Một vòng Phú Quốc

Bài – ảnh: Trần Công Nhung

Quán cơm ngay đầu ngã ba gần khách sạn Ngọc Dung, đông thực khách. Vẫn cái lối ăn uống ồn ào, nổ khăn bôm bốp (1). Bàn bên kia có một nhóm, tướng mạo “cán bộ”, anh nào cũng oang oang khoe công tác của mình. Cơm ăn rất được tuy có đắt hơn trong đất liền một chút. Trong khi dùng bữa, tôi bàn với Dũng chương trình ngày mai: Uống cà phê trên lầu khách sạn Bảo Vi, sau đó đi Ðập Ðá Bàn.
Sáng hôm sau tôi xuống bãi biển, ngắm lại Dinh Cậu. Buổi sáng cảnh tươi mát, sắc nét và đẹp hơn nhưng không mấy người tắm, biển vắng, từng lớp sóng bạc đầu đuổi nhau chạy vào bờ trông thật đẹp. Có hai thiếu nữ áo trắng đang thả bộ trên bãi. Biển Nha Trang không mấy khi có sóng lớp lớp như vầy. Trở lại khách sạn, Dũng đã chờ sẵn đón tôi đi Bảo Vi.

Khách sạn Bảo Vi nằm trên đường Dương Ðông, 4 tầng, thuộc loại Sao lớn nhất của Phú Quốc. Thang máy tối tân, rộng, trang nhã. Từ tầng nhà hàng nhìn xuống con sông Dương Ðông bé tí ngoằn ngoèo qua đồi núi cây cối xanh um, nhà cửa chạy dọc hai bờ, không có dấu hiệu gì của đời sống công nghệ, mọi thứ như trôi chảy theo dòng sông êm đềm. Tôi mãi mê đứng ngoài lan can chụp ảnh, một lúc lâu mới sực nhớ vào bàn gọi cà phê.

Vừa thưởng thức cà phê, tôi vừa hỏi chuyện cô chạy bàn:
– Khách sạn chắc mới khai trương?
– Dạ, mới hôm tháng 5 năm rồi.
– Giá phòng thế nào hả cháu?
– Dạ, có hạng: 25 – 35 – 45 đô.
– Cháu là người ở Phú Quốc?
– Dạ cháu sinh ở đây.
– Cháu có biết về sự tích Dinh Cậu không?
– Dạ nghe nói Dinh Cậu rất linh, ngư dân thường cúng trước khi đi biển. Ngày trước có con cọp đá ngồi nhìn ra biển, người ta đồn con cọp làm cho nhiều thuyền bè bị chìm nên đã bị đập bỏ.
– Còn Dương Ðông?
Cô gái nhìn tôi cười, có lẽ tôi hỏi hơi nhiều.
– Dạ, cháu nghe nói ngày xưa đây là làng có cây Dương mọc như rừng, vì ở phía Ðông của đảo nên gọi Dương Ðông.
– Lại tương tự như hồ ở phía đông nên có Ðông Hồ.
Cô gái trả lời xong quay lại quầy, tôi hỏi một nam tiếp tân:
– Ngoài những nơi quanh đây còn chỗ nào có thể “tham quan”?
– Dạ, chú đi Suối tranh, Hang Tiền.
– Hang Tiền ở đâu và sao lại gọi Hang Tiền?
– Dạ, Hang Tiền ở mũi Ông Ðội, trên An Thới, đây là di tích lịch sử. Ngưới ta nói ngày xưa vua Gia Long thua trận chạy ra Phú Quốc, vào hang nổi giận, cắm kiếm xuống đá, nước ngọt tự nhiên phun lên. Mỗi lần múc được mộ bát, múc xong nước lại có.
Hỏi kỹ đi Hang Tiền không phải dễ, thuê thuyền, leo vào hang, tôi nói xe đi những điểm lân cận, 2 giờ ra sân bay về Sài Gòn.

