo già. Tôi chỉ tự nhủ hôm nào rảnh, phải sắp xếp lại cái danh mục điện thoại trong cái phone của mình – vì mỗi khi khó như đang lái xe mà muốn gọi ai thì tìm khó quá!

Nhưng đời bây giờ nói là nói vậy thôi, nếu người ta nói gì làm nấy thì thế giới đã không hỗn mang; nhân sinh đỡ bát nháo và thời tiết hết trái khuấy,… cũng chỉ vì người ta nói một đàng làm một nẻo! Càng nghĩ trong đêm khuya càng xót xa cho hậu hoạn của chủ nghĩa ngắn ngủi nhưng ảnh hưởng lâu dài, rộng lớn, có thể làm cho khả năng phục hồi nhân phẩm của nhân loại bị thoái hóa vĩnh viễn. -Nói một đàng làm một nẻo đã quốc tế hóa trên bình diện toàn cầu nếu lược lại những tuyên bố của các vua chúa, lãnh tụ, chức sắc thế giới…

Tôi bật đèn soạn lại cái danh mục điện thoại của mình trong đêm. Ðã có lần tôi soạn lại cái danh mục điện thoại theo số cho hợp trào lưu digital. Nhất vợ nhì trời nên vợ là số 1. (Số 1 ở Mỹ còn mang ý nghĩa fistlady là Ðệ nhất phu nhân. Số 1 dẫn đầu tứ quái trong văn minh phương Tây là: đàn bà-con nít-con chó-rồi mới tới đàn ông).

Vậy là con tôi số 2 vì nó là con nít. Nhưng đương sự số 3 không xài cellphone. Tôi set-up một khúc nhạc có sẵn trong phone, hình như  khúc minimal tone, mỗi lần tôi muốn gọi con Lyli đi vệ sinh bên ngoài thì tôi mở khúc nhạc ấy lên rồi mới gọi: Lyli, go party… Nó thông minh hơn số 4 là chỉ vài lần, chỉ nghe khúc nhạc đó là nó đã có mặt ở cửa patio. Tôi chỉ việc xoay người mở cửa cho nó, rồi mình gõ tiếp keyboard của cái laptop lúc nào cũng sẵn trên bàn ăn. Khi Lyli xong việc, nó biết cào cửa thay cho lời gọi: “Mở cửa cho tôi vào nhà, trời bên ngoài lạnh quá. Please!” Tiếng ứ dài của nó nghe như làm ơn; nó chuyển âm vui vẻ hơn như lời cảm ơn khi đã được vào nhà; nghe dễ thương hơn những người cấm khẩu sau khi mình giữ cửa chợ, cửa nhà hàng cho họ ra-vào…

Trở lại với con Lyli, tôi thấy nó khá thông minh, ít nhất cũng hơn một số 4 nọ. Số 4 đó đi nhậu hoài, hôm đó về tới nhà đã khuya, say mèm… bị số 1 sổ một tràng nóng giận, “Anh đúng là số 4. 1 nói 4 thay cho 1 -cái bóng đèn trong bathroom, đã cả tuần. Nhưng 4 chỉ đi nhậu!”

Số 4 đó trả lời gọn hơ, “Làm khó tui hoài. Ðèn đuốc sáng choang, có đứt bóng gì đâu mà thay…!”

Số 1 la làng, “Trời ơi, 4 ơi là 4! Sao 4 đái vô tủ lạnh của 1…”

Thiệt là 4 đó dở hơn cả con Lyli.

Tôi cô đơn giữa đêm khuya, tôi là số 4 mà. Giờ người ta an hưởng thú tính thì mình tho lõ con mắt dưới ánh đèn mờ mà reset phone list… Tôi nghĩ mình khùng, nhưng an ủi rồi cười một mình trong đêm vắng vì có số 4 nọ còn “khủng” hơn tôi. Sáng nay, mấy anh em ngồi ăn phở buổi sáng. Ông đến sau, order một tô tái bò viên nhưng nói với cháu bé lấy order bằng iPhone đang bấm lia bấm lịa, “Cho bác tô sành nghe con. Loại tô cũ đó! Bác không thích loại tô mới của tiệm cháu. Như cái tô cho chó ăn…”

Làm mấy ông bạn đã ăn trước đực mặt, tôi không nể mình nhỏ con hơn ông thì đã giộng cho ông một giộng! Ngồi nhìn quanh bàn, toàn chức sắc cả lũ, mỗi ông đều đã xực một tô phở như cái tô cho chó ăn. Theo ông chủ tiệm cho biết là loại tô ăn phở đời mới này có khả năng giữ nóng tô phở tới khách ăn hết tô vẫn còn nóng. Vì thế ông đã vừa bỏ ra một số tiền lớn để mua hàng mấy trăm cái tô giữ nhiệt cho mùa đông này để phục vụ quý khách tô phở mùa đông của anh, vì khách của ông không vợ bỏ cũng vợ đuổi ra khỏi nhà chiếm số đông.

