Một thoáng Phan Rang

Bài – ảnh: Trần Công Nhung

Death Valley là đồi cát nổi tiếng ở Mỹ, nơi các bậc thầy nhiếp ảnh đã săn được những tác phẩm tuyệt vời, những tác phẩm đầy sức quyến rũ người chơi ảnh. Chơi ảnh, ai cũng mong đến đó một lần. Hồi còn điều hành hội ảnh South Bay (PASB), tôi đã dẫn anh em hội viên đến Death Valley. Điều ngạc nhiên là phòng ngủ ở đây lúc nào cũng hết sạch, phải lấy trước cả tháng, tưởng như dân ảnh ở nước Mỹ lúc nào cũng đổ xô về để sáng tác. Thực tế ngược lại, toàn “du khách bình dân”. Cả gia đình lớn bé đi xem đồi cát chứ không phải tìm tác phẩm. Việt Nam trước đây có đồi cát Mũi Né cũng nổi tiếng, nhưng chỉ giới chơi ảnh biết, thường dân không mấy ai đi chơi nơi gió cát hoang vắng. Bây giờ Mũi Né đã biến thành điểm khai thác về du lịch nên nhan sắc Mũi Né không còn mặn mà tươi tắn như mấy mươi năm trước đây. Trong lần về thăm quê nhà vừa qua (2-2002) tôi được may mắn biết thêm đồi cát thứ hai của Việt Nam, đồi Nam Cương, cách thị xã Phan Rang về hướng Đông chừng 5km.

Phan Rang không nổi tiếng về du lịch nhưng có nhiều đề tài cho dân chơi ảnh. Gặp lại người bạn ảnh trẻ năm xưa, tôi phác họa chương trình đi Phan Rang. Phương tiện hay nhất là xe gắn máy. Ngày trước, xe gắn máy chỉ 50 phân khối như Fips, Gobel chạy yếu xìu, bây giờ thì Dream, 100 phân khối, chạy còn nhanh hơn xe đò… Chúng tôi khởi hành sáng thứ bảy hôm sau.

Con đường từ Nha Trang đi Diên Khánh nay đã mở rộng, đường chạy hai chiều, giữa có bồn cây. Nhà cửa nhiều chỗ đã lầu hai lầu ba, che khuất hầu hết những những cánh đồng nho nhỏ mà trước đây khách đi đường có thể nhìn thấy mãi tận chân núi hoặc làng mạc ngoài xa.
Từ ngã ba Thành đi vào, một hình ảnh rất lạ với trước đây: Quán Bánh Ướt. Nối tiếp nhau có đến mấy chục quán dọc lề đường bên phải, y như những quán Bánh Dầy bên đường ga Thường Tín Nam Định. Bây giờ người ta có khuynh hướng buôn bán theo từng khu mà không sợ dành khách nhau. Danh từ “Làng” trong ăn nhậu nghe khắp nơi. Quanh thành Phố Nha Trang tập trung nhiều “Làng”, Làng Nướng Nam Bộ từ Mã Vòng lên Cầu Dứa, Làng Lẩu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hàm Nghi) chạy từ cuối đường Trần Nhật Duật đến Nguyễn Thiện Thuật. Tập trung như vậy dễ cho thực khách chọn lựa.

Vào đến cầu Du Long, gặp một đàn dê đang di chuyển dưới lòng sông khô nước, chúng tôi dừng lại bấm vài tấm lấy đà. Tôi nhờ hai người chăn, lùa dê ngược trở lại để có góc ảnh lạ. Chuyện nhờ vả như thế không khó khăn gì đối với dân quê. Thành phố thì phải thật khéo và nhạy bén, nếu không, chẳng những hỏng việc mà đôi khi còn bị bốp chát ê cả người. Hôm ghé Huế, tôi thơ thẩn bên dòng Hương Giang, muốn tìm một vài nét minh họa cho truyện Mùa Nước Lũ thì gặp hai cô bé có nét hay hay. Tôi mừng đã tìm được hình ảnh của Thúy Anh (trong truyện) nhưng vừa chào hỏi đã bị chất vấn: “Chú là ai, quê quán ở đâu, nghề nghiệp?”. Nếu cung khai theo kiểu lý lịch thì chắc sẽ không được gì. Tôi đã trả lời bằng cách quanh co sao đó, làm cho hai cô bé cười có vẻ thích thú. Chuyện làm mẫu trở nên dễ dàng như người nhà. Chẳng thù lao công cán gì, nhưng phải nợ ảnh, nợ thư, nghĩa là cũng mất thì giờ…

Nhẩn nha vào đến xã Bà Râu trời đã gần trưa. Đây là một làng của người Chăm, đời sống có phần “Kinh hóa”, nhà cửa xây cất theo kiểu gạch ngói, hàng rào chà rang (cây nhỏ như ngón tay, dài, cứng chắc, dùng làm hàng rào, phên vách), dáng vẻ nghèo nàn.