Cà phê Bảo Vi 10 nghìn một ly, bằng giá cà phê bờ hồ Hà Nội. Nhiều nơi mở hàng ăn uống nhưng thực tế là bán chỗ hẹn hò hay nơi ngắm cảnh đẹp. Hà Nội có City View phố Cầu Gỗ, cà phê quá tệ, nhất là Highland Coffee ở tầng 3 thì không khác gì bồ hòn, đắng khủng khiếp. Chỉ được cái, nhìn xuống hồ Gươm thì không đâu đẹp bằng, nhất là những buổi sớm sương mù.
Qua vài đường trong thị trấn, cảnh vắng lặng, ít xe, ít người. Tôi hỏi Dũng:
– Phú Quốc sao buồn dữ?
– Chú muốn vui thì thiếu gì.
– Vui là sao?
– Là gặp mấy cô đẹp thì vui.
– Mà có thấy cô nào đâu?
– Em chở đi.

Xe đưa tôi qua nhiều quán nước nhiều hàng cà phê, chỗ nào cũng vắng tanh. Ðến mỗi nơi, tôi đợi ngoài đường, người hướng dẫn vào nhỏ to với chủ quán mấy câu lại quay ra lắc đầu.
– Hình như chỗ nào em cũng quen?
– Dạ, Dũng Ðầu Ðinh mà chú. Tới Phú Quốc, hỏi Dũng Ðầu Ðinh ai cũng biết.
À cậu này là thổ địa, nghe tên có vẻ “đầu gấu” nhưng người thì hiền, vui tính, chỉ mất thì giờ cà rong. Dũng đưa tôi đến một khu nhà tôn lụp xụp tối tăm.
– Trong này có con nhỏ đẹp lắm chú. Ðợi em vào hỏi.
Dũng trở ra, nói nhỏ vào tai tôi: “Nó mới ra chợ, chú vô ngồi chờ chút”.
– Thôi không cần lắm, chú chỉ muốn có thì thuê một hai tiếng đi làm mẫu chụp hình chơi, mình đi.
Dũng năn nỉ: “Không lâu đâu, con nhỏ này số một đó chú”. Tôi nể lời vào ngồi đợi. Một dãy nhà tôn thấp lè lè, ngăn từng phòng hẹp vừa kê chiếc giường con, đồ đạc không có gì ngoài cái rương gỗ, chiếc quạt máy cũ rích. Không khí ẩm nóng hầm hầm, trước mắt tôi hiện rõ cuộc sống quá cơ cực của các cô gái giang hồ. Sống trong tăm tối, thiếu thốn, mà ra đường thì cô nào cũng sáng như gương. Chỉ mấy phút, tôi giục anh xe đi.

– Cả cái trại này là dành cho các cô làm nghề thuê?
– Dạ, chớ ai vô đây ở chú.
– Như vậy gái ở xa đến hả?
– Dạ, Hà Tiên Rạch Giá ra, nhỏ nhỏ không hà.
– Một giường như vậy bao nhiêu mỗi tháng?
– Dạ, 200 (nghìn đồng).
– Mà Phú Quốc dân không đông, họ làm nghề với ai?
– Dạ, dân dưới ghe lên và khách xa đến. Dân ghe giờ chơi dữ lắm. Trúng cá có tiền, nhậu với gái chớ làm gì chú. Giờ mình vô xóm Ðông chú.
Xóm Ðông nhà cửa thưa thớt, chỗ thấp chỗ cao theo đất đồi.
– Trong xóm Ðông cũng có nhiều cô được lắm.

Tôi cười thầm: “Cậu này nhiệt tình thật”, cứ sợ tôi không vui nên tìm mọi cách kéo tôi đi. Bỗng xe chạy chậm lại, Dũng nói nhỏ: “Chú coi có con nào được không nghe”. Bốn cô gái tuổi 18 đôi muơi, áo quần đủ màu, khoác tay nhau đi, cười đùa vui vẻ. Tôi ra dấu cho xe cứ chạy, ngang qua một quán nước, chúng tôi ghé vào, lúc các cô đến nơi thì như một trận cuồng phong ập tới. Bọn họ tự nhiên mời mọc như mời người quen lâu ngày:
– Chà lâu dữ
– Sao, anh chọn đứa nào?
– Hay cho tụi em cùng đi chơi với anh.
Chẳng hiểu các cô hỏi đáp với ai, tôi đã đến đây bao giờ đâu mà lâu với mau. Tuy có cố gắng trau tria nhưng cô nào cũng dư bề ngang, thiếu bề dài. Mẫu mã thế này thì ăn ai. Các cô a vào ngồi chung bàn, tôi mời mỗi cô một lon nước ngọt, cô nào cũng đòi uống “Bò Úc”, tôi trả tiền rồi tìm cách tháo lui: “Các cô uống nước, tôi chạy quanh một lúc rồi trở lui”, họ kêu ơi ới: “nhớ nhen, tụi em chờ”. Ra đường tôi cằn nhằn:

– Chạy lẹ, ông cứ đưa tôi tới chỗ rắc rối. Chẳng được việc gì, toàn vịt cổ lùn.
Dũng cười hì hì:
– Ðến con nhỏ hớt tóc đằng này, chú thích ngay. Cao ráo trắng trẻo.
– Thôi, không trắng đen gì nữa, đi đập Ðá Bàn.
Ðập không xa thị trấn, đường đất đỏ, lầy lội rất khó đi. Nhà dân thưa thớt, mà gần như nhà nào cũng bán quán. Dũng chỉ cho tôi mấy quán cà phê, bia ôm, lại muốn đưa tôi vào. Lên đập nước, cảnh chẳng có gì, Dũng bảo lên suối có nhiều du khách, song hỏi ra, leo trèo cả cây số để xem suối thì chẳng bỏ công. Quay về, Dũng lại ghé vào một quán bên đường, quán nhà quê sơ sài, nhưng đằng sau có vườn rộng, có chòi tranh thoáng mát cho khách nhâm nhi. Dừng chân một lúc cũng nên, mấy cô tiếp viên hiền lành ít nói không nhanh nhẩu như các cô lúc sáng. Dũng dẫn tôi ra sau rồi vào quán uống cà phê.

Tôi hỏi một một dĩa trái cây, còn bia thì dành cho tiếp viên. Lại tâm tình kiểu qua đường, cô gái thấy tôi không uống được bia nên cố uống, chưa hết một lon mặt đã đỏ bừng. Lối làm ăn theo sản phẩm, nghĩa là mời khách uống càng nhiều càng có huê hồng cao. Khách không uống, tiếp viên phải uống. Tôi trấn an: “Uống vừa thôi, tôi sẽ bù cho không sao”. Tôi ăn mấy múi cam cho có lệ rồi lấy máy ra tìm đôi nét chân dung đồng quê. Cô gái có đôi tuyết lê tuyệt đẹp. Gương mặt hiền, da ngăm đen, tóc xõa, nhìn nghiêng thử xem có cái gì ẩn khuất chăng. Một lúc lâu, tôi đành buông, có lẽ người mẫu dành cho hội họa hơn là nhiếp ảnh. Có những lúc bất chợt, chỉ trong khoảnh khắc mà lại hay, như trường hợp cô gái tên Trâm ngồi xếp lá bên đường ở Cái Bè mấy năm trước, tôi không phải vất vả tìm kiếm, không phải nặn óc suy nghĩ, vẻ đẹp và nghệ thuật quyện vào nhau hiện ngay trước mặt. Những trường hợp như thế tha hồ bấm máy. Chuyện săn bắn may rủi có khi.

Mấy tiếng đồng hồ chạy cùng khắp Phú Quốc, Phú Quốc đang trong thời kỳ xây dựng mọi sinh hoạt, chưa hình thành được gì gọi là qui mô. Tất cả còn trong tiềm ẩn. Ðiều rõ nét là Phú Quốc hiền lành, không bát nháo như nhiều nơi khác.

Hai giờ Dũng đưa tôi ra phi trường và chia tay trong bịn rịn. Tôi bảo lần sau sẽ ở lâu hơn. Dũng vui ra mặt, đưa cho tôi số phone và hăm hở dặn: “Chú nhớ gọi Dũng, hứa chú lần sau có nhiều mục vui”.
Trần Công Nhung
______________________________
(1) Bây giờ loại khăn lạnh bỏ bao nylong phồng hơi, mỗi khi dùng vỗ mạnh, nổ bốp, thời gian sau phát hiện hơi trong bịt đựng khăn là hơi do côn nhân thổi vào (ổ trùng lao), không ai còn dám dùng nữa.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email