Ông chủ tiệm nói đúng, mà ông khách không sợ bị đòn nói cũng đúng vì nó giống cái tô cho chó ăn thiệt! Vừa to kềnh, thô lậu, nhà design chắc tâm thần lại bị loạn sắc nên chơi màu nhức mắt. Bởi thế ông bạn loạn thị của tôi tưởng là tô cho chó ăn cũng phải. Tự ái ông dâng lên khi chưa ăn quỵt bao giờ mà bị tiệm phở phân biệt đối xử một cách ác liệt.

Tôi nhớ chuyện sáng mà cười một mình trong đêm khuya lơ. Nhớ mình có ra kiến nghị bàn tròn và được chấp nhận là từ nay anh em chúng ta cũng cần giữ mạng chỗ đông người là đến đây, chúng ta chỉ gọi: “Cho tô tái 2 chân” hay cho: “Tô tái 4 chân” mấy cháu bé lấy order sẽ biết chú bác muốn tô sành cổ điển hay tô kinh dị.

Cứ thế, tôi nghĩ vẩn vơ trong đầu những chuyện không đâu, khi sắp xếp đến số 5. Tôi không biết sắp số điện thoại của xếp mình trước hay số điện thoại của ông chủ xị trước! Bởi hai ông này đều tệ bạc như nhau, một người làm cho mình có tiền thì hết nhàn nhã, cực nhọc tới hết xí quách; một người làm cho mình hết tiền còn cực khổ hơn vì nhậu còn mệt hơn đi làm; hậu quả nghiêm trọng hơn đi làm bội phần vì thời buổi ngoài đường đầy cảnh sát, trong nhà lắm Việt gian. Ðã biết thân không tỉnh thì lủi vô phòng đi ngủ, nhưng tai nghe mơ màng tiếng trẻ thơ, “Mom, Dad về. Nhưng xỉn nữa rồi…!”

Tôi sắp tiếp đến số 7, tạm gác số 5 với số 6 để có thời gian suy nghĩ thêm xem ai quan trọng hơn, ai sẽ là số 5! Nhưng số 7 là ai sau 2 nhân vật mình thường gọi. Sáng, ưa gọi sếp sao tôi mệt quá! Cho tôi nghỉ hôm nay được không? Nhưng chiều thì gọi chủ xị, sao chiều nay buồn quá! Ai lớn hơn ai, ai quan trọng hơn ai… phân minh không nổi nên tôi set số 7 là số điện thoại của anh bạn delivery bia 24/24. Không có ông này không thể giải quyết được hai ông 5, 6.

Số 8 là ông bạn luật sư, để khi bị đuổi việc hay cảnh sát bắt thì gọi ông ấy ngay. Số 9 là bà bán thuốc lá lậu có tặng free DVD Thúy Nga, ASIA, mới nhất! Nghĩ tới những đồng hương này mà ứa nước mắt đêm trường, ngày xuống xuồng vượt biên, họ đâu nghĩ đến nơi xứ lạ quê người, phải hành nghề bán thuốc lá lậu. Lại phải cạnh tranh với chính những đồng hương khác là lấm lét đưa cho khách hàng vài cây thuốc lá trốn thuế. Nhưng kèm theo cái DVD free coi như bonus thì lần sau khách mua thuốc lậu sẽ mua của bà để giết sạch mấy trung tâm ca nhạc Việt ở hải ngoại.

Nhưng xét đến tính nghiêm trọng của vấn đề là con trai hay con gái bà bán thuốc lá lậu, các cháu đang là sinh viên đại học, nhưng chiều tối về nhà phải thức khuya để sang băng lậu cho mẹ làm quà bonus cho những chú, bác mua thuốc lá lậu của mẹ. Hình ảnh cha mẹ chú bác là những người đi biểu tình, những người mặc khăn đống áo dài trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương… chính là những người mua bán thuốc lá lậu và chuyền tay DVD sao chép miễn phí… Chả trách những cháu sinh viên sau này làm bác sĩ, luật sư chuyên ngành gian lận bảo hiểm.