Vào thăm từng nhà mới thấy đời sống họ thiếu thốn như thế nào. Đàn ông đàn bà ngồi hút thuốc trước thềm, mấy con bò đứng nhai rơm khô trước sân, một thằng bé ở trần đang đổ nước cho bò uống…con cho vện nằm bên cạnh. Đất đai khô cằn, cảnh thật tiêu sơ tĩnh mịch.

Để có hình ảnh ưng ý cũng phải sắp xếp đôi chút, chẳng hạn một cháu trai cởi trần ngồi bên ông già làng. Phải hứa cho tiền thì việc mới mau chóng. Có một bà Chăm hơi quá quắt. Nhờ bà ngồi trước hiên làm mẫu, hứa cho 5 nghìn đồng, chụp xong, bà ta đòi 10 nghìn. “Người 5 ngàn, nhà 5 ngàn”. Nhà cũng có tiền công. Tôi không phản đối mà chỉ quay lui ảnh trong máy digital cho bà Chăm xem. Bà tìm không thấy nhà nên đành chịu im…Nói thế thôi, tôi vẫn đưa cho bà 10 nghìn.

Người Chăm, không mấy ai có khuôn mặt sáng sủa, đẹp như dân miền Tây Bắc. Nhìn chung chung, người Chăm hiền, chậm chạp, khắc khổ, dường như họ luôn luôn an phận với cuộc sống của mình.
Trời mới tháng ba mà đã nắng như ngày hè tháng sáu, đồng khô cỏ cháy, có những vùng đất khô nứt thành từng ô đều đặn nhìn khá hay. Tôi vác máy ảnh đi ruồng trong các hẻm cát, hẹp tí, quanh co từ xóm này qua xóm kia mà không nghe tiếng cười nói, tiếng radio, cả tiếng chim trời cũng vắng. Đời sống như ngưng đọng, tôi không nghĩ giữa thời đại văn minh ngày nay mà có nơi con người vẫn còn cuộc sống như vậy. Cứ theo vị trí địa lý thì xã Bà Râu không xa thành phố Phan Rang bao nhiêu nhưng đời sống thì tách biệt hẳn, cơ hồ như đây là thế giới riêng, “Thế giới người mù”.

Vào đến Phan Rang chúng tôi tìm gặp anh Đinh Duy Bê, một tay ảnh địa phương, để có thêm một vài thông tin. Gặp chúng tôi anh hoan hỉ tiếp, nhưng qua chén trà anh tỏ vẻ ngại ngùng:
– Mỗi khi có anh em nhiếp ảnh ở ngoài về tụi tui rất mừng và sẵn sàng giúp đỡ nhưng luôn luôn có người thêu dệt nọ kia. Trước đây anh LVK về, cho tôi cái áo, cũng gây ra chuyện xầm xì trong làng ảnh, trong chính quyền…
Tôi nhìn lên vách, bên cạnh những tác phẩm nhiếp ảnh có những bằng tước hiệu của một vài hội ảnh người Việt hải ngoại. Anh Bê như được nhắc, nói tiếp:

– Mình chơi nghệ thuật, quí nhau qua nghệ thuật chứ chẳng có gì ăn thua nhau, vậy mà một vài huy chương hay bằng cấp cũng tạo ra phiền hà. Có một điều tôi không hiểu là các tổ chức Nhiếp Ảnh ở hải ngoại cũng không ưa nhau, tôi nhận tước hiệu của hội này thì hội kia không vui…
Tôi chia xẻ nỗi khô tâm với anh:
– Điều anh nói, chính tôi đã từng là nạn nhân… Sống mà lúc nào cũng chống đỡ che chắn thì còn gì là lý thú. Nhưng người xưa có nói “Cây ngay không sợ chết đứng”. Mình cứ ngay đường mà đi thì rồi đâu sẽ vào đó…Nếu không vững tâm, theo tôi, trong cuộc sống này, lúc nào mình cũng nớm nớp nhìn thước ngó sau. Và, bất cứ lúc nào cũng có thể vướng tai bay vạ gió.

Anh Bê trầm ngâm một lúc rồi vui vẻ phác họa:
– Chiều nay đi Tri Thủy, sáng mai đi đồi Nam Cương, chiều mai chụp gốm.
Một lịch trình thật hấp dẫn. Chúng tôi đi kiếm phòng nghỉ trưa, 2 giờ đi Tri Thủy.
Tri Thủy là một làng chài, có những chiếc thuyền lưới cá nhỏ xíu chỉ dành cho 1 người. Đúng là “bé tẻo teo” như thuyền câu trong “Ao Thu” của cụ Nguyễn Khuyến. Một ông già mình trần, da đen cháy, đội chiếc nón lá đang buông từng khúc luới trắng ngà. Tôi men theo bờ sông tìm những góc cạnh lạ. Thực ra, đứng chỗ nào cũng thấy hay, ở Mỹ làm gì có được cảnh sông nước như vầy.
Trần Công Nhung

Tin sách
Sách Quê hương qua ống kính bộ 16 tập (discount 50% 10 tập đầu). Xin liên lạc tác giả: email:trannhungcong46@gmail.com,
(816)988-5040 hoặc add:
1209 SW. Hopi St.
Blue Springs, MO. 64015 (USA)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email