Giả sử chiều nay ông chủ xị đừng bị kêu về nhà sớm để cả đám phải rã đám thì giờ này tôi đã ngủ yên. Nhưng phước phần hữu hạn, tôi set-up đến số 10 là ông Lào làm tiết canh vịt togo cho cánh Việt Nam. Một người Lào cô đơn trong cái chòi cũ nát ngoài cánh đồng hoang lạnh. Ông nuôi đàn vịt chỉ để phục vụ món tiết canh cho nhóm Việt Nam. Chắc ông cũng không nghĩ gì tới tương lai dân tộc, giống nòi cho phiền não trạng nên ông bình thản ngồi vuốt xếp cẩn thận những đồng đô-la bất hạnh…

Tôi set-up số 11 là ngày sinh nhật của vợ để bảo toàn sinh mạng cho 10 số trên. Ai dè số 11 sau khi enter là nó nhảy phóc lên sau số 1 chứ không chịu đứng sau số 10. Mới biết số 1 là số 1; số 1 kép là 2 số 1 chứ không phải 11. Nhan sắc tỷ lệ nghịch với chỉ số IQ là vậy.

Tôi chuyển qua chơi chữ cái: A, B, C, D… cũng không ổn thỏa vì chỉ có 26 chữ cái thì chả nhằm nhò gì với cái phone list hàng trăm số điện thoại. Ðêm dài lắm mộng nên tưởng mình khôn. Tôi tính tương đương ra số 1 là chữ A đứng đầu, nhưng số 2 cũng lại không thể là B vì số 27 sẽ lại là A, nó lại nhảy phóc lên trước chữ B-số 2. Tôi chọn cách khác là thay số 1 bằng A; số 2 bằng AA; số 3 bằng AAA đứng đầu,… Coi bộ làm ăn khá nên tôi bấm miết. Nhưng cuối cùng nhìn vô cái phone list toàn chữ A – chả biết ai là ai! Chỉ thấy mình đẹp ra – làm lu mờ chỉ số IQ.

Tôi nhớ ông bạn không sợ bị đòn sáng nay có kể một chuyện về phone list sau khi ăn phở, chuyện của ông cũng vô duyên như chuyện cái tô người ta dùng để ăn phở mà ông gọi là cái tô cho chó ăn. Ông không nghĩ gì đến những người ngồi uống trà, nhìn ông ăn như…

ôi dò lại phone list của mình cũng lắm cụm từ tao nhã như: Hoa-Vô-Vi (HoaVoVi) là ông Võ sư VoViNam – Nguyễn Tiến Hóa; Cường-Dương (CuongDuong), thật là đôi lứa xứng đôi với anh Cường có vợ tên Dương; Cao-Ðiên (CaoDien) là anh Cao thợ điện, Chị-Tư-Eden (ChiTuEden), nghe xã hội đen dễ sợ trong khi chị Tú mênh mông thơ văn bên Viginia… Từ Trần là ông Trần Dạ Từ. Tôi nhớ khá lâu rồi, sáng mùng một tết, mở email, thấy có người chúc tết mình, lòng ấm lên niềm vui đầu năm xuân mới… ai dè người chúc là ông Từ Trần! Thật là một cái tên đỡ mất thời gian cho việc chúc tết vì chả ai muốn được ông quan hoài trong những ngày đầu năm mới. Tôi bấm bấm tới ông Hổ, chả biết sao lại họ Ðỗ mà thành hồ đồ (HoDo)…

Có lần tôi reset theo họ đi trước cũng không xong, vì tìm ông Nguyễn Nam Lộc trong phone list thì mệt xỉu với hàng trăm ông Nguyễn. Nhỡ bấm nhầm ông Nguyễn Xuân Nam thì nghe đài CaliToday mệt xỉu. Tôi set tên đi trước cũng không ổn với trùng tên quá nhiều, phần khác tiếng Việt bị Mỹ hóa bởi có người bạn quay phim mà khi nghĩ đến anh ta là nghĩ đến Cường Ðinh. Trong khi ông họa sĩ Ðinh Cường thì bảo vệ chắc chắn cái tên tuổi Ðinh Cường. Chả biết Ðinh Cường không muốn bị nhầm lẫn với Cường Ðinh hay ngược lại mà người Việt ở Mỹ lại thiếu dứt khoát là theo Mỹ hay giữ vững lập trường Việt Nam là họ đi trước, tới chữ lót rồi tên.

Trời đã gần sáng, nếu ở Việt Nam hay ngay Houston thì giờ này đã nghe gà gáy hừng đông. Tôi bấm đến Ông-Nội (OngNoi) thì chịu thua. Sao lại đặt tên cho con là Nội. Thế là hành trình một đời người cam go từ thằng Nội, như lời ông kể: “Hồi nhỏ, bạn bè gọi tao: Ê. Nội Nội. Thì tao trả lời rất tự nhiên: Gì vậy cháu? Thế là chúng nó nói bằng tay. Hồi nhỏ, lúc nào người tao cũng có dấu bầm”. Ðời ông Nội chỉ huy hoàng một khắc ngắn ngủi là thời gù được bà Nội, người duy nhất gọi ông là anh Nội. Nhưng chả mấy chốc lên chú Nội, bác Nội… tới khi được nhân quần gọi là ông Nội thì Sở Xã Hội đã hết tiền già. Muốn làm ông nội người ta đâu có dễ!

Vậy có cần điều chỉnh phone list theo một system nhất định nào đó! Biết rằng trong thời đại điện toán, kỹ thuật số (digital) khống chế thế giới, nhưng triệu người quen có mấy người thân trong phone list mà thay đổi chi cho rõ văn minh-system. Cái giá của system là nó phải delete những con số đã làm nên tên tuổi nó; dù chỉ là những thông số không còn giá trị và bị gọi là rác điện toán. Nhưng tên người bạn đã ra đi, không bao giờ gọi người ấy nữa, nhưng xem tên tuổi họ như rác rưởi thì lại không đủ nhẫn tâm. Tôi dò lại lần cuối cái phone list, không để hệ thống hóa gì nữa mà chỉ để đọc lại tên tuổi những thân hữu đang chờ mình bên kia thế giới, những tên tuổi lớn như Hà Thượng Nhân thì bớt đau lòng vì cụ có cả trăm tuổi mới đi chơi xa. Nhưng (DaoCatCo) là cháu Ðạo làm nghề cắt cỏ chứ có cắt cổ ai đâu, chết trẻ quá, tội nghiệp…

Những tên tuổi không bao giờ gọi nữa trong phone list thế mà nhiều, nhiều hơn mình nghĩ, TriAlcatel, LinhLawoffice, PhiTivi, đến NamAnhHoa thì tôi dừng lại, lòng tưởng nhớ đong đầy ông lính già chuyên cắm hoa nghệ thuật. Ông như hiện về trò chuyện với tôi khi còn sinh tiền, nụ cười thiền của ông như hớp chung ly cà phê sáng nóng hổi. Ông thường đi loanh quanh vườn nhà, dọc theo đường lộ gần nhà, nhặt một cành khô, vài hòn đá, sỏi, khúc củi mục, ngắt mấy bông hoa dại ngoài đường hay bông trồng trong vườn… Sau đó hình thành tác phẩm nghệ thuật mà ông trăn trở đêm qua. Thường là trên đường ông đưa tác phẩm hừng đông đến chùa Ðại Bi dâng Phật thì ông gọi tôi đến chụp hình. Uống cà phê và trò chuyện với ông, với thầy trụ trì hôm thầy rảnh. Tôi thích được nghe ông Nam Anh nói về những bài kinh Phật mà ông lồng trong hoa, lá, cỏ, cây, đá sỏi… Từ một tác phẩm hoa nghệ thuật mà đánh giá ban đầu chỉ chừng vài chục đô-la – trả công cho người cắm vì nguyên vật liệu không giá trị. Nhưng sau khi nghe ông Nam Anh thuyết pháp thì bình hoa dâng Phật đã vô giá với từ bi vô lượng, lòng thành vô biên…

Hóa ra những tên tuổi không bao giờ gọi nữa nhưng không đành lòng dứt bỏ trong phone đã tìm thấy sự hợp lý nhỏ nhoi như bông hồng khô sao không vứt; cây viết khô mực sao cất kỹ trong ngăn kéo; có những hình ảnh đã nhạt nhòa theo thời gian nhưng vẫn chiếm cứ hẳn một hộc tim của người ta… Thôi thì đời ngày gọi người yêu dấu; về đêm gọi cố nhân ơi. Cái phone list nào chả có đủ quá khứ, hiện tại, tương lai như người ta vậy…! Một hôm nào đó, tự dưng cái phone cũng biết disconnect với tất cả. Cái số xã hội thì phải delete trong system chính phủ để kiểm kê lẫn kiểm tiền dân chúng; nhưng số phone không xài lại nhắc nhở tới những người đi qua đời tôi… những người luôn chia sẻ với mình khi đời đang yên giấc mà mình thức trắng mới hay

Phan

 

* Ðã biết bao lần tôi tự nhủ

  Rằng cho tôi chết giữa thâm u

  Cớ sao trăng sáng ngoài kia nhỉ

  Ðể động lòng tôi giữa buổi đêm…

  (Xuân Diệu)

 

* Tôi tính hôm nào rảnh

bắc thang leo lên trời

  ngồi ỉa

 (Bắc Sơn)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email